Chuyện cựu chiến binh 25 năm đi tìm hài cốt đồng đội

Thứ Năm, 28/08/2014, 14:45
Có lúc ông đồng hành cùng đồng đội để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; nhưng cũng có những chuyến ông lặng lẽ đi tìm. Cứ thế 25 năm, ông Trần Kiệm (70 tuổi, thương binh hạng 3/4, ở khu phố 9, phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) kiên trì đạp rừng, băng suối để tìm đưa hài cốt đồng đội về nghĩa trang, mồ yên mả đẹp…

Bên tách trà nóng, ông Kiệm cười hiền: “Tui kể thì o nghe chứ đừng đưa tui lên báo, cái việc mà tui làm không phải do một mình công sức của tui mà còn nhờ sự hỗ trợ, giúp sức của đồng đội nữa. Tui làm việc này chỉ muốn trả ơn đồng đội, không có họ thì chắc tui đã chết ở chiến trường rồi...”. Ngược dòng thời gian, ông Kiệm kể cho chúng tôi nghe về miền kí ức trận mạc cùng đồng đội vào sinh ra tử một thời kháng chiến đánh giặc.

Năm 1964, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Kiệm lên đường nhập ngũ ở tuổi 19. Khi ấy, ông hoạt động chủ yếu ở chiến trường Gio Cam (nay thuộc 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ, Quảng Trị). Trong trận đánh đêm 18 rạng sáng 19/2/1969 ở Cam Thành, Cam Lộ ông bị thương gãy một cánh tay và chân phải, được 3 đồng đội khiêng võng trở ra Vĩnh Linh. Khi tới cao điểm 102 Cù Đinh thuộc địa bàn miền Tây Gio Linh, giặc Mỹ thả bom, càn quét liên tục. Lần ấy, ông nằm ngửa trên võng thấy máy bay địch bay trên trời thả bom, ông lăn mình xuống võng. Không ngờ ông may mắn thoát chết, còn 3 đồng đội của ông bị hy sinh. Ông Kiệm nghẹn ngào kể tiếp: “Trong cuộc họp cứu đói cho dân ở Cam Lộ thì bị máy bay B52 của Mỹ ném bom trúng hầm. Do trong hầm có thuốc bom nên gặp phải lửa kích bom nổ, xác anh em ai nấy không còn. Lúc ấy tui thoát chết là do chưa vào hầm. Nhiều lần nằm lại chiến trường, nhờ có đồng đội mà tui thoát chết. Tui nghĩ do may mắn của đồng đội mang lại chứ không phải của ông trời ban cho”.

Ông luôn canh cánh trong lòng khi nghĩ về đồng đội hy sinh còn nằm lại trên chiến trường năm xưa chưa được quy tập vào các nghĩa trang, hoặc đưa về quê nhà. Vì vậy, hòa bình lập lại, việc đầu tiên ông làm đó là đi tìm hài cốt của 3 liệt sĩ đã hy sinh trong lần đưa ông về dưỡng thương năm 1969. Thế nhưng, ông chỉ tìm được hài cốt của 2 liệt sĩ bàn giao cho người thân, còn hài cốt liệt sĩ Phạm Doãn Lý (quê Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh) không tìm được. Ông cùng gia đình liệt sĩ nuốt nước mắt bốc một nắm đất nơi anh yên nghỉ, tổ chức nghi lễ đưa về quê thờ cúng.

Ông Trần Kiệm (bên trái) rà soát lại thông tin người thân liệt sĩ cung cấp.

Trong quá trình còn làm việc ở lực lượng Công an, tranh thủ những ngày nghỉ phép, ngày lễ, ông Kiệm đi tìm hài cốt đồng đội. Năm 1990, ông xin nghỉ hưu để dành thời gian đi tìm hài cốt đồng đội. Có bất cứ thông tin gì liên quan đến đồng đội hay thân nhân của các gia đình liệt sĩ tìm đến nhờ ông giúp, ông đều tức tốc lên đường… Hiểu rõ địa hình Tây Bắc Quảng Trị, các cao điểm, khe suối, những nơi bộ đội ta trú quân, con đường giao liên cũ, các sư đoàn chiến đấu trên chiến trường Bắc Quảng Trị, nên ông tìm khá chính xác vị trí hài cốt đồng đội mình. Ngoài ra, ông còn tập hợp giấy báo tử, ảnh, thư, bất cứ kỷ vật nào của liệt sĩ, gặp gỡ những nhân chứng sống cùng đơn vị để suy đoán chính xác nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ. Cứ như vậy, 25 năm sau khi nghỉ hưu, ông Kiệm đã tự mình tìm kiếm được 66 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 15 liệt sĩ được ông xác nhận rõ lý lịch, tự mình liên hệ với người nhà đưa về yên nghỉ nơi quê cha đất tổ, còn lại 51 hài cốt chưa liên lạc được với người thân, hiện đã được đưa về an táng ở các nghĩa trang liệt sĩ…

Cuộc hành trình 25 năm tìm kiếm phần mộ liệt sĩ của ông Kiệm cũng gặp không ít khó khăn, gian nan, vất vả. Đội mưa, đội nắng đi đến từng xóm thôn, rồi từng chiến trường. Mà sau chiến tranh, địa hình, tên xóm, tên làng đã bao lần đổi thay. Nhiều phần mộ được dân phát hiện đem quy tập tại nghĩa trang nên công việc tìm hài cốt càng khó khăn hơn. Dẫu không phải chuyến đi nào cũng thành công, nhưng niềm tin, hy vọng đã giúp ông vượt qua khó khăn. Sau những chuyến đi gian truân ấy, còn đọng lại trong ông là niềm vui khi gia đình các liệt sĩ tìm được phần mộ người thân. Như liệt sĩ Lê Văn Ngọ (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 MTB5) hy sinh ngày 2/2/1968 tại cao điểm 82 núi Hồ Khê (nay thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) được ông Kiệm tìm thấy đưa về liên hệ cho người thân ở thị trấn Tứ Hạ, Thừa Thiên – Huế đem về quê mai táng…

Nhiều thân nhân liệt sĩ cảm kích trước việc làm của ông nên ngỏ ý muốn tặng quà, đưa phong bì để cảm ơn nhưng ông nhất quyết từ chối. Nhiều người cảm kích việc làm của ông thì cũng không ít người đặt điều nghi ngờ về công việc thiện nguyện của ông, họ cho rằng ông làm để kiếm lợi. Không nhận quà, tiền, mỗi chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ ở những nơi xa xôi, đường núi hiểm trở, mọi chi phí đều do ông tự bỏ tiền túi ra lo liệu.

Với câu hỏi: “Trước những khó khăn, mệt mỏi trong hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội như vậy, đã bao giờ ông có suy nghĩ muốn dừng lại không?” thì ông Kiệm không chút ngần ngại trả lời: “Dù tuổi cao sức yếu, bệnh tật, bị ảnh hưởng của những vết thương sau chiến tranh, nhưng tui không bỏ cuộc. Tui sẽ tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, để đưa đồng đội về với quê hương”. Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, tâm sự: “Suốt 25 năm qua, ông Kiệm tự bỏ tiền túi và công sức để đi tìm phần mộ liệt sĩ vô danh ở khắp chiến trường. Ông Kiệm là tấm gương sáng để mọi người học tập noi theo và nhân rộng trong cộng đồng”

Như Quỳnh
.
.
.