Câu chuyện về người Việt chiến đấu bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1974

Thứ Bảy, 17/05/2014, 14:15
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông thuộc quyền quản lý của Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.  Kế tiếp qua ngàn đời cha ông ta đã gian khổ giữ gìn từng tấc đất, từng hòn đảo. Tuy nhiên, tình hình biển Đông cũng có lúc trở nên căng thẳng bởi sự thèm muốn nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng của biển Đông. Trung Quốc hiện vẫn trắng trợn tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ của họ. Ngang ngược hơn, họ đã cho nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang ồ ạt xâm nhập đánh chiếm các đảo Hoàng Sa mỗi khi có thời cơ.

Là người Việt Nam, bất kỳ thời kỳ nào, triều đại nào mỗi khi biển đảo bị xâm lăng đều đứng lên chống cự ngoan cường. Nhân chuyến công tác vào các tỉnh phía Nam dịp tháng 4, tháng 5 vừa qua, chúng tôi được nghe một số người lính của chế độ Sài Gòn cũ kể lại, lời kể của các nhân chứng giữ đảo trước năm 1975 cho ta biết thêm quyết tâm và tinh thần giữ đảo của người Việt Nam ta.

Ông Nguyễn Văn Đức là Đảo trưởng Hoàng Sa trước năm 1975 đã kể lại: Từ thời Minh Mạng - triều Nguyễn hằng năm đều có phái một đội thuyền gồm những người thợ lặn thiện chiến từ đảo Lý Sơn dong buồm ra đảo Hoàng Sa khai thác sản vật và cắm bia chủ quyền. Công việc đó diễn ra liên tục đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mãi đến tận ngày nay.

Sau Hiệp định Paris ký kết năm 1973, trong khi quân dân ta đang tập trung sức người sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lợi dụng lúc chúng ta bộn bề công việc, ngày 11/1/1974, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là phần đất của họ và ngay sau đó họ đã mở màn chiến dịch xâm nhập và đánh chiếm các đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từng đoàn tàu chiến và tàu cá vũ trang Trung Quốc chặn đường tàu thuyền Việt Nam ra vào vùng đảo và bắt đầu đổ bộ người lên các đảo của Việt Nam. Đến ngày 15/1/1974, quân Trung Quốc đã chiếm được đảo Cam Tuyền, đảo Vĩnh Lạc, đảo Quang Hòa, đảo Duy Mộng. Tại đảo Cam Tuyền, họ cho 2 chiến hạm neo đậu canh giữ, tại đảo Quang Hòa họ ngang nhiên lập chòi quan sát, tại đảo Vĩnh Lạc họ cho đào một hầm ngầm kiên cố để chiếm giữ lâu dài… 

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc làm cho biển Đông dậy sóng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó đã gửi công hàm cực lực phản đối lên Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Chính phủ cách mạng CHMN Việt Nam cũng ra tuyên bố cực lực phản đối hành động chiếm đóng đó. Liên tiếp các ngày 16, 17 và 18, phía Trung Quốc tăng cường lực lượng với hàng chục tàu chiến và nhiều tàu cá vũ trang tiến sâu vào vùng lãnh hải ở phía Tây lần lượt chiếm gần gọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong lúc đó chúng ta chỉ có một trung đội địa phương quân đồn trú trên đảo Hoàng Sa với sức cô thế yếu, người của ta bị họ bắt giữ đưa xuống tàu về nước.  

Quyết tâm chiến đấu giữ đảo và lấy lại đảo đã bị xâm chiếm ngay từ ngày đầu được chính quyền Sài Gòn lúc đó tích cực triển khai. Các tàu tuần dương hạm mang tên Lý Thường Kiệt HQ-16 do Trung tá Lê Văn Thự, tàu khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 do Trung tá Vũ Hữu San, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh chỉ huy đã lên đường ra khơi. Đến ngày 18/1, tàu hộ tống Nhật Tảo HQ-10 do Thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy tiếp tục bổ sung ra đảo để cùng với các chiến hạm chiến đấu lấy lại đảo.

Quân đồn trú Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng. Ảnh: T.L.

