Chuyện chưa kể về hai tháp nước cổ ở Hà Nội

Thứ Tư, 22/09/2010, 14:01
Nhà máy nước Yên Phụ - Hà Nội được khởi công xây dựng năm 1894, cùng lúc thực dân Pháp bắt đầu phá thành Thăng Long, đá xanh, đá ong lấy ra được cô thầu Tư Hồng mua lại rồi bán để dùng xây hai đài chứa nước, một cái gọi là Đài đầu, ở góc đông bắc thành cũ gần nơi quân đội Pháp đóng (tháp nước Hàng Đậu). Một cái gọi là Đài cuối ở khu nhượng địa đầu tiên sát sông Hồng (Đồn Thủy) phía đông nam thành phố, gần nhà thương quân đội.

Hơn nửa thế kỷ trước, thuở lên 5 lên 6 tuổi, lũn cũn theo mẹ từ nhà dưới Cửa Bắc lên chợ Đồng Xuân, đi qua Vườn hoa Hàng Đậu, tôi không bao giờ rời mắt khỏi cái tòa tháp bí hiểm đứng sừng sững trước bót Hàng Đậu (nay là trụ sở Công an phường Đồng Xuân). Một tòa tháp xám xịt, những ô cửa sổ như những lỗ châu mai bịt kín. Những phiến đá hộc khổng lồ xếp chồng lên nhau như Kim Tự Tháp. Trong trí tưởng tượng tuổi thơ, nó vừa như nhà ngục hung dữ Bát-xi-ti mãi bên trời Tây Pari, nó lại vừa như những lâu đài cổ tích An-đéc-xen huyền ảo xứ Bắc Âu mà tôi được xem được đọc qua những quyển truyện tranh của ông bán táo dầm cạnh chợ Châu Long.

Tháp nước hàng Đậu

Cái tòa tháp này xây bao giờ, xây để làm gì, ai là chủ của nó, trong đấy có người ở không, bao nhiêu lần đi chợ cùng mẹ là bấy nhiêu lần những câu hỏi như thế được líu lô đặt ra. Có khi được mẹ giải thích, lõm bõm trong ríu rít leng keng tiếng chuông tàu điện Bưởi - Chợ Mơ khi lượn qua khúc rẽ Quán Thánh - Đồng Xuân. Có khi chỉ là sự ậm à ậm ừ, khi mà trong túi mẹ tiền chợ chỉ còn dăm hào lẻ, khi mà trong đầu mẹ bộn bề lo lắng chợ búa sinh nhai nuôi mười anh chị em tôi thời gian khó ấy.

Thế rồi 10 năm sau giải phóng Thủ đô lại là chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ, rồi tản cư ra ngoại thành, sơ tán về quê học trường làng, rồi nhập ngũ ra trận, những câu hỏi về cái tòa tháp kia lúc mờ lúc tỏ đằng đẵng theo chúng tôi suốt tuổi thanh xuân, suốt nửa đời người. Để đến bây giờ, tóc đã hoa râm, việc đời đã vãn, lại tỉ mẩn ngồi nhớ về cái tháp bí ẩn năm xưa, trong nhộn nhịp người xe tưng bừng cờ hoa mừng Đại lễ Thăng Long ngàn tuổi hôm nay... 

Tháp nước Hàng Đậu xưa.

Cái tòa tháp bí hiểm kia, cái tòa tháp gợi bao thắc mắc trong tâm trí trẻ thơ Hà Nội thế hệ chúng tôi, thực ra chỉ là một cái tháp nước, giống như những cái tháp nước ở các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ được xây dựng sau này. Người giúp chúng tôi tìm được những tư liệu quý giá về lịch sử tòa tháp này từ trong những văn bản được đánh bằng máy chữ từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước chính là Chủ tịch HĐQT Công ty Nước sạch Hà Nội bây giờ - ông Nguyễn Trí Khoa. Ông Khoa nói với tôi, quả thật đề tài mà tôi muốn tìm hiểu để viết từ trước đến nay rất ít người đi tìm, và lịch sử của cái tháp nước cổ ở Hà Nội này là chuyện mà không phải bất cứ người Hà Nội nào cũng biết.

Đó là vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi công cuộc chống xâm lược của nhân dân Hà Nội đang giành thắng lợi thì triều đình nhà Nguyễn cắt đất địa phương làm nhượng địa (khu Đồn Thủy) cho thực dân Pháp. Ngày 3/10/1898, cả Hà Nội thành xứ Bảo hộ. Hai năm trước đó, năm 1896, thực dân đã lập một ủy ban đặc biệt nhằm khảo sát các nguồn nước, vì nhà máy nước là điểm ưu tiên trong kế hoạch xây dựng Hà Nội. Trước đó, dịch bệnh năm 1894 hoành hành đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều người sống ở Hà Nội, trong đó có 12.000 quân sĩ Pháp.

