Chuyện tình chàng giáo sinh yêu nàng thơ khiếm thị
Chàng trai đó là Lê Trọng Hùng (32 tuổi, Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai) đã bỏ một công việc ổn định với nhiều cơ hội thăng tiến, lặn lội từ Lào Cai xuống Hà Nội để tìm gặp và yêu người con gái khiếm thị đã làm anh say mê từ một bài thơ anh vô tình được nghe trên một chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây 10 năm.
Xin làm chàng “Thạch Sanh” yêu “công chúa” cổ tích
Trong căn phòng rộng chừng 15m2 nằm trong ngõ 657 phố Minh Khai (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Hùng đang loay hoay pha sữa bột cho con, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Sợi dây kết nối trong tổ ấm của anh chị là một cậu bé xinh xắn được chào đời. Lê Trọng Bảo Minh vừa tròn 4 tháng tuổi, bụ bẫm và kháu khỉnh. Bằng sự nhạy cảm và trái tim người mẹ, chị ve vuốt bàn tay bé xíu, chị Na hài hước: “Mọi người đều bảo tôi “đẻ thuê”! Thằng bé giống bố từ đầu đến chân, mỗi bàn tay ngòi bút là “dấu tích” của mẹ”!
Chị Đỗ Lê Na để lại cho tôi một ấn tượng khá đặc biệt từ khi gặp chị trong lần chị bước lên nhận giải nhất cuộc thi viết “Vì trẻ em khuyết tật” do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội và Báo Hà Nội mới tổ chức. Chị là sinh viên khiếm thị đầu tiên được tuyển thẳng vào trường đại học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Lê Na lại yêu văn học, thích sáng tác, những bài thơ của chị đăng trên tờ báo Hoa Nắng của Trường Nguyễn Đình Chiểu và được chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt
Lục lại quá khứ, Lê Na bảo, chị không nhớ tình yêu của mình bắt đầu từ lúc nào và phải trải qua biết bao sóng gió, chỉ nhớ rằng, người con trai đó đã nắm tay chị bước qua rất nhiều giông bão, vượt qua những dị nghị của người đời để làm đôi vai, chỗ dựa vững chắc cho chị. Chị nghĩ, chị là người thiệt thòi nên chưa bao giờ hi vọng sẽ lấy người sáng mắt, cũng không tin niềm hạnh phúc, tình yêu và những điều kỳ diệu sẽ ứng nghiệm vào cuộc sống của mình, chỉ có sự cố gắng, nỗ lực vươn lên bằng sự hăng say của bản thân sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp.
Chính vì thế, chị luôn cố gắng phấn đấu, học hỏi, tạo dựng tri thức để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Hướng đôi mắt đục mờ chỉ còn phân biệt được sáng tối nhìn lên để định hướng người đang nói chuyện với mình, chị kể về tuổi thơ đầy sóng gió của mình trong niềm cảm động vô hạn đối với người mẹ. Lê Na vừa sinh ra đã bị bỏ rơi tại Bệnh viện Khe Sanh (Quảng Trị), cô y tá Lê Thị Bích Thủy (người Quảng Bình) lúc đó vừa tròn 20 tuổi, chưa chồng con đã đón nhận về nuôi nấng, dạy dỗ.
Hồi mới sinh, mẹ Na bảo đôi mắt Na rất đẹp, sáng và tinh nhanh hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác nhưng càng lớn, thị lực Na càng yếu đi. Đến 6 tuổi, em gái Thùy Linh đi học, Lê Na nằng nặc đòi mẹ được đến trường cùng các bạn, nhưng vì yếu thị lực, trường không dám nhận vì sợ ảnh hưởng đến học sinh khác. Các thầy, cô ngày ngày vẫn thấy một cô bé đứng ngoài cửa sổ, cố gắng nheo nheo đôi mắt đọc những con chữ đang nhảy nhót trên bảng, đã quyết định nhận Na vào lớp nhưng không được nằm trong danh sách là học sinh chính quy của nhà trường.
Vợ chồng Lê Trọng Hùng - Lê Na (giữa) hạnh phúc bên đứa con đầu lòng. |
Năm 1993, đội văn nghệ của Trường mù Nguyễn Đình Chiểu vào biểu diễn cho học sinh tại trường học của em Linh. Thấy đoàn có những học sinh khiếm thị đều tiếp cận với kiến thức văn hóa, sách vở, Na xin mẹ theo đoàn để được học chữ như các bạn. Người mẹ thương con, sợ con xa nhà vất vả, cô đơn, lúc đầu do dự, khuyên ngăn, nhưng sau thấy Na quyết chí, mẹ Thủy chấp thuận, lặn lội tìm gặp người quản lý của đội văn nghệ để xin Lê Na theo học.
Một tuần sau, Lê Na giã biệt gia đình, quê hương để lên đường ra Hà Nội học trường Nguyễn Đình Chiểu những năm tiểu học, sau đó nhanh chóng được học hòa nhập tại Trường THCS Minh Khai, THPT Dân lập Nguyễn Đình Chiểu và là một trong 20 học sinh giỏi của Thủ đô Hà Nội năm 2001 – 2002.
