Chuyện lạ về bài võ sáo của nghĩa quân Yên Thế

Thứ Năm, 01/02/2007, 08:15
Cây sáo là thứ nhạc cụ rất phổ biến ở vùng rừng núi Yên Thế. Tuy nhiên, muốn luyện thành bài võ "Thiết địch thần phong" để sử dụng cây sáo như một thứ vũ khí, phải là người có nội lực uyên thâm để khi vào trận như cuồng phong, khi ra trận vẫn đủ nguyên khí để thổi sáo, vận công.

Tại nơi "long đàm, hổ huyệt" chốn rừng thiêng Yên Thế, các nghĩa sỹ dưới ngọn cờ Hoàng Hoa Thám có để lại những môn võ hết sức kỳ bí, với những thứ binh khí hết sức lạ lùng đang dần thất truyền trong dân gian. Từ đôi đũa cả nấu vạc cơm lớn của bà ba Đề Thám dọc ngang như bảo kiếm chốn quân doanh hay những thế võ hiểm "ngọc nữ xuyên thoa", "hồ điệp song phi"… với cây trâm cài đầu đã làm nên cả một nền võ học hết sức kỳ bí, hữu dụng, có tính chiến đấu cao nhưng lại đầy chất phong lưu, lãng mạn.

Ngoài những "binh khí" mang đầy tính dân dã nhưng cũng hết sức oai tráng như dải lụa, quạt sắt, não bạt, trâm cài đầu ấy thì cây sáo sắt với bài võ "Thiết địch thần phong" do một già bản Triệu Quốc Úy, người dân tộc Tày đang lưu giữ là một di sản văn hoá phi vật thể hết sức quý giá đang rơi vào nguy cơ thất truyền.

Giữa chốn rừng sâu, tiếng sáo du dương, tha thiết khi gọi bạn, trầm bổng thiết tha lúc tỏ tình nhưng khi lâm trận, cây "thiết địch" như giao long đâm lên, bạch hổ vồ xuống làm cho đối phương khiếp đảm kinh hồn…

Những võ công kỳ bí của nghĩa quân Đề Thám

Theo võ sư Trịnh Như Quân, nhà sưu tầm võ học dân gian Bắc Giang thì những môn tướng của Đề Thám vốn phần lớn xuất thân trong giới giang hồ. Họ là những nghĩa sỹ bị thực dân Pháp giam cầm, đầy đọa, không còn mảnh đất sinh sống nên đều quy tụ dưới ngọn cờ Yên Thế.

Có người là tử tù trốn khỏi chốn biệt lao, có người là những võ sư ưa thích cuộc sống phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế nên mỗi người tự trang bị cho mình những môn võ công hết sức lạ lùng, những thứ binh khí hết sức giản dị, bất ngờ nhưng tính sát thương rất cao.

Trong thời gian này, do thực dân Pháp kiểm soát gắt gao võ học và truy sát những sỹ phu yêu nước, vì vậy để ngụy trang binh khí và tránh bị giặc phát hiện trong khi đứng dưới cờ đại nghĩa nên các môn tướng, các thuộc hạ của Đề Thám lựa chọn cho mình những binh khí hết sức phổ thông, không để mật thám nghi ngờ, theo dõi nhưng tính năng chiến đấu rất cao. Đó là những cây thiết phiến (quạt sắt) phe phẩy theo những nghĩa sỹ hoá trang thành những chàng "bạch diện thư sinh" đi trinh sát quân doanh của địch.

Vũ khí này vừa dễ ngụy trang, đâm ra như kiếm, chắn lại như khiên, đặc biệt có thể lia chém đối phương theo hình bán nguyệt. Tiếp nữa là thứ nhạc cụ dân gian như não bạt giống như song khiên vừa chém vừa đỡ với những chiêu thức biến ảo, bất ngờ. Nhiều môn tướng của Đề Thám có võ công giỏi đến mức có thể dùng quân cờ sắt làm ám khí sát thương đối phương từ xa hay dùng dải lụa để bắt trói, buộc giật quân địch.

Trong những môn võ đầy chất dân gian lãng mạn ấy nổi tiếng nhất và công phu nhất là bài võ của bà ba Đề Thám với đôi đũa cả nấu vạc cơm chốn quân doanh và bài võ sáo sắt "thiết địch thần phong". Mỗi lần bà ba Cẩn hoá trang làm thôn nữ đi gặt thuê để thám thính địch quân thường mang theo đôi đũa cả làm bằng gộc tre lớn làm vũ khí tuỳ thân.

Mạng lưới mật thám của Pháp giăng dày đặc như vậy nhưng ít ai ngờ đôi đũa to mộc, xù xì ấy lại là binh khí hết sức lợi hại. Nó có thể dùng như song đoản côn lúc lâm trận hoặc như đoản kiếm lúc công lúc thủ đều lợi hại.