Một nguyên nhân quan trọng là nước uống không đảm bảo vệ sinh. Không thể tiếp tục dùng nước sông, ao làm nguồn nước sinh hoạt, do vậy nên đất xây nhà máy phải ở nơi có nguồn nước dễ khai thác, có độ dốc, địa thế cao để dễ dẫn nước, lại phải gần nơi trú quân và cơ quan hành chính để việc phục vụ và bảo vệ được thuận lợi.

Nhà máy nước Yên Phụ - Hà Nội được khởi công xây dựng năm 1894, cùng lúc thực dân Pháp bắt đầu phá thành Thăng Long, đá xanh, đá ong lấy ra được cô thầu Tư Hồng mua lại rồi bán để dùng xây hai đài chứa nước, một cái gọi là Đài đầu (Reservoir de tête), ở góc đông bắc thành cũ gần nơi quân đội Pháp đóng. Một cái gọi là Đài cuối ở khu nhượng địa đầu tiên sát sông Hồng (Đồn Thủy) phía đông nam thành phố, gần nhà thương quân đội thực dân khi ấy (nay là khu vực Bệnh viện Quân đội Trung ương 108).

... Và nay.

Đằng sau cánh cửa sắt cũ nát là cả một không gian huyền ảo. Những ánh nắng hắt vào từ những ô cửa sổ phản chiếu lên những bức tường đá xanh, đá ong xây mộc khiến không gian ở đây càng cuốn hút chúng tôi. Leo hết chiếc thang tre lên đến tầng đặt chòi nước lọt trong tường nhà, có một đường độc đạo đi xung quanh giữa chòi nước và tháp nước. Chúng tôi có thể ngắm nhìn toàn bộ khu vực vườn hoa Hàng Đậu qua những ô cửa nhỏ.

Đài nước Hàng Đậu ở ngay góc Đông thành Hà Nội đã phá đi, nay là giữa ngã sáu các phố Quán Thánh, Hàng Than, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Cót và Phan Đình Phùng.  Nhiều người dân quen gọi đây là nhà máy nước tròn theo hình thù của nó, còn người Pháp đặt tên là Đài Đầu (Reservoir de tête), vì tháp này ở ngay đầu thành phố. Dưới chân tháp nước có cửa ra vào, trong tháp xây những bức tường đá có khoảng cách đều đặn như nan hoa xe đạp, có cửa thông đi vòng quanh tháp. Những bức tường trong tháp để đỡ bể chứa nước làm bằng tôn để phía trên, gọi là chòi nước.

Vị trí tháp rất thuận lợi cho việc phân phối nước không cần bơm hỗ trợ. Tường cao 21m, kể cả nóc thì tháp cao tới 25m, đường kính 19m, dung tích 1.250m3, tháp Hàng Đậu có thể rót nước thẳng vào thành Cửa Bắc, nơi quân đội thực dân đóng và ngoài ra nó còn phân phối nước đều đặn về các khu phố từ phía tây bắc dồn về giữa trung tâm Hà Nội. Áp lực có được nhờ độ cao của tháp Hàng Đậu đẩy nước tới những vòi nước công cộng đúc bằng gang đặt rải rác ở đầu các phố, rồi dần chảy tới các công thự, biệt thự, nhà riêng ở nội thành.

Nhưng tại tháp nước Hàng Đậu, người Pháp đã đặt 5 hãm thẳng (van) để khống chế việc cấp nước theo ý muốn. Muốn hạn chế nước chảy về khu người Việt Nam ở thì chúng cho hãm nhỏ cửa van về phía đó, còn khu trong thành, khu nhiều người Pháp ở, chúng mở hết cửa van thì bao nhiêu nước dồn cả về phía ấy. Giờ thì đã khác. Đã có Nhà máy nước Phần Lan Mai Dịch, có Nhà máy nước Pháp Vân với những máy bơm hiện đại tân kỳ công suất cực lớn đẩy nước trực tiếp đi hàng ngàn kilômét đường ống khắp nội ngoại thành, nhưng Tháp nước Hàng Đậu vẫn còn đó, tuy không còn chứa nước và phân phối theo kiểu cũ, nhưng vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử "vô tiền khoáng hậu" của thủ đô ta. Công ty Nước sạch Hà Nội đã "quyết giữ" cho được một Đài Đầu cho thủ đô, bất chấp những toan tính định biến nơi đây thành một địa điểm kinh doanh dịch vụ.

