Có một cõi thiêng giữa lòng Vĩnh Linh

Thứ Sáu, 31/12/2004, 07:37

Với gần 6.000 anh hùng liệt sĩ của 41 tỉnh, thành phố đang yên nghỉ nơi đây, nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Linh thành nơi gửi gắm ân tình của những người mẹ, người cha, người vợ chờ chồng, chờ con đằng đẵng mấy chục năm ròng.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Bình Trị Thiên là một trong hàng chục thị trấn, thị xã của miền Bắc XHCN bị hủy diệt hoang tàn. Sừng sững hiên ngang trước sự tàn phá khốc liệt đó là Đài Anh hùng, tọa lạc trên một quả đồi cao giữa lòng Vĩnh Linh lũy thép như một sự cao quý vĩnh hằng.

Sự tích Đài Anh hùng

Được khởi công xây dựng ngày 28/4/1958, Đài Anh hùng được Bác Tôn Đức Thắng (lúc đó là Phó Chủ tịch nước) cắt băng khánh thành vào ngày 27/7/1958. Những tấm bia ghi danh, ghi công tích của các anh hùng liệt sỹ trong chiến tranh đã bị bom đạn cày xới, làm mờ nhưng nay trở thành truyền thuyết không bao giờ phai mờ trong tâm thức của bao thế hệ người dân Vĩnh Linh và của cả những ai dù chỉ một lần đặt chân đến vùng đất này. Sự vững vàng hiên ngang trong lửa đạn của Đài Anh hùng là biểu tượng của chính nghĩa và niềm tin chiến thắng, để những người con của Vĩnh Linh lũy thép dù sống và chiến đấu trong lòng địa đạo Vịnh Mốc hay giới tuyến Hiền Lương... đều hướng về với niềm tin và lời thề quyết tử.

Theo lời những cựu chiến binh kể lại, ngày đó, những đơn vị bộ đội vào Nam thường ghé lại Vĩnh Linh. Và như thành thông lệ, một nghi lễ trang trọng được tổ chức cho những đoàn quân Nam tiến thời bấy giờ, đó là lễ tuyên thệ trước Đài Anh hùng.

Đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, người dân Vĩnh Linh vẫn giữ cái thông lệ đã trở thành tâm thức ấy. Trong những ngày vui trọng đại của dân tộc, không bao giờ thiếu những buổi lễ tưởng niệm thành kính và thiêng liêng tại Đài Anh hùng. Và có lẽ chính những ân nặng nghĩa dày ấy mà năm 1983, chính quyền huyện Vĩnh Linh đã quyết định chọn Đài Anh hùng làm nghĩa trang quy tập mộ liệt sĩ.

Với diện tích 6 hecta, Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Linh là nghĩa trang lớn thứ ba ở Quảng Trị sau Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang quốc gia Đường 9.

Sau ba năm triển khai xây dựng, gần 6.000 liệt sỹ, trong đó có các liệt sỹ là Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Mỹ của 41 tỉnh, thành phố từ Nam tới Bắc đã về đây yên nghỉ. Đài Anh hùng được trùng tu, những tấm bia ghi công tích mang đầy vết bom đạn nham nhở vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Đó là dấu ấn của sự bi hùng ở cõi thiêng này để Đài Anh hùng trước đây và nghĩa trang liệt sỹ hôm nay mãi mãi trở thành huyền tích về sự tôn vinh, về niềm tin và ý chí.

Và tấm lòng của một nữ cựu chiến binh

Tôi đến viếng nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Linh. Đài tưởng niệm Anh hùng sừng sững trang nghiêm trong khói hương trầm mặc. Bắt gặp giữa hàng ngàn ngôi mộ bóng dáng tảo tần của một người phụ nữ. Anh Hoàng Văn Táo, cán bộ quản trang, cho biết, chị Trần Thị Nguyệt đã dành tất cả sức lực và tình cảm cho công việc, một việc mà chúng tôi xác định là làm bằng tấm lòng, không mong trả ơn và không bao giờ có ý nghĩ vụ lợi. Đó là tấm chân tình của người còn sống với những người đã hy sinh vì Tổ quốc". Còn chị Nguyệt, cho dù tôi gạn hỏi thế nào chị cũng chỉ một mực bảo rằng: “Có gì mà nói đâu, làm việc bằng tấm lòng ai lại nói bằng lời. Hơn nữa tôi đã từng là lính”.

Chị kể cho tôi nghe về một người mẹ ở số nhà 12 phố Lò Đúc (Hà Nội) với hơn 15 năm đi tìm mộ con. Nhờ sự giúp đỡ của chị mà mẹ đã tìm ra con mình là liệt sỹ Bùi Huy Dũng ngay tại nghĩa trang này và người mẹ đã nhận chị làm con nuôi. Chị còn cho chúng tôi biết, có những bà mẹ tuổi ngót 80 ở mãi tận Tuyên Quang, Cao Bằng cũng lặn lội vào đây tìm con. Đa số các gia đình sau khi tìm được mộ phần người thân đã yên tâm gửi gắm lại chốn này nhờ các anh chị trông nom chăm sóc.

Đã có không ít những cơ quan, đoàn thể khắp hai miền Nam Bắc đến thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang này. Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hà Nội đã gửi tặng món quà là chiếc máy cắt cỏ chạy bằng điện để các anh chị đỡ vất vả khi chăm sóc nghĩa trang.

Cõi thiêng nằm giữa lòng Vĩnh Linh đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ sửa sang lại. Chị Nguyệt và anh Táo vẫn ngày lại ngày bên Đài Anh hùng nhang khói, sửa sang dọn dẹp và bảo vệ. Vậy nhưng khi bước vào ngôi nhà tập thể mà ba mẹ con chị Nguyệt đang ở tạm, tôi không khỏi ngậm ngùi. Người phụ nữ với 5 năm quân ngũ, 21 năm làm quản trang, có cuộc đời 20 năm làm mẹ thì ngót 15 năm đơn lẻ.

Khi tôi viết bài này cũng là lúc nhận được tin báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh trao hai chục suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Con gái chị Nguyệt cũng được vinh dự ấy. Nhưng chị bảo rằng: ''Chị phải từ chối thôi. Cháu cũng đồng ý rồi. Học bổng ấy dành cho người khác".

Vậy là tôi lại được hiểu thêm chút nữa về tấm lòng của người nữ quản trang ở cõi thiêng này. Nhưng cũng thật may mắn, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, con gái chị Nguyệt đã được đến trường (cháu vừa thi đỗ vào Trường Cao đẳng văn hóa). Còn chị, lại ngày ngày cần mẫn bên cõi thiêng chăm sóc, nhang khói cho các Anh hùng liệt sỹ "để các anh ấm lòng nơi chín suối"

Khánh Hà
.
.
.