Cha và con và… Tổ quốc
Năm nay, cả nước tưởng niệm 80 năm ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người cha thân yêu và là người có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hoá kiệt xuất.
Năm nay cũng là năm kỷ niệm tròn 100 năm cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng người con trai là Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Bình Định và từ đó bắt đầu một bước ngoặt lớn đối với hai người khi người cha vào miền Nam hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước, còn người con sau đó chia tay cha từ bến Nhà Rồng, bắt đầu quãng đời bôn ba ngót ba mươi năm tìm đường cứu nước…
Từ làng Sen xứ Nghệ…
Năm 1894, sau khi sinh Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) được bốn năm, Nguyễn Sinh Sắc đậu Cử nhân kỳ thi Hương tại Nghệ An. Năm sau, 1895 ông tiếp tục vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Không nản chí, ông cử trẻ xứ Nghệ xin vào Huế học Trường Quốc Tử Giám. Nhận thấy học bổng quá ít ỏi không đủ sống, vả lại không có điều kiện gần gũi chăm sóc vợ con, cụ đã về quê bàn với vợ gửi con gái là Nguyễn Thị Thanh ở lại chăm sóc bà ngoại rồi đưa vợ và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Kinh đô Huế sống.
Hàng ngày bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, lại chăm chỉ quay tơ dệt vải đặng kiếm thêm tiền nuôi chồng và các con ăn học. Trong khi đó ông cử Nguyễn Sinh Sắc ngày đêm dùi mài kinh sử, thức khuya dậy sớm mải mê đèn sách chuyên chú học hành. Tại ngôi nhà ở đường Đông Ba (nay là di tích nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở số 112 Mai Thúc Loan - Huế), cậu Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học bài học lớn đầu tiên về lòng yêu nước và nỗi đau nước mất, dân nô lệ qua lời cha hằng đêm kể về sự kiện thất thủ Kinh đô.
Cũng tại đây Nguyễn Sinh Cung lúc này mới hơn 10 tuổi đã đau đớn làm đám ma cho người mẹ tảo tần xấu số lúc bà qua đời sau khi sinh em trai Nguyễn Sinh Xin. Lúc này cụ Nguyễn Sinh Sắc đương tòng sự tại kỳ thi Hương ở Thanh Hoá có dẫn theo người con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm đi giúp việc… Thật ra cụ Nguyễn Sinh Sắc rất băn khoăn khó xử trước tình cảnh một bên là vợ mới sinh lại ốm đau nặng, một bên là lệnh triều đình. Bà Hoàng Thị Loan hiểu nỗi băn khoăn ấy đã khuyên chồng: "Nhà đi công việc lớn, đừng bận tâm làm gì. Ở nhà mẹ con tự lo liệu". Nói rồi như để động viên chồng yên tâm lên đường, bà đọc hai câu thơ trong Chinh Phụ ngâm: "Sớ trời sớm giục đường mây/ Phép công là trọng niềm tây sá nào".
Một ngày kia, mẹ ốm, khi cậu Cung (Nguyễn Tất Thành) đương đi mua cháo về cho mẹ và em thì mẹ mất. Một mình cậu bé ẵm em đi xin sữa giữa trưa hè… Trưa về mới đến trước sân/ Nghe em khóc thét cậu băng chạy vào/ Bò trên ngực mẹ em gào/ Miệng day vú mẹ sữa nào còn đâu?/ Im lìm mẹ mất từ lâu/ Vào hồi gióng dả trống chầu điểm trưa…(Đi giữa mùa sen - Thơ Thanh Tịnh).
