50 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963 - 2/1/2013)

Thứ Tư, 02/01/2013, 23:43
Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) - nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơnevơ vào ngày 2/1/1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ chiến thắng lẫy lừng, Ấp Bắc giờ đã trở thành tên đường, tên trường, tên một tờ báo,… là niềm tự hào của bao thế hệ không chỉ ở Tiền Giang.

Cũng như nhiều người khi đặt chân đến địa danh linh thiêng này, tôi thật sự xúc động khi thấy 3 ngôi mộ nằm cận kề nhau; trước mộ luôn nghi ngút khói hương. Đó là nơi an nghỉ của 3 Chiến sĩ gang thép. Chuyện về tinh thần quả cảm góp phần làm nên chiến thắng Ấp Bắc của 3 Anh hùng – liệt sĩ nằm dưới mộ đã thật sự níu chân tôi lại giữa trưa ngày cuối năm.

Theo lời kể của ông Phạm Văn Thư (Tám Thư), khi nổ ra trận Ấp Bắc, ông mới 35 tuổi, và được phân công làm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn chủ lực 261 Khu Trung Nam Bộ (Khu 8). Trong Đại đội 1, có tổ chức một Tiểu đội quyết tử với nhiệm vụ đúng như tên gọi của nó… Ngoài tiêu chuẩn chính trị (thành phần gia đình, lập trường tư tưởng và quá trình chiến đấu), người được chọn vào Tiểu đội quyết tử còn phải là những tay súng thiện xạ.

Ông Lê Hùng Hưởng (Sáu Huẩn) – nguyên Chính trị viên, kiêm Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, kể thêm do ở chung đại đội nên ông khá rành về 3 Chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch (bí danh Công) và Hùng. “Anh Đừng và anh Trạch có mặt ngay từ những ngày đầu Tiểu đoàn 261 được thành lập (1961); còn anh Hùng đến năm 1962 mới vào. Anh Đừng đã được kết nạp Đảng, còn hai anh Trạch, Hùng là đoàn viên” – ông Sáu Huẩn nhớ lại.

Theo lời kể, anh Đừng xuất thân trong gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng. Trước khi phong trào Đồng khởi nổ ra thì anh thanh niên giữ trâu, ở đợ ngày nào ở làng Phong Mỹ, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) thoát ly gia đình, tham gia bộ đội. Còn anh Trạch thì xuất thân từ gia đình nghèo, đông anh em ở Lộc Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre). Cha anh Trạch hy sinh khi anh mới tròn 1 tuổi. Từ bé anh Trạch đã phải trông em, đốn củi, mò cua, bắt ốc, giăng câu… để giúp mẹ. Sau thời gian lén gia đình tham gia trong đội du kích xã, năm 1962, khi mới 18 tuổi, anh Trạch thủ thỉ với người chị ruột: “Chị ở nhà chăm sóc má, em đi trả thù cho cha!”.

Nơi an nghỉ của 3 AHLLVTND – 3 Chiến sĩ gang thép trong Khu di tích.

Còn anh Hùng là con út trong gia đình nông dân ở Long An, sớm tham gia du kích rồi thoát ly, tham gia Tiểu đoàn 261. Nhà nghèo, học ít nhưng tinh thần cách mạng của anh thì tuyệt vời.

“Điểm giống nhau nhất ở cả 3 anh Đừng, Trạch và Hùng là kiên trì, xạ kích giỏi trong lớp học quân sự; đặc biệt, cả ba đều hạ quyết tâm sẵn sàng hy sinh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - Ông Tám Thư cho biết.

Trong trận đánh Ấp Bắc, Tiểu đội 1 của anh Đừng nằm ngay cửa chính đánh xe tăng. Trưa 2/1/1963, xe tăng của địch tiến vào địa hình của ta tổng cộng 5 lần lần lượt bị đánh bật ra. Trong đợt tấn công cuối cùng, phía địch cho pháo binh, phi cơ, xe tăng M.113 tiến vào địa hình của ta. Do ta không có vũ khí chống tăng nên chỉ huy cấp trên lệnh cho Tiểu đội 1: Súng trường nhắm vào xích xe tăng mà bắn, lựu đạn cũng phải ném dưới lườn xe!

Ông Sáu Huẩn kể: Lúc ấy, khẩu trung liên của Tiểu đội anh Đừng bị kẹt đạn. Anh Đừng lệnh cho một đồng chí lùi về phía sau để sửa chữa. Xe tăng của địch vẫn hung hãn trườn tới, gần sát đến công sự của Tiểu đội 1. Hỏa lực của ta nã đạn nhưng vẫn không đủ mạnh để kiềm chế bước tiến của xe tăng địch. Nghĩ rằng nếu để xe tăng địch càn lên công sự thì không chỉ nhiều anh em phải hy sinh mà địa hình cũng không được giữ vững nên khi xe tăng địch chỉ cách công sự trong gang tấc, anh Đừng bật dậy, rời khỏi công sự, tay cầm thủ pháo tự chế, lao về phía xe tăng… Một tiếng nổ lớn làm rung chuyển đất trời; chiếc xe tăng bốc cháy, khói nghi ngút.

Không thể để những chiếc xe tăng còn lại của địch rút lui một cách dễ dàng, lại thấy đồng đội mình trúng đạn ngã xuống, anh Hùng bật dậy nhắm vào xích xe tăng, siết cò. Thêm 1 xe tăng bị hạ; 1 xe tăng khác bị đứt xích. Nhưng trước làn bom, bão đạn của quân thù, anh Hùng, anh Trạch lần lượt ngã xuống. Anh Trạch lúc ấy chưa tròn 19 tuổi…

Tượng đài mang tên “Tiểu đội gang thép” tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Chiến thắng Ấp Bắc.

Sau khi trận đánh Ấp Bắc kết thúc, cảm phục sự hy sinh anh dũng, nhân dân gọi các anh là 3 Chiến sĩ gang thép. Và Tiểu đội 1 là Tiểu đội gang thép.

Người dân Tân Phú kể rằng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt khi khu di tích đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cách nay khoảng chục năm, các mẹ, các chị làm cỏ trong Khu di tích gặp nhau ở suy nghĩ: “Cả 3 Chiến sĩ gang thép hy sinh không vợ con, vì vậy mình của ít lòng nhiều, mỗi người một ít hùn lại làm giỗ cho các anh!”.

Vậy là năm ấy, nhà ông Chinh – nhân viên bảo vệ Khu di tích, trở thành điểm nấu nướng, phục vụ việc thờ cúng 3 Chiến sĩ gang thép. Chính quyền địa phương thấy việc làm của bà con có ý nghĩa giáo dục truyền thống nên ngoài hoạt động kỷ niệm Chiến thắng, đến ngày mùng 7 tháng Chạp còn  đứng ra tổ chức lễ giỗ cho các anh. Từ đó, không chỉ có bà con ở Tân Phú, mà bà con nhiều địa phương khác, trong đó có gia đình của 3 Chiến sĩ gang thép ở Bến Tre, Long An và Đồng Tháp cũng tụ hội về mỗi năm một đông; người nấu xôi, người gói bánh, cùng tổ chức lễ giỗ các anh. Lễ giỗ này đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, thể hiện sinh động đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Nửa thế kỷ trôi qua, 3 Chiến sĩ gang thép vẫn sống mãi trong lòng người dân miền Tây. Chiến thắng Ấp Bắc vẫn mãi là mốc son trong lịch sử của dân tộc, vẫn mãi là niềm tự hào cho các thế hệ cháu con…

Thái Bình
.
.
.