Chuyện về người đảng viên đầu tiên làm kinh tế tư nhân
Cách đây vừa đúng một thập niên, ở Hà Nội diễn ra một phiên tòa gây xôn xao dư luận. Bị cáo trong phiên tòa đó là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân - một đảng viên đầu tiên được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm và cho phép thí điểm làm kinh tế tư nhân.
Trải qua hai phiên tòa, vị giám đốc này đã được tuyên trắng án. Qua bao thăng trầm, nhưng người đảng viên ấy vẫn luôn trọn vẹn niềm tin vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Bài học rút ra từ vụ việc này đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
"Xé rào" và những thăng trầm
Người đảng viên ấy là ông Bạch Minh Sơn hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu BEMES, người đang nắm giữ độc quyền dây chuyền sản xuất hai sản phẩm vật liệu xây dựng kỹ thuật cao, đó là dây chuyền sản xuất sỏi nhẹ Kêramzit và giàn không gian cho các công trình xây dựng khu công nghiệp, nhà xưởng, kho tàng... Nếu trò chuyện với vị Giám đốc này, dường như bạn sẽ có một cảm giác bị "thôi miên" hàng giờ bởi những am hiểu sâu sắc về kinh tế cũng như kiến thức về các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao của ông.
Trong căn phòng ngổn ngang những sản phẩm, vật liệu nằm bên cạnh QL70B (thị xã Hà Đông - Hà Tây), ông Bạch Minh Sơn đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thật thú vị. Đó là những chuyện về cuộc đời đầy sóng gió và những trắc trở mà giờ đây sau hàng chục năm trời vừa nghiên cứu, vừa sản xuất, ông mới gặt hái những quả ngọt đầu mùa. Và qua các câu chuyện thú vị ấy đã giúp chúng tôi hiểu được những khát vọng vươn lên chiếm lĩnh khoa học kỹ thuật tiên tiến và làm giàu chính đáng của người đảng viên này.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Việt kiều yêu nước tại Thái Lan, năm 1962, Bạch Minh Sơn theo gia đình trở về Việt Nam sinh sống. Sẵn có tố chất thông minh từ nhỏ nên trong suốt quãng đời học sinh, Bạch Minh Sơn bao giờ cũng là học sinh giỏi nhất lớp, đặc biệt là môn học ngoại ngữ. Cũng chính bởi tố chất thiên bẩm ấy, cùng với ý thức rèn luyện đạo đức tốt nên ngay từ năm lớp 9, Bạch Minh Sơn là trường hợp duy nhất được nhà trường đưa vào diện giới thiệu kết nạp vào Đảng.
Tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở, Bạch Minh Sơn thi đỗ vào Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, ông về công tác tại Viện Xây dựng (Bộ Xây dựng), rồi sau đó sang làm công tác giảng dạy, phiên dịch tại Trường Đoàn Thanh Thiếu niên Trung ương. Địa chỉ công tác cuối cùng trước khi ông rẽ sóng để về làm kinh tế tư nhân là Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Bạch Minh Sơn nhớ lại: vào thời điểm những năm cuối cùng của thập kỷ 80 thế kỷ XX, mặc dù Đảng đã phát động công cuộc đổi mới đất nước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn rất khó khăn. Lạm phát ở mức phi mã, giá cả leo thang hàng ngày; hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiếu trầm trọng. Niềm tin của quần chúng nhân dân ở nhiều nơi bị giảm sút. Để giải quyết thực trạng đó, nhằm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 đi vào cuộc sống, Nghị định số 27 của Hội đồng Bộ trưởng ra đời chấp nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế đã thực sự là đòn bẩy để phát triển sức sản xuất của toàn xã hội. Không bỏ lỡ cơ hội, ngay lập tức Bạch Minh Sơn và mấy anh em khác ở Hà Nội viết đơn xin được thành lập công ty tư nhân.
Vượt qua bao trở ngại, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, tháng 5/1988 công ty của ông đã được thành lập. Cũng phải nhắc lại rằng vào thời kỳ ấy, mặc dù đã có chủ trương cụ thể, nhưng do những hiểu biết về kinh tế tư nhân còn hạn hẹp nên tuy đồng ý cho thành lập nhưng có ý kiến lại cho rằng các công ty này chỉ ở dạng nhỏ lẻ. Cũng trong thời điểm ấy nói đến công ty tư nhân thì nhiều người cũng còn rất đắn đo, ngán ngại chứ chưa nói đến những đảng viên như ông lại dám cả gan đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân. Người ta nêu đủ thứ lý do để ngăn cản ông.
