Cần xác định nguồn gốc lô hàng 30 tấn cá nục nhiễm chất phenol

Thứ Tư, 15/06/2016, 09:56
Nhiều ngày sau khi một số báo, đài đưa tin phản ảnh 30 tấn cá nục ở một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị nhiễm chất phenol, bà con ngư dân đã bị “vạ lây”, vì hàng chục tấn cá nục đánh bắt về không có người mua…

Ngày 14-6, bà Lê Thị Thuộc, chủ cơ sở kinh doanh cá hấp phơi khô và cá đông lạnh Dũng Thuộc, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, cho biết, sau khi cơ quan chức năng lấy mẫu cá đem đi xét nghiệm và một số báo, đài đưa tin về 30 tấn cá nục đông lạnh ở cơ sở của bà bị nhiễm chất phenol cực độc, thì hoạt động kinh doanh cá của vợ chồng bà bị “đóng băng” hoàn toàn. 

Không chỉ cá đông lạnh, mà ngay cả cá hấp phơi khô cũng bị người tiêu dùng, đối tác kinh doanh từ chối mua, vì sự hiểu nhầm từ những tấm ảnh cá hấp phơi khô do phóng viên chụp, nhưng chú thích cá đông lạnh bị nhiễm chất phenol đăng tải trên các trang báo mạng…

Thương lái thu mua cá tại phía Bắc cầu Cửa Tùng, sát với chợ cá Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, ngay trong thời điểm cá ở biển miền Trung chết hàng loạt. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Trở lại 30 tấn cá nục của bà Thuộc nhiễm chất phenol, tìm hiểu được biết, cuối tháng 5-2016, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vẫn còn tồn kho hơn 120 tấn cá đông lạnh. Số cá này do các cơ sở kinh doanh cá thu mua vào các thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra tình trạng cá biển ở miền Trung chết hàng loạt. 

Sau thảm họa cá chết một thời gian dài, nhưng các cơ sở kinh doanh cá ở Vĩnh Linh vẫn không xuất bán được cá cho các đối tác, trong khi việc đông lạnh bảo quản cá khá tốn kém; các cơ sở kinh doanh vì vậy đã liên tục kêu cứu lên chính quyền tháo gỡ khó khăn cho họ. 

Theo đó, ngày 31-5-2016, UBND huyện Vĩnh Linh đã gửi tờ trình lên UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm nghiệm số cá trên để có phương án xử lý, tránh thiệt hại và ô nhiễm môi trường. 

UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các Sở: Y tế, Công nghiệp, NN&PTNT tỉnh phối hợp với chính quyền, ngành chức năng huyện Vĩnh Linh thực hiện việc kiểm nghiệm này. 

Tại kho cá đông lạnh Dũng Thuộc, lực lượng chức năng lấy 3 mẫu cá ngừ, cá trích, cá sòng và 3 mẫu cá nục ở 110 tấn cá (70 tấn cá nục; 10 tấn cá ngừ; 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác). Kết quả cho thấy 5 mẫu phân tích có chỉ tiêu kiểm nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép; nhưng một trong 3 mẫu cá nục còn lại có chất phenol, hàm lượng 0,037mg/kg. 

Ngày 10-6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị kết quả kiểm nghiệm và đề nghị chỉ đạo buộc phải tiêu hủy lô hàng bị nhiễm chất phenol cực độc. Báo cáo này đang trên đường đến UBND tỉnh, thì “bị lọt” ra ngoài và một tờ báo lập tức đưa tin.

Sau đó, ngành NN&PTNT và ngành Y tế tỉnh liên tục cãi nhau về chất cực độc phenol; lãnh đạo Sở Y tế cho rằng đã là chất cực độc thì tuyệt đối không được có trong thực phẩm; nhưng lãnh đạo Sở NN&PTNT thì ngược lại, rằng chất phenol không có trong quy định an toàn thực phẩm; hơn nữa phải xác định rõ với hàm lượng nào thì chất này gây ảnh hưởng sức khỏe, ngộ độc, chết người…

Điều đáng nói, các cơ quan chức năng trên mải cãi nhau mà… “quên” mất việc truy xét nguồn gốc của lô hàng bị nhiễm chất phenol này. Hậu quả, người tiêu dùng cứ thấy cá nục là sợ, hàng nghìn ngư dân trên địa bàn vươn khơi đánh bắt hàng chục tấn cá nục mang về, nhưng không có người mua, thiệt hại vì thế rất nặng nề. 

Ông Bùi Đình Sành, Trưởng ban tự quản tàu thuyền khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, bức xúc: “Đang cao điểm vụ cá nam, bà con ngư dân chúng tôi đang trúng đậm cá nục, nhưng nay thì điêu đứng, vì đánh bắt cá này về mà không có người mua. Vấn đề bây giờ là xin hãy nhanh chóng truy xét làm rõ lô hàng 30 tấn cá nục bị nhiễm chất phenol đó do cơ sở kinh doanh đã mua ở đâu, thời điểm nào, có liên quan đến việc cá chết hàng loạt trước đó không; đồng thời phải nhanh chóng kiểm nghiệm số cá nục bà con vừa đánh bắt về mấy ngày qua có chất phenol không... Chỉ khi có kết luận cụ thể rõ ràng thì người tiêu dùng không ám ảnh nữa và bà con ngư dân chúng tôi mới thoát được khỏi cơn khốn đốn này”.

Theo nguồn tin của bạn đọc, số cá nục có chất phenol trên được thu mua ngay vào thời điểm cá biển ở miền Trung chết hàng loạt. Sau khi đưa vào bảo quản bằng việc đông lạnh một đêm, sáng hôm sau chủ cơ sở kinh doanh này mở kho kiểm tra, thì tá hỏa phát hiện số cá này bị vữa ra, bốc mùi hôi rất lạ; đồng thời 2 công nhân của cơ sở này ăn 2 con cá trong số cá được thu mua kể trên cũng bị ngộ độc... 

Nguồn tin đi kèm với bằng chứng là một đoạn video dài hơn 5 phút có lời nói của nhân vật chủ cơ sở thu mua cá. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành kiểm chứng nguồn tin này.

Phan Thanh Bình
.
.
.