Chuyện vui làm báo ANTG

Chủ Nhật, 10/09/2006, 08:18

Tôi nhớ ông Tổng Biên tập tờ Bangkok Post (Thái Lan) đã có một định nghĩa nghe ra thì có vẻ thô thiển nhưng lại hết sức chính xác về nghề báo. Đó là phóng viên phải như "con chó" biết đánh hơi, sục sạo tìm mồi; biết bảo vệ chủ và biết tấn công kẻ gian... Tôi rất thích câu nói đó và bao năm nay, vẫn cố phấn đấu theo "tiêu chí" ấy.

Nhân kỷ niệm 10 năm ANTG xin kể hầu bạn đọc một vài chuyện tạm được coi là "thâm cung bí sử" của ANTG.

1. Với Giám thị Trại giam Hà Nội

Vụ án buôn bán ma túy do Xiêng Phênh và Vũ Xuân Trường cầm đầu được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội từ ngày 2 đến ngày 14/5/1997 với 25 bị cáo.

Đây là vụ án buôn bán ma túy lớn nhất từ trước cho đến thời điểm đó và được dư luận đặc biệt quan tâm. Hầu như ngày nào cũng có thông tin về vụ án được báo chí đăng tải. Sau này, đã có người thống kê là có gần 600 bài viết về vụ án của 70 tờ báo và tạp chí.

Trước  đó, Chuyên đề ANTG cũng đã có một loạt bài viết dưới dạng phóng sự về quá trình điều tra khám phá án của CSĐT Công an Hà Nội cũng như toàn bộ quá trình hoạt động phạm tội của các đối tượng. Loạt phóng sự đó đã gây được sự chú ý của bạn đọc và góp phần tạo nên một phong cách viết vụ án của ANTG về sau.

Lịch xét xử đã được công bố công khai. Các phóng viên đến theo dõi phiên tòa cũng được cấp thẻ. Gặp những sự kiện như thế, thì ưu thế bao giờ cũng thuộc về báo ra hàng ngày hoặc các báo mỗi tuần phát hành 3, 4 hoặc 5 kỳ. Trong khi đó, Chuyên đề ANTG ra hằng tuần mà lại làm theo một quy trình rắc rối nhất trong làng báo. Bài vở thì do tòa soạn ở Hà Nội cấu tạo, xong rồi chuyển vào TP HCM làm maket.

Làm xong, lại chuyển bản can ra Hà Nội... Thế là để làm được một tờ báo, mất đứt 4 ngày. Việc chuyển đi, chuyển lại thì bằng đường hàng không, và cứ mỗi lần máy bay trễ chuyến là cả tòa soạn lo đứng lo ngồi.

Phóng viên ANTG đi công tác trên đầu nguồn sông Đà.

Vào thời điểm này, ANTG đã có số lượng gần 200.000 bản và đó là con số không ai dám tưởng tượng khi mới phát hành số đầu tiên. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận về bài vở thì số lượng lại tụt xuống rất nhanh.

Biết là bạn đọc đang bị cuốn hút bởi loạt phóng sự về vụ án, Tổng Biên tập Hữu Ước quyết định vẫn lấy việc sự kiện phiên tòa làm chính, nhưng yêu cầu tôi phải chụp được nhiều ảnh”. "Bây giờ quan trọng nhất là phải có ảnh “độc”? Phải có những ảnh mà báo khác không có” - Tổng Biên tập nói gọn như vậy.

Nhưng để có những bức ảnh mà “báo khác không có” thì quả là cực khó, bởi vì chụp ngoài tòa thì ai chả có. Nghĩ mãi không biết làm thế nào để có ảnh “độc”, tôi quyết định chơi bài liều là sáng sớm ngày mở phiên tòa, sẽ vào Trại giam Hà Nội chụp ảnh dẫn giải các bị cáo, mặc dù tôi biết là trong cuộc họp bàn về công tác bảo vệ, anh Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội đã tuyên bố là không cho nhà báo vào trong trại giam lấy tin và chụp ảnh.

4h30 sáng ngày 2/5/1997, tôi lái chiếc xe Lada cũ kỹ vào Trại giam Hà Nội và xách theo chiếc máy ảnh Pratica MTL5 cổ lỗ sĩ với chiếc đèn National. Bộ máy này là tôi mua được hồi đi công tác tại Lâm Đồng bằng tiền đi chụp ảnh thuê cho khách du lịch.