Na bảo, chị không đủ tự tin với thiên chức làm vợ, làm mẹ và làm con dâu, phần nữa cũng lo lắng vì sợ người chồng sau này sẽ không cảm thông vì khiếm khuyết của bản thân. Chị cũng không ngờ một anh giáo đang có công việc ổn định, có cơ hội thăng tiến ở tỉnh Lào Cai lại từ bỏ hết những thảm hồng được trải sẵn để làm lại từ đầu với bao nhiêu khó khăn vất vả phía trước chỉ vì yêu đơn phương cô gái khiếm thị có bài thơ khiến anh “say” đến mê mệt.
Chị nhớ như in tin nhắn mà anh gửi: “Anh nguyện làm chàng Thạnh Sanh nắm tay em viết câu chuyện cổ tích về tình yêu. Anh hiểu những điều em đang lo lắng nhưng anh tin, tình yêu sẽ giúp mình vượt qua được tất cả”.
Hạnh phúc bình dị
Nhiều người bảo, văn chương là cầu nối xe duyên cho tình yêu của anh chị, còn anh Hùng chỉ coi đó là “định mệnh”. Là giáo viên Trường THCS Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai) nhưng tâm hồn thầy giáo dạy Hóa rất thích đọc thơ văn, tiểu thuyết.
Vào một đêm trăng năm 2001, chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt
Chưa một lần anh được gặp mặt tác giả, anh Hùng tự xây dựng trong tim mình hình ảnh cô gái khiếm thị có tâm hồn mềm mại, đa cảm. Năm 2005, anh quyết định nghỉ dạy ở Trường THCS Minh Lương, đăng ký khóa học tại chức ngành Luật ở Trường Đại học Mở Hà Nội. Anh tìm đến hỏi thăm Trường Nguyễn Đình Chiểu nhưng mọi người bảo cô gái đã đỗ Đại học.
Hà Nội bé nhỏ nhưng mênh mông biển người, biết tìm đâu một cô gái mà anh chỉ biết tên và bài thơ khắc kỹ trong tim? Đôi lúc, anh hoang mang, định bỏ cuộc thì tình cờ, cô bạn học cùng cấp 3 trường hòa nhập với Na biết chuyện đã giúp anh tìm số điện thoại liên lạc. Từ những cuộc điện thoại ngắn của “fan” hâm mộ với tác giả, Hùng lấy hết can đảm đặt vấn đề gặp mặt. “Hôm đó, tôi cố gắng diện thật đẹp, đóng thùng lịch sự, nhưng chợt nhớ ra cô gái không nhìn thấy được gì” – Hùng ngượng ngùng kể.
Người ta nói, những người khiếm khuyết đôi mắt thì bù lại họ cảm nhận rất tinh tế từ những giác quan khác quả không sai. Không cần bắt tướng qua khuôn mặt, cử chỉ, dáng điệu, hình ảnh, Na cảm nhận ở Hùng mộc mạc và chân thành như anh trong những cuộc trò chuyện điện thoại. Những lần đi chơi, anh nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của chị dắt chị đi từng bước, tả cho chị những cảnh vật bên ngoài, về thế giới xung quanh.
Chị cười: “Với tôi, anh là đôi mắt sáng để tôi nhìn và cảm nhận thế giới bên ngoài”. Còn bạn bè chị trầm trồ: “Con trai như anh Hùng bây giờ là “của hiếm” đấy. Có được người yêu như anh ấy là may mắn và hạnh phúc lắm đấy, cậu đừng để đánh mất tình yêu!” Chị chỉ cười thỏ thẻ, giấu đôi má hồng lên vì ngượng và niềm hạnh phúc dâng đầy trong tim.
Anh Hùng đưa cho tôi xem tập thơ Vườn cổ tích của chị Lê Na, kèm theo bài thơ “Cổ tích cho em” mà anh viết tặng chị. Những câu thơ: “Cổ tích cho em không chỉ bây giờ/ Mình lại có mái nhà xinh xắn/ Mình sẽ có những thiên thần xinh xắn/ Không đến từ thiên đàng/ Mà đến từ hai ta…” là nhân chứng cho những chuỗi ngày phải vượt qua lời đàm tiếu, phải chờ đợi, thuyết phục để nhận được sự đồng ý của hai bên gia đình.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh chị vẫn cảm thấy hạnh phúc và trân trọng hơn những gì mình có. Anh Hùng đang làm giáo viên tại Trường THCS Minh Khai, chị Lê Na là cô giáo của Trường Nguyễn Đình Chiểu, anh còn giúp chị dịch sách giáo khoa chuyển ngữ sang chữ Brain. Chị cười, món quà lớn nhất cho tình yêu của chúng tôi là đứa bé xinh xắn và kháu khỉnh. Cháu ăn nhiều nên sữa mẹ không đủ, phải pha sữa bột uống từ 4 tháng tuổi. “Giờ tôi đã tự tin về những kỹ năng làm vợ, làm mẹ và có thể truyền lại kinh nghiệm, kiến thức nuôi con cho bạn khi bạn sinh đứa con đầu” – chị nheo mắt hài hước