Cần chấm dứt nạn phá rừng để trồng rừng ở khu vực phòng hộ hồ chứa nước Đông Tiễn
Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đến tận nơi tìm hiểu thông tin. Đầu bìa rừng là các biển quy định về bảo vệ rừng, nhưng bên trong rừng thì hằn rõ những con đường vừa được khai mở để thuận tiện cho việc phá rừng, trồng cây trái phép.
Trên đỉnh núi nhiều khoảnh rừng bị đốt cháy đen. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, đốt cháy nham nhở, nằm ngổn ngang, la liệt khắp nơi.
Có những loại cây cao hàng chục mét, đường kính gần 0,5 mét bị chặt hạ không thương tiếc chỉ để phục vụ cho việc trồng keo lá tràm. Không những vậy, cánh rừng còn bị máy móc san ủi tạo những bờ hào sâu 1-2m để phân lô. Có khu vực, nhiều cây keo lá tràm vừa được trồng mới.
Anh Nguyễn Đức, một người dân địa phương cho biết, cánh rừng phòng hộ thuộc hồ chứa nước Đông Tiễn bắt đầu bị khai thác trái phép từ năm 2012 với tổng diện tích rừng bị phá hơn 48,5 ha; trong đó, có nhiều đối tượng đã chặt phá gần 4ha.
Rừng phòng hộ hồ chứa nước Đông Tiễn bị đốt cháy để trồng keo lá tràm. |
Sau khi xác minh làm rõ, địa phương đã đưa ra kiểm điểm 12 hộ và 24 đối tượng phá rừng ở các thôn Nam Tiễn, Vinh Đông và Vinh Nam.
“Sau lần đó chúng tôi nghĩ rừng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt. Nào hay, nạn phá rừng vẫn còn tiếp diễn và gần đây càng phức tạp hơn”, anh Đức bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hoa- Trưởng Công an xã Bình Trị cho hay, từ đầu năm đến nay, Công an xã đã phát hiện nhiều vụ phá rừng. Ngày 26-2-2016, tổ kiểm tra của xã đã bắt quả tang Nguyễn Phúc Diễn (33 tuổi, ngụ xã Tiên Sơn, Tiên Phước) đang điều khiển xe múc đào bới rừng đầu nguồn.
Theo lời khai của Diễn, anh ta được ông Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Bình Lãnh, Thăng Bình) thuê cày xới rừng để chuẩn bị cho việc trồng keo lá tràm.
Sau khi lập hồ sơ ban đầu, tổ công tác đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Thăng Bình giải quyết theo thẩm quyền. Các đối tượng bị UBND huyện xử phạt 80 triệu đồng về hành vi phá rừng. Tuy nhiên, việc phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra.
Ngày 7-8-2016, tổ công tác của xã đã phát hiện 5 đối tượng sử dụng 3 cưa máy cầm tay và một số vật dụng khảo sát để đốn hạ 2,78 ha rừng tự nhiên, thuộc tiểu khu 484, khu vực hố Bà Lộc.
Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ chạy. Tổ công tác vây bắt được 3 đối tượng; thu giữ 3 cưa máy, 2 rựa nghéo và một số can đựng xăng, lin phục vụ cho việc cưa phá rừng.
Theo ông Hoa cho biết, tại khu vực này, nhiều cây gỗ lớn đã bị đốn hạ…
Gần đây nhất, sáng 25-8-2016, UBND xã Bình Trị phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thăng Bình kiểm tra khu vực rừng giáp ranh với xã Bình Lãnh thì phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Hải (xã Bình Lãnh) và một đối tượng khác đang dùng cưa máy để xẻ gỗ.
Tổ kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ tang vật là 1 máy cưa, 1 xe máy. Điều đáng nói, đối tượng Hải là người đã bị xử phạt về hành vi phá rừng nhưng vẫn tiếp tục tái phạm…
Không chỉ khu vực giáp ranh với Bình Lãnh, Tiên Sơn, rừng phòng hộ ở những khu vực giáp ranh với các xã Bình Định Nam, Bình Phú... cũng bị chặt phá. Ngày 26-8-2016, UBND xã Bình Trị tiếp tục phát hiện khoảng 500m đường được đào bới tại khu vực tiểu khu 484 để phục vụ cho việc phá rừng.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2008, hồ chứa nước Đông Tiễn được xây dựng và đi vào hoạt động. Hơn 500 ha đất rừng xung quanh lòng hồ trở thành rừng phòng hộ đầu nguồn vô cùng quan trọng.
Năm 2012, khi UBND huyện Thăng Bình có kế hoạch trồng cây cao su đại điền tại khu vực xung quanh hồ chứa nước Đông Tiễn thì người dân ào ạt xâm lấn, chặt phá rừng nghiêm trọng.
Ông Lê Viết Mãnh, Chủ tịch xã Bình Trị cho biết, nguyên nhân do người dân thiếu đất canh tác, thiếu hiểu biết pháp luật.
Ông Trần Văn Hoa cho biết thêm, UBND xã đã thành lập tổ công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc bảo vệ rừng còn mang tính hình thức. Việc giải quyết nạn phá rừng chỉ là giải quyết phần ngọn chứ chưa phải là phần gốc.
Hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn của xã Bình Trị là nơi giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng ngàn hộ dân ở địa phương và khoảng 100 ha đất nông nghiệp.
Nếu tình trạng phá rừng không được ngăn chặn kịp thời thì một ngày không xa, rừng phòng hộ sẽ biến mất kéo theo những hiểm họa khôn lường về thiên nhiên, môi trường.