Có lần bà ba Cẩn và vài nữ nghĩa quân vừa ra khỏi bìa rừng thì bị quân Pháp huy động nhiều binh lính vây bắt. Trong đám lính đánh thuê hôm ấy có rất nhiều võ sỹ gốc Ấn Độ và Philippines. Do không ngờ cô thôn nữ đi gặt ấy là nữ hổ tướng của nghĩa quân Đề Thám  nên chúng tỏ ra coi thường và trêu ghẹo.

Bất ngờ đôi đũa cả của bà ba Cẩn vung lên cùng đòn gánh, dây xích sắt của những nữ nghĩa quân đi cùng khiến đám võ sỹ nước ngoài chạy trối chết. Chỉ đến khi quân Pháp mang súng trường đến tham chiến, bà ba Cẩn mới chịu rút quân về núi.

Tương truyền đây là "công phu" của người vợ thủ lĩnh Ba Cai Vàng truyền lại cho một vị sư ở chùa Lèo và bà ba Cẩn có may mắn được truyền thụ. Cho đến nay, mỗi năm tại lễ hội vùng Đề Thám đóng quân, chỉ còn có nữ võ sỹ Ánh Tuyết (câu lạc bộ võ thuật Yên Thế) biểu diễn được bài võ bí truyền này.

“Thiết địch” thất truyền?

Ngoài cặp "giao long" của bà ba Cẩn còn có bài võ "Thiết địch thần phong" cũng có uy lực và hết sức nổi tiếng trong giới võ học. Sau một thời gian dài, các cơ quan chức năng ở Bắc Giang mới "tá hoả tam tinh" khi biết nhiều môn võ độc đáo của nghĩa quân Đề Thám đang dần mai một. Vì vậy họ thành lập một tổ sưu tầm những di sản văn hoá của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến các môn binh khí kỳ tài được truyền tụng trong dân gian nơi núi rừng Yên Thế.

Trong đoàn sưu tầm ấy có võ sư Trịnh Như Quân cùng lăn lộn khắp nơi núi thẳm rừng sâu để tìm kiếm những môn võ đang có nguy cơ bị thất truyền. Lần theo những dấu tích oai tráng của vùng Yên Thế, võ sư Trịnh Như Quân tìm được đến nhà của cụ già người Tày, Triệu Quốc Úy tại bản Rừng Phe, xã Tam Tiến.--PageBreak--

Một đêm khi ánh trăng trải khắp đại ngàn, võ sư Quân bỗng thức giấc trong tiếng sáo vi vu giữa lồng lộng mây trời. Võ sư Quân lắng tai nghe tiếng sáo mặc dù trầm bổng thiết tha nhưng như có tiếng sắt tiếng vàng đua chen trận mạc. Hơn nữa là người tinh thông võ học nên vị võ sư này biết người thổi sáo có một khí lực hết sức phi phàm.

Khi ra đầu nhà tìm kiếm, võ sư Quân ngỡ ngàng khi thấy dưới bóng trăng huyền ảo giữa "rừng thiêng", cụ già Triệu Quốc Úy hơn 80 tuổi đang ngồi réo rắt những âm thanh như tiếng chuông vàng gầm lên, như tiếng khánh bạc chùng xuống. Điều đặc biệt thứ nhạc cụ này là cây sáo sắt dài chừng 1m được những ngón tay điêu luyện luyến láy, được dòng khí lực mạnh mẽ thôi thúc như rừng thẳm gào trong gió, như núi xa vọng tiếng cồng.

Thổi sáo xong, cụ già Triệu Quốc Úy nhẹ nhàng đề khí nhảy vút lên rồi múa cây "thiết địch" loang loáng. Các chiêu thức " mãng xà truy lão hổ"; "tống điểu thượng lâm"; "dạ xoa thám hải"… như hư như thực khiến võ sư tên tuổi Trịnh Như Quân đứng ngây nhìn như đứa trẻ. Múa võ xong, cụ già người Tày lại ngồi xuống thổi sáo. Những âm thanh tiên đồng ngọc nữ lại vút cao giữa mây trời vằng vặc ánh trăng.

Theo cụ Triệu Quốc Úy thì đây là bài võ do một nghĩa binh của cụ Đề Nắm truyền lại. Tại vùng núi rừng Yên Thế chỉ có vị võ sư già này còn biết môn công phu kỳ lạ này. Vốn là một vị lão thành cách mạng đã hơn 80 tuổi nhưng do học được cách vận khí từ bài võ này nên bây giờ cụ Úy vẫn đi rừng dẻo dai, bắn súng bách phát bách trúng.

