Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta

Chủ Nhật, 17/10/2010, 10:43
Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày (2/9/1945 - 2/3/1946) nhưng Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.

Cụ Vũ Trọng Khánh sinh năm 1912, tuổi Nhâm Tý, (các giấy tờ khác vẫn thường ghi cụ sinh năm 1913) trong một gia đình tiểu thương ở Hà Nội. Quê cụ ở làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội). Cụ theo học ở Trường Lyceé Albert Sarraut, và đã sớm chịu ảnh hưởng từ các phong trào yêu nước như đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học khởi xướng…

Sau khi đỗ tú tài ở Trường Lyceé Albert Sarraut, cậu học trò Vũ Trọng Khánh theo học Trường Đại học Luật Đông Dương. Thời gian học trường luật, anh quen các sinh viên Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe... đặc biệt Vũ Trọng Khánh rất mến phục anh Nguyễn Thế Rục (người chiến sĩ Cộng sản đã từng học tại Trường Đại học Phương Đông Stalin ở Liên Xô) nên đã tham gia tổng hội sinh viên yêu nước. Thời kỳ Mặt trận bình dân (1936-1939), Vũ Trọng Khánh theo nhóm làm báo Le Travail (Báo Lao động) đón phái đoàn Godard ở Hà Nội, tham gia vào các tổ nghiên cứu Mác xít và tổ thanh niên dân chủ, gồm có các chiến sĩ Cộng sản như đồng chí Đào Duy Kỳ (Bí thư Thanh niên), Vũ Đình Huỳnh, Phan Tư Nghĩa, Huỳnh Văn Phương...

Đỗ cử nhân Luật (1936), dù thừa điều kiện ra làm một chức Tri phủ, Tri huyện, như mong muốn của ông cụ thân sinh, nhưng Vũ Trọng Khánh đã đi con đường riêng của mình, làm thư ký cho luật sư Laubies người Pháp tại Hải Phòng. Năm 1941 được làm luật sư tập sự... và thêm bốn năm sau, mới được cử làm luật sư chính thức. Nhưng trong thời gian tập sự, ông đã được luật sư Laubies giao quyền thay mặt mình để tranh tụng trước tòa nhiều vụ án. Với tài hùng biện của mình, luật sư Vũ Trọng Khánh nhanh chóng được sự mến mộ của nhân dân Hải Phòng. Vì vậy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, luật sư Vũ Trọng Khánh đã ra làm Thị trưởng TP Hải Phòng.

Trong Hồi ký "Tôi làm Thị trưởng Hải Phòng" cụ Vũ Trọng Khánh viết:

"Lý do cấp bách tôi phải nhận làm Thị trưởng là sau khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương; công chức và nhân dân tụ tập, bàn tán, nghe ngóng, không ai cầm đầu. Viên lãnh sự Nhật Nô-mi chịu trách nhiệm hành chính thực ra chẳng biết làm gì, quân đội và hiến binh Nhật nắm chặt an ninh. Những tên Việt gian tống tiền; dịch vụ hốt rác đổ thùng phân trì trệ, nước, điện chập chờn… Không có người lương thiện ra nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương chạy chọt sẽ nhảy vào ghế Thị trưởng để dựa vào Nhật làm hại dân. Nhất thiết tôi phải nắm ngay ghế Thị trưởng".

Sau một tháng làm Thị trưởng Hải Phòng, chiếm lĩnh các cơ quan, chiếm lĩnh ngân hàng, nắm lấy cảnh sát, trại giam, bảo an binh, thả tù chính trị là Việt Minh, ngăn cản bọn thân Nhật mở sòng bạc, đôn đốc điện, nước, vệ sinh hơn thời gian Pháp thuộc… cụ Vũ Trọng Khánh đã bàn giao lại chính quyền thành phố cho mặt trận Việt Minh. Chủ quyền nhanh chóng trở về trong tay quần chúng nhân dân Hải Phòng mà không phải mất một viên đạn, một giọt máu!

