Chuyện Tết Mậu Thân 1968 từ quán phở đặc biệt…

Thứ Năm, 04/02/2021, 06:10
Chuẩn bị đón giao thừa Tết Mậu Thân 1968, bố tôi cho mua nhiều pháo lắm. Ngoài số treo từ tầng thượng đụng xuống đất, tôi nhớ trong nhà còn mấy dây pháo. Sau này tôi mới hiểu, việc bố tôi chuẩn bị pháo và thỉnh thoảng cho đốt là để tiếng pháo lấn át bao nhiêu tiếng động từ tầng trên của quán – nơi đang tập trung cả trăm chiến sĩ biệt động, đang tập trung cao độ, chờ mệnh lệnh trước giờ G…

Kỳ 2: Quán phở thành Sở chỉ huy tiền phương

“Chuẩn bị đón giao thừa Tết Mậu Thân 1968, bố tôi cho mua nhiều pháo lắm. Ngoài số treo từ tầng thượng đụng xuống đất, tôi nhớ trong nhà còn mấy dây pháo. Sau này tôi mới hiểu, việc bố tôi chuẩn bị pháo và thỉnh thoảng cho đốt là để tiếng pháo lấn át bao nhiêu tiếng động từ tầng trên của quán – nơi đang tập trung cả trăm chiến sĩ biệt động, đang tập trung cao độ, chờ mệnh lệnh trước giờ G…”, ông Nguyễn Văn Lập nhớ lại.   

Ông Lập là con trai của cụ Ngô Toại (SN 1912, quê ở làng Đông Cao, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) - người chủ của quán phở có lịch sử hình thành, tồn tại đến nay đã hơn nửa thế kỷ. “Khi đó, nơi đây là số 7 Yên Đỗ, quận 1, Sài Gòn”, ông Lập kể. Theo ông Lập, năm 16 tuổi, bố ông là công nhân dệt tại Nam Định. Cụ sớm tham gia cách mạng và là một trong các người cầm đầu cuộc khởi nghĩa vào tháng 8/1945 thực hiện “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” tại Thái Bình. Khi thực dân Pháp quay lại hòng chiếm đất nước ta lần thứ hai, bố ông bị địch bắt, bị giam cầm cầm nhưng sau đó đã trốn thoát được vào Nam.

Ông Ngô Văn Lập nói, mỗi khi Tết về, bao nhiêu ký ức của Tết Mậu Thân 1968 cứ ùa về.

“Vào tới Sài Gòn, để tránh bị lộ, bố tôi đổi thành tên Ngô Duy Ái, tá túc khu vực Công trường Quách Thị Trang, hằng ngày đi làm thuê. Mẹ và chị tôi 3 năm sau đó cũng vào cùng bố. Được ông bà ngoại (đều gốc Nam Định) truyền cho cách nấu phở gia truyền, bố mẹ tôi sống bằng nghề bán phở. Tằn tiện dành dụm được một ít, cùng với 5 đồng Đông Dương mà bà cô cho trước khi vào Nam, bố tôi quyết định thuê mặt bằng, mở quán phở”, ông Lập kể.

Đầu tiên là cạnh rạp Đại Đồng (nay là đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh). Sau đó không lâu, vợ chồng ông Toại dời đến một điểm khác trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), rồi Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1). Được một thời gian, ông quyết định mở tiệm phở tại số 150 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) và 1 tiệm tại số 7 Yên Đỗ. Sau đó, hai ông bà còn mướn thêm ngôi nhà liền bên tiệm phở Hiền Vương để mở thêm một tiệm nữa.

“Thời bấy giờ chưa có khái niệm “chuỗi cửa hàng” như bây giờ, nhưng bố mẹ tôi đã xây dựng thương hiệu Phở Bình với nhiều điểm”, ông Lập nhớ lại. Nhưng sao các cụ lại lấy tên “Bình” đặt cho quán phở?, tôi thắc mắc. “Nhiều người cũng hỏi thế. Bố mẹ tôi từng giải thích cho chúng tôi và đồng chí, đồng đội rằng, Bình chính là Hòa Bình, là khát vọng của bao người”, ông Lập kể mà mắt xốn xang.

