Chiến công huyền thoại của một nữ biệt động
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm ở phố Trần Quang Khải, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Thượng tá Lê Thị Minh Hãnh bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ ác liệt, nhưng đậm nét hào hùng.
Tuổi thơ của chị gắn bó với một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở miền quê Hòa Quang, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên giữa thời đạn bom, máu lửa. Thời ấy, người cha kính yêu của chị là đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Những năm sau đó, ba người chú ruột của chị Hãnh đều là đảng viên, hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, lần lượt bị địch vây bắt và sát hai sau những cuộc lùng sục, càn quét. Nỗi đau dồn nén đã đánh thức lòng căm thù giặc trỗi dậy trong tâm can cô bé tuổi mười ba, khiến cho Hãnh tình nguyện vào Đội du kích xã Hòa Quang. Không ai ngờ mấy ngày sau đó, cô du kích "nhí" đã lập chiến công đầu tiên khi gây thương vong 8 binh lính địch bằng… hầm chông.
Khi biết tin ở Hòa Quang có một nữ du kích mưu trí, Huyện đội Tuy Hòa 2 và Ban An ninh tỉnh Phú Yên biểu dương, đồng thời hướng dẫn cho Hãnh bám núi Sầm, núi Miếu tìm hiểu hoạt động của địch, kịp thời cung cấp nhiều thông tin cần thiết. Bằng sự tinh thông, nhanh nhạy, Hãnh trở thành Đội trưởng du kích thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang khi vừa tròn 16 tuổi. Nhiều người bảo đó là lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng Hãnh đã chỉ huy chặn đứng một cuộc càn quét của nhiều toán Bảo An vào tháng 3/1965, tiêu diệt 13 binh lính địch, 7 tên khác bị thương, trong đó tay súng chị Hãnh hạ gục 7 tên.
Bốn tháng sau, chị Hãnh xung phong đối đầu với địch trong cuộc càn quét lần thứ hai với sự hỗ trợ của máy bay và trọng pháo. Dù bị thương ở ngực trái, nhưng nữ Đội trưởng du kích vẫn cùng đồng đội kiên cường bám trụ cửa ngõ thôn Ngọc Sơn suốt ba ngày đêm và đã tiêu diệt hơn 100 binh lính địch, 62 tên bị thương. Sau trận đánh đó, Lê Thị Minh Hãnh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và được Tiểu đoàn 85 Tỉnh đội Phú Yên tặng thưởng một khẩu súng carbine.
Bằng nhiều chiến thuật táo bạo, khi thì tập kích bất ngờ, lúc thì bám sát lưng địch để đánh rồi đào hầm chông, cài mìn giăng bẫy những toán lính tuần càn, đội du kích thôn Ngọc Sơn đã gây cho địch nỗi hoang mang lo sợ.
Chị Hãnh tâm sự: "Khi biết người chỉ huy đội du kích là một cô gái tuổi 17, bọn địch đã tung thám báo dò tìm để bắt sống, hoặc sát hại tôi. Nhờ thông thạo địa hình và nắm bắt kịp thời mưu tính của địch, nên tôi thoát khỏi nhiều cuộc vây chặn". Hơn hai tháng đi bộ vượt rừng, lội suối và chống chọi những cơn sốt rét, chị Hãnh đến với Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu 5 tổ chức ở Quảng Nam hồi tháng 4/1966 với tư cách đại biểu điển hình trẻ tuổi nhất và vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì. Thấy cô gái có gương mặt đẹp như trăng rằm, nhưng lại dũng cảm trong chiến đấu, nhiều cô chú ở quân khu đã đặt thêm cho Hãnh cái tên Thanh Hiền. Và cũng từ đó, Lê Thị Minh Hãnh đảm trách nhiệm vụ Xã đội trưởng xã Hòa Quang.
Khi cuộc "chiến tranh cục bộ" diễn ra ác liệt ở chiến trường Phú Yên từ đầu năm 1967, nắm được nguồn tin một đại đội biệt kích Mỹ tiếp cận Hòa Quang, Xã đội trưởng Lê Thị Minh Hãnh chủ động đề xuất phương án phối hợp bộ đội huyện Tuy Hòa 2 đánh địch bằng chiến thuật du kích. Gần bốn ngày đêm chiến đấu bền bỉ, 18 binh lính địch bị tiêu diệt, 12 tên bị thương, trong đó có 5 tên bị hạ gục bởi tay súng bắn tỉa thiện xạ của Hãnh, nên tại Đại hội chiến sĩ thi đua tỉnh Phú Yên năm đó cô Xã đội trưởng vinh dự được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...
Khi nghe tôi hỏi duyên cớ đưa chị vào nghề Công an, chị Hãnh nhớ lại: "Đầu xuân Mậu Thân - 1968, Ban An ninh tỉnh Phú Yên rút tôi về làm Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đội nữ biệt động. 16 người trong đội đều được tập luyện võ dân tộc, bắn súng ngắn, đâm lê, vượt rào, cải trang… để vào vùng địch săn lùng, tiêu diệt tề ngụy, ác ôn, mật báo, cảnh sát đặc biệt có nợ máu cách mạng và nhân dân".