Khi tôi đến thì trại đang nhộn nhịp chuẩn bị dẫn giải bị cáo. Giám thị Trại giam Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc lạnh lùng nhìn tôi và hỏi:
- Ai cho phép anh vào đây?
Tôi trí trá:
- Anh Chuyên đồng ý. Hôm qua, lúc kết thúc buổi họp, anh Chuyên đồng ý cho ANTG vào chụp ảnh sáng nay.
Anh Hoắc phẩy tay:
- Tôi chưa nghe thấy câu nói đó. Tốt nhất là anh về ngay!
- Lúc đó đông người, có khi ông anh nghe xong lại quên thôi.
Anh Hoắc vẫn cương quyết:
- Nếu không có giấy của Giám đốc thì cấm ông bước vào trong này.
Nói xong, anh Hoắc gọi một anh chàng CSBV là lính nghĩa vụ, đeo hàm hạ sĩ đến và ra lệnh:
- Cậu đứng đây, canh anh nhà báo này. Không được để anh ấy vào trong và chụp ảnh.

Nói xong, anh đi vào để chỉ huy. Biết tính anh Hoắc rất nguyên tắc, nên tôi không nằn nèo thêm. Chờ cho anh đi khuất, tôi rút thuốc mời anh CSBV và cằn nhằn:
- Chán ông này thật, có lẽ phải gọi cho anh Chuyên thôi.
Tôi liền lấy điện thoại di động, bấm lăng nhăng và nói to, cốt cho anh chàng CSBV nghe thấy:
- Em xin lỗi chị... Vâng, em Như Phong ở ANTG ạ. Chị cho em gặp Giám đốc  gấp... Dạ, có việc đột xuất ạ. Chị cứ đánh thức anh dậy cho em?
Liếc mắt thấy anh chàng hạ sĩ đang chăm chú theo dõi, tôi ngừng độ nửa phút, rồi nói tiếp:
- Báo cáo Giám đốc, em đã vào trại giam để chụp ảnh, nhưng anh Hoắc không cho... Dạ, anh ấy bảo không có giấy của Giám đốc... Dạ, anh ấy cho CSBV giữ em ngoài cổng... Vâng... Vâng! Anh nói với đồng chí CSBV cho em...--PageBreak--

Tôi đưa máy cho anh hạ sĩ:
- Này, em nói chuyện với Giám đốc.
Anh chàng hạ sĩ hoảng hồn, vội vã xua tay:
- Thôi, thôi! Em biết rồi... để em vào báo chú Hoắc.
- Không được, chú mày phải nghe lệnh của Giám đốc chứ.
Anh chàng lắc đầu quầy quậy:
- Em chả dám nói chuyện với Giám đốc đâu. Anh vào đây.
Thế là tôi dõng dạc:
- Em cám ơn Giám đốc.

Nói xong tôi giả vờ tắt máy và đi theo anh CSBV vào gặp anh Hoắc. Anh chàng hạ sĩ nói với anh Hoắc:
- Thưa chú, bác Chuyên gọi điện thoại đồng ý cho chú nhà báo này chụp ảnh ạ.
Anh Hoắc kêu lên:
- Hôm qua thì ra lệnh là không cho, bây giờ lại ưu tiên cho ANTG, báo An ninh Thủ đô họ tị, thì nói làm sao?
Tôi “tinh tướng”:
- Em biết đâu đấy. Lát nữa anh Chuyên đến, anh có thể xác minh lại.

Anh Hoắc lôi tôi vào cổng trại và cho tôi đứng ngay cửa khu trong. Tất cả bị cáo khi dẫn ra đều phải qua cửa này. Anh dặn:
- Dù là có lệnh của Giám đốc, nhưng tôi cũng chỉ có thể cho anh đứng ở đây.

Thật đúng là không mong gì hơn thế, tôi vội vàng đồng ý và nịnh khéo:
- Cứ nghe nói Giám thị Hoắc nghiêm khắc, hôm nay mới được chứng kiến.

Thế rồi tôi đặt sẵn cự ly, tốc độ... Bị cáo nào vừa bước tới cửa sắt là chụp ngay.

Những bức ảnh đó, đúng là không một phóng viên nào có được, ngoài tôi, vì thế đã gây được hiệu quả rất lớn đối với bạn đọc.

