Hình bóng Bác Hồ nơi bốn bể
Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại nhà số 9, ngõ Compoint, Paris; tượng đài Bác Hồ giữa trung tâm Quảng trường Hồ Chí Minh, Thủ đô Moskva, Nga; ngôi trường tiểu học mang tên Bác Hồ tại Thủ đô Ulanbato, Mông Cổ… và một vài nơi khác, đều để lại trong tôi niềm tự hào về vị cha già dân tộc.
Trong những ngày đầu xuân này, tôi viết mấy dòng cảm xúc mà tôi mãi ấn tượng khi bắt gặp hình bóng Bác Hồ bên ngoài mảnh đất hình chữ S.
Bác Hồ chụp ảnh với nhân viên khu điều dưỡng Tùng Hóa, Trung Quốc, tháng 9-1965. |
Ngôi nhà số 250
Đã có nhiều người Việt Nam đến đây. Qua sách báo, tôi cũng hiểu biết ít nhiều về ngôi nhà 250 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, nơi gắn bó với hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỉ XX. Vậy mà trong chuyến công tác tại Quảng Châu, khi được đến thăm ngôi nhà này, trên đường đi, chúng tôi vẫn thấy hồi hộp và muốn đến nơi thật sớm. Ngôi nhà được xây dựng từ lâu nằm khá khiêm tốn trong khu phố cổ.
Bước chân vào đây, trong tôi trào dâng một cảm giác bồi hồi khó tả. Nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu gắn liền với hoạt động của Bác, các nhà cách mạng Trung Quốc và Việt Nam được trưng bày rất khoa học. Người quản lý cho biết ngôi nhà đã sửa chữa một số lần nhưng cơ bản kết cấu vẫn giữ được như cũ. Hằng năm có nhiều người Trung Quốc, người Việt Nam và du khách nước ngoài đến đây tham quan.
Theo tài liệu thì ngày 11-11-1924, Bác đến Quảng Châu. Nhiều bức ảnh ghi lại hoạt động của Bác và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam ở đây. Căn phòng là lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Những chiếc giường tầng nơi ngủ của học viên. Khu phụ và bếp mà Bác và nhiều đồng chí thường sinh hoạt trong những ngày ở đây… Tất cả gợi hình ảnh thân thương gần gũi của Người cách đây gần thế kỷ.
Chính nơi này Người đã thành lập tổ chức của thanh niên với tên gọi “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Quảng Châu đã được Nguyễn Ái Quốc chọn là một điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động, một "căn cứ địa quốc tế" của cách mạng Việt Nam.
Tại đây, Nguyễn Ái Quốc theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở Trung Quốc và Đông Nam Á, giúp Quốc tế Cộng sản nắm tình hình về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Người không chỉ quan tâm đến việc tổ chức lực lượng cho cách mạng Việt Nam, mà còn đặt cơ sở cho việc xây dựng tình đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước…
Trong cuốn sổ lưu niệm tại ngôi nhà 250, có khá nhiều lưu bút của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại biểu Việt Nam và quốc tế. Nhiều người nước ngoài để lại cảm tưởng trong dòng lệ. Ngôi nhà không quá nhiều hiện vật và hình ảnh, nhưng với đoàn chúng tôi, 3 giờ đồng hồ cho tham quan, ghi chép về những gì có ở nơi đây vẫn là không đủ.
Học sinh trường Bác Hồ ở Thủ đô La Habana Cuba. |
Trường học “Bo Ho”
Tôi vinh dự cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm ngôi trường tiểu học mang tên Bác Hồ ở Thủ đô La Habana, Cuba. Trường được thành lập ngày 29-4-1976, nhân dịp kỷ niệm một năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam. Ngôi trường được xây dựng thể hiện tình cảm sâu đậm, tấm lòng ngưỡng mộ của nhân dân Cuba đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay trường có 14 lớp học, gần 300 học sinh, và là một trong những trường nổi tiếng với nhiều thành tích xuất sắc của các học sinh thủ đô La Habana.