Ngày 23/8/1945, trong lễ ra mắt UBND cách mạng lâm thời thành phố trước cửa Nhà hát lớn Hải Phòng, luật sư Vũ Trọng Khánh được cử làm Ủy viên Hành chính (tương đương chức vụ Thị trưởng thành phố).

"Ba hôm sau được điện của anh Võ Nguyên Giáp mời tôi lên Thủ đô nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày (2/9/1945 - 2/3/1946) nhưng Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.

Ngày 20/9/1945, trong Sắc lệnh số 34, về việc lập một Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Vũ Trọng Khánh là một trong bảy thành viên của Ủy ban gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy - tức vua Bảo Đại thoái vị, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu - tức Tổng Bí thư Trường Chinh.

Trên cương vị Bộ trưởng, ông đã trình và được chính phủ duyệt bốn văn bản tư pháp nền tảng quan trọng: Sắc lệnh số 4 ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn luật sư; Sắc lệnh số 53 ngày 20/10/1945 về quy định quốc tịch Việt Nam; Sắc lệnh số 13 ngày 21/1/1946 về tổ chức các tòa án thường và ngạch thẩm phán; Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 về tổ chức tòa án quân sự.

Vũ Trọng Khánh là vị Bộ trưởng Tư pháp rất mềm dẻo. Trong Hồi ký của mình, cụ Vũ Đình Hòe đã dẫn lại lời tâm sự của cụ Lê Giản (nguyên Giám đốc Nha Công an Trung ương):

"Mấy tháng cuối năm 1945, thời gian Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Tư pháp, quân lính mình bắt giam bừa bãi bọn Việt quốc, Việt cách (chúng cũng quậy lắm cơ, ỷ vào quân Tàu Tưởng); Vũ Bộ trưởng (nguyên luật sư có khác, khôn khéo, mềm dẻo) tự thân sang giảng giải phải trái, lợi hại, bầy cho mưu mẹo hợp thức hóa. Nhờ vậy, không những mình làm "được việc" mà còn học thêm được những bài cơ bản về pháp lý Công an tư pháp (police judi ciaire)". (Vũ Đình Hòe: Hồi ký - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004, trang 839).

Từ khi quân Tàu Tưởng sang Việt Nam, thực hiện âm mưu "Hoa quân nhập Việt", bọn phản động núp dưới bóng của chúng ra sức phá hoại chính quyền cách mạng non trẻ. Chúng dùng nhiều thủ đoạn để hòng giành lấy các ghế Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.  Tại Bộ Tư pháp, một số nhân viên, đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, tìm cách vận động lật đổ Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh để giành lấy cơ quan chuyên chính này. Vì vậy, để ngăn chặn bàn tay độc hại của chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời các vị nhân sĩ, trí thức yêu nước không đảng phái, ra làm Bộ trưởng. Ngày 2-3-1946, khi thành lập chính phủ chính thức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được cử sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay luật sư Vũ Trọng Khánh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ngoài cùng, bên trái), cố vấn Vĩnh Thụy, Bộ trưởng Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Trần Huy Liệu… (ảnh Tư liệu).

Mặc dù không còn làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, luật sư Vũ Trọng Khánh vẫn được Hồ Chí Minh tín nhiệm ký Sắc lệnh cử làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ (nay là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 4 tháng 6 năm 1946, luật sư Vũ Trọng Khánh được cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh cử làm Cố vấn Phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Phong-ten-nơ-blo.