Cây sáo là thứ nhạc cụ rất phổ biến ở vùng rừng núi Yên Thế. Từ những mục đồng chăn trâu cắt cỏ cho đến những người tiều phu đốn củi trong ngàn, ai cũng yêu thích thứ nhạc khí phong lưu, lãng mạn này. Thế nhưng cây sáo sắt như cây đoản kiếm. Có thể giắt bên hông trong những phút tiêu dao, tài tử nhưng có thể xung trận hết sức oai mãnh.

Hơn nữa, đây là thứ vũ khí khiến đối phương hết sức bất ngờ và tính sát thương rất cao. Muốn luyện được bài võ này phải là người có nội lực uyên thâm để khi vào trận như cuồng phong, khi ra trận vẫn đủ nguyên khí để thổi sáo, vận công.

Trong nghĩa quân của Đề Thám chỉ duy nhất có một môn khách biết thứ võ công này. Trong một lần diễn tập ngoài võ trường, cây "thiết địch" đã mang tới cho các tráng sỹ Yên Thế từ sự bất ngờ này tới sự ngạc nhiên khác. Cây sáo bổ xuống như thiết côn, đâm lên như trường kiếm. Lúc thủ thì kín như nắm bàn tay, khi công thì dũng mãnh, biến ảo khôn lường.

Rất nhiều võ sỹ xin học "Thiết địch thần phong" nhưng cũng chẳng có ai thành công cả. Bởi lẽ bài võ này rất tài tử lãng mạn nhưng đòi hỏi người luyện phải có trình độ võ công hết sức thâm hậu. Thậm chí người sử dụng "thiết địch" mang đá nặng đeo chân chạy lên núi nhưng sắc mặt không được đổi, hơi thở vẫn điều hoà.

Không chỉ có vậy, người múa được "Thiết địch thần phong" lại phải là nghệ sỹ am hiểu, thuần thục thứ nhạc khí này. Ngoài việc múa võ, họ còn phải biết dùng cây sáo sắt để tấu lên những khúc tiêu dao nơi hạ thế. Tiếng sáo của tình yêu, của mùa vàng, của hoàng hôn vùng sơn cước thanh bình này.

Bài võ "Thiết địch thần phong" có 51 chiêu thức từ khi lập tấn "Thượng bộ hợp địch" cho đến chiêu cuối cùng "Hợp địch quy nguyên" biến ảo khôn lường. Ngoài ra, do sử dụng cây sáo sắt như một đoản côn hay đoản kiếm nên có đủ 13 phép dùng (hay còn gọi là “thập tam kiếm pháp"). Đó là những phép như "tiễn" (người và kiếm lao tới); "trừu" (kéo xuống, cứa dọc, giật vào) hay "đối" (đưa thẳng lưỡi kiếm lên, ngửa cổ tay, kiếm nằm ngang)…

Và thế là võ sư Quân ở lại luôn bản Rừng Phe để "bái sư" và được cụ Triệu Quốc Úy tận tình chỉ bảo. Chỉ đến khi tinh luyện thiết địch đến mức "sáo thu như bông hoa, sáo đâm như đinh đóng", võ sư Quân mới trở về báo cáo Sở TDTT Bắc Giang về bài võ bí truyền này.

Tuy nhiên đến nay, bài võ vẫn có nguy cơ thất truyền do quá khó học và quá ít người biết. Võ sư Trịnh Như Quân cũng đã cố gắng thâu nạp đệ tử nhưng cũng chưa thấy ai có thể lãnh hội hết sự tinh diệu của bài võ này.

Tiếp xúc với phóng viên Báo CAND, võ sư Trịnh Như Quân nói: "Tôi hết sức lo lắng khi nghĩ tới việc một ngày nào đó, bài võ oai tráng, tài tử này của nghĩa quân Yên Thế bị thất truyền. Vì thế trong những năm vừa qua, tôi đã cố gắng lựa chọn nhiều đệ tử nhưng chưa có ai thật sự ưng ý. Người biết múa võ thì không biết thổi sáo, người biết thổi sáo thì không có võ học. Do đó không biết bài võ sáo này còn được tồn tại đến bao giờ".

Mắt rơm rớm buồn, vị võ sư này ngồi xuống rút cây sáo sắt ra thổi bài "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong. Tiếng sáo vút cao tiếng sắt, tiếng vàng đua chen rồi buồn mênh mang sông nước. Những âm thanh lanh lảnh của "thiết địch" như những câu hỏi cho các nhà sưu tầm văn hoá phi vật thể làm thế nào với việc bảo tồn những di sản vô giá này?

Triệu Ngọc Lâm
.
.
.