Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam:

Chuyện về một gia đình người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam

Thứ Bảy, 14/12/2013, 20:01

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có từ lâu đời và phát triển mạnh mẽ từ đầu thế kỉ XX nhờ phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Đặc biệt, sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1973), tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nhật ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngay từ giữa những năm 40 thế kỷ trước, đã có những người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, góp phần tô thắm mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), các cơ quan Trung ương di chuyển lên Việt Bắc thực hiện trường kỳ kháng chiến. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Bác Hồ và Trung ương Đảng vẫn đặc biệt quan tâm đào tạo cán bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Tháng 1/1947, Trường Ngoại ngữ Việt Bắc được thành lập; học viên là những thanh niên trẻ, hầu hết đã có bằng tú tài, một số là kĩ sư, cử nhân từ trước Cách mạng Tháng Tám…

Chuyện về một gia đình người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam -0
Vợ chồng cụ Utsumi (ngồi ghế) và gia đình cô Minh tại Tokyo năm 1986.

Một trong những học viên của Trường Ngoại ngữ Việt Bắc năm xưa là ông Nguyễn Bá Bảo, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Australia và New Zealand, 92 tuổi, hiện sống tại Hà Nội. Tuy tuổi cao, nhưng ông Bảo vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn. Mỗi lần nhắc lại những kỉ niệm về Trường Ngoại ngữ Việt Bắc năm xưa, ông không khỏi xúc động nhớ về người thầy Nhật Bản của mình, dạy môn Anh văn…

Ông Bảo xúc động kể: Trường Ngoại ngữ của chúng tôi chỉ có 1 lớp, với 45 học viên. Phụ trách trường là Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, đồng thời là giáo viên dạy triết học Mác-Lênin và tiếng Nga. Dạy tiếng Trung có thầy Tiền Ngọc Thông, một người Việt gốc Hoa, được anh em kính trọng gọi là “Thầy Tiền”. Khoảng nửa cuối năm 1947, lớp học chuyển về xóm Cây Thị (xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), trong một ngôi nhà sàn lớn được gia đình cụ Chu Văn Mão cho mượn… Một hôm Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đưa đến lớp học một người trạc 60 tuổi, trông quắc thước lắm và đeo cặp kính dày.

Giáo sư giới thiệu: “Đây là cụ Utsumi, từng là Tổng Giám đốc Ngoại thương Nhật Bản, cụ sẽ dạy các bạn môn Anh văn”. Anh em học viên chúng tôi ngạc nhiên, trong lúc cuộc chiến ngày càng khốc liệt, lại có một cụ già Nhật Bản đi theo cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Không những thế, cụ còn đưa theo cả gia đình, gồm vợ và cô con gái lớn 22 tuổi, cô con gái nhỏ chừng 15 tuổi! Cụ có tên Việt Nam là Vũ Kim Hải, nhưng anh em học viên hầu hết đều còn trẻ, kính trọng gọi là cụ giáo Nhật.

Chuyện về một gia đình người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam -0
Gia đình cụ giáo Nhật Utsumi (ảnh chụp tại Hà Nội năm 1953) trước khi hồi hương về Nhật Bản.

Gia đình cụ giáo Nhật trú tại một ngôi nhà sàn xinh xắn trong bản. Ngoài những giờ học tiếng Anh nghiêm túc, cụ giáo Nhật rất vui tính. Thỉnh thoảng ông Bảo lại cùng một số anh em học viên đến thăm gia đình cụ giáo Nhật, được gia đình cho uống trà theo kiểu “trà đạo” do cô con gái lớn bưng trên khay, tay nâng chén trà ngang trán khi mời khách. Cụ bà tên Nhật là Sagako, trẻ hơn cụ ông cỡ 10 tuổi, được anh em học viên gọi là “cụ Hải bà”.

Trong tâm tưởng của nhiều học viên, hình ảnh hai cô con gái xinh đẹp của cụ giáo Nhật mãi mãi in sâu. Cô chị tên Nhật là Chiharu, tên Việt là “cô Xuân”, đã từng là sinh viên năm thứ 3 Đại học Y khoa Tokyo. Cô em nhí nhảnh và hồn nhiên, có tên Nhật là Yoko, tên Việt là “cô Minh”. Cả hai cô đều nói, viết thành thạo tiếng Việt nên giao tiếp rất tự nhiên với các học viên. Về sau, cô Xuân nhất quyết xin ra mặt trận làm công tác cứu thương, nhưng Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã thuyết phục: “Cô Xuân ở hậu phương giúp chúng tôi săn sóc sức khoẻ cho hai cụ thân sinh cũng là giúp Việt Nam kháng chiến”. Cô nghe ra và vui vẻ với công việc của mình…

