Anh hùng Phạm Tuân và những ký ức về chuyến bay vào vũ trụ

Thứ Sáu, 04/02/2011, 10:52
Tôi hồi hộp điện thoại cho Anh hùng Phạm Tuân. Hồi hộp vì những ngày còn bé xíu, tôi đã được nghe kể về Anh hùng Phạm Tuân, người Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Để rồi hôm nay, trong một buổi sáng trong vắt của ngày đầu xuân, tôi được ngồi cùng trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân, được nghe ông kể về những kỷ niệm chuyến bay vào vũ trụ, về những người bạn phi công Nga mà thấy lòng êm dịu, thanh thản lạ lùng.

Ngôi nhà của Anh hùng Phạm Tuân tràn ngập sắc xuân. Mùi hoa lan dịu ngọt giăng mắc khắp không gian và tiếng chim ríu rít lảnh lót khắp khu nhà. Anh hùng Phạm Tuân dẫn tôi ra phía sau khu nhà để thăm vườn chim đủ các loại, từ họa mi, vành khuyên, đến khướu, sơn ca. Ông tâm sự, cả cuộc đời binh nghiệp, xa nhà, giờ là những giây phút ông thấy lòng thanh thản.

Anh hùng Phạm Tuân mở lòng: "Cuộc đời cho tôi những cái duyên may mắn hết sức tình cờ. Tôi tham gia trận "Điện Biên Phủ trên không" cũng là tình cờ. Việt Nam có một mình tôi bay vào vũ trụ cũng là hết sức tình cờ. Tháng 7/1965, hàng ngàn thanh niên ở huyện Kiến Xương, Thái Bình quê tôi náo nức gia nhập quân ngũ, các xe binh chủng đón từng đoàn quân đi, chỉ còn mình tôi đứng lại. Đồng chí Huyện đội trưởng bảo tôi, sức khỏe cậu tốt, đợi tuyển phi công. Nhưng tôi tuyển đến vòng 2 thì bị trượt.

Anh hùng Phạm Tuân và Anh hùng Gorbatco.

Tháng 10/1965, tôi sang TP Krasnodar của Nga học thợ máy, được phân vào bộ phận sửa chữa rađa. Lúc đó, nước Nga chọn tuyển phi công từ nguồn thợ máy, và tôi đã trúng tuyển. Sau đó, Nga lại tuyển phi công vũ trụ. Tôi lại trúng tuyển. Hai lần trúng tuyển của tôi đều do nước Nga chọn, âu đó là cái duyên của tôi với đất nước này chăng?". Vậy là thỏa ước mơ từ thời thơ bé, thỏa khao khát được bay bổng trên bầu trời vô cùng vô tận trong cậu bé Phạm Tuân, quanh năm chỉ quanh quẩn ở cái làng Quốc Tuấn chiêm trũng của huyện Kiến Xương. Còn tôi thì nghĩ, những "phẩm chất" phi thường trong con người ông đã thỏa mãn được tất cả những đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt của một nhà du hành vũ trụ.

Anh hùng Phạm Tuân kể dí dỏm: "Để tuyển một phi công, sức khỏe cơ bắp không mang tính quyết định như nhiều người vẫn nghĩ đâu, quan trọng nhất là vấn đề thần kinh, tâm lý và hệ tuần hoàn phải hoàn hảo, đáp ứng được những "thử thách" ngặt nghèo nhất trên không trung. Thứ nhất, phải tỉnh táo, nhanh nhạy để xác định chính xác vị trí máy bay trong không gian. Thứ hai, hệ tim mạch không bị ảnh hưởng khi chịu áp lực lớn.

Để trúng tuyển vào phi công, tôi đã trải qua những vòng thi khắc nghiệt. Các thầy đưa tôi vào ghế xoay, rồi quay tít nhiều vòng, sau đó cho đi thử trên một đường thẳng, nếu vẫn đi thẳng thì mới đạt yêu cầu. Tôi còn bị bỏ vào thùng quay nghiêng, nếu người vẫn giữ được thẳng thì cũng đạt yêu cầu. Các thầy của Nga còn kiểm tra trí nhớ của tôi bằng cách cho một dãy số rất dài, cho tôi nhìn qua một lần rồi bắt viết lại. Hoặc là bật đèn xanh, đèn đỏ trước mặt, nhưng không theo quy luật, rồi bắt mình thực hiện lại. Nếu làm đúng thì mới đạt yêu cầu. Rồi tôi còn phải đạp xe với vòng quay tương đương trọng lực 700kg, 1.300kg, 1.500kg, sau đó sẽ đo nhịp tim, phổi, nhịp thở".

Các thầy, các nhà khoa học ở Trung tâm vũ trụ Gagarin đã không lầm khi chọn ông vào trong đội bay vào vũ trụ, nhằm thực hiện Chương trình vũ trụ quốc tế Intercosmos, trong đó có Việt Nam tham gia. Giờ nhớ lại, Anh hùng Phạm Tuân vẫn thấy lòng lâng lâng cảm xúc tự hào, xúc động khi biết mình sẽ được bay vào vũ trụ cùng với một người được hai lần phong Anh hùng Liên Xô. Đó là Phó chỉ huy thứ nhất Phòng Quản lý đào tạo các phi công vũ trụ, Đại tá Victor Vaxilevich Gorbatco.

