Hà Nội thiếu quy hoạch giao thông tĩnh

Thứ Tư, 22/03/2017, 09:44
Hà Nội không quá thiếu đất để làm bãi đỗ xe và cũng không thể đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông, hay do gia tăng xe cá nhân...


Hà Nội hiện đã có các garage ôtô cao tầng, UBND TP Hà Nội cũng vừa phê duyệt dự án 3 bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất, Công viên Nhân Chính và Nhà thi đấu Quần Ngựa. Đó là những giải pháp trước mắt nhằm giải quyết một phần nhu cầu điểm đỗ. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, về lâu dài, Hà Nội phải giải quyết được vấn đề dân cư, quy hoạch và quản lý đô thị.

“Biến dạng” quy hoạch

Giao thông tĩnh là một bộ phận trong kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, là loại hình dịch vụ không thể thiếu trong đô thị. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy rõ, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội quá thấp, thậm chí còn được các chuyên gia về đô thị đánh giá là “chưa có gì” bởi tỷ lệ mới đạt vài phần trăm. Vấn đề không phải là các nhà quản lý chưa nhìn ra, mà là có sự “biến dạng” của các điểm đỗ, “biến dạng” các dự án quy hoạch dành cho điểm đỗ.

Theo quy hoạch, tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội có một điểm đỗ rộng, sẽ là nơi trung chuyển cho xe ngoại tỉnh vào nội đô. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, khu vực này đã biến thành một trung tâm thương mại hoành tráng. Bến xe Kim Mã, nơi có thể là điểm đỗ lý tưởng cho các phương tiện giao thông đã bị xóa sổ, cống hóa mương Phan Kế Bính với mục tiêu làm bãi đỗ xe thì giờ cũng trở thành văn phòng, cửa hàng kinh doanh... 

Bến xe Lương Yên cũng đã phải nhường lại để xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng… Không những điểm đỗ xe bị thu hẹp, những dự án này đã góp phần thúc đẩy Hà Nội thêm bí bách bởi sự gia tăng dân số cơ học, kéo theo xe cộ và nhu cầu thiết yếu khác.

Đối với các khu đô thị mới, khi triển khai dự án xây dựng, chủ đầu tư đã cắt xén nhiều diện tích xây dựng lẽ ra phải dành cho cây xanh, trường học, điểm đỗ xe… Những khu đô thị như Linh Đàm có lượng nhà cao tầng mọc san sát, lượng cư dân đổ về khổng lồ dẫn đến quy hoạch khu đô thị bị băm nát, nhu cầu thiết yếu của người dân không thể đáp ứng. 

Gara đỗ xe cao tầng còn quá ít ở Hà Nội.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, chuyên gia Giao thông đô thị nêu quan điểm: “Nguyên nhân chính của việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để đỗ xe là do mức độ cung cấp dịch vụ giao thông tĩnh thấp, chỉ khoảng 5%-7%. Xe đã chạy là phải có dừng, nhưng hiện các cơ quan chức năng chỉ tính đến đường chạy chứ không tính đến điểm dừng. Trong khi đó, nhu cầu về điểm đỗ là yêu cầu cấp thiết, khi kinh tế phát triển, đô thị hóa càng cao thì càng cần điểm đỗ”.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh việc chưa có quy hoạch cho giao thông tĩnh thì những bất hợp lý trong quản lý đô thị là một trong những nguyên nhân có liên quan đến tình trạng thiếu điểm đỗ xe. 

Ông phân tích, các trường học, nhà trẻ ở các khu đô thị mới được khoác thêm “tấm áo” – “trường quốc tế” để thu phí cao. Thế nên, nhiều cư dân của chính khu đô thị đó không đủ khả năng cho con học gần nhà, buộc phải đưa con quay trở lại nội đô học, làm gia tăng lượng xe vào nội đô, tăng áp lực lên giao thông đô thị, trong đó có giao thông tĩnh.

Garage cao tầng, bãi đỗ xe ngầm – giải pháp hiệu quả

UBND TP Hà Nội vừa thống nhất quy mô 3 dự án bãi xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, Công viên Nhân Chính và Nhà thi đấu Quần Ngựa. Dự kiến bãi đỗ xe ngầm có 5 tầng, trong đó 1 tầng ngầm có chức năng thương mại dịch vụ, 4 tầng ngầm phía dưới để xe. 

