Chuyện về người phiên dịch tại Hội nghị Paris

Thứ Ba, 29/01/2008, 17:05
Hằng ngày, người dân quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vẫn thấy một ông già thong thả chống ba toong đi dạo, tập thể dục và trò chuyện vui vẻ với mọi người. Nhưng ít ai biết rằng ông già năm nay 85 tuổi đó là một trong những nhân chứng sống của vòng đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam, trong vai trò người phiên dịch cho phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
>> Chuyện về việc đàm phán với phía Mỹ ở Pari

Ông Nguyễn Đình Phương tiếp chúng tôi trong căn gác nhỏ thường dùng làm phòng khách, phòng làm việc và cả phòng ngủ của mình. Căn gác sạch sẽ rộng chừng 16m2, bốn bề chứa đầy sách và tư liệu, từ những cuốn sách ngoại văn bìa cứng đến những cuốn sách viết tay tự đóng đã sờn mép.

"Tôi đã đi 52 nước trên thế giới rồi, thấy nhiều thứ đẹp, nhưng đem về nhà toàn sách. Có bao nhiêu tiền, tôi mua sách hết. Chủ yếu là sách văn học Anh và lịch sử Việt Nam" - ông Phương cười hiền.

Trong câu chuyện cởi mở bên góc chiếc bàn hẹp, ông cụ hồi tưởng về quá khứ. Ông Phương (84 tuổi), tại một gia đình buôn bán nhỏ ở khu phố chợ Hôm bây giờ.

Từ nhỏ, mỗi tháng ông được gia đình cấp cho 4 đồng Đông Dương để theo ăn học tại Trường Bưởi và bắt đầu gắn với môn học tiếng Anh từ đó. Càng học càng thấy hứng thú, ông tiếp tục gắn bó với môn học này hết bậc tiểu học, rồi thành chung. Đến khi tốt nghiệp tú tài, ông Phương đã thông thạo tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ của mình.

Đất nước đang trong thời kỳ thuộc Pháp, như những thanh niên cấp tiến khác, ông tham gia vào phong trào sinh viên cứu quốc tại Hà Nội. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được điều về Đài Tiếng nói Việt Nam, làm công việc biên dịch tiếng Anh. Khi Tổng bộ Việt Minh mở Trường Phan Chu Trinh giúp dân chống giặc dốt, ông lại tham gia dạy học cùng các bạn sinh viên cứu quốc khác, có cả dạy môn tiếng Anh.

Toàn quốc kháng chiến, ông vào bộ đội, lên chiến khu Việt Bắc, rồi năm 1948 làm Ban cán sự mặt trận Thượng Lào. "Nhưng tôi chỉ được làm lính văn phòng ở tiểu đoàn, không được cầm súng ra sa trường chiến đấu. Có lẽ do hai mắt tôi có cặp kính trắng dày cộm chăng?" - ông Phương hóm hỉnh nói.

Đến năm 1950, do ốm, ông được điều chuyển về nước, làm ở BCS Đảng giáo dục huyện Thiệu Hóa, Tỉnh ủy Thanh Hóa. "Tôi gặp nhà tôi, lúc này là cán bộ phụ nữ Thanh Hóa, người gốc Nam Định chuyển vào. Đám cưới đơn giản mà rất vui diễn ra tại đình làng Trà Đông, huyện Thiệu Hóa, tất cả đều nhờ vào tài tháo vát của ông bố vợ" - ông Phương vừa cười vừa đem bộ ảnh cưới đen trắng được cắt dán cẩn thận trong cuốn album tự tạo ra khoe.

Những hoạt động liên quan đến công tác ngoại giao của ông Nguyễn Đình Phương bắt đầu vào năm 1955, khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông từ Thanh Hóa trở ra Hà Nội. "Thấy lý lịch của tôi ghi có biết tiếng Anh, cấp trên liền bố trí tôi vào làm việc tại Ủy ban Quốc tế kiểm soát thi hành Hiệp định Geneve" - ông Phương nói.

Đơn vị này do Đại tá Hà Văn Lâu làm trưởng phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, trụ sở đóng ở phố Trần Hưng Đạo bây giờ.