Công việc tập luyện khắc nghiệt cho chuyến bay vào vũ trụ bắt đầu. Ban đầu là luyện tập trên biển. Người ta thả buồng kín xuống dưới nước, thiết bị ấy nổi chòng chành trên mặt biển ầm ào sóng dữ, ông và Gorbatco phải cởi bỏ y phục chuyên dụng trong điều kiện bị lắc lư hết sức dữ dội, rồi mở nắp buồng kín và nhảy xuống nước. Áo cứu hộ nâng các nhà du hành vũ trụ nổi trên mặt nước. Họ bơi trên các con sóng, bắn pháo hiệu và châm đốt các ống nhả cột khói màu da cam lên trời. Ròng rã như vậy nhiều tháng trời, Anh hùng Phạm Tuân đã có lúc rơi vào trạng thái căng thẳng vì áp lực quá lớn. Nhưng khủng khiếp nhất vẫn là những bài tập trên máy kiểm tra tiền đình, cứ 3 giây cúi đầu lại 3 giây ngẩng đầu, liên tục trong 10 phút, nếu thần kinh yếu là xảy ra chóng mặt, thậm chí nôn ọe.

Anh hùng Phạm Tuân và Anh hùng Gorbatco tại cuộc giao lưu kỷ niệm 30 năm chuyến bay vào vũ trụ.

Và chuyến bay lịch sử đó đã đến. Đúng 1h33' ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội) tại sân bay vũ trụ Bai-cô-nua (Liên Xô) tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorbatco và Phạm Tuân điều khiển đã phóng lên vũ trụ.

Anh hùng Phạm Tuân nhớ lại: "Một cảm giác bồng bềnh trong không gian không trọng lực xâm chiếm con người tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quả đất tròn xoay nằm lơ lửng giữa một không gian xanh thẳm. Thú vị vô cùng khi được nhìn thấy sao lấp lánh, những ngôi sao to hơn và cũng sáng hơn nhiều vì không gian tinh sạch. Có lúc, tôi còn nhìn thấy được cả trăng, sao và mặt trời. Tôi đã cố gắng tìm dải đất hình chữ S thân thương để ngắm nhìn. Trong hành trang của tôi lên vũ trụ có bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác Hồ, lá cờ đỏ sao vàng và cả một ít bèo hoa dâu mang lên làm thí nghiệm".

Vấn đề ăn uống của ông và Anh hùng Gorbatco trên con tàu Soyuz rất thú vị. Thức ăn được chuẩn bị cho cả tuần, trong đó nhiều loại phải cô đặc đóng vào tuýp. Vỏ hộp đồ ăn vứt như thế nào cũng được tính toán kỹ lưỡng, cái gì mang được xuống đất thì phải gom lại, vì nếu không nó sẽ bay lơ lửng trên không. Ngay cả việc đi vệ sinh cũng phải thận trọng và có công nghệ xử lý, không để gây ô nhiễm vũ trụ.

Giây phút trở về với mặt đất cũng là những giây phút hạnh phúc thiêng liêng. Ông và Gorbatco trở về trong vòng tay chào đón trìu mến của nhân dân Liên Xô. Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô Brêgiơnhép đã gắn lên ngực ông Ngôi Sao Đỏ và danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin. Ngày ông trở về Việt Nam, người dân đứng suốt dọc con đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội với những bức ảnh chân dung Phạm Tuân, cờ hoa, biểu ngữ chào đón. Lúc đó ông thấy một cảm xúc xúc động đến nghẹt thở cứ dâng tràn trong lòng. Để ghi nhận công lao của ông, Nhà nước đã trao tặng ông danh hiệu Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông có lẽ là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động của Việt Nam và Anh hùng Liên Xô.

Anh hùng Phạm Tuân cho tôi xem mô hình chiếc máy bay, những tấm ảnh của ông và Anh hùng Gorbatco. Còn tôi thì vô cùng thích thú những bức thư các em thiếu nhi Việt Nam viết gửi Anh hùng Phạm Tuân sau ngày ông bay vào vũ trụ. Các em hỏi: "Chú lên đó có gặp chú Cuội không? Chú mang quà gì lên sông Ngân Hà?". Đến tận bây giờ, ông vẫn nhận được những bức thư từ nhiều nước để xin chữ ký, họ còn gửi cả tiền để anh dán tem thư. Kể lại chi tiết này, Anh hùng Phạm Tuân cười hồn hậu bởi những kỷ niệm đó như một chất men làm thăng hoa cuộc đời binh nghiệp của Anh hùng Phạm Tuân, một con người "huyền thoại" một thời.

Tháng 7/2010, Anh hùng, Thiếu tướng Gorbatco sang thăm Việt Nam để kỷ niệm 30 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô. Anh hùng Phạm Tuân bảo với tôi, Gorbatco đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của ông, nên chuyến thăm Việt Nam lần này cũng như một lần trở về quê hương vậy. Gorbatco vô cùng xúc động vì đi đến đâu ông cũng được nhân dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt.

Dường như cuộc đời thế sự có đổi thay, nhưng tình nghĩa nhân dân Việt - Nga không gì thay đổi. Phạm Tuân và Gorbatco cùng đến thăm Hải Phòng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, thăm cả đảo Phú Quốc, hai người Anh hùng được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố đón tiếp ân tình, nồng hậu… Trong sâu thẳm trái tim mình, Thiếu tướng Gorbatco luôn nhớ về chuyến bay với Anh hùng Phạm Tuân, bởi đó còn là một biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Liên bang Nga.

Thu Phương - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.