Tết Kỷ Sửu năm 1901, cụ Nguyễn nhận được tin đau vợ mất, đã về ngay Huế để cảm ơn bà con láng giềng đã lo giúp mai táng vợ mình rồi đến bên mộ thắp nhang cúi lạy hương hồn người vợ tội nghiệp. Trước nấm mồ vợ chưa kịp xanh cỏ, ông đã gục xuống nức nở: "Sao mình nỡ bỏ cha con tôi lúc này mình ơi. Mình bỏ đi khác nào "Gia bần vô hiền thê - quốc loạn vô lương tướng". Còn đâu người con gái gốc Hưng Yên, người tự nguyện gắn bó với đời ông như là một thiên mệnh. Hai người con trai cũng nén tiếng nấc thương mẹ. Ba cái bóng cha và con in dài trên bãi cỏ núi Bân bên dòng sông Hương… Chỉ ít sau, ông dẫn các con về quê ngoại Hoàng Trù gửi lại để trở vô Huế chuẩn bị cho kỳ thi Hội.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Hoàng Thị Loan. |
Trong đời cụ Nguyễn Sinh Sắc, đây là một bi kịch lớn, vì khi cụ đỗ đại khoa (Phó bảng) cũng là lúc liền sau nỗi đau vợ mất. Vừa xong lễ "Vinh quy bái Tổ", rước bảng vàng về làng Sen xứ Nghệ, chưa đoạn tang người vợ tảo tần ân nghĩa, nhưng hình như có một sự nghiệp nào đó chưa tròn đương chờ cụ phía trước. Lúc mẹ vợ cụ khóc con gái bảo rằng: "Biết cơ sự này, tôi đã không cho út An đi lấy chồng để các cháu tôi sẩy mẹ bú dì…". Nghe vậy cụ liền đỡ mẹ vợ lên rồi cúi đầu thưa: "Xin mẹ chớ lo nghĩ nhiều. Con sẽ thay nhà con chăm sóc mẹ tuổi già và nuôi các cháu nên người. Do vậy con sẽ không thể làm bạn với bất kỳ người con gái nào khác".
Thương gia cảnh Nguyễn Sinh Sắc, cụ Cao Xuân Dục, người đồng hương đương giữ chức Thượng thư bộ Học, Đông các Đại học sĩ đã vời cụ Sắc đến tư dinh định gả con gái mới 17 tuổi cho để "làm kế mẫu đặng chăm sóc các cháu". Cụ Sắc liền quỳ xuống: Tạ đức ông! Cho con xin thưa với đức ông, trên vai con vẫn còn ba chữ phụ: dưỡng phụ, sư phụ và nhạc phụ. Đó là ba cái ơn còn chưa trả. Nay đức ông rủ lòng thương con chỉ xin bái tạ để tròn hiếu nghĩa. Con mãi ghi lòng tạc dạ tấm lòng cao cả của đức ông…".
Tuổi mới vừa 40, các con chưa trưởng thành, cụ Nguyễn khi ấy trong cảnh "gà trống nuôi con" nhưng với cụ vận nước đang suy, nhân dân đang nô lệ lầm than thì chí làm trai đau đáu nỗi niềm dân nước như cụ đáng được lưu danh. "Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng". Sự bôn tẩu ấy đã như một định mệnh khi cụ cùng người con trai út Tất Thành đi theo vào
Mối lương duyên lịch sử
Trước khi tiễn chồng đi thi, bà đã trao tấm áo tự tay mình dệt, tự tay cắt may và an ủi ông: "Trong khi chờ đỗ đạt mặc áo gấm của vua ban, giờ ông hãy mặc tấm áo này, việc chi mà chán nản!". Đúng ba năm sau thì ông đỗ Đại khoa được vua ban áo, nhưng bà không còn sống để nhìn thấy lời tiên đoán của mình đã đúng, hay là để tự hào về người chồng giàu nghị lực của mình. Bà Hoàng Thị Loan mất năm ấy khi chỉ vừa tròn tuổi 33. Chỉ có 33 năm trên trần thế, phận người vắn vậy nhưng mà bà đã kịp để lại cho thiên hạ một bậc vĩ nhân là Hồ Chí Minh cùng hai nhà cách mạng Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyến Tất Đạt). Nếu là thời trước, bà xứng đáng được tôn là Mẫu nghi thiên hạ.
Chuyện về mối tình giữa bà Hoàng Thị Loan với ông Nguyễn Sinh Sắc là câu chuyện ân tình và đạo nghĩa. Cuộc hôn nhân giữa họ có thể gọi là cuộc hôn nhân lịch sử. Thân phụ bà Hoàng Thị Loan là cụ Hoàng Xuân Đường, là một nhà nho dạy học ở làng Hoàng Trù (làng Chùa). Mỗi bận qua lại làng Sen thấy cậu Sinh Sắc tuấn tú tướng mạo khôi ngô thì sinh cảm mến. Khi cậu bé Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ thì cụ Hoàng Xuân Đường bèn ngỏ lời xin về làm con nuôi. Âu cũng là để vượt qua lễ nghi phong hoá thời cũ mong về sau "chọn mặt gửi vàng".
Và cụ Hoàng Xuân Đường đã không chọn nhầm. Cậu trò Sắc ngày càng tỏ ra thông minh học giỏi, được cụ Tú gả con gái là Hoàng Thị Loan cho. Hoàng Thị Loan lúc ấy mới 16 tuổi, được học chữ tử tế, lại là con nhà gia giáo và có cảm tình với cậu Sắc ngày ngày bên cạnh, nên ngay từ đầu đã thuận theo.
