Cô gái xứ Dừa khởi nghiệp bằng công việc... trồng và giữ rừng

Thứ Ba, 18/05/2021, 08:37
Ở vùng quê biển thuộc xứ Dừa Bến Tre, PV Báo CAND gặp một cô gái 8X rất xông xáo và luôn ngẫu hứng với cách làm… “chẳng giống ai”. Trực tiếp “xắn tay áo” để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân trong công việc vất vả hằng ngày, cô gái này còn truyền đến cộng đồng một thông điệp quý, nhất là thời điểm cả nước đang thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh…


Bỏ phố về biển, giữ rừng

“Đây là vùng thiếu thốn nước ngọt, muỗi nhiều, ăn ngủ dân dã hoang sơ, xung quanh bốn bề là nước mặn... Nên cân nhắc kỹ trước khi đi”. Tôi bị cuốn hút bởi sự gần gũi, giọng pha chút… cà rỡn nhưng lại rất tình cảm, “khích” tinh thần những ai có máu khám phá: “Đi đi, để thấy Việt Nam mình đẹp lắm. Đi để biết yêu môi trường và thiên nhiên hơn. Yêu rồi mới có ý thức gìn giữ và phát huy nó…”. 

Người dùng Fanpage đưa ra lời mời mọc hấp dẫn vừa kể là Trịnh Thị Ngọc Hiện, cô gái 8X quê ở Mỏ Cày Nam – cái nôi của phong trào Đồng Khởi hơn 60 năm trước. Ít ai biết, cách nay hơn 5 năm, khi đặt chân tới vùng biển Bình Đại (Bến Tre), bắt đầu khởi nghiệp “chẳng giống ai”, vốn liếng của Hiện chỉ 5 triệu đồng. “Tiền ít nhưng niềm tin thì… bao la”, Hiện cười, nhớ lại.

Út Hiện cùng các cộng sự luôn tâm huyết với kế hoạch trồng rừng.

Sao lại là Người giữ rừng?, tôi thắc mắc về cái tên của điểm du lịch trải nghiệm của Hiện, khi vừa đặt chân tới đây. “Dạ, cứ đọc sao, anh hiểu vậy đi!”, Hiện hóm hỉnh trả lời. Để cảm nhận thêm cách làm mới mẻ của “cô chủ trẻ”, chúng tôi quyết định “qua đêm” giữa cánh rừng chỉ cách biển chừng 10 cây số. Đêm đó, đong đưa trong chiếc võng có nóc, cảm nhận được âm thanh của thủy triều lên xuống, tiếng cá đớp mồi và cả tiếng… đàn muỗi vo ve, chúng tôi ai cũng thích thú. Không thích mới lạ khi được hòa với thiên nhiên; đặc biệt là được hiểu thêm cuộc sống thường nhật của những người giữ rừng.

Sang ngày hôm sau, đón ánh bình minh từ giữa rừng ngập mặn, tiếp tục ngồi xuồng máy luồn lách qua những vạt dừa nước, những chang đước đong đưa; được thưởng thức những món đặc sản tươi, ngon, chúng tôi còn được kể thêm câu chuyện sinh kế của người giữ rừng. 

“Để giữ sự cân bằng và ổn định trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, hàng chục nông dân nuôi và cung cấp những đặc sản biển cam kết không sử dụng thức ăn công nghiệp và bất cứ loại thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng, chất diệt khuẩn hay chất xử lý môi trường nào. Đặc biệt, bà con ai cũng "nằm lòng", thực hiện cách đánh bắt có chọn lọc nên nguồn thủy sản luôn dồi dào và bền vững”, Hiện giải thích và say sưa nói thêm với chúng tôi về những thành quả bước đầu khi thực hiện chủ trương “du lịch có trách nhiệm”. 

Điều “không giống ai” nữa chính là Hiện và các cộng sự đã tạo điều kiện để khách tham quan có điều kiện xác nhận tính minh bạch của các quy trình cho ra một sản phẩm tự nhiên. Hàng chục nông dân kể với chúng tôi rằng, họ rất phấn khởi nhất là khi sản phẩm làm ra bán giá cao hơn; được “cô chủ trẻ” hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng, kể cả đa dạng sinh học; sản phẩm không còn bị “đánh đồng giá” như trước…

Giữ lấy màu xanh

“Trải nghiệm ở rừng, bữa ăn sinh thái, giữ lấy màu xanh” - tôi rất thích slogan này. Những gì đã làm và thông điệp mà “cô chủ trẻ” truyền đi trong cộng đồng thật có ý nghĩa, nhất là lúc cả nước thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Từng chứng kiến những thiệt hại nặng nề mà siêu bão Durian càn quét qua 3 dãy cù lao của xứ Dừa 15 năm trước và đặc biệt là liên tiếp nhiều đợt hạn mặn lịch sử nên Hiện cho biết, cô rất thấu hiểu giá trị của rừng. “Nếu một ngày rừng ngập mặn biến mất, hậu quả sẽ thế nào?”. Tự hỏi rồi Hiện tự trả lời: “Nếu mỗi người chúng ta không có hành động gì đó cụ thể, thì hậu quả sẽ rất nặng nề”.

