Cận cảnh những lao công làm sạch phố phường sau 0h

Thứ Bảy, 18/03/2017, 08:31
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống càng hiện đại thì lượng rác tại mỗi hộ gia đình thải ra cũng ngày càng nhiều, nỗi vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường vì thế càng tăng thêm, nhất là vào những dịp lễ, Tết…

Hà Nội những ngày này về đêm mưa phùn giăng mắc khiến con đường nhớp nháp, khung cảnh ảm đạm. Sau 23h, những chiếc xe máy, ôtô lác đác thưa dần rồi mất hút vào màn đêm, nhường chỗ cho tiếng chổi quét rác loẹt xoẹt của các anh, chị lao công vang lên trên từng góc phố. 

Bám theo bước chân những người công nhân làm vệ sinh môi trường mỗi tối mới thấy được nỗi vất vả trong công việc mà họ đang làm...

Vừa thu dọn sạch đống rác thải bừa bãi ngay dưới các xe thùng đựng rác trong ngõ 120 đường Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Trương Thị Cúc, công nhân Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên lại vội vã tiến tới cuối ngõ thu gom rác. Hơn 10 phút sau chị quay lại, ngay dưới các xe thùng đựng rác lại xuất hiện các đống rác thải to tướng.

“Một số gia đình ý thức chưa cao, mình vừa dọn dẹp xong, đi khỏi chút là họ lại bỏ rác ra. Quy định có rồi nhưng người dân vẫn đổ rác không có giờ giấc rõ ràng, mà xe thùng đựng rác để đây họ cũng chẳng buồn cho vào tử tế, cứ từ xa quăng các túi rác vào thôi, rồi rơi xuống và tung tóe ra đường…” - chị Cúc nói.

Chúng tôi di chuyển theo công nhân làm vệ sinh môi trường làm việc quanh khu vực Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), lúc này đã gần 24 giờ đêm, một số công nhân đã chất đầy rác lên các xe thùng cao chót vót và đẩy tới điểm tập kết để cho lên xe cẩu.

Các công nhân vệ sinh môi trường đang cần mẫn dọn dẹp rác trên đường Trần Cung.

Nhìn những người phụ nữ đi ủng leo lên xe thùng đựng rác thoăn thoắt, dùng chân lèn rác xuống để có thể chở thêm, người thì nhặt từng túi nhồi vào cho càng nhiều càng tốt, mùi hôi thối được dịp bốc lên nồng nặc. Họ làm rất trách nhiệm, mặc kệ thứ mùi hỗn độn mà chỉ cần người khác đi cạnh thôi đã muốn nôn mửa.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, một trong những lao công Công ty Vĩnh Yên đang làm việc ở đây có hoàn cảnh hết sức khó khăn, là trụ cột chính của gia đình khi nuôi mẹ già và hai con nhỏ, đứa bị bệnh down, đứa bị bệnh tim bẩm sinh.

Cuộc sống mưu sinh, gắn bó với công việc đã gần 20 năm nên thăng trầm trong nghề chị rõ hơn ai cả, chị chia sẻ, mùa đông mùi hôi thối bốc ra đỡ hơn chứ mùa hè nóng nực thì khiếp lắm, người không trong nghề không chịu được. Ngày mưa thì kinh khủng, nước làm rác thải nổi bồng bềnh, nhớp nháp. Người nào vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu thì tiếp tục được với công việc, còn không chỉ một, hai tháng là nghỉ ngay.

Các ca làm tối của công nhân vệ sinh môi trường thường từ 16h và đến 00h ngày hôm sau, nhưng cứ phải hơn 1h sáng mới xong việc, do nhiều hàng quán nghỉ muộn.

Theo chị Hằng, việc làm ban đêm ẩn chứa nhiều tai họa, rủi ro, từ những xe cộ qua lại trên các tuyến đường, rồi hiểm họa giao thông từ những kẻ đua xe hay các thanh niên sau mỗi trận nhậu say. Chị giúp người cũng nhiều nhưng được người cứu giúp cũng không ít…

“Công việc này tuy vất vả nhưng được góp sức làm xanh, sạch đẹp cho thành phố, đó là niềm vinh dự…” - đôi mắt ánh lên niềm tự hào, chị Hằng nói.

Đang di chuyển theo các anh, chị lao công làm việc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cảm động khi chứng kiến lãnh đạo Công ty CPMT&DV Đô thị Vĩnh Yên, nơi chị Hằng làm việc tới thăm hỏi và động viên các công nhân viên ở đây.

Anh Cao Thế Cường, Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội cho biết, công ty anh mới tiếp quản địa bàn quận Cầu Giấy từ đầu tháng. Bên cạnh công việc thu gom rác thải đúng giờ, đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, công ty anh còn tiến hành rà soát danh sách các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời thăm hỏi, sẻ chia khó khăn với gia đình họ. 

Đó là ưu tiên hàng đầu của công ty để những anh, chị lao công vất vả làm ca đêm yên tâm công tác…

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 5.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó các khu vực quận, thị xã là hơn 3.000 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với khối lượng khoảng 2.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt hơn 4.000 tấn/ngày... Về chi phí, mỗi năm thành phố chi khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Thảo Vy
.
.
.