Ám ảnh tai nạn giao thông
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 900.000 người bị TNTT và hơn 34.000 người tử vong. Trong đó, chiếm số lượng cao nhất là tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) là 45% với 15.000 người chết mỗi năm. 10 địa phương có số người tử vong cao nhất là Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Quảng Bình, Bình Thuận.
Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã đưa ra nghiên cứu không thể xem thường: 42,4% bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu, lứa tuổi bị TNGT nhiều nhất từ 20 đến 50, chiếm 76,4%. Trong các vụ TNGT, chiếm gần 80% là xe máy. Đặc biệt, tỉ lệ bị chấn thương sọ não chiếm cao nhất: 40% là lời cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả nghiêm trọng của TNGT với con người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra 80% vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách là xe tư nhân, xe của các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải nhỏ không có thương hiệu.
Nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu do tránh xe, lấn đường, nạn nhân uống rượu bia. Các ý kiến cũng chỉ ra nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng TNGT diễn biến phức tạp là do cơ quan quản lý an toàn giao thông chưa đủ mạnh, sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức chưa chặt chẽ, việc thực hiện các biện pháp an toàn giao thông (ATGT) chậm, chưa liên tục. Bên cạnh đó, chất lượng các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe chưa cao, đặc biệt là thiếu sự quản lý lái xe sau khi cấp giấy phép đã góp phần làm cho TNGT tăng nhanh.
Phẫu thuật cấp cứu do tai nạn giao thông ở Bệnh viện Việt Đức. |
Bà Lê Minh Châu, Vụ ATGT – Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ dự kiến sẽ xây dựng lộ trình cấm xe máy lưu thông trong trung tâm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và tăng mức xử phạt vi phạm. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực cũng được tham khảo: xã hội hóa công tác bảo đảm ATGT, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và tổ chức giao thông để kiểm soát lái xe và xử lý vi phạm v.v…
TS. Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nêu ý kiến: Để giảm hậu quả của TNGT, còn cần đẩy nhanh xã hội hóa công tác cứu hộ giao thông, triển khai các trạm cứu hộ cứu nạn, cấp cứu dọc các tuyến quốc lộ và đường cao tốc trên toàn quốc cùng với thiết lập hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo cho người dân liên hệ được ngay và người bị nạn được tiếp cận y tế sau 5-10 phút bị nạn, cùng hệ thống tư vấn, chỉ dẫn cho người bị nạn.
Các ý kiến cũng nhất trí cần có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao ý thức người tham gia giao thông không uống rượu bia, đồng thời, có chế tài xử phạt đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông. Sớm đưa văn hóa giao thông vào giáo dục trong nhà trường để việc tôn trọng ATGT trở thành thói quen của mọi người từ nhỏ