Bát nháo dịch vụ lữ hành

Thứ Năm, 10/07/2008, 08:39
Nhái thương hiệu để câu khách là một trong những tình trạng nhiễu nhương nhất của nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Hà Nội. Một trong những thương hiệu đang được làm nhái, làm giả nhiều nhất là Sinhcafe.

Nhan nhản văn phòng nhái, tour chui

Dạo một vòng quanh phố cổ như Hàng Bạc, Hàng Bè, Tạ Hiện... chúng tôi hoa mắt bởi hàng chục địa điểm đều ngang nhiên trưng biển hiệu Sinhcafe. Nhái từ tên gọi đến màu sắc, logo. Giữa một mê hồn trận như vậy du khách lần đầu đến Hà Nội, thật khó có thể biết được đâu là Sinh... thật.

Được biết Open tour Sinhcafe là nhãn hiệu đã được Hanoi Toserco đăng ký tại Cục Sở hữu công nghiệp từ nhiều năm trước. Sau khi đã xây dựng thành công uy tín, những năm qua nhãn hiệu này đã bị nhiều đơn vị khác nhái nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều khá ngạc nhiên là mặc dù bị làm giả, làm nhái trắng trợn nhưng giờ đây Hanoi Toserco cũng tỏ vẻ thờ ơ, không quá bức xúc và chẳng quyết liệt bảo vệ thương hiệu.

Đại diện Phòng Quản lý lữ hành và Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 20 văn phòng nhái thương hiệu Sinhcafe, trong đó tập trung hầu hết ở các phố Lương Văn Can, Hàng Bạc, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến... Nhái thương hiệu, bán giá cao và dịch vụ không đáp ứng yêu cầu của khách đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.

Vừa qua Phòng Quản lý lữ hành và Xúc tiến du lịch đã chuyển cho Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội một danh sách gần 30 đơn vị vi phạm để tiến hành thanh tra, xử lý. Những đơn vị có dấu hiệu tổ chức tour lữ hành trái phép có thể kể đến như M.Sinh, T.Sinh, K.Cafe, A.Z.Q...

Theo đơn vị này thì việc tổ chức bắt quả tang vi phạm của các đơn vị này rất khó. Các văn phòng này chỉ hoạt động giao dịch với khách qua điện thoại, khi tổ chức tour lại cho xe đón khách tại các khách sạn, thế nên việc kiểm tra, phát hiện rất khó khăn.

Con số thống kê của đơn vị này cho biết, đến nay trên địa bàn Hà Nội có gần 16 ngàn doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh lữ hành, tăng thêm 1.039 doanh nghiệp so với năm 2007. Trong đó trên thực tế có có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động. Hơn 15 ngàn doanh nghiệp khác đăng ký ngành nghề lữ hành nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động.

Xử lý vi phạm - nhiều trường hợp "bắt cóc bỏ đĩa"

Đại diện Phòng Quản lý lữ hành và Xúc tiến du lịch cũng cho biết, những năm trước đơn vị này đã phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên tình trạng tái phạm vẫn diễn ra.

Làm việc với chúng tôi, Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng cho biết: Việc thanh kiểm tra và xử lý vi phạm không hề đơn giản. Nhiều trường hợp văn phòng chui khi biết có đoàn thanh tra xuống đã nhanh chóng tháo biển, dời trụ sở sang nơi khác. Có những nơi không hợp tác bằng cách nêu lý do lãnh đạo đi vắng.

Theo đơn vị này, năm 2007 Sở tiến hành thanh tra 21 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh các đơn vị về việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh lữ hành với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về quản lý khách du lịch theo tour, thực hiện các quy định trong quảng cáo tour, tuyến du lịch, đại lý du lịch,...

Được biết hiện tại không chỉ có tình trạng nhái thương hiệu, tổ chức lữ hành chui, tổ chức tour kém chất lượng, ép khách mà tình trạng các đơn vị lữ hành và hướng dẫn viên vi phạm các quy định cũng đang là vấn đề cần chấn chỉnh. Sử dụng hướng dẫn viên không có hợp đồng, hướng dẫn viên không có thẻ, thậm chí là sử dụng thẻ giả... cũng đang là vấn đề làm đau đầu các đơn vị quản lý.

Đại diện Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng cho biết, không chỉ thanh kiểm tra theo chuyên ngành hoặc đột xuất, hằng ngày đơn vị này còn phải giải quyết những khiếu nại của khách du lịch. Thôi thì đủ dạng, từ chất lượng tour, giá vé phương tiện, đến khách sạn... nào là khách mua tour qua mạng giá cao, đơn vị tổ chức quảng cáo dịch vụ tiện nghi, chất lượng nhưng khi đến thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Đơn cử như chiều 8/7, có hai vợ chồng vị khách nước ngoài trú tại một khách sạn đến khiếu nại việc nhờ chủ khách sạn mua vé tàu hỏa đi Trung Quốc bị lấy tới giá 3,5 triệu đồng. Sau khi dò hỏi qua mạng, vợ chồng ông khách này biết thực tế giá chỉ hơn 2,3 triệu đồng nên đã tìm đến Thanh tra để khiếu nại nhờ can thiệp. Và phải sau khi Thanh tra Sở VH-TT&DL xuất hiện, chủ khách sạn mới chịu trả lại tiền cho khách...

Theo lực lượng Thanh tra thì để chấn chỉnh những tình trạng vi phạm, lộn xộn trong hoạt động lữ hành hiện nay cần sự nhập cuộc của các ngành, các cấp. Đặc biệt là các đơn vị cấp quận, huyện, phường, xã sau khi đã được phân cấp quản lý.

Đại diện Phòng Quản lý lữ hành và Xúc tiến du lịch cũng cho biết, thời gian tới sẽ hợp tác liên vùng với các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh để phối hợp thanh kiểm tra tình trạng vi phạm trong hoạt động lữ hành. Đặc biệt là các trường hợp hoạt động chui, vi phạm các quy định khi đưa khách đi tham quan các điểm du lịch tại các địa phương trên

Xuân Luận
.
.
.