Tháp nước Đồn Thủy

Đài này nằm ở trong khu Đồn Thủy, nơi tướng giặc Rivie đóng quân khi chúng chuẩn bị đánh chiếm Hà Nội, nghĩa là ngay trong trại lính của thực dân. Vì thế người Hà Nội ít ai biết đến. Cạnh đài chứa nước này, trước đây là mồ chôn hàng trăm tên Pháp đã bỏ xác trong cuộc viễn chinh xâm lược Việt Nam, hiện nay ở đây chỉ còn tấm bia ghi lại tội ác của chúng. Bọn chủ Tây gọi đài này là Đài Cuối (Reservoir de queue) vì ở cuối thành phố. Vị trí của nó rất thuận lợi cho việc cung cấp nước vào trại lính Đồn Thủy và cả nhà thương quân sự vừa xây dựng xong.

Trước cửa đài nước này, người Pháp cũng đặt van để khống chế nước cho dân về các ngả theo ý muốn của họ như để dồn nước về các phố Tây, nhà hát Tây (nay là Nhà hát Lớn thành phố) thuộc về khu vực đông nam thành phố. Giờ đây, Đài Cuối cũng giống như Đài Đầu, cũng không còn mục đích để chứa nước nữa, nhưng nó vẫn còn nguyên tính lịch sử và được cán bộ, công nhân ngành nước Hà Nội gìn giữ qua bao thăng trầm.

Tháp nước Đồn Thủy xưa.

Cũng giống như Đài Đầu, nhiều người đã từng "toan tính" để phá bỏ. Cho đến nay, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội đã gìn giữ nguyên vẹn hình dáng, kiến trúc của hai tháp nước cổ ở Hà Nội. Nó như một "bảo tàng sống" có giá trị cho một giai đoạn đấu tranh, phát triển của Thủ đô với thời kỳ hiện nay, khi mạng lưới cấp nước cho các khu vực dân cư đã vươn rộng khắp thành phố.

Cách đây khoảng chục năm, khi kinh tế thị trường bung nở, không hiểu ra sao mà chính quyền địa phương đã cho một số ki-ốt kinh doanh mặt hàng điện máy thuê xung quanh đài nước Hàng Đậu. Lúc này trông "di tích lịch sử" đài nước Hàng Đậu rất nhếch nhác. Người đầu tiên "có công" trong việc "làm vệ sinh" dọn sạch sự nhếch nhác này lại chính là một vị tướng công an. Đó là Thiếu tướng Phạm Chuyên - nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội. Lúc đó, Thiếu tướng Phạm Chuyên rất quyết liệt trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng để làm sao giải tỏa ngay những ki-ốt bán hàng làm ảnh hưởng đến mỹ quan của một di tích giữa lòng thủ đô. Lúc đó, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đối với những người còn "nặng lòng" với Hà Nội thì ai cũng đồng tình với quyết định của một trong những vị tướng của Hà Nội.

Kể từ thời điểm còn công tác trong Ban Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, ông Nguyễn Trí Khoa - Chủ tịch HĐQT cũng đã nung nấu một ý định là phải giữ gìn cho được một số di tích của ngành nước, nhưng phải giữ bằng cách nào!?. Giữa tháng 4 vừa qua, Hà Nội đã triển khai dự án “cải tạo, chỉnh trang khu vực Tháp nước Hàng Đậu” phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với kinh phí gần 4 tỉ đồng. Các lớp vữa cũ được bóc ra trát lại bằng vữa bê tông và trát mộc để giữ màu gạch nguyên thủy. Vỉa hè xung quanh chân tháp được lát lại. Trạm điện, nhà vệ sinh quanh tháp được dỡ bỏ hoàn toàn.

... và nay

Được biết, UBND TP Hà Nội cũng đã nhận được một hồ sơ phương án gìn giữ di tích tháp nước Hàng Đậu một cách rất văn hóa. Đó là chỉnh trang đài nước Hàng Đậu thành một địa điểm trưng bày những tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội phục vụ cho du khách nước ngoài và trong nước, quảng bá cho bạn bè trong nước, quốc tế biết đến Hà Nội - nhưng rất tiếc, cho đến thời điểm hiện tại chỉ còn cách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ít ngày, vẫn chưa có một quyết định cuối cùng về phương án bảo tồn này.

Nhưng rồi nghĩ cho cùng, cứ gìn giữ nguyên xi cái tháp nước Hàng Đậu như thế, có khi lại còn hay hơn là làm bất cứ một cái gì với nó. Bởi vì, với tất cả sự lừng lững bí hiểm và uy nghi, với hơn một trăm năm tuổi già dặn "trơ gan cùng tuế nguyệt", với kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi và bao thế hệ Hà Nội khác, Tháp nước Hàng Đậu bản thân nó đã là một phần Hà Nội - một phần không thể thiếu của thành phố một thời mất Nước và... hiếm nước này...

Tường Vũ - Chuyên đề An ninh thế giới số 995
.
.
.