Chuyện bên dòng Pô Cô huyền thoại

Thứ Bảy, 06/09/2008, 16:04
Làng Nú xưa nằm sát bến đò Pô Cô bây giờ chỉ còn lại là khu rừng hoang đan xen những hàng cây ăn trái như nhãn, điều còn sót lại sau di dời. Ngôi làng Nú mới đã định hình thành làng hiện đại nhiều năm nay theo chương trình làng định cư từ dự án Thuỷ điện Sê San 4.

Trong tâm thức từ thủa xưa tôi vẫn luôn đắm say về bức tranh Pô Cô và hình ảnh người lái đò A Sanh qua lời bài hát "Người lái đò trên sông Pô Cô" của nhạc sĩ Cẩm Phong, lời Mai Trang. Bao nhiêu năm qua với nhiều thăng trầm của lịch sử, hôm nay về lại miền đất vùng biên một thời oanh liệt ấy, tôi cảm thấy mình như được sống lại một thời huyền thoại trong không khí hòa bình.

Pô Cô thân yêu!

Thật không  ngoa khi đứng trước con sông dài, nghe những dòng nhạc về Pô Cô: "Dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biết, nước chảy xiết sâu thẳm… Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết, anh lái đò tên gọi A Sanh…". A Sanh, tên thật là Puih San ở làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai, người lái đò trên sông Pô Cô một thời đạn lửa, đưa bộ đội qua sông và con người ấy đã làm nên nhiều kỳ tích như một huyền thoại trên Tây Nguyên thân yêu. Ngày 22/8/1998, A Sanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đứng trước dòng Pô Cô hôm nay tôi không còn được gặp lại người lái đò mang tên A Sanh năm xưa, nhưng có đồng đội anh là già Pêng. Già Pêng chỉ tay về bến đò xưa và nói: "Anh em vẫn thường bắt đầu đưa bộ đội qua sông ở đây".

Làng Nú xưa và nay vẫn luôn tồn tại 2 bến đò nhỏ cách nhau chừng 1 cây số. Đường mòn xuống các bến đò nhỏ xuôi và hiểm trở, từng một thời dẫn lối bộ đội vượt sông Pô Cô từ Ia Khai sang bên kia rừng Sa Thầy, Kon Tum và ngược lại.

Hôm nay đứng trước bến sông Pô Cô của làng Nú, Rah Lan Pêng xúc động kể lại thời trai trẻ của mình với đồng đội gắn cùng thuyền độc mộc bên dòng Pô Cô đánh Mỹ.

Năm 1963, Rah Lan Pêng cũng như nhiều thanh niên khác trong làng nối gót bước chân A Sanh, tình nguyện tham gia du kích, A Sanh ở cùng làng Nú, vào du kích năm 1961, còn ông thì sau 2 năm (tức 1963).

Ở làng Nú bấy giờ có khoảng mười người chuyên làm nhiệm vụ hóa trang nông dân đánh cá, chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông. Đội lái đò thường hoạt động từ 10h đêm về gần sáng hôm sau. Có những đêm thâu, Rah Lan Pêng cùng đồng đội thực hiện cả hàng trăm chuyến đò ngang, đưa cả ngàn bộ đội sang sông, vượt qua mưa bom bão đạn, trong dòng nước xiết!

Về làng Nú bên bến sông Pô Cô hôm nay tôi còn được gặp già Rơ Lan Ênh, một trong những người lớn tuổi trong làng cũng từng một thời tham gia chèo thuyền độc mộc, đưa bộ đội sang sông. Già Ênh năm nay đã ngoài tuổi 70 nhưng còn khá minh mẫn và nói chuyện lưu loát bằng tiếng Jơ Rai.

Ông bảo, từ ngàn đời nay dân làng Nú vẫn một lòng theo Đảng, Bác Hồ đánh Pháp, đuổi Mỹ xâm lược. Hôm nay tuy làng Nú còn nghèo nhưng không ai theo bọn phản động FULRO làm điều sai trái.

Nhắc về A Sanh, già Ênh rất nhớ: "Nó đã qua đời năm 2000 vì bệnh, A Sanh là người anh hùng của làng mình được cả nước biết đến".

Vượt qua đói nghèo

Làng Nú xưa nằm sát bến đò Pô Cô bây giờ chỉ còn lại là khu rừng hoang đan xen những hàng cây ăn trái như nhãn, điều còn sót lại sau di dời. Ngôi làng Nú mới đã định hình thành làng hiện đại nhiều năm nay theo chương trình làng định cư từ dự án Thuỷ điện Sê San 4. Làng mới với một trăm phần trăm nhà xây kiên cố, mát mẻ. Nhiều gia đình đã mua sắm được xe máy, tivi và những tài sản đắt giá.

Công an viên Rơ Lan Ziu đưa tôi đi thăm một vòng các hộ dân làng Nú bây giờ thấy phần nhiều đều đủ ăn, khấm khá hơn trước. Già làng Siu Bố bảo: "Làng mình ai cũng chăm làm ăn nên không đói như trước, chỉ có điều chưa có người biết làm giàu".

Cùng với đồng lúa, rẫy mì, người dân làng Nú bây giờ vẫn còn số ít người duy trì nghề đánh cá bên dòng Pô Cô, tuy đó là nghề phụ góp vui nhiều hơn làm kinh tế. Ngày ngày bên dòng Pô Cô thăm thẳm, lúc xanh trong hiền hoà, khi đục ngầu cuộn chảy, những người dân Jơ Rai bên sông vẫn miệt mài kiếm con cá đổi bữa ăn. Già Duit năm nay hơn 60 tuổi tâm sự: "Chèo thuyền độc mộc, đánh bắt cá trên sông Pô Cô còn là nét văn hóa từ bao đời nay của người dân nơi đây".

Rời làng Nú, xã Ia Khai về làng Bi, xã Ia Krăi (vừa tách), tôi gặp con trai út A Sanh đang kì nghỉ hè ở nhà. Siu Blih, con trai út A Sanh năm nay đang học lớp 10, Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5 tại Pleiku. Siu Blih bảo em muốn nối nghiệp cha mình để phục vụ cách mạng nhiều hơn.

A Sanh có cả thảy 4 người con nhưng 3 người đã lập gia đình và làm nông, riêng Siu Blih quyết đi học cao hơn để vào bộ đội. Siu Blih cũng cho biết, mộ cha mình trước đây chôn ở làng, nhưng vừa qua đã được di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai, Gia Lai.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở làng, di ảnh A Sanh và tấm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của người lái đò bên sông Pô Cô được gắn trang trọng. Siu Blih nhìn di ảnh cha và thầm nói: "Con sẽ cố gắng học tập để khỏi phụ công ơn cha mẹ".

Chia tay Pô Cô khi trời đổ cơn mưa bất chợt giữa buổi trưa oi bức ở vùng biên giới, tôi nhớ về những kí ức đẹp bên bến sông Pô Cô một thời đạn bom, một thời hòa bình. Nhớ những câu hát thiết tha mãi mãi vọng về: "Ngày đêm anh lái đò trên sông, dù gian nguy vẫn vững tay chèo, đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ, bao năm ròng chiến tuyến đây thầm lặng nhịp chèo lập công… Mỗi chuyến đò một trận chiến thắng, A Sanh ơi đẹp mãi chiến công"

Ngọc Như
.
.
.