Theo kế hoạch, tàu HQ-4 và tàu HQ-5 phái một tổ hải biệt (người nhái) dùng thuyền cao su đổ bộ lên đảo Quang Hòa. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, quân Trung Quốc đông gấp hàng chục lần, trong lúc đó quân ta chỉ có 2 tổ người nhái lại vừa bị thương vong nặng nề, cuối cùng số còn lại phải rời đảo trở lại tàu. Trên biển lúc này đội tàu của Việt Nam đang di chuyển theo đội hình chiến đấu chiến thuật. Bộ chỉ huy trên tàu HQ-5 đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tàu: tàu HQ-5 sẽ đối đầu với tàu mang số hiệu 274; tàu HQ-4 đối đầu với tàu mang số hiệu 271; tàu HQ-10 đối đầu với lôi hạm 396; tàu HQ-16 đối đầu với trục lôi hạm 389 của Trung Quốc. Ngoài việc đối đầu với các tàu lớn đó, tàu của ta còn phải sẵn sàng đối phó với hàng chục chiến hạm khác của họ đang lởn vởn ngoài xa. Hai bên dền dứ để giữ ôn hòa, nhưng cuối cùng 8 giờ 30 phút ngày 19/1/1974, hàng loạt đại liên và súng cối 82 từ tàu Trung Quốc vang lên. Các tàu của ta cũng khai hỏa đáp trả, với quyết tâm nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, còn một người cũng chiến đấu đến cùng để giữ đảo, tàu Trung Quốc liên tiếp nã đạn vào đội hình tàu chiến Việt Nam.

Tàu Nhật Tảo HQ-10 nhỏ bé trúng đạn bị chìm, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận, Hạm phó và nhiều binh sỹ trên tàu bị thương rất nặng. Các tàu HQ-4, HQ-5, HQ16 cũng lần lượt trúng đạn hư hại. Tàu 274 của Trung Quốc trúng đạn khói bốc cao ngùn ngụt phải ủi thẳng vào bãi san hô tránh bị chìm. Tiếng súng, tiếng la hét các binh sỹ bị thương của hai bên vang động làm xé tan bầu không khí yên tĩnh, biển trở nên dậy sóng gầm gào. Sự chênh lệch lực lượng quá lớn, các tàu Việt Nam không đủ sức chống đỡ với hàng chục chiến hạm Trung Quốc, binh lính mệt rã rời đành phải đổi hướng chạy về hướng Nam để bảo toàn lực lượng. Tàu HQ-5 máy yếu rớt lại trên đường mất liên lạc, tàu HQ-4, HQ-16 buộc thoát khỏi vòng chiến của tàu Trung Quốc chạy về hướng  đất liền. 

Nguyễn Thành Trung, người lính của Phi đội Quyết Thắng đã dùng máy bay địch ném bom vào Dinh Độc Lập năm 1975 góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam sau này cũng cho biết, ngày đó 5 phi đoàn máy bay F5 từ sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng cũng được lệnh chuẩn bị cất cánh ra Hoàng Sa để hỗ trợ chi viện cho các tàu của ta đánh một trận phủ đầu vào tất cả các tàu của Trung Quốc. Nhưng rất tiếc vì các tàu chiến của ta không còn đạn dược, lại bị hư hỏng nặng không còn đủ sức để chiến đấu tiếp, không quân được lệnh không ra Hoàng Sa nữa. Ta không có lực lượng chi viện, trong lúc đó tàu Trung Quốc tiếp tục ồ ạt bổ sung. Hoàng Sa - phần đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam đã bị người nước ngoài chiếm đóng trái phép từ ngày đó.

Ông Nguyễn Văn Đức còn cho biết thêm, trên đảo Hoàng Sa có một cái miếu nhỏ và một nghĩa trang có khoảng 30 ngôi mộ của những người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa hoặc đụng độ với âm mưu xâm lược của người ngoại bang đến xâm lấn. Ngoài nghĩa trang đó rải rác có một số mộ ngụy tạo không có hài cốt mà chỉ có nấm mồ và một bia gỗ chữ Trung Quốc nguệch ngoạc không có thông tin gì.

Cuộc đụng độ hải chiến ngày 19/1/1974 trong thế tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, nhưng tinh thần chiến đấu bảo vệ biển đảo của các quân dân trên vùng biển Hoàng Sa rất quả cảm. Trong trận đó, 53 sỹ quan, hạ sỹ quan người Việt ngã xuống để bảo vệ đảo mãi mãi được nhắc đến trong lịch sử sự nghiệp chiến đấu bảo vệ biển đảo thân yêu. Bởi lẽ Hoàng Sa là phần đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, mãi mãi là của Việt Nam.

Ngày nay, các con cháu của người Việt Nam trong nước hay ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, thành phần, quá khứ hay hiện tại, trước nguy cơ biển đảo bị Trung Quốc ngang ngược chiếm giữ, đang tất cả một lòng hướng về Tổ quốc, thể hiện tình yêu nước, kiên quyết bảo vệ đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là tình cảm thiêng liêng, là nghĩa vụ của người dân đối với vận mệnh dân tộc

Văn Chấn
.
.
.