Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2012):

Bác Sáu Dân và những câu chuyện… “xé rào”

Thứ Bảy, 24/11/2012, 15:30
Bản lĩnh của bác Sáu Dân, tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) được thể hiện mạnh mẽ ở những quyết định, những hành động lớn, hay như cách nói của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, đó là những quyết định, hành động “xé rào”. Những quyết định “xé rào” của bác Sáu Dân đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều người gọi ông là “Bí thư xé rào”, “kiến trúc sư của đổi mới”, là “tổng công trình sư”…

Bằng mọi giá không để dân đói (!)

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu, đầu năm 1949, TW có lệnh bao vây, tẩy chay kinh tế địch, phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh lập tức ra lệnh cấm bán lúa gạo, heo, gà, vịt, tôm cá ra vùng tạm chiếm; đồng thời cấm mua bán hàng hóa từ ngoài vào vùng kháng chiến.

Bấy giờ, với cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, bác Sáu Dân bàn bạc với tập thể, mạnh dạn cho phép Giá Rai thí điểm giao lưu kinh tế giữa hai vùng. Kết quả, nông sản hàng hóa ứ đọng của huyện được tiêu thụ, nông dân mua về các loại nhu yếu phẩm để tiêu dùng. Đời sống người dân nâng lên, chợ nông thôn sung túc; ngân sách tăng lên nhiều lần. Nông dân không bỏ ruộng. Cơ quan, bộ đội không phải ăn cơm độn với khoai, bí rợ. Kinh nghiệm của Giá Rai sau đó được mở rộng ra toàn tỉnh.

Khi giữ trọng trách Bí thư Thành ủy TP HCM (1976-1981), giai đoạn mà gần như cả đất nước trong tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, bác Sáu Dân đã nhiều lần “xé rào”. Đồng chí Lê Thanh Hải kể: Năm 1978, trong lần họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam Bộ bàn về giá mua lúa. Nếu làm theo chỉ đạo của Chính phủ, giá lúa mua không quá 8 đồng/kg, kể cả lúa giống thì sẽ không mua được lúa để xuống giống cho kịp vụ đông xuân, hệ quả năm sau còn thiếu đói trầm trọng nữa.

Khi đó, bác Sáu Dân đã nói: “Một là để dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức vụ nếu theo đúng chỉ đạo. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp thời vụ nhưng các đồng chí mất chức”. Rồi ông tỏ rõ quan điểm: “Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ”.

Và cũng từ quan điểm này mà bác Sáu Dân từng chỉ đạo Giám đốc Công ty Lương thực TP “đánh” một đoàn xe xuống các tỉnh ĐBSCL mua lúa với giá cao gấp 5 lần giá Nhà nước quy định. Thấy cấp dưới có phần băn khoăn vì làm chuyện tày đình, bác Sáu Dân cương quyết: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị”. Xong việc, người ta mới ngộ ra tấm lòng của bác Sáu Dân. Ông không thể chịu được cảnh 3 triệu người dân TP đang cận kề với cái đói do cơ chế mà không mua được gạo.

“Nhờ những quyết định xé rào, đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới” - Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định.

Chọc thủng hai túi phèn “khủng” ở miền Tây

Ông Sáu Hơn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định rằng, nếu không “đánh thức” được đồng phèn của vùng Tứ giác Long Xuyên, thì không thể có vựa lúa ĐBSCL như ngày nay. Và nếu không có vựa lúa khổng lồ này thì đương nhiên, Việt Nam không thể thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Ông Bảy Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhớ lại: “Trung tuần tháng 7/1996, trong lần về An Giang khảo sát tình hình, tìm giải pháp cho phát triển sản xuất, hạn chế ngập lụt, xây dựng nông thôn mới, sau 2 ngày đi thực tế, trao đổi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến với cán bộ, nhân dân và các nhà khoa học, bác Sáu Dân đã quyết định đào con kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt - PV) mà không phải qua các khâu trình duyệt của thủ tục hành chính như thường lệ”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm cán bộ, công nhân Công trình điện 500 KV tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Ảnh: TTXVN.

Kênh Võ Văn Kiệt được xem như hạng mục hoàn chỉnh cho hệ thống công trình tiêu thoát lũ, chinh phục vùng đất mà các nhà khoa học gọi là “túi phèn”. Kênh dài gần 37km, khởi nguồn từ kênh Vĩnh Tế chạy thẳng ra biển Tây (Kiên Giang). Kênh có mặt 30 - 36m; đáy rộng 20m, sâu 4 - 4,5m với tổng lượng đất đào gần 8 triệu m3 nhưng hoàn tất chỉ sau 4 tháng khởi đào.

Sự quyết đoán của bác Sáu Dân đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn tứ giác Long Xuyên mà nhiều thế hệ trước đó đã chào thua. Đó là ngoài tác động làm giảm 70,8% dòng lũ đầu mùa từ Campuchia chảy qua, kênh còn làm tăng 250% lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tứ giác Long Xuyên so với trước đó. Nhờ thế vùng đất từng bị phèn nặng, hoang hóa trở thành một trong 2 vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL.

Đối với vùng đất phèn, hoang hóa Đồng Tháp Mười, một tiến sĩ, chuyên gia về đất phèn của Hà Lan từng cảnh báo: “Muốn xử lý 1ha đất phèn phải tốn cả triệu USD”. Hai giáo sư địa chất Liên Xô cũ cũng từng vào lấy mẫu đất cùng cỏ năn, cỏ lác đem về nước phân tích rồi kết luận: “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa!”.

Thế nhưng bác Sáu Dân khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT), trong lần họp với lãnh đạo ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An vẫn quyết tâm: “Chúng ta phải làm. Nếu có mất thì chỉ mất một phần của ba tỉnh. Nếu thành công thì có lợi cho cả nước. Công cuộc tiến công khai hoang, khai thác Đồng Tháp Mười thật sự là một cuộc cách mạng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam”. Thế là ông trở thành vị tổng chỉ huy trong công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười.

Năm 1983, Chủ tịch HĐBT có quyết định về việc điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL. Đây là chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Bác Sáu Dân thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao việc khai hoang Đồng Tháp Mười.

Sau đó, khi kênh Trung ương được đào xong, nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây đã góp phần tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó. Một số tuyến kênh khác được đào những năm trước và thời điểm này cũng bắt đầu phát huy tác dụng tháo chua rửa phèn.

Biện pháp giải quyết căn cứ tình trạng đất nhiễm phèn bằng cách đào kênh, xẻ mương được mọi người đồng tình, công nhận. Công việc dẫn nước ngọt lan rộng ở khắp nơi và trở thành phong trào vùng Đồng Tháp Mười. Để thu hút dân và giữ dân lại, tiếp tục khai hoang vùng “đất chết” một thời, các địa phương đầu tư hạ tầng, giao thông, kỹ thuật sản xuất mới.

Cả chính quyền và người dân miền Tây nhiều năm qua luôn tâm đắc, khẳng định: Chủ trương của bác Sáu Dân khi “tiến công” vào để chọc thủng túi phèn khổng lồ vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên là hoàn toàn đúng đắn, tạo ra nhiều cơ hội để nông dân khấm khá, giàu có và nó như một cuộc cách mạng mà bao đời nay chưa làm được

Thái Bình
.
.
.