Chợ lao động thời vụ: Cuối năm ế ẩm
Đi suốt cả dọc đường Bưởi, khác với không khí tấp nập của những năm trước, năm nay, chợ lao động ở con phố này vắng đìu hiu. Thưa thớt lắm mới có một nhóm dăm ba người đứng túm tụm ở một góc nhỏ, mắt đăm đăm nhìn người trên đường với hy vọng có một ai đó sà xe lại để thuê lao động. Bởi vậy tôi thấy mình thật bất nhẫn khi trờ xe tới, khuấy động niềm hy vọng mà không mang lại việc làm cho họ.
Hùng, quê ở Yên Thành, Nghệ An ngán ngẩm cho biết đã hai ngày nay không có ai thuê em làm việc gì cả. Nhà nghèo, Hùng bỏ học từ năm lớp 10, theo bạn bè đi đóng gạch, đào đá trên rú Mượu (Nghệ An), công việc nặng nhọc mà thu nhập cũng chẳng đáng bao lăm. Năm nay, nghe theo lời rủ của một chú cùng làng, Hùng "lận lưng" 200 nghìn bắt xe đi Hà Nội, với hy vọng cuối năm có thể bán sức lao động ở Hà Nội để có thêm tiền ăn Tết.
Hai chú cháu thuê nhà (thực chất là thuê giường) trên Xuân La (Tây Hồ), mỗi tối 8 nghìn đồng, 10 người ở chung 1 phòng 13m2, chỉ có duy nhất 1 bóng điện. "Ngày ra chợ lao động đứng chờ việc, đêm về vừa rét vừa mệt, đặt lưng là ngủ nên cũng chẳng vấn đề gì.
Căng nhất là tiền ăn. Giá cả đắt đỏ, cơm bụi ăn 10 nghìn/suất chẳng bõ bèn gì đối với sức ăn của người lao động chân tay. Đói nên nhiều bữa em đã phải chờ khi hàng cơm bụi hết khách, mới mò vào ăn để xin thêm tảng cháy độn cho đầy bụng", Hùng kể.
Hai tuần ở Hà Nội, Hùng kiếm được có hơn 300 nghìn, mỗi ngày tiêu hết ngót nghét 40 nghìn đồng, làm không đủ trang trải nói gì đến chuyện dành tiền về quê. Đấy là Hùng còn thuộc diện may mắn vì có sức trẻ. Người chú cùng làng đi cùng không trụ nổi đã bỏ về từ hai hôm trước.
Cùng chung tình cảnh ế ẩm, anh Dương, quê ở Xuân Trường, Nam Định cũng đang cố bám trụ tại chợ lao động ở cầu Lũ (Thanh Xuân). Mưa gió rét mướt đến mấy, cũng vẫn chiếc áo gió đã cũ, xỏ đôi dép tổ ong không tất, ngày nào anh cũng đứng co ro ở chợ lao động từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Ngày may mắn, anh kiếm được vài việc như khuân đồ, xây bờ rào hay đắp đường, cũng kiếm được ngót nghét 100 nghìn. Nhưng cũng nhiều ngày, không có việc, không làm thêm được mà vẫn cứ phải tiêu tiền.
"Rét thế này, không ăn no thì không làm được, bởi vậy, có những ngày không có việc làm mà vẫn phải ăn đủ bữa vì mình bán sức lao động nên phải ăn để giữ sức lúc có việc. Những người đến thuê dĩ nhiên nhìn người khỏe mạnh mới chọn. Mình phải cố thôi". Vì cái cố đó mà anh Dương phải bám trụ ở Hà Nội. "Ở nhà quê nghèo, không có việc gì làm nên mới lên Hà Nội mong kiếm được ít tiền về quê cho con ăn Tết. Cứ cái đà này, không biết có tiền để về hay không chứ đừng nói mang tiền về. Nhưng biết làm sao được, chẳng lẽ giờ lại về tay không ăn bám vợ?", anh Dương lo ngại.
Cũng tranh thủ nông nhàn lên Hà Nội kiếm việc thời vụ cuối năm, đội quân nữ tập kết quanh khu vực quận Hoàn Kiếm như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Chị Hương quê ở Hưng Yên, thuê nhà ở Long Biên cho biết: Sắp Tết, hàng hoá về nhiều, hàng ngày chị ra chợ đầu mối Long Biên gánh hàng thuê nhưng năm nay, ít người thuê nên công việc của chị cũng ít ỏi lắm.
Cùng phòng trọ của chị có hai chị nữa quê ở Thái Bình lên Hà Nội đã 5 hôm nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Ngày ngày, các chị đó vào chợ Đồng Xuân, vào các phố để kiếm việc nhưng hầu như không có người thuê, cũng đã tính chuyện về quê nhưng nghĩ cố vớt vát số tiền đã phải tiêu mất hôm trước nên vẫn cố gắng bám trụ.
Một lực lượng lao động thời vụ khác cũng rơi vào tình trạng "thất bát" đó là sinh viên. Vốn nhạy bén, nhiều sinh viên đã tranh thủ tìm cơ hội làm thêm để có tiền về quê ăn Tết. Hồng, quê ở Thanh Hoá, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH KHXH&NV ngán ngẩm cho biết: Năm nào Hồng cũng tìm việc như phát tờ rơi khuyến mại cuối năm hay xin một chân bán hàng ở các hội chợ, các cửa hàng bán quần áo. Năm nay, gõ cửa rất nhiều nơi nhưng Hồng vẫn không được nơi nào nhận cả, lý do là năm nay không có việc, không có nhu cầu thuê nhân viên.
"Mẹ em bán sách báo dạo nuôi em học đại học nên bình thường em đi làm gia sư, đến Tết thì tranh thủ kiếm thêm công việc thời vụ. Năm nay khó khăn, mọi người đều cắt giảm chi tiêu nên bọn em khó tìm việc quá, chẳng biết nhà em sẽ xoay xở cho Tết ra sao nữa", Hồng buồn buồn nói