Bừng sáng đất anh hùng
Gò Loi cách TP Quy Nhơn khoảng 90 km về phía Tây Bắc và cách huyện lỵ Hoài Ân chừng 6km về phía Tây Nam . Đến Gò Loi , chúng tôi rất vui mừng được gặp ông Trần Sung, 65 tuổi, nguyên là Đại đội trưởng, Đại đội 1 Bộ đội chủ lực của địa phương, là người đã tham gia trận chiến đấu và chiến thắng căn cứ Gò Loi ngày ấy.
Kể về trận chiến đấu năm xưa, ông cho biết: Gò Loi là một căn cứ quân sự rất kiên cố của địch từ năm 1966-1967, phía Bắc tỉnh Bình Định, do Liên đội lính Bảo an số 48 chốt giữ. Và để giữ vững, quân địch đã cho xây dựng 3 tầng lô cốt, tầng này cách tầng kia một bậc dốc cao 3 m, cùng 14 lớp hàng rào bao quanh. Trên cơ sở xác định, muốn giải phóng huyện Hoài Ân thì phải đập tan căn cứ Gò Loi, với cách đánh mưu trí dũng cảm dùng lực lượng đặc công tiến sâu vào căn cứ điểm và dẫn đường cho lực lượng chủ lực tấn công từ bên ngoài vào, cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, nhưng cuối cùng lực lượng chủ lực của ta đã đánh chiếm căn cứ Gò Loi và đánh bại nhiều cuộc phản công trở lại của địch từ ngày 10 đến 15/4.
Thừa thắng quân ta tiến vào giải phóng huyện lỵ Hoài Ân vào lúc 11h ngày 19/4/1972. Chiến thắng vang dội của quân và dân Hoài Ân đã mở màn cho Đại thắng mùa xuân 1975 sau này. Ghi nhận những thành tích to lớn của quân và dân xã Ân Tường (nay Ân Tường Tây), Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương các loại và đặc biệt là phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, từ sau ngày giải phóng đến nay và đặc biệt sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, quân và dân Ân Tường đã khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống mới trên quê hương ngày càng khởi sắc.
Ông Võ Trung Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây cho biết: Mặc dù là một xã miền núi của huyện Hoài Ân, nhưng trong nhiều năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã đã từng bước phát triển kinh tế - xã hội năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, xã dẫn dầu toàn huyện về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về điện - đường - trường - trạm khang trang. Nếu năm 2006 giá trị sản xuất trên 1ha đạt 14,2 triệu đồng thì đến đầu năm 2012 đạt 35 triệu đồng/ha; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đến năm 2012 cả xã có 45 trang trại với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt bình quân 65,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 9 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 20%. Với những kết quả đã đạt được, xã Ân Tường Tây một lần nữa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hiện nay xã Ân Tường Tây là một trong 4 đơn vị được huyện chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã phấn đấu xây dựng đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, hoàn thành sớm hơn so kế hoạch đề ra 5 năm