Bệnh nhân bị quên gạc trong bụng đã qua đời
Sau khi ông Sáu - bệnh nhân bị “quên” gạc trong ổ bụng - qua đời, bác sĩ mổ cho ông Sáu, đã bị kỷ luật “treo dao mổ” 3 tháng và phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho ông (khoảng 12 ngàn USD) tại Bệnh viện Việt - Pháp.
Vụ việc bắt đầu từ chiều 2/9/2004, bệnh nhân Nguyễn Viết Sáu (70 tuổi) trú tại 73 ngõ 291 Lạc Long Quân (Hà Nội) nhập viện Việt - Đức trong tình trạng nguy kịch. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sỏi ống mật và viêm túi mật hoại tử do sỏi, cần phải được mổ cấp cứu ngay. Đây là ca mổ phức tạp nên ngay ngày hôm sau (3/9), đích thân bác sĩ Đoàn Thanh Tùng, Trưởng khoa phẫu thuật gan - mật, cùng kíp mổ đã thực hiện phẫu thuật sau khi được sự đồng ý của người nhà bệnh nhân.
Ca phẫu thuật đã tiến hành thành công, bệnh nhân được đưa vào phòng hậu phẫu an toàn. Qua 10 ngày theo dõi sau mổ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, các bản phim chụp mật sau mổ bình thường. Ngày 13/9, bệnh nhân Nguyễn Viết Sáu đã được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, không còn sốt, mọi xét nghiệm đều cho kết quả khả quan.
Chỉ sau khi xuất viện một thời gian không lâu, ông Sáu thường xuyên bị đau bụng dữ dội. Anh Nguyễn Viết Tiến, con trai của ông Sáu cho biết: khi thấy tình trạng sức khỏe của bố ngày một gầy và yếu đi, anh và gia đình đã nhiều lần đưa ông đi khám lại ở Bệnh viện Việt - Đức và một số bệnh viện khác nhưng đều không phát hiện được nguyên nhân.
Ngày 28/5, khi siêu âm tại Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ ở đây phát hiện trong ổ bụng của ông Sáu có một dị vật. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có một tấm gạc lớn nằm trong ổ bụng của ông Sáu, toàn bộ khu vực ổ ruột đã bị nhiễm trùng, mưng mủ. Ông Sáu được chuyển đến Bệnh viện Việt - Pháp để thực hiện ca phẫu thuật lấy tấm gạc ra khỏi ổ bụng vào ngày 2/6.
Ngày 15/6, sau ca phẫu thuật thứ hai tại Bệnh viện Việt - Pháp, ông Sáu rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù đã được chữa trị bằng các biện pháp tốt nhất nhưng do não bệnh nhân đã bị tê liệt vì bị nhiễm trùng máu, ruột gần như bị hoại tử, ông Sáu đã qua đời vào buổi chiều cùng ngày tại nhà riêng.
Theo Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành đã quy định rõ trách nhiệm của phẫu thuật viên như sau: "Trước khi khâu kín nơi phẫu thuật phải kiểm tra các chỗ cầm máu, khâu nối, đảm bảo không chảy máu, không còn sót dụng cụ, gạc, ống dẫn lưu trong cơ thể người bệnh".
Về nguyên tắc, số gạc trước ca mổ xuất ra là bao nhiêu thì sau ca mổ, dụng cụ viên phải thu hồi về bấy nhiêu (thông thường một ca phẫu thuật gan, mật phức tạp sẽ phải sử dụng 15 gạc lớn và 15 gạc nhỏ). Rõ ràng, phẫu thuật viên Đoàn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật gan - mật và kíp mổ đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm tra bông băng sau mổ, để sót miếng gạc lớn trong bụng bệnh nhân.
Ngày 16/6, ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho hay: "Bệnh viện Việt - Đức là bệnh viện đầu ngành, sai sót này thật không đáng có. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Việt - Đức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xem xét kỷ luật nghiêm khắc để rút ra bài học cho cán bộ, công nhân viên của bệnh viện nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn".
Cũng trong sáng 16/6, chúng tôi đã có buổi làm việc với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức. Ông cho biết: "Ban Giám đốc bệnh viện cùng lãnh đạo các khoa, phòng chức năng và bác sỹ Tùng nhiều lần xuống Bệnh viện Việt - Pháp thăm hỏi, động viên bệnh nhân Nguyễn Viết Sáu và gia đình.
Bệnh viện Việt - Đức cũng đã mời Giáo sư Đỗ Đức Vân, một trong những Giáo sư đầu ngành về phẫu thuật tiêu hoá cùng theo dõi sức khoẻ và phẫu thuật lại cho bệnh nhân vào đêm 5/6. Với quan điểm phải xử lý nghiêm khắc để làm gương, Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện Việt - Đức đã nghiêm túc xem xét lại tất cả quy trình phẫu thuật của ca mổ ngày 3/9/2004 để làm rõ sai phạm của từng cá nhân trong kíp mổ.
Hội đồng kỷ luật quyết định: Kỷ luật khiển trách tất cả kíp mổ, thông báo trước toàn bệnh viện; đình chỉ mổ 3 tháng đối với bác sỹ Đoàn Thanh Tùng; những người trực tiếp tham gia kíp mổ, trước mắt sẽ không được tham gia phẫu thuật, bệnh viện sẽ bố trí làm công việc khác trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật; đồng thời cắt thưởng từ 3 - 6 tháng tuỳ theo mức độ sai phạm”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, về chế độ chính sách, bệnh viện không có tiền để đền bù, nhưng sẽ xem xét, hỗ trợ một phần trong số tiền mà bác sĩ Tùng phải “cáng đáng” cho gia đình bệnh nhân Sáu.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết tâm sự: "Một năm, chúng tôi thực hiện hơn 20 ngàn ca phẫu thuật, trung bình một ngày gần 200 ca, nhưng dẫu có áp lực lớn vì quá tải thì vẫn phải thực hiện đúng quy chế bệnh viện, điều trị an toàn và chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Sự việc đau lòng trên sẽ là bài học lớn đối với tất cả các y, bác sỹ".
Chúng tôi đã liên lạc điện thoại với bác sỹ Tùng. Ông cho biết rất mệt mỏi và đau buồn. Chiều 15/6, ông đã cùng đưa bệnh nhân Sáu về nhà nhưng vẫn sốc khi bệnh nhân qua đời. "Tôi đã từng mổ lấy gạc trong bụng bệnh nhân, cũng không thể ngờ mình lại mắc sai lầm đó. Tôi xin chấp hành mọi hình thức kỷ luật nếu thỏa đáng. Hiện tại tôi không biết nói gì hơn", bác sỹ Tùng nói vậy trước khi ngắt máy