Trong suốt thời gian chín năm kháng chiến chống Pháp, cụ làm Giám đốc Tư pháp Liên khu 10 (gồm sáu tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên…), Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý, Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, tổ chức toà án, phổ biến tư tưởng tư pháp mới, đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, đào tạo cán bộ tư pháp, đồng thời tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp quy cho hệ thống luật chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiệp định Genève, được ký kết năm 1954, cụ Vũ Trọng Khánh về tiếp quản Hải Phòng (tháng 5/1955), giữ chức Ủy viên hành chính (tháng 8/1955 - tháng 12/1956), Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hải Phòng thường trực quản lý Hành chính, Văn hóa xã hội và Nhà đất (tháng 12/1956 - tháng 4/1961), Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng ban Vận trù học, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng… cho đến khi nghỉ hưu năm 1977.

Ghi nhận những thành tích của cụ, Nhà nước ta đã tặng thưởng cụ Vũ Trọng Khánh Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (21/4/1961), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất (20/12/1986) và Huân chương Hồ Chí Minh (31/3/1994).

Trong lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi luật sư Vũ Trọng Khánh - Giám đốc Tư pháp Liên khu 10, tháng 5/1948, sau khi chia sẻ nỗi buồn về sự ra đi của cụ bà thân sinh luật sư, Người viết: "Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau". Người xưa có câu "Ngôn hành tương cố", lời nói đi đôi với việc làm, cuối đời, cụ Vũ Trọng Khánh ngẫm lại: "Tôi không ham mê quyền lợi riêng tư, danh vọng, địa vị trong xã hội Việt Nam mình, càng không thể nghĩ đến danh tiếng ra ngoài nước, không ham vơ vét cho mình, nhất là làm hại người khác. Tôi sẵn sàng sống nhường nhịn, nhũn nhặn, ẩn lánh"…

Ngồi cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, tôi được nghe ông kể: “Thời kháng chiến chống Mỹ đi sơ tán vất vả, bốn anh em chúng tôi đều đi công tác xa hết có ai ở nhà đâu, bao nhiêu người giúp hai cụ từ chỗ ăn chỗ ở. Thời bao cấp rất khó khăn, xếp hàng mua gạo, mua dầu hỏa… cũng có một thanh niên tự nguyện làm hết cho cụ ông, cụ bà. Trong nhà hai cụ từ cái máy bơm hỏng họ vào sửa giúp. Khi cụ vào trong Nam mua được một bộ động cơ điện, đem ra Hải Phòng, cụ chế thành máy xay bột trẻ em. Bao nhiêu năm thời bao cấp cụ sống bằng công việc này, thì ai chế tạo máy cho cụ? Ai sửa chữa cho cụ khi máy hỏng hóc, hay xảy ra sự cố? Tất cả là nhân dân Hải Phòng quý mến hai cụ đến giúp. Họ đến xay bột mà thấy máy hỏng là họ tự sửa lấy. Nhân dân Hải Phòng quý mến hai cụ như vậy. Đó mới là phần thưởng lớn nhất, phần thưởng vô giá mà con cháu chúng tôi còn không làm được”.

Trong quá trình tìm tư liệu về luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài bản tiểu sử là tài liệu viết tay và đánh máy trong Hồ sơ lưu trữ của Ban tổ chức Thành ủy được đăng tải trên website của Thư viện thành phố nơi cụ đã có nhiều năm gắn bó, thì các thông tin về tiểu sử của cụ rất hiếm. Nhờ sự giúp đỡ của Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi, trưởng nam của cụ Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên, tôi đã liên hệ được với Tiến sĩ Vật lý Vũ Trọng Hùng, con trai cụ Vũ Trọng Khánh, hiện đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Vừa nghe tôi nhắc đến bản tiểu sử của cha mình trên website nói trên, ông đã phản ứng ngay về sự sai sót đối với cụ Vũ Trọng Khánh trong tài liệu đó! Rồi ông giới thiệu cho tôi gặp người em trai út của mình, là Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, giảng viên cao cấp ngành Kinh tế nông nghiệp, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh) hiện đang ở Hà Nội và tôi đã có buổi trò chuyện với Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải tại một nhà khách trên phố Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội.

Khải Đăng
.
.
.