Khi chúng tôi đến, các em học sinh đã chỉnh tề đứng trên gác 2 của các dãy nhà, tay cầm cờ Việt Nam và Cuba vẫy chào. Những khuôn mặt ngây thơ, những ánh mắt trìu mến hướng về các vị khách. Các thầy cô giáo nói cho các cháu rằng, hôm nay trường có đoàn khách đặc biệt đến từ Việt Nam, quê hương của Bác Hồ mà trường vinh dự mang tên. Các em liên tục hô vang “Việt Nam – Cuba”, “Việt Nam – Cuba là một” bằng tiếng Tây Ban Nha.
Đại diện giáo viên và học sinh đã báo cáo với Chủ tịch nước Việt Nam về kết quả học tập của thầy trò trường Bác Hồ, biểu diễn văn nghệ và đọc thơ ca ngợi Bác. Tất cả đều diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở và thân thiện.
Chúng tôi thăm gian triển lãm về hình ảnh Bác Hồ, người mà Chủ tịch Fidel Castro ca ngợi là một trong những vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng thế giới và của thế hệ tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều hình ảnh về Việt Nam, về Bác Hồ được trưng bày.
Tôi đọc được ánh mắt của thầy trò ở đây niềm tự hào về ngôi trường của mình, trường Bác Hồ. Chúng tôi thấy lâng lâng một niềm vui khó tả khi trong lời giới thiệu của cô giáo hiệu trưởng với hai chữ “Bo Ho” (Bác Hồ).
Đại lộ Hồ Chí Minh ở Maputo
Không phải riêng tôi mà nhiều người sẽ khó hình dung ra rằng, giữa Thủ đô Maputo của đất nước châu Phi Mozambique xa xôi có một địa danh mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 40 năm trước. Từ mối quan hệ lịch sử, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mozambique, năm 1977, ngay sau khi độc lập, Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Mozambique (ngày nay Cộng hòa Mozambique) Samora Machel đã quyết định đặt tên của Bác Hồ cho một đại lộ ở Thủ đô Maputo, Đại lộ Hồ Chí Minh.
Việc đặt tên một con đường nằm ở trung tâm Maputo, thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ của nhân dân Mozambique với Người.
Tôi được cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến đặt lẵng hoa tại khu dựng biển trên Đại lộ Hồ Chí Minh. Một con đường dài hơn 1km rất sạch sẽ và đẹp, đi ngang qua tòa thị chính của Thủ đô Maputo. Con đường này cũng cắt qua một số đường phố chính, nổi tiếng của Thủ đô như đường Karl Marx, đường Lenin, Olof Palme. Hai bên là những hàng cây keo đặc trưng của thành phố Maputo “Hòn ngọc của Ấn Độ Dương”.
Tác giả với một nhân viên an ninh của Mozambique trước biển Đại lộ Hồ Chí Minh. |
Tấm biển ghi tên đại lộ được làm mới, tôn vinh vẻ đẹp của đại lộ. Tôi tranh thủ đi bộ hết chiều dài đại lộ, ngắm nhìn tòa thị chính thành phố cùng những công trình hai bên và những con phố cắt ngang. Tôi càng hiểu thêm tình cảm và sự ngưỡng mộ của cố Chủ tịch Mozambique đầu tiên, Samora Machel với Bác Hồ kính yêu. Một cảm xúc vui, tự hào mà có lẽ mỗi chúng ta khi đi xa đất nước hàng vạn dặm mới dễ thấu hiểu, dễ cảm nhận.
Ba kỷ niệm tôi viết ra, với những thời gian, tên gọi và ở những vùng rất khác nhau khắp năm châu, bốn bể, nhưng tôi đọc được điều chung nhất đó là sự kính trọng, ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân trên thế giới với con người Hồ Chí Minh. Tôi xin mượn mấy câu thơ của các em học sinh trường Bác Hồ ở La Habana, Cuba để kết thúc bài viết này.
Mấy câu thơ được dịch đại ý, không chuẩn về vần điệu, nhưng rất chân thành và thể hiện sự trân trọng với Người: “Hồ Chí Minh, Người là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại giữa đêm đông giá lạnh. Hồ Chí Minh, Người là ngôi sao sáng trên bầu trời dẫn dắt chúng cháu trên con đường cách mạng… Mỗi người dân Cuba, mỗi học sinh Cuba chúng cháu luôn noi gương Người, học tập Người”.