Hằng ngày, công việc của ông Phương chủ yếu là viết và dịch công văn, công hàm của chúng ta phản đối những hành động phá hoại Hiệp định Geneve của kẻ địch, gửi cho Ủy ban Quốc tế. Từ năm 1960, Bộ Ngoại giao quản lý, nắm giữ công tác đối ngoại, nên ông Phương là cán bộ của Bộ Ngoại giao.

"Những năm tháng sống và làm việc, phục vụ đàm phán Hội nghị Paris của tôi bắt đầu từ năm 1967. Khi đó, tôi theo phái đoàn của Chính phủ đi Paris dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Trân làm Trưởng đoàn. Đang trên đất Pháp, nhận được nhiệm vụ ở lại tham gia làm phiên dịch cho phái đoàn đàm phán Hiệp định. Đoàn đàm phán có 37 người, đến lúc đông có hơn 100 người, nhưng chỉ có mình tôi làm nhiệm vụ phiên dịch" - ông Phương nhớ lại.

Như vậy, suốt gần 5 năm hội đàm, ông Phương là người phiên dịch. "Dịch tiếng Anh và Mỹ khác nhau, ban đầu tôi cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng rồi làm nhiều nên cũng mau chóng thành thạo. Ngôn ngữ ngoại giao cũng cần rất nhiều sự cẩn trọng nhưng sau đó, ngôn ngữ không thành vấn đề nữa mà chủ yếu là dịch sát nội dung đàm phán".

Thời gian đầu, ông làm phiên dịch cho cả phía ta lẫn phía Mỹ, vì phía họ không có người nói được tiếng Việt. Về sau, phía Mỹ có đưa sang một phiên dịch là người từng học tiếng Việt ở Sài Gòn. Ông Phương xoa xoa tay, cười: "Ông này nhiều lúc dịch không sát nghĩa, tôi thường phải nhắc và dịch hộ cho".

Cả quá trình đàm phán có bao nhiêu lần họp công khai và bí mật là từng ấy lần ông Phương tham dự. Càng về sau, các cuộc họp càng nhiều và căng thẳng, có những ngày ông phải dịch liên tục cả 14 tiếng đồng hồ, vì là phiên dịch viên duy nhất của đoàn.

"Cố vấn Lê Đức Thọ hay động viên tôi: "Cậu dịch rất tốt, tôi chưa nói hết câu cậu đã hiểu ý. Nếu cậu về nhà thì sẽ phải tìm người dịch thay thôi, nhưng đây là việc lớn, người không quen, không hiểu sợ làm hỏng mất".

Vậy nên, suốt thời gian hội đàm từ tháng 5/1968 đến khi ký kết hiệp định tháng 1/1973, các anh em khác thỉnh thoảng được về với vợ con, nhưng tôi chỉ được về nước duy nhất một lần.

Đó là lần theo chuyên cơ của cố vấn Lê Đức Thọ về nước vào ngày 18/12/1972. Về đến nhà thì tối hôm đó Mỹ đem B52 ném bom Hà Nội, chẳng kịp giúp vợ con gia cố hầm hào.

Ngày 1/1/1973, chúng tôi trở lại bàn đàm phán với tâm trạng phẫn uất, căm thù của người dân Việt Nam đang chịu những tổn thương do quân xâm lược gây nên - khuôn mặt ông Phương run lên bần bật, những giọt nước mắt chảy tràn trên gò má nhăn nheo đang co giật từng hồi vì xúc động. Trước lúc vào đàm phán, cố vấn Lê Đức Thọ nói: "Hôm nay tôi sẽ phản ứng rất gay gắt với phía Mỹ, cậu cố gắng dịch sát từng chữ của tôi". Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ tôi làm tốt lời dặn đó".

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại vòng đàm phán Hiệp định Paris, ông Nguyễn Đình Phương trở về nước, tiếp tục công tác ở Bộ Ngoại giao với các cương vị như Vụ trưởng Vụ châu Á, Vụ Tây Bắc Âu, rồi làm Đại sứ khu Bắc Âu…

Đến năm 1992 ông về hưu, hưởng lương cố vấn của Bộ Ngoại giao. Các con của ông đều thành đạt, người làm giáo viên, bác sĩ, cũng có người đang theo nghiệp của cha, là cán bộ ngoại giao

Hồng Quân - PhùngTuấn
.
.
.