Bãi xe ngầm tại Công viên Thống Nhất nghiên cứu thêm để xe ngầm từ cổng chính công viên đến hồ. Bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống nhất dự kiến sẽ có sức chứa khoảng 360 xe ô tô.

Qua tìm hiểu ý kiến của một số chuyên gia, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các ý kiến đều ủng hộ chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, lẽ ra thành phố phải làm việc này từ lâu rồi. Nếu chúng ta có các bãi đỗ xe ngầm trong thành phố sẽ giải tỏa được một phần ách tắc giao thông. Tuy nhiên, các bãi đỗ xe ngầm cần được bố trí hợp lý.

“Đường Lê Duẩn có mật độ giao thông cao, nếu có 360 ô tô vào, ra bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất sẽ tạo ra xung đột giao thông” – Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng phân tích. Và đó chính là lý do mà các nhà quy hoạch phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để bố trí các bãi đỗ xe hợp lý, tránh xung đột giao thông.

Bên cạnh việc hình thành các bãi đỗ xe ngầm trong tương lai khá tốn kém chi phí và thời gian thì giải pháp trước mắt cần có các gara cao tầng trong đô thị. Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ có các điểm đỗ ôtô cao tầng trên phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ cho biết, công ty xây dựng thí điểm hệ thống giàn thép đỗ xe phù hợp với quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bến đỗ xe công cộng, hiện đang rất hiệu quả bởi không tốn diện tích, lượng xe đỗ được nhiều. Khi xây dựng thí điểm phải nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài nên chi phí cao, nhưng nếu triển khai rộng, sử dụng thiết bị trong nước sẽ tiết kiệm hơn và hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh giải pháp điểm đỗ ngầm và garage cao tầng, các chuyên gia giao thông đô thị đều cho rằng, giao thông công cộng cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, phải có sự cạnh tranh giữa xe công cộng và xe cá nhân và đặc biệt coi trọng những điểm chuyển tiếp của giao thông công cộng vào thành phố.

Hà Nội không quá thiếu đất để làm bãi đỗ xe và cũng không thể đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông, hay do gia tăng xe cá nhân... Sự gia tăng xe ôtô cá nhân phản ánh kinh tế phát triển, nhưng do công tác quản lý chưa tốt, tầm nhìn chưa xa, để tình trạng cung cầu quá lệch nên mới dẫn tới ùn tắc giao thông và thiếu điểm đỗ nghiêm trọng như hiện nay. 

Bởi vậy, TP Hà Nội cần thực hiện quy hoạch giao thông tĩnh, lấy ý kiến của các chuyên gia giao thông, sớm triển khai rộng garage cao tầng, trước mắt cần rà soát toàn bộ để bố trí điểm đỗ phù hợp, đảm bảo nhu cầu cấp thiết của người dân.

Nói về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe, chuyên gia giao thông, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, phải làm được 4 việc sau: Thứ nhất là phải có quy hoạch mang tầm nhìn với những khảo sát, tính toán kỹ lưỡng về nhu cầu thực tế. Sau khi đã có quy hoạch thì cần phải xác định nguồn đầu tư, đó có thể là nhà nước, tư nhân hay xã hội hóa. Thứ ba là phải tạo cơ chế, chính sách đặc biệt cho loại hình dịch vụ này, cụ thể như giảm tiền thuê đất, thậm chí phải chấp nhận 0% thì mới xã hội hóa được. Tiếp theo nữa là giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, việc này phải có chỉ đạo từ Thủ tướng, dưới nữa là Chủ tịch thành phố. Thứ tư là phải có quy hoạch về xây dựng, kết cấu các bãi để xe. Tiến sỹ Thủy so sánh: “Nhiều nước trên thế giới đều làm bãi đỗ xe ngầm và garage cao tầng, hoặc có thể làm garage nhỏ do tư nhân quản lý. Ở Malaysia, người ta làm sân bóng ở trên, bãi để xe ngầm bên dưới sức chứa được khoảng 500-700 xe ôtô”.

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.