Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội 60 năm trước
Đồng chí Trần Quốc Hoàn là Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên, liên tục từ năm 1952 đến năm 1980. Hơn 30 năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 19 năm tham gia Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng thuộc thế hệ lãnh đạo tiền bối đầu tiên của Đảng, là người đảng viên ưu tú, kiên cường đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Đã gần ba thập niên, Bộ trưởng đã về yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, nhưng người anh cả của lực lượng Công an đã để lại những cống hiến lớn lao và những di sản quý báu về công tác chỉ đạo nghiệp vụ, xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, về hệ thống lý luận công tác Công an, các quan điểm, phương châm, nguyên tắc, đường lối, phương pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngày nay các thế hệ tiếp theo đã và đang tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa và phát triển hoàn thiện với tầm cao mới để bảo vệ Đảng, bảo vệ mọi thành quả cách mạng trong điều kiện mở cửa, hội nhập xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với tầm nhìn xa, trông rộng vừa chiến lược, vừa thực tiễn, Bộ trưởng đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiệp vụ hết sức tài tình. Sau Hiệp định Geneve được ký kết 1954, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã dựng nên câu chuyện Chúa vào Nam để lôi kéo một bộ phận quần chúng giáo dân “theo Chúa” vào Nam tiếp tục chống phá Cách mạng. Tương kế tựu kế, Bộ trưởng đã bố trí nhiều cán bộ Công an “theo Chúa” vào Nam và cài cắm cán bộ nằm vùng đồng thời chi viện sớm nhất hàng trăm cán bộ cho an ninh miền Nam. Nhờ vậy chúng ta đã có nhiều cơ sở đi sâu, leo cao trong bộ máy ngụy quân – ngụy quyền thu thập cung cấp nhiều tin tức đặc biệt quan trọng phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Đặc biệt và có ý nghĩa hết sức to lớn về công tác đào tạo cán bộ của Bộ trưởng, đó là mở các lớp bồi dưỡng cán bộ chủ chốt chi viện cho an ninh miền Nam vào những năm 1959, 1960, 1961… Đến thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc, năm 1968-1969, Bộ trưởng đã quyết định mở lớp đào tạo đại học. Đó là lớp Toán học cao cấp (KC1) để phục vụ máy tính điện tử, rồi lớp D1 (1969), D2 (1970), các lớp ngoại ngữ, trường dân tộc nội trú v.v… đến nay đã đào tạo hàng ngàn cán bộ có trình độ, cử nhân phục vụ công tác Công an khắp mọi miền đất nước. Trong số đó phần lớn đã trở thành cán bộ chủ chốt của ngành và có nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục, các vụ, cục, giám đốc Công an các địa phương và các cán bộ cao cấp khác của ngành. Nếu không có những quyết định đào tạo mang tính chiến lược đó, thì chắc chắn ngày hôm nay chúng ta không thể có đội ngũ cán bộ có trình độ cử nhân và sau đại học hùng hậu, to lớn để phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như hiện nay.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tiếp các chuyên gia Liên Xô. |
Nhớ về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, chúng ta mãi mãi ghi nhớ sự quan tâm đặc biệt về khoa học kỹ thuật. Những năm 60, 70, mặc dù đất nước còn rất khó khăn, tất cả dồn hết sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Được sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, Bộ trưởng đã quyết định xây dựng các cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, đó là đài phát thanh, đài phát tín…, đài thám không, các cơ sở kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ yếu, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Trung tâm máy tính điện tử - một trong ba trung tâm đầu tiên của miền Bắc thời kỳ chống Mỹ để phục vụ công tác Công an. Song song với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập các cục kỹ thuật nghiệp vụ như KG1, KG2, KG3… Nhờ các phương tiện kỹ thuật phục vụ đắc lực, các hoạt động nghiệp vụ, thu thập được những thông tin phản gián kịp thời, chính xác phục vụ lực lượng An ninh, cấp ủy miền Nam phòng tránh được các cuộc “hành quân”, vây ráp của Mỹ - ngụy và các đợt oanh kích phá hoại miền Bắc.
Đặc biệt thông qua hệ thống điện đài phản gián với sự chỉ đạo về đối sách nghiệp vụ tài tình của Bộ trưởng, chúng ta đã tương kế, tựu kế, câu nhử bắt gọn các toán gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy tung ra miền Bắc. Được sự quan tâm của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đây là thời kỳ hoàng kim trong công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật của ngành. Hằng năm đã cử nhiều cán bộ sang Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc… để đào tạo cán bộ về các ngành vật lý, điện tử, thông tin, pháp y, hóa, sinh, hoặc tuyển dụng những sinh viên có bằng đỏ về phục vụ ngành. Đây là lực lượng nòng cốt, chủ công trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật của ngành Công an. Trong số đó có nhiều kỹ sư, phó tiến sĩ, tiến sĩ không chỉ giỏi trong ngành Công an mà là những cán bộ khoa học đầu ngành về pháp y, hóa, sinh của đất nước.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng hết sức quan tâm đến công tác xây dựng và thực hiện pháp luật. Lúc đó công tác xây dựng và thực hiện pháp luật chưa phát triển như hiện nay, rất ít luật và pháp luật được ban hành. Song với sự chỉ đạo của Bộ trưởng, ngành Công an đã có Pháp lệnh Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (27/9/1961), Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân (16/7/1962), đặc biệt các văn bản dưới luật (pháp quy) đã được Bộ trưởng ban hành, phủ kín hầu hết các lĩnh vực cần thiết như Điều lệ Cảnh sát khu vực; chế độ bắt, giam, giữ, khám xét; chế độ hỏi cung v.v… Chính đây là những nền tảng, những “viên gạch” đặt nền móng để ngày nay chúng ta xây dựng hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện phục vụ công tác Công an. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người đầu tiên quyết định thành lập tổ chức pháp chế ngành (1975, lúc đó các Bộ, ngành chưa thành lập pháp chế). Ngay từ thời đó, Bộ trưởng đã quan tâm, chỉ đạo phải đào tạo cán bộ pháp lý.
Một kỷ niệm không thể nào quên với tôi, đó là một buổi chiều sau khi kết thúc cuộc họp Đảng, Đoàn (ở tầng 2 nhà A3, số 15 Trần Bình Trọng), Bộ trưởng đã ghé thăm Vụ Pháp chế, với sự giản dị, ân cần, trìu mến, vui vẻ khen ngợi cán bộ pháp chế đã chuẩn bị rất tốt các ý kiến tham gia sửa đổi Hiến pháp 1980 được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi trong Hội nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp lúc đó, đồng thời Bộ trưởng căn dặn đồng chí Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Ngọc Châu và đồng chí Lê Văn Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Cán bộ cần phải chăm lo đào tạo cán bộ trẻ về pháp luật. Không lâu sau đó các lớp đào tạo, bổ túc cử nhân bằng luật được mở ra để cán bộ, chiến sĩ Công an theo học, đồng thời Bộ đã chọn lựa những cán bộ đưa đi đào tạo sau đại học ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu. Những cán bộ này đã trở thành những lứa cán bộ có trình độ cao hợp thành đội ngũ giáo viên của các trung tâm đào tạo sau đại học của Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân, để đào tạo hàng ngàn cử nhân, hàng trăm tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tết này, nhớ về người Bộ trưởng tài năng, nhớ về người anh cả của lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của ngành. Những hoài niệm không bao giờ quên và mãi mãi cùng đồng hành với các thế hệ tiếp theo học tập, phấn đấu làm tròn sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội