Bài cuối: Giao dịch mua bán đồ cổ, cơ quan quản lý bất lực?
Nhà nước cũng đã có những quy định chi tiết hơn, cởi mở hơn về giao dịch mua bán di vật, cổ vật. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa thực sự phát huy nhiều trong đời sống. Vì sao?
Theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung và Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Kết hợp thú chơi và buôn bán kiếm sống là cách lựa chọn của không ít người mang danh nhà sưu tập hiện nay. |
Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký…
Trên cơ sở này, từ nhiều năm trước, nhiều Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh) đã phát thông tin rộng rãi tới giới sưu tập, khuyến khích đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật với cơ quan quản lý. Đăng ký hiện vật đồng nghĩa với việc được Nhà nước bảo hộ, được hỗ trợ về bảo quản.
Thế nhưng, không nhiều nhà sưu tập, chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật mặn mà với chủ trương này. Lý do, theo nhiều người trong giới chơi cổ ngoạn là sự e ngại khó khăn sẽ gặp phải trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của món đồ mà họ sở hữu. Đồ cổ phải là món đồ có giá trị cả về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ lẫn giá trị lớn về mặt kinh tế, có niên đại ít nhất 100 năm.
Trải qua chiến tranh, bao dâu bể của cuộc đời, việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho nhiều hiện vật là chuyện không dễ, thậm chí là… không tưởng.
Một lý do quan trọng khác, theo luật sư kiêm nhà sưu tập Nguyễn Lê Sơn thì Luật Di sản văn hóa quy định, các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đều thuộc sở hữu của Nhà nước.
Đồ ký kiểu có giá trị cao cả về mặt thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế được tìm mua, trao đổi nhiều trong giới sưu tập đồ cổ. |
Nếu chiếu theo quy định này, sẽ có rất nhiều hiện vật đang lưu hành có nguồn gốc từ đây. Nhà sưu tập muốn giấu có khi còn không giấu được hết. Nếu đăng ký, không khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.
Những trường hợp, dù vô tình hay hữu ý để lộ lọt thông tin và đã được cơ quan quản lý xử lý uyển chuyển dưới hình thức vận dụng quy định khen thưởng để đưa hiện vật từ sở hữu tư nhân về sở hữu Nhà nước thì với nhà sưu tập, chủ sở hữu, đây vẫn là những trường hợp chẳng đặng đừng.
Với chế độ khen thưởng này, dù có chứng nhận, bằng khen ghi nhận cống hiến của nhà sưu tập thì giá của hiện vật so với thị trường bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều.
Ngay với hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật, Tiến sĩ Phạm Hữu Công, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng chia sẻ rằng Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 98 quy định rất rõ với hiện vật có nguồn gốc hợp pháp thì mới được phép trao đổi mua bán.
Chủ cửa hàng phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất của cửa hàng, trình độ kiến thức, được cấp chứng chỉ của Sở Văn hóa - Thể thao địa phương. Hoạt động giao dịch mua bán phải tuân thủ các quy định pháp luật, trong đó có quy định về thuế. Tuy nhiên, trong thực tế, các quy định này chưa thực sự đi vào đời sống.
Trình độ thẩm định hiện vật của cán bộ làm công tác quản lý di sản của các địa phương cũng là vấn đề cần phải bàn. Việc quản lý mua bán di vật, cổ vật ngoài thị trường vẫn theo kiểu được chăng hay chớ.
Với hoạt động thẩm định chất lượng, niên đại của di vật, cổ vật, ngoài các hội đồng thẩm định do cơ quan chức năng có thẩm quyền thành lập, Nhà nước đã mở rộng cho đơn vị tư nhân tham gia vào hoạt động này. Năm 2013, một công ty giám định cổ vật đã được thành lập.
Thế nhưng, thực tế, không phải chủ thể các vụ giao dịch đều tìm đến các địa chỉ nói trên nhờ thẩm định. Lý do, theo nhiều nhà sưu tập, có phương pháp thẩm định đã bị giới làm đồ giả “qua mặt”. Có phương pháp hóa học, người sở hữu món đồ không dám kiểm tra vì sợ bị hỏng đồ. Phương pháp thẩm định bằng trực quan thì không phải người nào cũng kính nể trình độ của nhau.
Chưa kể, với những đối tượng buôn bán có đồ kinh doanh không lành mạnh, chính sự nhập nhèm thông tin mới góp phần tạo thêm những mảnh đất màu mỡ cho công việc làm ăn phi pháp nên càng cố tình “lèo lái” hoạt động theo hướng tự thẩm định là chính.