Theo mô tả của ông Lập, quán phở Bình trước đó là một dạy trường học, được một chủ tiệm bán đồ điện, mua đầu tư xây cất lại. Đấy là ngôi nhà phố 1 trệt 3 lầu và 1 sân thượng, mặt bằng tầng trệt có kích thước 4x19m nở hậu, giữa có cầu thang bằng đá rửa. Sau khi ông Toại mua lại, tầng trệt ông bố trí cho tiệm phở với thiết kế bếp nấu chiếm nửa hành lang mặt tiền.

Bên trong bố trí bàn ăn thực khách, chừa lối đi ở giữa. Cách ly nhà bếp, nhà vệ sinh, hồ nước với phòng thực khách có thang lầu dẫn lên tầng 1,2,3. Mỗi tầng được chia làm 2 phòng. Có một thang sắt lên sân thượng. Mỗi lầu đều có hàng ba phía trước che chắn bên ngoài bằng tấm sáo trúc. Không chỉ cao so với những căn nhà lân cận, ngôi nhà này rất lợi hại là có cửa hậu đi ra hai hẻm thông qua đường Hai Bà Trưng...

“Bên ngoài Phở Bình cũng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Là quán phở mặt tiền đường, thực khách vãng lai ăn uống đông đúc tại tầng trệt. Đồng thời dọc theo hai bên đường Yên Đỗ nhất là đoạn giáp với ngã ba Hai Bà Trưng là các căn hộ mặt tiền kinh doanh việc cư trú cho bọn Philippines và Mỹ, thậm chí có cả bọn sĩ quan Mỹ. Do đó khu vực này không bị bọn công an, mật vụ, cảnh sát Sài Gòn nhòm ngó”, ông Lập kể.

Có tài liệu cho thấy do đặc điểm và vị trí của căn nhà này mà từ giữa năm 1967, ông Nguyễn Văn Trí (Hai Đô), thủ trưởng đơn vị Bảo đảm Biệt động Thành đã rất tán đồng khi nghe ông Ngô Toại, khi đó là chiến sĩ trong đơn vị, mua lại căn nhà này dù giá khá đắt đỏ (3.600 lượng vàng). Tiệm phở nằm ở trung tâm, rộng thoáng, khách đến ăn tương đối đông nên rất tiện lợi cho cơ sở liên lạc, điểm tiếp nhận tài liệu.

Một số chiến sĩ trong đội biệt động cũng được bố trí trong vai người giúp việc tại tiệm phở. Từ năm 1967, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đến trú tại tiệm phở Bình công tác hoặc hội họp vài ngày. Khoảng một tháng trước Tết Mậu Thân, ông Hai Trí đến tiệm phở chỉ thị và ông Ngô Toại đã gấp rút dự trữ lương thực (gồm lương khô, đồ hộp, gà, vịt sống...) cho khoảng 100 người dùng trong 1 tháng…

Thời gian này, một trung đội nữ lần lượt đến từng người, bí mật trụ lại tại phòng phía sau lầu 1 tiệm phở. Đây là các chiến sĩ của nhiều đơn vị như: điện đài, y tế, giao liên... thuộc Sở chỉ huy Tiền phương PK6. Những chiến sĩ khác, sau đó cũng đến lẻ tẻ, mỗi ngày vài người.  Càng đến gần ngày cao điểm, càng có nhiều “khách” đến tiệm phở, nhiều người trong số này là chỉ huy.

Cô Hai Sang mặc áo tím hay đứng trước cửa tiệm phở Bình để làm ám hiệu đón các chiến sĩ từ các nơi đến. Ông Lập kể, trước Tết Mậu Thân 1968, ông mới  12 tuổi. “Tôi nhớ lối khoảng từ 20 tháng Chạp năm 1968, mỗi khi có ai đến ăn phở, hỏi đáp đúng mật khẩu là tôi đưa họ lên tầng 1 cho các chú tiếp nhận, kiểm soát tín hiệu tiếp theo. Cho tới đêm mồng 1 Tết Mậu Thân, lực lượng Biệt động của ta tập kết và ém quân tại quán Phở Bình có đến gần 100 người”, ông Lập nhớ lại.

