Báo động tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng... lá ngón

Thứ Hai, 03/10/2011, 16:12
Sự thật, thời gian qua, trên một số huyện vùng cao Bắc Kạn số vụ giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, sinh hoạt bằng lá ngón đã và đang là vấn đề "nóng" đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là đối với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân vùng cao. Bởi hậu quả đi với cách giải quyết này là khôn lường.

Ngàn lẻ lý do không tưởng tìm đến… lá ngón

Chúng tôi có mặt tại huyện vùng cao Pác Nặm (Bắc Kạn), một trong những địa bàn nằm cách thị xã Bắc Kạn khoảng 100km - nơi có hoàn cảnh kinh tế thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh. Tiếp xúc với người dân địa phương, chúng tôi lo ngại trước thực tế đã và đang xảy ra tại địa bàn này liên quan đến tình trạng tự tử bằng lá ngón.

Kể về vụ việc xảy ra liên quan đến chị Hoàng Thị S., 21 tuổi, dân tộc Mông, sinh sống tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm tìm đến lá ngón để quyên sinh sau khi xảy ra mâu thuẫn với chồng. Nguyên nhân trước đó, khi thấy chồng uống rượu, chị S. có lời can bảo nhưng người chồng đã không nghe, một cán bộ tại Đội Tham mưu tổng hợp - Công an huyện không giấu được nỗi cảm thương trước suy nghĩ dại khờ của chị S.

Theo thống kê của Công an huyện Pác Nặm cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra 12 vụ tai tệ nạn xã hội. Trong đó, có 5 vụ với 5 người chết vì tìm đến lá ngón. Số vụ tự tử này đều bắt nguồn từ mâu thuẫn trong cuộc sống.

Chính trên địa bàn huyện này, tìm hiểu chúng tôi được hay, số vụ tự tử - tìm đến lá ngón không chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ vặt trong cuộc sống, sinh hoạt, nhiều vụ việc, xuất phát điểm của nó lại chính là sự thiếu nhận thức, bi quan trong cuộc sống. Có ngàn lẻ lý do để tìm đến lá ngón, nào thì giận vợ, bị chồng đánh đập; nào thì cãi nhau với hàng xóm, xung đột quan điểm… thế nhưng điều dễ nhận thấy và có lẽ là nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự thiếu tinh tế, nhận thức còn hạn chế trong cách giải quyết vấn đề của một bộ phận người dân liên quan đến vụ việc.

Tăng cường công tác tuyên truyền để bà con vùng cao hiểu và biết cách giải quyết khúc mắc trong gia đình.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn cho thấy, số vụ việc đau lòng liên quan đến cách giải quyết mâu thuẫn bằng lá ngón đều tập trung chủ yếu tại các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Nơi mà sự nhận thức về lẽ sống, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn), làm việc với lãnh đạo Công an huyện, Thiếu tá Triệu Việt Dũng - Phó trưởng Công an huyện cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn cũng đã xảy ra 12 vụ tai, tệ nạn xã hội tương tự. Trở lại huyện Pác Nặm, tiếp xúc với Thượng tá Hoàng Văn Khỏa - Trưởng Công an huyện, chúng tôi được hay, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 33 vụ tai, tệ nạn xã hội (gồm 14 vụ tự tử bằng lá ngón). Cổ Linh, Cao Tân, An Thắng, Bộc Bố… là những xã vùng cao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tập trung hơn cả số vụ tự tử bằng lá ngón. Nguyên nhân dẫn tới vụ việc không gì khác chính là do phong tục còn nhiều lạc hậu.

Theo khuyến cáo của lãnh đạo Công an huyện Pác Nặm cũng như một số đơn vị hữu quan làm công tác xã hội ở các vùng cao Bắc Kạn - nơi số vụ tự tử bằng lá ngón có chiều hướng gia tăng, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng lá ngón trên không gì khác đó là ngay lúc này đây, tại các thôn bản, xã vùng cao, người đứng đầu địa phương cần tổ chức các tổ công tác xã hội (với các thành viên là phụ nữ, thanh niên, già làng - trưởng bản…) tăng cường công tác vận động tuyên truyền hơn nữa. Đồng thời nhân rộng mô hình tuyên truyền thông qua việc lồng ghép đề tài, kiến thức pháp luật, phương pháp giải quyết xung đột… vào các tiểu phẩm, trang tin, pa nô, áp phích.

Theo Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), khi ăn phải lá ngón, cơ thể ta rất dễ gặp phải các triệu chứng như: hạ huyết áp, trụy tim, co giật, sùi bọt mép... Nếu phát hiện, cấp cứu nạn nhân muộn, tỷ lệ tử vong là rất cao. Đặc biệt, với đặc thù là một loại cây mọc tự nhiên, nên việc phát bỏ nó là điều không dễ. Do đó, để ngăn chặn hậu quả đau lòng do lá ngón gây ra, mỗi người dân khi đi làm rẫy, lên nương nếu phát hiện ra loại cây chứa độc tố cao này cần phải chặt bỏ.

Bà Ma Thị Hiền - Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ huyện Pác Nặm nói, có rất nhiều cách giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, gia đình. Thế nên, khi gặp phải sự cố, các chị em phụ nữ cần tìm đến tổ hòa giải, những thành viên trong hội phụ nữ ở địa phương để nghe tư vấn hướng giải quyết sự việc cho thật thấu tình, đạt lý, tránh để hậu quả đau lòng xảy ra đi kèm với hành động thiếu suy nghĩ của mình.

Nguyễn Hưng - Trần Huy
.
.
.