Nhớ “hụi heo” ăn Tết ở miền Tây Nam bộ

Thứ Năm, 11/02/2021, 10:47
Chuyện chơi hụi ở các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ đã hình thành từ xa xưa, đó là hình thức góp vốn mang đậm tính nhân văn, tình làng nghĩa xóm tương trợ nhau lúc khó khăn. Nhiều hộ gia đình cùng nhau góp tài sản theo quy ước cụ thể như: tiền, vàng, lúa, gạo… theo định kỳ tháng hoặc quý.

Hộ nào thiếu vốn sản xuất, xây nhà, lo chuyện đồng áng thì “hốt” trước. Và cứ thế xoay vòng cho đến người cuối cùng trong dây hụi. Ở miệt vườn Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang), vào thời điểm cuối năm bà con thường rủ nhau chơi… “hụi heo” ăn Tết…

Theo nhiều bậc cao niên ở miền Tây Nam bộ, tục làm heo chia để ăn Tết có lâu lắm rồi, bắt đầu từ những ngày đầu cư dân đến đây sinh cơ lập ấp. Ông nội tôi kể, vào  thời bao cấp, muốn mua một miếng thịt để kho, trước làm mâm cơm cúng ông bà, sau là để ăn trong mấy ngày Tết cũng là chuyện “đau đầu”. 

Không phải chỉ vì chợ ở xa, tiền không có, mà thịt heo hồi ấy lại là mặt hàng được Nhà nước quản lý rất chặt. Nhà nào nuôi được heo nhưng nếu muốn mổ để ăn Tết thì phải xin và chỉ khi được chính quyền địa phương đồng ý mới được mổ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho hình thức “hụi heo” vào dịp Tết ngày càng phổ biến ở nhiều vùng sông nước miền Tây.

Theo đó, người trong dây hụi sẽ hùn tiền lại để mua 1 - 2 con heo, rồi cử người nuôi và đến ngày cận Tết sẽ làm thịt, chia nhau. Người được cử nuôi heo được gọi là “đầu thảo”. Đầu thảo thì không cần phải góp tiền mua heo, cũng như chi phí thức ăn, mà chỉ bỏ công chăm sóc heo. Đa phần đầu thảo là phụ nữ. Vì công việc nội trợ nên hầu hết các bà, các chị có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc heo.

Người đứng ra làm đầu thảo “hụi heo” thường là phụ nữ giỏi chăn nuôi.

Ở xóm nghèo quê tôi có hộ bà Tư Thế. Nhà bà cũng thuộc khá trong xóm, quan trọng hơn là có sẵn chuồng trại, sau nhà lại có đám rau muống nên nhiều năm rồi, bà con “bầu” bà Tư làm đầu thảo. Nhờ sự… “tín nhiệm” này và cùng với sự “mát tay” mà bà Tư đảm trách công việc đầu thảo nhiều năm liền, kinh nghiệm dạn dày. Heo bà Tư nuôi nhanh lớn, chắc thịt, ăn rau, củ là chính nên nhà tôi và nhiều bà con trong xóm tin tưởng tham gia.

Tới 27, 28 Tết, khi heo đã vào tạ (100kg), những người chơi hụi sẽ cùng mổ thịt, chia nhau. Ngày làm heo chia thịt vui như hội. Chừng ba, bốn giờ sáng, cánh đàn ông, thanh niên đã có mặt ở nhà bà Tư nấu nước, pha trà... Bên cạnh nồi nước phục vụ cho việc xẻ thịt heo luôn có một bếp củi cháy rực để nấu nồi cháo… đặc biệt. Nước sôi, đám thanh niên khỏe mạnh ra tay... Không khí của buổi xẻ thịt heo chuẩn bị “ăn Tết” khá rôm rả, chuyện làng trên, xóm dưới, những chuyện đồng áng của một năm.

Được xem là người có kinh nghiệm, ông Năm Dện và ông Năm Đực ra lệnh chỉ huy đám thanh niên: “Nước phải bảy sôi, ba lạnh thì cạo lông mới trôi nghen tụi bây. Làm lòng heo muốn sạch thì phải làm dưới nước chảy. Muốn ra miếng thịt cho ngon thì dao phải bén à”.

Nói là chia nhau nhưng đâu ai tính toán chi ly, chẳng cần cân, đo, đong, đếm, mà chia theo mớ. Heo làm xong, nhà nào có gói bánh tét thì được ưu tiên lấy mỡ phần hơn; nhà nào ưa món hầm măng thì chọn phần chân giò. Còn thịt đùi, ba rọi thì san sẻ nhau ai cũng có để làm nồi thịt kho rệu… Riêng phần huyết và đồ lòng được làm sạch cho vào nồi cháo đang sôi, thêm hành lá, tỏi phi thơm phức. Chia phần xong, phụ nữ mang thịt về nhà chế biến, cánh đàn ông ở lại cụng chúc chén rượu bên nồi cháo lòng nóng hổi… Ông Năm Đực mở vòng, uống xong ly rượu nếp thơm nồng, vỗ đùi khen: “Nồi cháo năm nay ngon… bá chấy!”.

Ngày làm heo chia thịt ăn Tết – Cả xóm vui mừng, rộn ràng trong làng nghĩa xóm.

Hụi heo quê tôi là thế. Mà đâu phải chỉ hụi heo, còn có hùn nhau để gói bánh tét, tráng bánh, quết bánh phồng. Ông bà, người lớn hay lấy chuyện hùn – hụi này để khuyên dạy con cháu, không nên quá tính toán thiệt hơn. Bà con láng giềng luôn cần có nhau, phải biết “chung lưng đấu cật” mới vượt qua được khó khăn, hoạn nạn. Gia đình còn khó khăn, không tự lo được nhiều thứ trong ngày Tết thì phải hú, hí hùn nhau trên tinh thần, có gì hùn nấy. Ai có nếp hùn nếp, nhà nào trồng dừa thì góp dừa khô, ai không có của thì góp sức, góp công… Đúng ngày hẹn, người ngâm nếp, kẻ xay bột, lột dừa, người tráng bánh, kẻ đem phơi…, trai gái đều có phần. Đây cũng là dịp để nam nữ phải lòng nhau bày tỏ cảm tình, là nơi ông, bà dò xét tình ý chọn dâu, kén rể hoặc làm mai mối cho con cháu.

Trần Lĩnh
.
.
.