Lãnh đạo chỉ huy tại Phở Bình khi đó là đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Ba Tam – Tư Chu), Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động PK6; Võ Văn Thạnh (Ba Thắng), Chính ủy PK6; Phan Khánh Thường (Ba Thường), Trưởng Ban Quân báo; Phạm Văn Tường (Ba Tường – Ba DeGaulle), Phó Ban quân báo; Đỗ Tấn Phong (Ba Phong), Chỉ huy trưởng cụm Biệt động 679; Nguyễn Văn Trí (Hai Trí), Chính trị viên cụm J9; Ngô Thành Vân (Ba Đen), Đội trưởng A30 (bảo đảm chiến đấu) và là Đội trưởng đội B11 mới thành lập trước đó vài ngày để tập trung cho mục tiêu số 10…

Là con rể của chủ quán Phở Bình, ông Nguyễn Kim Bạch (thành viên còn sống cuối cùng của F100 - phiên hiệu của Đoàn đặc công Biệt động Thành) kể, được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đến 13 cơ sở cất giấu xung quanh Sài Gòn. Việc vận chuyển vũ khí từ vùng ngoại đô về nội đô Sài Gòn thường được ông và các thành viên F100 dùng xe trâu kéo. Vũ khí chống tăng B-40, AK-47, súng trường, lựu đạn và chất nổ C-4 được giấu kỹ dưới hoa quả chậu cây, bện rơm và ở những ngăn bí mật trong chiếc giường truyền thống. Càng gần Tết Mậu Thân, địch càng thắt chặt công tác bảo mật…

Cuối tháng 1/1968, đơn vị của ông Bạch nhận lệnh cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong 3 ngày tới. Lấy cớ đóng cửa quán phở Bình để ăn Tết, nhưng thực tế thực phẩm được lặng lẽ dự trữ và tại căn phòng phía sau tầng hai của quán, đã bí mật diễn ra những cuộc họp. Trong vòng ba ngày trước Tết, hơn 100 chiến sĩ biệt động qua lại và nhanh chóng ẩn nấp vào trong quán phở. Một số ẩn trú tầng trên, một số thì “ém” ở tầng áp mái. Tất cả chờ lệnh cho giờ G.

Năm 1967, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, Quân khu Sài Gòn – Gia Định và Quân khu 7 được giải thể và tổ chức lại thành 6 phân khu, mang phiên hiệu từ 1 đến 6, trong đó, PK6 là Phân khu nội đô Sài Gòn, với cơ cấu gồm LLVT nội thành (bao gồm cả lực lượng biệt động và các cơ sở đảng ở các lõng chính trị nội đô).  Bộ chỉ huy PK6 giải thể Đoàn F100 biệt động (lập cuối 1964, gồm 9 đội biệt động nội đô; 3 đội đặc công – biệt động ven đô và 2 đội làm công tác bảo đảm chuyên trách), thành lập các đội biệt động độc lập đảm bảo nhiệm vụ tiến công từng mục tiêu trong thành phố.

Theo phương án tổng công kích – tổng khởi nghĩa, Biệt động Thành được giao đánh chiếm: Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Khám chí hòa, Bộ tư lệnh Hải quân; đồng thời phối hợp với PK1 đánh chiếm Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh pháo binh, sân bay Tân Sơn Nhất; phối hợp PK 2 và PK3 đánh chiếm khu xăng dầu Nhà Bè; phối hợp PK4 đánh chiếm cầu Sài Gòn và Tân Cảng. Riêng mục tiêu Sứ quán Mỹ, được bổ sung giờ cuối, Biệt động Thành được phân công đảm trách đánh chiếm. 

Thái Bình – Hoàng Đôn
.
.
.