Có tuổi 20 thành sóng nước

Thứ Bảy, 16/07/2005, 07:05

Phải nói rằng, trên mảnh đất hình chữ S này, chưa một nơi nào đất được giữ bằng một cái giá đắt như nơi đây, và chưa một dòng sông nào nước lại chứa nhiều máu như dòng Thạch Hãn.

Sông Thạch Hãn ôm lấy Đông Hà, thị xã nhỏ bé chưa đầy 2km2, nơi mà trong 81 ngày đêm, Mỹ - Ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7/1972, chúng xả vào Thành cổ hơn 5.000 quả đại bác. Một mùa hè đỏ lửa đã biến Thành cổ Quảng Trị thành một đài tưởng niệm bất tử và vĩnh hằng về khát vọng hòa bình, độc lập thống nhất, bằng tim và chí của những người lính trẻ. Có người ví Thành cổ Quảng Trị là Cov-entry của nước Anh, là Bologne của Italia, đã viết nên những dòng sử bằng máu của một thời trai trẻ suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Và cũng hơn 33 năm nay, mùa hè Thành cổ trở thành một nỗi ám ảnh không chỉ với những người đã vào sinh ra tử suốt 81 ngày đêm ấy. Ký ức dường như được gọi về khi những cánh phượng đã bắt đầu thắp lửa trên các con đường nhỏ xanh lá non ở thị xã Đông Hà. Nhiều người còn bảo rằng hoa phượng nơi đây đỏ hơn hoa phượng ở bất cứ một địa danh nào khác trên đất nước này, cũng như họ nghi ngờ về sự trong veo của nước dòng Thạch Hãn.

Ông Lê Văn Lâm ngước mắt nhìn trời, ông bảo, giá như ông gào lên được, hay nức nở được ở cái tuổi 84. 33 năm, bao nhiêu cuộc kiếm tìm bên dòng sông này, lòng người cha ấy chưa một phút thanh thản vì Lê Văn Ninh, người con trai yêu quý của ông không biết giờ ở đâu giữa khô khốc cát trắng và cỏ tranh suốt chiều dài Quảng Trị hay giữa bời bời sóng gió Thạch Hãn...

Ninh là sinh viên Khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa, như bao chàng trai khác thời bấy giờ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên vào chiến trường tháng 9/1971. Mấy ngày trước khi Ninh nhập ngũ, ông Lâm không ngủ được, bao tâm sự dồn nén nhưng không thể nói cùng con, bởi ông sợ con sẽ không vui. Trước khi lên xe, Ninh và các bạn của mình tự tin một cách kỳ lạ, và từ khi chiếc xe chuyển bánh, ông Lâm dõi theo từng bước đi của con.

Là một phóng viên của TTXVN, ngày nào ông cũng tìm trên từng trang báo mong nhìn thấy con mình. Tháng 11/1972, TTXVN nhận một loạt phim gửi ra từ chiến trường Quảng Trị, khi tráng phim, anh em kỹ thuật kêu lên: "Ninh, con trai của ông Lâm đây rồi". Ông tức tốc chạy đến bên bàn xem kỹ bức ảnh và đọc thuộc dòng chú thích: "Lê Ninh, quản lý Phân đội 4 khu giải phóng, chiến đấu dũng cảm diệt 45 tên lính thủy đánh bộ, một mình giữ vững mũi chốt phía Đông Bắc Thành cổ Quảng Trị". Đó là bức ảnh Ninh cầm chắc khẩu B41 tì lên công sự bên Thành cổ, hướng nòng súng về phía địch một cách chăm chú, có chút căng thẳng nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh của một dũng sĩ chốt Thành cổ.

Sau 4 tháng vào chiến trường, gia đình nhận được 11 lá thư của Ninh. Lá thư cuối cùng đề ngày 15/7/1972 và qua tháng 8 rồi tháng 9, gia đình không nhận được thư anh cho đến ngày Quảng Trị giải phóng.

Ngày 18/11/1973, ông Lâm và một số đồng nghiệp có chuyến công tác Quảng Trị. Ông ghé qua cầu Hiền Lương và vào những vùng giải phóng như Gio Linh, Cam Lộ, qua Đông Hà, Cửa Việt đến Triệu Phong… ông trèo lên đỉnh tháp cao của thị xã Đông Hà, phóng tầm mắt nhìn xa những cánh đồng còn chi chít vết thương bom đạn kia mong tìm một chút hy vọng về đơn vị của con mình. Ông vào những nhà dân có bộ đội ở, gặp những anh em bộ đội dọc đường hỏi từng người một, nhưng không ai hay.