Tháng 10/1947, Trường Ngoại ngữ bị một trận bom đau thương, một số anh em học viên hi sinh, một số khác được đưa về các cơ quan, mỗi người mỗi việc và họ không còn thông tin gì về gia đình cụ giáo Nhật. Thời gian trôi qua, ông Bảo luôn mong muốn gặp lại những thành viên của gia đình cụ giáo Nhật. Kiên trì nhiều năm lần tìm qua các mối quan hệ, ông được biết: Năm 1953, để đảm bảo sức khỏe của ông bà Utsumi trong lúc cuộc kháng chiến đang còn rất quyết liệt và gian khổ,  Chính phủ ta đã đưa gia đình cụ giáo Nhật về Hà Nội.

Chuyện về một gia đình người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam -0
Ông Nguyễn Bá Bảo lúc sinh thời. Ảnh: Duy Hiển chụp năm 2004.

Một thời gian sau, gia đình cụ hồi hương về Nhật Bản. Người con gái lớn của cụ giáo Nhật, cô Xuân, lập gia đình với một người Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, trước Cách mạng Tháng Tám có thời gian dạy học ở trường Thăng Long cùng những trí thức nổi tiếng như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Xiển, Phan Mỹ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Sau này, cô Xuân và Giáo sư Nguyễn Khắc Kham sang Mỹ định cư.

Tháng 8/1998, ông Bảo và vợ sang Mỹ thăm người con gái đang công tác trong Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Cận ngày trở lại Việt Nam, ông Bảo hỏi được số điện thoại của gia đình Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, tại San Jose, California. Ông Bảo xúc động bấm máy điện thoại. Người tiếp máy chính là Giáo sư Nguyễn Khắc Kham. Ông Bảo tự giới thiệu và thăm hỏi sức khỏe vị Giáo sư mà sinh viên Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám hằng kính trọng. Giáo sư Nguyễn Khắc Kham cũng rất xúc động tiếp chuyện ông Bảo, rồi đưa máy cho vợ, tức cô Xuân, năm đó đã ngoài tuổi bảy mươi.

Chuyện về một gia đình người Nhật tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam -0
Gia đình cô Xuân (ảnh chụp tại Mỹ khoảng những năm 1990). GS Nguyễn Khắc Kham bìa trái, cô Xuân thứ hai từ trái sang cùng gia đình người con gái Nguyễn Mộc Lan.

Cuộc gặp gỡ qua điện thoại sau hơn nửa thế kỉ bặt tin diễn ra thật cảm động. Ông Bảo và cô Xuân bồi hồi nhắc lại kỉ niệm về những ngày ở chiến khu Việt Bắc, về Trường Ngoại ngữ... Cô Xuân cho biết, cha mẹ mình - tức cụ giáo Nhật đã mất; cụ ông mất năm 1987, thọ 94 tuổi; cụ bà mất năm 1989, thọ 86 tuổi. Cô Xuân và Giáo sư Nguyễn Khắc Kham sinh được một người con gái, đặt một cái tên rất Việt Nam là Nguyễn Mộc Lan. Mộc Lan cũng lập gia đình với một Việt kiều Mỹ. Người em gái của cô Xuân, tức cô Minh, hiện đang sống cùng gia đình tại Tokyo, Nhật Bản và có 2 con trai đã trưởng thành. Vì đã gần hết thời gian ở Mỹ nên ông Bảo không thể đến thăm gia đình cô Xuân, chỉ hẹn gặp trong một ngày gần nhất.

Sau cuộc gặp gỡ qua điện thoại, ông Bảo và cô Xuân đã liên lạc bằng thư từ. Một thời gian sau, ông Bảo cũng liên hệ được với cô Minh hiện đang sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản. Cô Minh đã viết thư cho ông Bảo và cho biết: Năm 1997, cô đi du lịch Việt Nam nhưng đã không tìm lại được những bạn bè thời kháng chiến chống Pháp... Ông Bảo, cô Minh và cô Xuân đều mong muốn và tin tưởng sẽ có ngày tái ngộ. Hơn sáu thập kỉ đã qua, tình cảm với đất nước và con người Việt Nam của một gia đình Nhật Bản hai thế hệ tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vẫn thủy chung, trong sáng.

Trần Duy Hiển
.
.
.