Bà Đặng Quỳnh Anh: Trọn đời cùng đất nước

Chủ Nhật, 15/05/2011, 14:23
Cách đây ít lâu, Nhà xuất bản Giao thông vận tải tái bản cuốn sách "Con đường và con người" của nhà văn Sơn Tùng. Nội dung cuốn sách kể về cuộc đời hoạt động của nữ chiến sĩ cách mạng Đặng Quỳnh Anh.

Ít ai biết rằng, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, khi đất nước ta đang nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, có một người con gái họ Đặng, quê làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã bí mật luồn rừng, vượt núi sang Thái Lan để tìm đường cứu nước. Bốn mươi năm hoạt động ở xứ người cũng là quãng đường đầy chông gai và thử thách, nhưng cũng vô cùng vinh quang đối với bà.

Ngày ấy, bà đã có mặt ở hầu hết các vùng quê trên đất Thái, ở bất kỳ nơi nào có Việt kiều sinh sống đều in dấu chân bà. Chính bà là cầu nối giữa những người Việt xa quê, kêu gọi mọi người đoàn kết, yêu thương nhau, ủng hộ những chiến sĩ cách mạng người Việt đang hoạt động bí mật trên đất Thái Lan. Cái tên Mè Nho quen thuộc mà người ta thường gọi bà không những giành được tình cảm của bà con Việt kiều và những người dân sở tại. Ngày ấy, ở Thái Lan, gia đình bà từng là nơi đi về của anh Chín (tên Bác Hồ khi Người hoạt động bí mật ở Thái Lan), Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong và nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam khác.

Nhà văn Sơn Tùng khi viết cuốn sách này đã nhận xét: Bà là người sớm biết chọn cho mình con đường đi vào đời đúng hướng. Bà không chọn con đường êm đềm, phẳng lặng như bao người cùng thời với mình vì đất nước đang dâng lên những cơn bão táp. Bà chọn con đường bão táp và đã đi suốt trên con đường ấy không nghỉ ở một chặng nào. Con đường mà bà đã đi như một dấu nối từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ trước đến thời đại Hồ Chí Minh. Và cuộc đời chiến đấu, cuộc đời cách mạng của bà bắt đầu với phong trào Đông Du đến Việt Nam Quang phục Hội, Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau 40 năm hoạt động tại U-đon (Thái Lan), năm 1953, bà được Tổng hội Việt kiều thông báo: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mời bà về nước. Tin đó khiến bà nửa mừng, nửa lo. Bà tâm sự: "Tôi đi xa Tổ quốc đã bốn chục năm tròn, nay được Hội gọi về nước là niềm vui lớn đối với tôi. Quả thực từ ngày nước được độc lập, tôi cũng chưa dám nghĩ đến đường về là vì cả nước đang kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Một điều lo nghĩ khác nữa là tuổi tác, không đi nổi từ Tây sang Đông Trường Sơn và từ quê hương (Nghệ An) ra tận Việt Bắc. Nhưng lòng nhớ quê hương xứ sở và Trung ương Hội gọi về đã thúc giục tôi quyết chí đeo ba lô leo dốc đá, vượt núi, băng sông trở về  Tổ quốc.

Nhà văn Sơn Tùng, GS Đặng Thai Mai, bà Đặng Quỳnh Anh, nhà văn Như Phong, ông Nguyễn Linh, nhà văn Lê Minh. Người đứng sau bà Quỳnh Anh là con gái bà.

Ở quê nhà tỉnh Nghệ An hai tháng, bà tìm đường lên Việt Bắc. Bà kể: Lần đầu tiên đặt chân trên đất "Thủ đô kháng chiến", tôi thấy lòng phơi phới như hồi còn trẻ. Bởi vì cuộc sống giữa những người kháng chiến với nhau đằm thắm lạ lùng. Cấp dưới, cấp trên chan hòa, bình đẳng như anh em một nhà, không hề thấy sự cách biệt về địa vị, về tiền tài giữa người này với người khác. Tôi ở đây mấy hôm thì được đón qua nhà khách của Trung ương Đảng. Vừa đến nơi, tôi thấy một đồng chí dáng người dỏng cao, tóc xoăn, cắt ngắn, mắt rất sáng và cương nghị, da ngăm đen từ phía nhà bên bước vào, vui vẻ ôm chầm lấy tôi lắc lắc: "Đồng đây, Đồng đây, thưa bác". Tôi cảm động hỏi cho thêm rõ:

- Anh Phạm Văn Đồng phải không?