Mấy hôm sau, khi gặp Giám thị Hoắc tại phiên tòa, anh chỉ mặt tôi mà rằng:
- Tao không ngờ chú lại lừa được cả anh? Nhưng từ nay thì đừng có vào trại viết lách gì nữa nhé.
Anh quay lưng đi, bỏ mặc tôi đứng chưng hửng. Nhưng được vài bước, anh quay lại và cười:
- Nhưng mà làm phóng viên thì phải như thế.    

2. Đoán... án văn?

Sau gần hai tuần xét xử, Hội đồng xét xử quyết định tuyên án vào 14 giờ thứ năm ngày 14/5. Trong những ngày tòa xử án, Chuyên đề ANTG cũng có bài, nhưng chủ yếu là “tổng kết” lại những diễn biến của những ngày xử trước. Bạn đọc rất thích những bài trên ANTG và biết được điều này, cho nên một số trẻ bán báo dạo đã mang photocopy bài báo đem bán cho những người đến theo dõi phiên tòa.

Tòa tuyên án chiều thứ năm mà ANTG lại phát hành vào chiều thứ sáu. Mà như vậy thì là... thua, bởi vì một số báo sẽ phát hành tối ngày thứ năm. Nắm chắc lợi thế này cho nên có tòa soạn đã chuẩn bị giấy để in tăng số lượng gấp hai, thậm chí gấp ba lần.

Một nhóm phóng viên ANTG trên đường lên biên giới.

Trước tình hình đó, sau khi tham khảo ý kiến của một số “đại gia” trong làng phát hành báo chí, Tổng Biên tập Hữu Ước quyết định phát hành sớm một ngày, nghĩa là cũng vào chiều thứ năm. Nhưng lại nảy ra vấn đề là các nhà in đã có kế hoạch in các báo chính xác đến từng giờ, cho nên ANTG không thể nào in chen vào trong khoảng thời gian từ 17h trở đi.

Nhà in báo Hà Nội Mới và Nhà in báo Nhân Dân ở TP HCM chỉ đồng ý nhận in từ 13h30 cho đến 17h. Trong khi đó, 14h thì tòa mới tuyên án, và có nhanh cũng phải hơn 15h mới biết mức án của các bị cáo...

Đang lúc bí, tôi giở sổ công tác ra và đọc lại những điều mình ghi chép và trong đó có nội dung buổi họp của ba ngành Công an - Kiểm sát - Tòa án trước khi phiên tòa khai mạc. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Minh Ngọc, Chánh án Tòa án Hà Nội đã nói về những yêu cầu đặt ra cho việc xét xử và thông báo với nét mặt vui mừng rằng cả ba ngành Nội chính đã nhất trí cao về các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, đồng thời đã thảo luận kỹ về mức án cho các bị cáo.

Đọc đến đây, tôi biết như vậy là mức án dành cho các bị cáo - đặc biệt là các bị cáo cầm đầu - sẽ khó có thể thay đổi so với mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị. Trong suốt những ngày xử án, tôi nhận thấy dư luận chỉ quan tâm đến số phận của những bị cáo như Vũ Xuân Trường, Xiêng Phênh, Vũ Phong Mã, Bùi Danh Ca và nhất là Nguyễn Thị Hoa, người được coi là “hoa hậu tại tòa”.

Quá trình xét xử diễn ra khá suôn sẻ, cũng có một vài ngày được coi là “nóng” ấy là khi luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Tuy nhiên, theo chúng tôi nhận thấy thì các luật sư bào chữa không có gì thuyết phục, chẳng những không đưa được chứng cứ mới để giảm tội cho thân chủ của mình đã đành mà còn có luật sư... cãi lấy được, thậm chí cãi cùn.

Và nói theo cách của cánh nhà báo theo dõi phiên tòa thì kiểu cãi như vậy chỉ làm cho bị cáo bị... ghét thêm.  Sau phần bào chữa, đại diện của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã bác bỏ hầu hết những quan điểm bào chữa của luật sư.--PageBreak--

Tôi trình bày lại tất cả những điều đã ghi chép và diễn biến phiên tòa với Tổng Biên tập. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, Tổng Biên tập quyết định cho đăng mức án tòa tuyên theo như đề nghị của Viện Kiểm sát - nghĩa là sẽ có 8 án tử hình, 8 án chung thân và 6 bị cáo có mức án từ 20 năm trở xuống.