Nào là ông là cán bộ Nhà nước đương chức, nào là ông là đảng viên không được làm kinh tế tư nhân, không được bóc lột thậm chí là không được phép làm giàu. Nhưng với ông ngay từ ngày ấy, ông đã có suy nghĩ đất nước còn nghèo, đời sống, việc làm của người lao động còn gặp trăm ngàn khó khăn. Đất nước muốn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội không còn cách nào khác là người đảng viên phải đi tiên phong trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Dân có giầu thì nước mới mạnh. Người đảng viên không chỉ nói hoặc hô khẩu hiệu mà phải bắt tay vào làm thực sự để cuốn hút quần chúng. Suy nghĩ là vậy, song sự đời đâu có thế. Câu chuyện của ông rẽ sang làm kinh tế tư nhân thời đó thực sự là cuộc đối đầu với biết bao vật cản tưởng rằng không thể vượt qua.--PageBreak--
Ông Sơn vẫn còn nhớ, một vị lãnh đạo thành phố Hà Nội phụ trách việc cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp theo Nghị định 27 thời kỳ ấy, khi phát hiện ông là đảng viên đã lớn tiếng "cảnh cáo": cậu là đảng viên không được làm kinh tế tư nhân. Cũng từ câu nói ấy mà câu chuyện về một đảng viên lập doanh nghiệp tư nhân đã trở nên xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ, Thành ủy Hà Nội họp bàn liên miên để xem xét vấn đề trên, nhưng cuối cùng vẫn không ngã ngũ. Có hai luồng ý kiến tương đương nhau về vấn đề này. Phía phản đối thì đưa ra những ý kiến rất gay gắt: Đảng viên không được làm kinh tế tư nhân, nếu làm thì phải khai trừ ra khỏi Đảng. Còn phía bên kia thì đồng ý, nhưng vẫn chưa chiếm đa số.
May sao giữa lúc cuộc tranh luận còn chưa ngã ngũ thì cuộc viếng thăm trụ sở công ty ông của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào tháng 2/1989 là một sự kiện để lại những ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời ông. Ngày ấy, từ vị trí một người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có tầm nhìn hết sức bao quát và sáng suốt về những vấn đề mới mẻ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Khi xuống thăm Công ty của ông Bạch Minh Sơn, trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: "Không việc gì phải khai trừ, cứ để Bạch Minh Sơn làm thí điểm "Đảng viên làm kinh tế tư nhân".
Sau sự kiện đó, ông nghiễm nhiên đã trở thành trường hợp đảng viên đầu tiên ở nước ta được phép thí điểm làm kinh tế tư nhân. Sau đó ít lâu, một chi bộ trong doanh nghiệp ông cũng được thành lập mà người bí thư chi bộ ấy chính là vợ ông. Đó là chuyện của ngày trước còn hiện tại theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương thì cả nước đã có trên 5.000 đảng viên làm giám đốc các doanh nghiệp tư nhân có tên tuổi. Hầu hết những đơn vị này đều phát triển đúng hướng, đặc biệt là không có trường hợp nào tham nhũng, biến chất, sa đọa về đạo đức.
Sau khi nhận được sự cổ vũ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bạch Minh Sơn đã coi đây là thời cơ để ông áp dụng các kiến thức và sự hiểu biết của mình vào việc nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu mới. Mặt hàng đầu tiên mà công ty ông nghiên cứu và sản xuất là cót ép lượn sóng phục vụ cho công nghiệp xây dựng. Ông thật không ngờ đây là sản phẩm đầu tay nhưng lại bán rất chạy trên thị trường trong nước thời bấy giờ.
Và một bất ngờ nữa là cũng chỉ trong thời gian ngắn, cũng mặt hàng ấy đã có mặt ở thị trường các nước Liên Xô, Hunggary… Sau thành công này, ông quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu và sản xuất một loại vật liệu mới, đó là loại sỏi nhẹ Kêramzit. Đây là loại vật liệu mà từ trước đến nay đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng vào thời điểm ấy để cho ra lò những viên sỏi nhẹ, ông Sơn đã phải bỏ tiền túi của gia đình mình sang một số nước châu Âu để tham khảo cách làm của các chuyên gia bạn, nghiên cứu và học hỏi. Về nước ông đã thiết kế một dây chuyền và cho ra được mẻ sản phẩm đầu tiên. Đây cũng là dây chuyền độc nhất tại Việt
Tiếng lành đồn xa, hàng loạt bạn hàng từ khắp nơi đã tìm đến. Những ý tưởng về liên doanh với các tập đoàn nước ngoài để xây dựng một nhà máy hiện đại công suất lớn để sản xuất mặt hàng này cũng đang được hình thành trong đầu ông. Thế nhưng nụ cười vừa chỉ kịp hé nở trên môi thì một ngày đầu tháng 10/1995, Giám đốc Bạch Minh Sơn bị cáo buộc với tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Câu chuyện ấy, thật không ngờ kéo dài ròng rã 42 tháng đã kéo theo hàng loạt sự thiệt hại về kinh tế và uy tín của cá nhân cũng như doanh nghiệp của ông trên thương trường. Đau lắm nhưng với bản lĩnh của một trí thức, sự kiên định của người đảng viên, ông vẫn vững tin vào việc làm của mình sẽ về đích với một kết thúc có hậu.
(còn tiếp)