Chính từ xuất thân như vậy mà bà Hoàng Thị Loan sau đó đã chấp nhận dấn thân theo chồng vào Huế theo đường khoa cử những mong chồng thành đạt và có lẽ là nền tảng để rồi sau đó, con cái nối nghiệp nhà… Hẳn những ngày gian khó ấy, bà Hoàng Thị Loan chưa biết câu sấm vẫn truyền tụng trong dân gian "…
Nhìn bảng vàng treo ở làng Sen hôm nay, càng nhớ trọng người phụ nữ đã một đời tảo tần chuẩn bị cho những con người làm nên nghiệp lớn sau này. Có lẽ chất đồ Nghệ trong con người cụ Nguyễn Sinh Sắc và tính nhẫn nại chăm chỉ cùng đức hạnh của bà Hoàng Thị Loan đã kết tinh ở Hồ Chí Minh tất cả những phẩm chất phi thường mà từ đó Người đã dấn thân vì nước, đã hy sinh cuộc đời cao đẹp của mình cho Tổ quốc. Có những lúc tình huống cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc, Người - chứ không phải ai khác, đã có những quyết định sáng suốt nhất… Đó còn là đạo đức Hồ Chí Minh trong sáng giản dị. Đó là ứng xử Hồ Chí Minh nhân ái bao la, đặc biệt với người già, phụ nữ và em bé…
Nói thế để thấy rằng tất cả những nỗ lực ấy của hai người, như một sứ mệnh lịch sử âm thầm trao để họ làm nên điều kỳ diệu mà khi qua đời, cả bà Hoàng Thị Loan và cụ Nguyễn Sinh Sắc đều chưa được biết, rằng người con thứ của họ rồi sẽ thành một danh nhân thế giới.
Theo nhà văn Sơn Tùng, hiếm thấy một gia đình nào thời ấy có một lúc đến bốn nhân vật (cha và ba người con Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Pháp liệt vào sổ đen và mỗi người đều có lệnh tầm nã, từng bao lần bị tù đày từ thập kỷ 10 của thế kỷ XX…
Nhà văn còn cho tôi xem những tư liệu quý, như số sổ theo dõi của mật thám Pháp đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, số A3760; Nguyễn Thị Thanh A 1166; Nguyễn Tất Đạt: A 3781; Nguyễn Tất Thành A 3607. Ông Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt) tham gia Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu bị Toà án Nam triều kết án đánh 100 trượng, 9 năm tù khổ sai và đày vào tận Khánh Hoà; bà Nguyễn Thị Thanh tham gia Việt Nam Quang phục hội bị kết án đánh 100 trượng, 9 năm tù và bị đày vào Quảng Ngãi; Nguyễn Ái Quốc bị kết án vắng mặt cùng Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điển, Trần Phú, Vương Thúc Oánh từ năm 1929…).
Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từ bỏ quan trường để tìm đến với nhân quần đau khổ. Cụ từng lang bạt kỳ hồ bao nhiêu miền đất cốt để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân. Cụ đi dạy học và bốc thuốc cứu người, cũng là cách nhập thế khôn ngoan để có điều kiện vận động yêu nước. Những ngày tháng tiêu dao với bạn bầu khắp xứ, gần gũi đời sống xã hội, tham gia tu luyện Phật pháp đối với cụ không uổng phí. "Trượng phu bốn biển là nhà". Bằng chứng là những nơi nào cụ từng qua, những mái nhà, miền đất nào cụ đến đều in dấu ấn sâu sắc về một nhà yêu nước dốc lòng vì nghĩa cả. Những ngôi chùa xưa cụ tá túc đều để lại dấu ấn Nguyễn Sinh Sắc những ngày bôn ba như vậy.
Vẫn còn những bí ẩn, những huyền thoại và sương khói xung quanh cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhưng có một điều cần lý giải là vì sao từ lúc ra đi đến khi tạ thế, cụ không còn được trở ra Huế hay về Bắc thăm lại cố hương? Không có cuộc lưu đày nào sau cái án oan cho Tri huyện Bình Khê, vậy thì chỉ có cách giải thích rằng, cụ đã vâng mệnh triều đình, bởi có lệnh phạt cấm trở về kinh đô, nói chi thăm cố hương xứ Nghệ hay về Bắc thăm quê nội vợ, là quê hương bà Hoàng Thị Loan ở đất Hưng Yên!
(Còn nữa)