Việc chuẩn bị cho số báo này được tiến hành hết sức bí mật. Ban Giám đốc Nhà in Hà Nội Mới và Nhà in báo Nhân Dân ở TP HCM cũng chỉ biết là ANTG thay đổi giờ in báo là sẽ in từ lúc 13h. Đúng 11h, tại Hà Nội, đích thân Tổng Biên tập mang bản can sang nhà in để ra kẽm, còn tại TP HCM thì nhân viên của Văn phòng đại diện trực tiếp đứng canh máy in.

"Không được để một tờ báo nào, dù là bản in thử được lọt ra khỏi nhà máy in”  - Tổng Biên tập Hữu Ước ra lệnh như vậy và anh trực tiếp đứng... canh in. Trong lúc mọi người ở cơ quan ra nhà in thì tôi lang thang tại Tòa Hà Nội để mong kiếm được thông tin về kết luận của Tòa. Nhưng không làm sao lọt được lên gác ba, nơi Hội đồng xét xử đang họp án.

Bản kẽm lắp lên máy xong thì đã khoảng hơn 12h. Một bầu không khí căng thẳng đến tột độ bao trùm khắp tòa soạn. Hầu như không ai ăn nổi một miếng cơm và tất cả trông chờ vào thông tin của tôi từ tòa án.

Đến 13h, các nhà in giục là phải in, không thể chờ muộn hơn được nữa. Tôi quyết định mò lên nơi Hội đồng xét xử đang họp lần cuối và mới leo được nửa cầu thang thì thấy bà Thẩm phán Tân Thanh đi xuống, ôm theo một cặp hồ sơ và hai bên có cảnh sát bảo vệ đi kèm, còn phía sau có mấy người nữa trong Hội đồng.

Cố nở nụ cười thật tươi, tôi đon đả:
- Chào chị, tình hình án thế nào ạ?
Chị Tân Thanh cười mệt mỏi và nói gọn lỏn:
- 14h, mời anh ra nghe chúng tôi tuyên án.
- Có thay đổi nhiều không chị? - Tôi cố vớt vát hỏi thêm. Chị Tân Thanh không nói mà chỉ khẽ lắc đầu.

Chỉ chờ có vậy, tôi lỉnh ra ngay chỗ khuất và gọi điện về cho anh em đang ở nhà in, đề nghị cho chạy máy ngay.

Tổng Biên tập gọi lại và hỏi: “Có chắc không?”, tôi trả lời liều: “Chắc ạ”. Lúc đó vào khoảng 13h30.

Báo in được đến đâu, chở về nơi phát hành đến đó và tại địa điểm phát hành thì người phát hành đến chầu chực đông như nêm.

14h, phiên tòa bắt đầu. Sau phần thủ tục ngắn gọn, bà Tân Thanh đọc bản kết luận dài có lẽ đến hơn 20 trang đánh máy. Lúc này thì tôi cũng đã hỏi được một cán bộ của tòa và cũng chỉ được biết thêm là các án tử hình và chung thân là không thay đổi so với đề nghị của Viện Kiểm sát. Thế thì quá yên tâm rồi, tôi gọi về cho em trực máy in và đề nghị cho máy in hết tốc độ là khoảng 40.000 bản/giờ.

Đến khoảng hơn 16h thì đến phần tuyên án. Khi nghe tên hết số bị cáo bị án tử hình đúng như bản đang in, tôi đề nghị Tổng Biên tập Hữu Uớc cho phát hành.

Và khi bà Tân Thanh tuyên bố phiên tòa kết thúc thì ngoài đường Lý Thường Kiệt, một cảnh tượng chưa từng thấy là tờ ANTG đã gần như bay trắng cả một đoạn đường. Người ta tranh nhau mua với giá gấp hai, thậm chí gấp 4 lần. Tại TP HCM cũng vậy, gần 20 vạn bản bán hết veo chỉ trong 2 tiếng đồng hồ.

Về tòa soạn, anh em ai cũng vui mừng vì số lượng tăng đến gần gấp rưỡi, chỉ riêng Tổng Biên tập Hữu Ước là ngán ngẩm lắc đầu và nói: “Từ sau không bao giờ được làm liều như thế này nữa”.

Ngày hôm sau, có người tố cáo lên nhà báo Hữu Thọ, khi đó là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư rằng chúng tôi đã “hối lộ” cán bộ tòa án để lấy án văn trước khi tòa tuyên án. Ông gọi tôi lên và hỏi. Tôi không dám giấu và kể lại đầu đuôi mọi việc. Nghe xong, ông cười mà rằng:
- Anh em chúng bay láu cá thật

.
.
.