Cho đến một ngày, Lưu Quang Thái, một bạn học cùng Trường Đại học Bách khoa với Ninh đã không giấu được sự thật khi viết thư gửi cho bố bạn: "Từ tháng 9 đến nay, cháu nhận được nhiều thư của gia đình bác gửi vào cho Ninh nhưng cháu không dám viết thư trả lời vì sợ làm đau lòng hai bác. Nhưng đến hôm nay 27/3/1973, nhận được lá thư bác gửi cho Ninh từ 18/2, cháu gạt nước mắt báo tin cho bác, đồng chí Ninh đã hy sinh anh dũng ngày 2/9/1972 trong cuộc đọ sức giành bằng được cầu sắt Thạch Hãn của ta… Chúng cháu đã mai táng đồng chí gần ngã ba Đống Đá trong Thành cổ".

Năm 1974, gia đình ông mới nhận được giấy báo tử, và cũng từ đó, năm nào ông cũng vào Quảng Trị tìm mộ con. Ông lần hỏi tất cả các đầu mối của chuyến đi ngày ấy, nhưng ông không gặp được bất kỳ ai học cùng lớp với con mình cùng lên đường ngày ấy, và cũng không biết ai còn ai mất nữa. Những năm sau, ông lại tiếp tục lên đường, hết cát trắng Hải Lăng đến Gio Linh, Cam Lộ, hết Thành cổ đầy chiến tích đến cầu Sắt Thạch Hãn. Dấu chân ông nhẵn lối hai bờ Thạch Hãn, hỏi từng nhà dân trong quá trình đào móng xây nhà nhưng vẫn không có tin tức gì. Ông hỏi sông, để giá như có được một giấc mơ, nhưng câu trả lời là những ngày hè nối tiếp nhau nhìn nước sông trong vắt với những con sóng lững lờ nổi lên những chùm hoa trắng của hòa bình tặng chiến tranh, của phút yên lặng tưởng niệm những ngày dài bom lửa.--PageBreak--

Ở cái tuổi đáng được hưởng sự bình yên cho phần đời còn lại, nhưng tâm hồn ông vẫn đau đáu về dòng sông ấy, miền đất ấy, miền đất mà con ông và những bạn bè cùng trang lứa không ngại ngần bỏ lại danh vọng, tương lai và tuổi 20 với nụ cười chưa nhuốm buồn đi trả nợ đời. Ông muốn rời Hà Nội vào Thành cổ mua một căn nhà nhỏ để ngày ngày đến bên sông Thạch Hãn đi tìm con cho đến cuối đời, sống với những kỷ niệm về con…

Dường như tất cả ông còn giữ rất kỹ: hồ sơ, học bạ, bằng cấp, sổ ghi chép, sổ điểm 2 kỳ học năm thứ nhất tại Trường Đại học Bách khoa với những con điểm đầy hứa hẹn, những bức ảnh, các lá thư gửi về từ chiến trường hay những chiếc áo cũ vẫn còn mùi mồ hôi của con mà 34 năm qua ông không dám giặt một lần. Và nữa, chiếc khăn của đoàn trường tặng con trai ông với dòng chữ: Ra đi giữ trọn lời thề, đánh tan giặc Mỹ lại về Bách khoa… Để rồi, tiếng súng im mà giảng đường vẫn vắng, và 33 năm qua, những ai đã điểm danh những sinh viên ưu tú như Ninh, hay chỉ là dòng Thạch Hãn trong veo bằng những lớp sóng nọ đè lên lớp sóng kia và mang ra biển những gì không thuộc về nó?

Ông Lâm thả xuống dòng Thạch Hãn một chùm hoa trắng, những bông hoa tinh khôi vô định trên dòng sông lặng lẽ gợi lại với bao người hình ảnh một người mẹ từng thả hoa dâm bụt xuống ao nhà trong câu chuyện đầy xúc động của nhà báo Lê Bá Dương, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 27 của Mặt trận B5, quê ở Nghệ An.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng Chạp năm 1968, trong một chuyến công tác đặc biệt, anh được nghỉ một tuần phép, quyết định ghé thăm người mẹ của đồng chí Nguyễn Hoàng Quế, một người bạn học và là đồng đội của anh vừa hy sinh trong trận đọ sức quyết liệt tại khu vực Gio An, huyện Gio Linh. Một tiểu đoàn có tên "Nghệ An Đỏ" của Trung đoàn 27 phải đối chọi với 4 thiết đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn lính Mỹ, không cân xứng lực lượng nhưng bằng sự quả cảm, "Nghệ An Đỏ" đã chiến thắng. 32 người lính đã ngã xuống thì có 16 chiến sĩ hy sinh tại cao điểm 16, trong đó có đồng chí Quế, đã bị địch dùng xăng đặc thiêu cháy trước khi chúng rút quân về phía Cồn Tiên.