Đồng chí Phạm Văn Đồng tươi cười ngồi trò chuyện, thăm hỏi tình hình công tác và việc đi đường của tôi. Ít hôm sau, anh Trường Chinh mời tôi tới dự bữa cơm thân mật. Tôi rất cảm động thấy các anh lãnh đạo của Đảng đang bận rất nhiều công việc to lớn mà đã dành thì giờ đến thăm tôi. Biết tôi vốn không quen ngồi rỗi, anh Trường Chinh đả thông để tôi yên tâm nghỉ ngơi. Anh nói đại ý: "Hồ Chủ tịch đang đi công tác. Chúng tôi còn đợi xin ý kiến của Bác. Riêng tôi nghĩ, đất nước ta còn đang kháng chiến gian khổ, anh em cán bộ dù tuổi cao sức yếu vẫn cố gắng công tác, không nghĩ đến việc nghỉ ngơi an dưỡng. Nhưng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến các đồng chí đã có nhiều năm cống hiến cho cách mạng, sức khỏe đã giảm sút nhiều, cần phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Hiện nay, chúng ta đã có những cơ sở cho cán bộ an dưỡng lâu dài. Bác mới về nước lần đầu sau bao nhiêu năm lăn lộn ở nước ngoài, tuổi lại cao, sức yếu, việc sắp xếp nghỉ ngơi cho bác là chính sách của Đảng, của Chính phủ. Bác nghỉ ở đâu, nghỉ bao lâu tùy bác".

Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ đối với tôi. Nhưng cả nước đang dốc toàn lực vào giai đoạn cuối, giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến của dân tộc, tôi không thể ngồi dưỡng lão cho đành. Tôi xin được về Trung ương Hội lúc đang có cuộc hội nghị cán bộ mở rộng bàn công tác phát động giảm tô và cải cách ruộng đất của Đảng.

Tôi được đến dự cuộc hội nghị quan trọng này. Cuộc họp đang bàn bạc sôi nổi thì phía ngoài phòng họp có tiếng reo: "Bác… đến… Bác Hồ đến!". Cả hội nghị chạy ào ra sân. Tôi chạy chậm hơn các chị em khác. Mọi người đã chạy ùa lên phía trước sân. Tôi thấp bé lại đứng sau nên phải trèo lên mô đất nhìn mới rõ Bác. Bác đi ngựa từ ven bờ suối lên. Tôi xúc động, nước mắt giàn giụa. Tôi phải lau nước mắt mới thấy Bác khác nhiều so với ngày Bác ở Thái Lan. Bác xuống ngựa, cất mũ, tóc bạc, râu dài, chiếc khăn mặt bông vắt vai, quần áo vải đã sờn dâm dấp mồ hôi. Mọi người quây quần xúm quanh Bác như đàn cháu với ông nội. Tôi đinh ninh là Bác không còn nhớ ra tôi nữa. Vì từ ngày Bác ở trong gia đình tôi nay đã hơn hai mươi lăm năm rồi. Bác lại còn lo nghĩ trăm công ngàn việc, đâu phải rảnh rang gì. Nhưng tôi thấy Bác nhìn tôi và hỏi: "O đã về! O có được khỏe không?".

Bất ngờ quá, lưỡi tôi như dính lại, thấy tôi trả lời mà không thành tiếng, Bác lại hỏi:

- O còn nhớ tiếng mẹ đẻ chứ?

- Thưa Bác, còn nhớ cả răng, rứa, mô, tê ạ.

Bác cười:

- O đã ghé vào Nghệ An thăm quê chưa?

- O ở quê được bao lâu?

- Dạ, thưa Bác, được hai tháng ạ.

Bác gật đầu vui vẻ.

Bác hiền từ nhìn các chị đang hướng ánh mắt lấp lánh niềm vui lên Bác, Bác nói đại ý: Lão đồng chí Đặng Quỳnh Anh đã có công lao nuôi dưỡng nhiều lớp cán bộ, đặc biệt là lớp tuổi măng non, bổ sung cho đội ngũ cán bộ cách mạng nước ta. Nhiều đồng chí cán bộ cao cấp hiện đang công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội đã từng được lão đồng chí Quỳnh Anh nuôi nấng hoặc săn sóc, giúp đỡ lúc hoạt động ở Thái Lan, trong đó có cả Bác nữa. Nay lão đồng chí không quản tuổi già, sức yếu về nước công tác, các cô ở đây phải hết lòng giúp đỡ, săn sóc lão đồng chí cho chu đáo…

Sau đó, Bác đưa mắt về phía tôi:

- Đất nước ta đang có giặc, và nhân dân cả nước ta đang dốc sức đánh giặc. O về nước lúc này là vất vả đấy. Cánh già chúng mình chưa mấy ai nghĩ đến chuyện vào "Trại dưỡng lão" đâu.

Bác nói giọng rất ấm áp. Vì quá xúc động nên tôi quên cả những lời chị em và kiều bào ở Thái Lan gửi về chúc sức khỏe Bác.

