Chuyện chưa kể về nữ anh hùng biệt động bị giặc chôn sống
Không sợ hy sinh, chỉ sợ không đánh được địch
Chiều nắng vàng của một ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về căn nhà của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lài nằm ở cuối đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, TP Huế. Vừa dựng chiếc xe đạp cũ kỹ ở góc sân sau buổi ra chợ, bà Lài vồn vã bước vào nhà pha trà mời khách. Trong không khí hào hứng khi dịp lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng CAND đang cận kề, bà bồi hồi nhớ lại những năm tháng nằm vùng làm nữ biệt động thành xứ Huế.
Anh hùng Nguyễn Thị Lài trò chuyện với Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Huỳnh Tấn Phát trong lễ tuyên dương Anh hùng LLVTND. |
Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em ở Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), dù nghèo nhưng ông Nguyễn Quang Han (bố bà Lài) vẫn cố gắng nuôi các con ăn học. “Gia đình có truyền thống cách mạng nên năm lên 14 tuổi, tôi vừa học hết lớp 3 thì thoát ly tham gia kháng chiến. Không lâu sau đó, cấp trên cho tôi gia nhập lực lượng trinh sát vũ trang, thuộc Ban An ninh TP Huế. Để không bị lộ thân phận, tôi đã hóa thân thành “con sen” (người ở-NV), hoặc bán hàng rong để đêm đêm đi rải truyền đơn, khẩu hiệu và kêu gọi quần chúng làm cơ sở cách mạng. Hồi đó, tôi cũng nhiều lần thực hiện những trận đánh trong lòng địch...”, dù đã bước sang tuổi 65 tuổi nhưng bà Lài vẫn nhớ rõ thời gian đầu mới tham gia kháng chiến.
Tháng 2/1971, sau thất bại ở chiến dịch đường 9 Nam Lào, giặc sử dụng nhiều chiêu trò để trấn tĩnh tinh thần sĩ quan và binh lính. Tại Huế, chúng tổ chức chiếu phim, triển lãm tuyên truyền chiến thắng giả tạo ở rạp chiếu bóng Tân Tân nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Nhớ lại trận đánh cảm tử ngày ấy, bà Lài kể: “Thời điểm ấy, tôi nhận lệnh đánh vào rạp chiếu bóng Tân Tân. Tuy nhiên để lọt được vào rạp còn khó hơn cả... tìm đường lên trời. Thế là tôi nghĩ ra cách đóng giả bạn gái một Thiếu úy Quân đội VNCH tên là Quang. Lúc ấy, mình mặc áo dài trắng, tay xách giỏ hoa đi vào rạp mà bọn địch không nghi ngờ chi. Đến khi quả mìn hẹn giờ ở rạp phát nổ giết chết nhiều sĩ quan và cảnh sát thì địch mới hoảng hốt truy lùng Việt cộng”.
Là lính trinh sát, Nguyễn Thị Lài chưa hề nao núng trước mọi nhiệm vụ, bởi bà quan niệm rằng “Không sợ hy sinh, chỉ sợ không đánh được địch!”. Vì thế mà ngày 29 Tết năm 1971, sau khi thám thính và phát hiện một tốp địch kéo về trạm xăng chợ Đông Ba, bà thực hiện thêm một trận đánh quả cảm bằng cách cài kíp nổ và mìn hẹn giờ tại trạm xăng để giết chết 9 tên địch, 13 tên khác bị thương, trong đó có 3 cảnh sát và 1 quân cảnh.
Trước sự khôn khéo, thông minh, linh hoạt trong mỗi trận đánh của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Lài, Ban An ninh TP Huế tiếp tục chỉ đạo bà đánh vào Ty Cảnh sát quốc gia ở quận 3, Huế. Trận đánh ấy, bà cải trang vào Ty Cảnh sát để làm căn cước; nhưng sau khi cài kíp nổ thì bà bị địch phát hiện, bắt giữ…
Anh hùng Nguyễn Thị Lài tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội tuyên dương anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam năm 1976. |
Bốn lần bị bắt đưa vào biệt giam
Ngày 30/4/1971, bọn giặc đưa bà Lài vào trại thẩm vấn và sử dụng nhiều đòn tra tấn tàn độc khiến bà chết đi sống lại hàng chục lần, hòng bắt bà khai ra người chỉ huy và cơ sở cách mạng. Người hỏi cung bà lúc ấy là Liên Thành, Trưởng ty Cảnh sát Huế, khét tiếng chống Cộng.