Trước khi bỏ phố về biển trồng và giữ rừng, Hiện nhận ra thực tế rất bất cập. Đó là cả tỉnh Bến Tre có gần 7.000 ha rừng ngập mặn nhưng hơn nửa diện tích đó thuộc sự quản lý của người dân. 

“Khoản kinh phí hỗ trợ cho bảo vệ rừng quá nhỏ. Thu nhập chính của bà con giữ rừng là khai thác thủy sản tự nhiên dưới tán rừng. Thế nhưng giá cả của các sản phẩm này đã thấp lại bị đánh đồng với các sản phẩm cùng loại được nuôi công nghiệp. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, nhiều bà con mình vẫn theo thói quen, khai thác tận diệt, lén lút phá rừng hoặc bỏ rừng đi kiếm sống bằng nghề khác. Do vậy, nếu không sử dụng sản phẩm của người giữ rừng đúng giá, thì sao khuyến khích bà con chung thủy mà gìn giữ lá phổi xanh”, Hiện chia sẻ.

Nhớ lại trước lúc nhận được 20ha đất trống không một bóng cây, Hiện  rối như tơ vò. Vốn đâu để đầu tư hạ tầng? Làm sao để phủ xanh đây? Lợi nhuận mang lại đủ trả tiền thuê không? Hàng loạt câu hỏi đặt ra làm nhiều đêm cô thức trắng. “Nhưng cuối cùng tôi quyết định thuê đất để thử sức. Khi đó, tôi nghĩ tiền có thể tìm cách để kiếm. Nếu từ bỏ lần này, ước mơ sẽ không bao giờ thành hiện thực. Chưa biết sẽ làm gì với khu đất đó, nhưng chắc chắn rằng, nếu không có nó, chúng tôi không thể thực hiện ước mơ của mình. Một khi ước mơ mà còn từ bỏ thì chúng ta sẽ mãi chẳng làm được điều gì”, Hiện nhớ lại.

“Trồng thêm 1 cây chưa hẳn đã thành rừng. Nhưng đất nơi nào trống thì trồng thêm 1 cây. Như thế, đất sẽ không còn trống nữa. Nhiều cây ở cạnh nhau, chẳng phải đã là rừng sao?. Chúng ta cùng trồng, đất sẽ xanh màu lá, khí hậu sẽ được điều hoà, ôxy sẽ tràn ngập khí quyển”, Hiện kể lại suy nghĩ của mình và cho biết ngày 23-8 năm ngoái, là một ngày đáng nhớ của cô cùng các cộng sự vì đã làm thêm được việc ý nghĩa. 

“Hôm đó, chúng tôi đã trồng 10.000 cây. Chúng tôi tin rằng vài năm nữa thôi, đất sẽ không còn trống nữa. Khi mảnh đất trống của chúng ta xanh ngát, tạo giá trị, thì ở đâu đó, người nông dân nào đó sẽ nhìn thấy, sẽ làm theo, sẽ khấm khá lên… Và sẽ có thêm nhiều mảng xanh nữa được hình thành. Nông dân khỏi lo được mùa mất giá, yên tâm giữ rừng, nuôi tôm cá tự nhiên là có thể sống yên vui. Là con của nông dân, giờ lại gắn bó với nông dân nên tôi học được đức tính - nói nhiều không bằng làm nhiều”, Hiện hào hứng bày tỏ.

Ý tưởng để sau đó hình thành Người giữ rừng xuất hiện trong quá trình Trịnh Thị Ngọc Hiện tham gia thực hiện các dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Gần 5 năm lăn lộn làm công việc này ở cuối cù lao Minh (thuộc huyện biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, Hiện nhận ra tiềm năng “còn ngủ” dưới  tán rừng. 

“Khi mở ra không gian Người giữ rừng, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là khai thác thủy hải sản dưới tán rừng có chọn lọc. Để làm được điều này, trước tiên phải phát triển “du lịch có trách nhiệm” và không ai khác, chính là mình phải tiên phong - trách nhiệm với nông dân và trách nhiệm với rừng”, cô gái xứ Dừa bộc bạch thêm.

Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, với cách làm của Hiện và các cộng sự, địa phương không phải “đau đầu” vì phải mất kinh phí để thuê người và tuyên truyền giữ rừng. Nông dân tham gia vào chuỗi cung cấp đặc sản “sạch” cho cơ sở này ngày càng đông. Nhìn từ góc độ khởi nghiệp, sự ra đời của khu du lịch sinh thái đầy trách nhiệm với cộng đồng và thiên nhiên cho thấy người trẻ thật sự muốn khẳng định mình, gắn với những tiềm năng trên chính… “ao nhà”.

Thái Bình
.
.
.