Bà Đặng Quỳnh Anh dừng lại trong ít phút rồi kể tiếp: Sau lần được gặp Bác, tôi đề nghị các chị Thường vụ Trung ương Hội phân công công tác. Các chị hỏi nguyện vọng của tôi. Tôi đề đạt: Từ ngày đi hoạt động cách mạng chưa một lần nào được dự lớp văn hóa hay lý luận cả. Tôi xin được đi học lớp dài hạn hoặc ngắn hạn. Nhưng các chị cho biết, trại trẻ Trung ương Hội ở Khe Khao (Bắc Kạn) do chị Tụy Phương phụ trách đang rất cần người có kinh nghiệm công tác trại trẻ. Nghe các chị nói, tôi gác nguyện vọng được đi học về mang ba lô đi Bắc Kạn để chung sống với các cháu trong trại Khe Khao. Những ngày sống ở đây, tôi cảm thấy như hồi ở bản Đông. Đầm ấm tình chị em, bà cháu.

Ít lâu sau theo lời bà thì sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc; trại trẻ Khe-khao được chuyển về Hà Nội. Tại Thủ đô Hà Nội, bà được giao thành lập "Vườn trẻ Trung ương". Theo bà thì "đó là niềm vui của tôi vì đã ở gần đất xa trời mà còn được góp phần vào việc trồng người cho đất nước. Một đời tôi không có gia tài riêng tư chỉ có cái gói quần áo, hộp trầu để đi làm cách mạng".

Bà Đặng Quỳnh Anh trước ảnh Bác Hồ.

Có một chi tiết về cuộc sống riêng của bà được nhà văn Sơn Tùng đề cập trong những trang cuối cùng của cuốn sách là vào thời điểm mà bà Quỳnh Anh đang dồn tâm lực vào việc lập "Vườn trẻ Trung ương" thì được tin ông Sáu Tùng (người chồng của bà) từ Quảng Ngãi tập kết ra Bắc. Sau hơn 20 năm sống xa cách, do hoàn cảnh chiến tranh, bà Quỳnh Anh hoạt động cách mạng ở nước ngoài, còn người chồng hoạt động ở trong nước. Đường dây liên lạc trắc trở nên ở trong nước, ông Sáu Tùng đã kết hôn với người phụ nữ khác.

Gặp lại bà Quỳnh Anh, ông Sáu Tùng phân trần và mong bà bỏ qua, song bà Quỳnh Anh khuyên ông Sáu Tùng: "Đừng nhắc đến cái điều một khi xét thấy chẳng còn ích cho cách mạng, cho hạnh phúc gia đình". Nói xong, bà quay sang nói với người vợ của ông Sáu Tùng: "Do cảnh ngộ nước mất, nhà tan mới có chuyện hôm nay chị em mình ngồi lại với nhau để thu xếp cho trong ấm, ngoài êm". Rồi một lần khác vào đầu thu năm 1957, không biết có phải do sự sắp đặt trước hay không, bà Quỳnh Anh nhận được lời mời của một Việt kiều đã hoạt động cùng bà ở Thái Lan. Khi bà vừa đến thì ông Sáu Tùng cũng đến. Hai người nhìn thấy nhau sửng sốt. Giữa lúc hai người chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra thì Bác Hồ đến. Mọi người ùa ra đón Bác. Trong căn phòng ấm cúng, bên ấm trà, Bác đột nhiên nhìn bà Quỳnh Anh hỏi:

- O có ghen không?

Trước câu hỏi đột ngột của Bác, bà cố nén xúc động rồi thưa với Bác: "Vì gia đình có sứt mẻ làm Bác bận tâm. Chúng tôi vừa thấy có lỗi, vừa cảm động về sự quan tâm của Bác và của các anh. Còn tôi có ghen không thì anh Sáu sẽ thưa với Bác". Sau đó Bác quay sang hỏi ông Sáu Tùng: "Anh Sáu có ý kiến gì không?". Lúc này, ông Sáu Tùng đứng dậy nhìn Bác, giọng xúc động:

- "Thưa Bác, tôi đã có khuyết điểm với Đảng, có lỗi với đồng chí Quỳnh Anh. Tôi đã trình bày và nhận lỗi với đồng chí Quỳnh Anh rồi. Tôi xin phép Bác được đọc mấy câu thơ để Bác và các đồng chí thấu hiểu nỗi lòng tôi ngày mới ra tù: "Vì đâu mà vợ xa chồng/ Vì đâu con phải chạnh lòng xa cha/ Rồi đây bốn biển một nhà/ Đoàn viên khi ấy mới là đoàn viên".

Nghe ông Sáu Tùng đọc bốn câu thơ ấy, Bác vui vẻ mời mọi người cùng uống nước rồi nói: "vui vẻ cả là tốt". Sau đó Bác đưa câu chuyện của gia đình bà sang chuyện đấu tranh thống nhất nước nhà. Khi Bác ra về, mọi người nhìn theo Bác mà thấy hình ảnh Bác với con đường Bác đi cứ sáng mãi

L.V.
.
.
.