Nhìn ra bầu trời trong xanh trước mặt nhà, bà Lài chậm rãi kể lại: “Đầu tiên chúng đưa tôi đến xà lim Lê Quý Đôn, nơi chuyên tra tấn các chiến sĩ cộng sản. Chúng dùng 2 dây điện chích vào ngực rồi dùng máy điện cầm tay tra tấn. Cứ mỗi lần máy điện quay, chúng lại hỏi: “Ai đã xui mày đặt mìn ở cơ quan cảnh sát?”, nhưng tôi không hé nửa lời. Tra điện không được, chúng chuyển sang roi điện, rồi đến cho rắn bò vào ống quần. Những đêm tiếp theo, chúng lại dùng tay móc vào xương sườn, lấy dao rạch tay lộ cả gân trắng; rồi đào hố đem tôi chôn sống.
Khi không khai thác được chi, thấy tôi có mái tóc dài, chúng nắm tóc quấn lên chiếc quạt trần treo trên tường rồi bật số cho quạt quay. Có lẽ đây là màn tra tấn dã man nhất của bọn địch mà tôi từng nếm trải trong thời gian bị giam cầm”. Chỉ cho tôi thấy những vết thương trên 2 bàn tay lẫn cánh tay do các trận đòn tra khảo của địch để lại, bà Lài không giấu được sự xúc động.
Bà nói: “Nếu không may mắn thì có lẽ tôi đã về với cát bụi từ lâu lắm rồi!”. Bởi, trong những năm tháng làm biệt động thành ở Huế, bà đã bị địch bắt giữ 4 lần với đủ trò tra tấn. Giờ đây, mỗi lúc trái gió trở trời, những vết thương do giặc tra tấn ngày nào lại hành hạ, khiến cơ thể đau nhức kinh khủng. Nhưng, dù thế nào, bà vẫn luôn lạc quan, tin yêu vào cuộc sống…
Nữ anh hùng Nguyễn Thị Lài. |
Đất nước thống nhất, bà Lài được cấp trên phân công về làm Phó Đồn Công an phường Thuận Thành, TP Huế và ít lâu sau lập gia đình với ông Phạm Xuân Dương, một cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tháng 6/1976, bà vinh dự được bầu làm Chủ tịch Đoàn Đại hội tuyên dương anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam và được trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND. “Lúc ấy, tôi vinh dự được vào miền Nam, được bắt tay và trò chuyện với Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Huỳnh Tấn Phát.
Chủ tịch đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và động viên để những cán bộ cách mạng trẻ tuổi như tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương sau ngày đất nước giải phóng”, lần giở lại những bức ảnh đen trắng đã bạc màu theo thời gian được lưu giữ như một kỷ vật, bà Lài hồi tưởng về kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Giờ đây, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng bà Lài vẫn nghị lực để cùng chồng tham gia sản xuất, phát triển kinh tế với mô hình cây cảnh hằng năm đạt doanh thu cao, ổn định cuộc sống gia đình...
Trước lúc chia tay, nữ anh hùng Nguyễn Thị Lài dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây cảnh là thành quả lao động suốt hơn 20 năm qua, bà bày tỏ nỗi lòng: “Hằng năm, cứ đến ngày 19/8 thì tôi cùng đồng đội lại quây quần bên nhau để ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nghĩ đến cảnh nhiều đồng đội anh dũng hy sinh, thân xác vẫn còn nằm lại đâu đó trên chiến trường mà lòng mình nghẹn ngào, bởi mình sống đến hôm nay và có một gia đình yên ấm là quá may mắn rồi!”.