Trong số những chiến công mà Đội nữ biệt động lập nên, chiến công huyền thoại nhất là tiêu diệt tình báo viên Thiên Nga. Tên thật đối tượng này là Thúy Hạnh - con gái một kẻ phản cách mạng, được CIA huấn luyện tình báo đặc biệt và đã gây ra nhiều tội ác ở thị xã Tuy Hòa. Lúc đó đồng chí Cao Kỳ Trí, bí danh Ba Diệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Thị ủy Tuy Hòa và đồng chí Trần Tử Minh, Trưởng ban An ninh thị xã Tuy Hòa trực tiếp giao cho Đội trưởng Lê Thị Minh Hãnh tiêu diệt Thúy Hạnh.
Sau nhiều ngày đêm cất công theo dõi, nắm bắt quan hệ sinh hoạt thường ngày của Thuý Hạnh, chị Hãnh đến nhà bà Nhị nằm bên cạnh đường lộ để hòa nhập với những người mua bán nông sản thường lưu trú ở đó để chờ đợi giờ "G". Đáp lại sự kiên nhẫn của chị Hãnh là cơ hội thuận lợi đã đến vào buổi chiều cuối tháng 3/1969. Cất giấu khẩu súng Colt 45 và hai quả lựu đạn ở thắt lưng, chị Hãnh ngồi trong quán giải khát để chờ đón Thúy Hạnh khi biết ả tình báo này đang trên đường về nhà. Khi vừa giáp mặt, chị Hãnh rút súng siết cò. Sau tiếng nổ, ả tình báo ngã nhào nhưng chưa chết, viên đạn thứ hai bị kẹt, nhưng chị Hãnh vẫn bình tĩnh đưa chân đạp lên người Thúy Hạnh, rồi tháo viên đạn để siết cò lần thứ ba.
Khi viên đạn cắm vào trán kết thúc cuộc đời của nữ tình báo CIA cực kỳ nguy hiểm, cũng là lúc một toán lính địch ập tới. Chị Hãnh vội vã chạy vào một con hẻm nhỏ hơn trăm mét thì cởi chiếc áo màu hồng bên ngoài vứt vào bụi cây ven đường, thêm một quãng nữa với nhiều ngoặt cua, chị Hãnh tiếp tục cởi chiếc áo thứ hai màu trắng. Với chiếc áo thứ ba màu xanh, chị Hãnh như một phụ nữ hiền hòa, thản nhiên bước vào nhà một cơ sở cách mạng và được bố trí rút lui.
Không dừng lại ở đó, đến giữa mùa đông năm ấy, Đội trưởng Lê Thị Minh Hãnh cùng đồng đội luồn sâu vào nội thành Tuy Hòa bất ngờ đột nhập, bủa vây, tiêu diệt hai đối tượng tên Mỹ và Tấn là mật báo viên của CIA.
Gần 40 năm trôi qua, nhưng trận đánh chiếm sân bay Khu Chiến và một số tiêu điểm quân sự, hành chính của địch ở thị xã Tuy Hòa vào một đêm giữa tháng 8/1970 luôn sống mãi trong ký ức của nữ Anh hùng Lê Thị Minh Hãnh. Trong lúc truy bám địch, chị Hãnh cùng một số đồng đội rơi vào điểm phục kích của đại đội lính Nam Triều Tiên.
Sau trận đánh không cân sức, đồng chí Bốn Toản, Thường vụ thị ủy Tuy Hòa và Phạm Cách, cán bộ an ninh vũ trang đã hy sinh anh dũng. Bàn chân chị Hãnh trúng đạn bị dập nát, nhưng chị vẫn gượng sức cầm súng chống trả cho tới khi trời tối, trận đánh kết thúc. May mắn mỉm cười với chị Hãnh khi được đồng đội tiếp cứu, đưa về điều trị vết thương gần một năm trời ở Bệnh xá Sông Ba trước khi vượt Trường Sơn ra miền Bắc, rồi sang Trung Quốc, 4 năm sau mới về Hà Nội học bổ túc văn hóa.
Sau khi miền
Từng là nữ biệt động dũng cảm, lập nhiều chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, đến thời bình chị Hãnh luôn là người đảng viên, sĩ quan Công an mẫu mực trong một gia đình Công an. Ngoài người chồng là Đại tá Công an Lương Tấn Sanh đã nghỉ hưu và hai đứa con là Thượng úy Lương Tấn Vinh và Trung úy Lương Lê Vân đang công tác tại Phòng ANKT và Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, chị Hãnh còn có người em trai là Thượng tá Lê Văn Minh, Phó trưởng Phòng ANĐT Công an tỉnh Khánh Hòa. Trước khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng, Thượng tá Hãnh đã được tặng thưởng hàng chục huân chương, huy chương.
Mỗi khi nhắc đến những năm tháng lịch sử hào hùng, Thượng tá Hãnh bùi ngùi nghĩ tới những đồng đội của mình đã hy sinh. Chị tâm sự: "Mỗi lần về quê, tôi luôn dành thời gian thăm viếng mộ đồng đội. Họ đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc để những người như tôi hôm nay được sống trong cuộc sống thanh bình. Chính vì vậy, tôi luôn tự nhủ lòng mình phải sống đẹp và có ý nghĩa"