Người mẹ trong nỗi đau mất con vẫn một lòng nghĩ đến ngày toàn thắng. "Mẹ biết, đầu đường tên mũi đạn, không thằng Quế của mẹ thì cũng là người khác. Nhưng không biết mẹ có còn sống đến ngày toàn thắng mà đi tìm Quế về!". Mẹ thả xuống mặt ao một nhành dâm bụt: "Nhờ nước, nhờ sông, mẹ gửi con chút hương hoa. Con ở xa cố nhận cho mẹ yên lòng, Quế nhé!".

Hình ảnh nhành hoa đỏ đã theo Lê Bá Dương đi đến phút cuối của cuộc chiến. Năm 1975, sau ngày toàn thắng, Lê Bá Dương trở về quê thăm lại người mẹ đồng đội và biết tin người mẹ ấy đã không chờ được đến ngày trọng đại của lịch sử dân tộc sau một cơn bạo bệnh, mặt ao nhà vẫn còn những bông dâm bụt đỏ đã ngả màu...

Lê Bá Dương về lại Quảng Trị từ năm 1976 với một cõi lòng trĩu nặng mà ở đó không chỉ là khói lửa cuồn cuộn của cao điểm 16 năm nào, không chỉ có đêm Cam Lộ tiếng súng xé trời hay tất cả những gương mặt, những con người đã không ngần ngại dâng hiến trái tim của những tuổi hai mươi đang dào dạt máu, mà còn đó là những người mẹ, người chị, người vợ đang giấu trong mình những chùm hoa đỏ hoe thương nhớ... Đồng cảm với suy nghĩ của mẹ bạn, anh thả nhành dâm bụt xuống dòng Bến Hải nhờ sóng nước mang đi. Hành trình của những bông dâm bụt cứ thế hết mùa hè này qua mùa hè khác, hết dòng sông này qua dòng sông khác, từ Bến Hải, sông Hiếu đến Ô Lâu...

Cho tới năm 1981, anh mới bắt đầu chọn sông Thạch Hãn là dòng sông viếng hoa đồng đội. Những chùm hoa của muôn sông suối Quảng Trị qua một hành trình, cuối cùng đã hội tụ về dòng sông của tuổi hai mươi này. Cũng từ đó, Thạch Hãn trở thành sông của lễ hội hoa mùa hè, và những ai đã một lần đến đây, hẳn sẽ khó quên những câu thơ của chính người lính Lê Bá Dương viết cho đồng đội hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Thành cổ:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

Mùa hè năm nay, Lê Bá Dương cũng về Thạch Hãn thả hoa dù anh rất bận bịu với công việc làm báo ở thành phố Nha Trang. Qua dòng sông hoa, anh muốn tìm lại một số đồng chí cũ, mong muốn gặp lại đồng chí, đồng đội hay những người đã hằn sâu vào ký ức của anh trong cuộc chiến hơn 30 năm về trước. Đó là một đêm tháng 5/1972, ở xã Hải Hòa, dầm trong bom đạn nhưng bà con cô bác vẫn kiên trì giành lại từng tấc đất quê hương với người du kích trong khi bị thương nặng vẫn dũng cảm dẫn đường cho bộ đội vượt sông tới địa bàn tác chiến để rồi chìm xuống sông vĩnh viễn khi chưa kịp để lại dòng tên và địa chỉ. Đó là các đồng chí đơn vị cũ của anh trên cao điểm 333 Cam Lộ, trong một trận B52 năm 1969, 60 đồng chí chỉ còn lại 7, một đồng chí nữa sau đó căng thẳng quá bị đứt mạch máu não mà chết, nên còn 6. Rồi cứ thế, có những người chưa kịp nhớ tên, nhớ mặt đã hy sinh. Những gương mặt, những con người ấy bây giờ đã đi đâu, về đâu trong muôn nẻo đường của cát bụi, hay họ vẫn đi giữa đời thường lặng lẽ mà không biết tới một dòng sông ký ức lấp lánh hoa mỗi khi hè đến?

Bên dòng hoa Thạch Hãn, Lê Bá Dương chỉ nghĩ mình đang cùng năm tháng, sông núi và những người lính còn sống trở về tấu lên khúc ca bi hùng với đồng đội mình, nói hộ nỗi lòng của những người thân ở lại, như là mẹ đồng chí Quế hay bố đồng chí Ninh - những nỗi lòng còn đọng cuộc chiến tranh từ 33 năm trước nhưng chưa hề kết thúc…

Hoàng Nguyên Vũ

.
.
.