40 năm giữ bình yên Tây Nguyên

Thứ Ba, 28/04/2015, 13:19
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các thế lực bên ngoài vẫn tìm cách lợi dụng một số đối tượng có tư tưởng ly khai, tự trị dựng lên tổ chức FULRO để chống phá chính quyền cách mạng. Chúng hình thành hệ thống hành chính, quân sự, đòi chia sẻ quyền lực và chống phá cách mạng, lập ra “Bộ Chỉ huy mặt trận” có 11 bộ, 4 vùng chiến thuật, hoạt động ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam khu V cũ. 

Bằng nhiều thủ đoạn gian xảo, chúng đánh phá chính quyền, ép dân vào rừng theo FULRO, đã gây ra 153 vụ tập kích, giết người, cướp tài sản, làm chết 255 người, bị thương 318 người. Từ năm 1977-1979, lợi dụng cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, bọn FULRO củng cố lại tổ chức, lực lượng, nhằm đẩy mạnh hoạt động vũ trang, gây bạo loạn ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ...

Trước những khó khăn, đầy cam go, phức tạp, lực lượng An ninh Công an các tỉnh Tây Nguyên, lực lượng An ninh của Bộ đã phối hợp cùng các ngành chức năng tập trung lực lượng, mở nhiều đợt truy quét FULRO nhằm ngăn chặn kịp thời những âm mưu độc ác của chúng. Từ năm 1977 đến 1992, ở các vùng trọng điểm như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai... ta đã đánh 2.525 trận lớn nhỏ, phá rã 12 khu căn cứ và hàng trăm khung chỉ huy của FULRO, phối hợp tổ chức trên 51.973 lượt phát động quần chúng ở 840 xã, buôn làng trọng điểm và kêu gọi hàng trăm tên FULRO bỏ vũ khí trở về với buôn làng... Đến năm 1992, vấn đề FULRO ở Tây Nguyên và vùng phụ cận đã cơ bản được giải quyết.

Để giữ cho buôn làng bình yên, không ít máu xương của những cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh của Bộ Công an và Công an các tỉnh Tây Nguyên, vùng phụ cận đã thầm lặng hy sinh. Tuy bọn phản động FULRO thất bại nhưng được sự hà hơi tiếp sức bên ngoài của các thế lực chống phá cách mạng, chúng vẫn không chịu từ bỏ mà tìm cách hoạt động trở lại.

Từ năm 1997, lực lượng An ninh ở Tây Nguyên đã phát hiện âm mưu chỉ đạo chống phá của tổ chức FULRO từ bên ngoài. Đặc biệt, đối tượng Ksor Kơk và một số tên cầm đầu FULRO lưu vong tìm cách đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, kích động một số người dân tộc thiểu số trong nước hình thành các cơ sở ngầm FULRO, lợi dụng vỏ bọc hoạt động tôn giáo để tập trung lực lượng nhằm chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Với mưu đồ tự dựng lên cái gọi là “Nhà nước Đêga ly khai, tự trị” ở Tây Nguyên, từ năm 2000, Ksor Kơk và một số cầm đầu FULRO lưu vong không ngừng kích động những phần tử phản động trong nước chống phá. Những cán bộ chiến sĩ lực lượng An ninh ở Tây Nguyên lại tiếp tục dấn thân vào cuộc chống FULRO trong giai đoạn mới ở Tây Nguyên.

Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Cục phó Cục An ninh Tây Nguyên, từng là một trong những cán bộ An ninh của Bộ “có duyên” sớm với những trận đánh FULRO ở Tây Nguyên. Trong giai đoạn từ 1983 đến 1992, bản thân anh trực tiếp tham gia gọi hàng và truy bắt hàng chục đối tượng FULRO, góp phần phá rã gần 100 khung chính quyền ngầm FULRO các cấp, bóc gỡ, cảm hóa hàng trăm cơ sở cốt cán FULRO, làm trong sạch địa bàn các xã trọng điểm...

Lực lượng An ninh "3 cùng" với đồng bào Tây Nguyên.

Đại tá Nguyễn Xuân Hà cho rằng, cuộc đấu tranh với bọn phản động FULRO mới trong giai đoạn từ những năm 2000 trở lại đây hết sức phức tạp, đòi hỏi lực lượng An ninh phải có tầm và tâm để giúp người dân nhận thức lỗi lầm, biết phân biệt đúng sai giữa hư và thực, tôn giáo chân chính với tà đạo, những kẻ lợi dụng đạo hoạt động chống phá chính quyền. Từ đó chúng ta làm rõ những người dân bị mắc lừa bọn phản động với những kẻ phản động cầm đầu để có biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả.

Điểm “nóng” ở làng Lao bắt đầu từ những năm 2000-2001, khi có “luồng gió độc” cái gọi “Tin lành Đêga” do bọn phản động FULRO “thổi” vào thì một số đối tượng ở đây đã bị “hút” theo một cách điên cuồng. Sau khi thúc ép, lôi kéo dân làng lên TP  Pleiku, Gia Lai biểu tình (2-2001), một số đối tượng cầm đầu lại quay về ở làng Lao lập ổ nhóm như căn cứ địa để tiếp tục lôi kéo một số người dân tụ tập chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên.

Những kẻ cầm đầu như Siu Pôch (Ama Beo) bị ngấm nặng “thuốc độc” của bọn FULRO nên bất chấp pháp luật, kéo dân làng Lao làm bệ chắn quanh mình để thực hiện ý đồ đen tối. Để giải mã “mầm độc” ấy, các cán bộ chiến sĩ An ninh đã bất chấp hiểm nguy, quên mình dấn thân. Những ngày tháng ấy, được theo chân các chiến sĩ An ninh ở Tây Nguyên, tôi cảm nhận được bao nỗi vất vả, nhọc nhằn trong các trận chiến chống FULRO mới.

Nhớ buổi trưa, sau khi hóa giải được đám đông, bắt giữ những đối tượng cầm đầu ở làng Lao, các cán bộ chiến sĩ An ninh mới có điều kiện ngồi lại dưới gốc cây làng chia nhau miếng bánh mì khô khốc từ mấy ngày qua với ngụm nước trong cho đỡ bữa…

Từ tháng 2/2001 đến 4/2004, lực lượng An ninh Tây Nguyên và công an các tỉnh đã phối hợp xử lý 1.629 đối tượng cầm đầu, cốt cán FULRO, giáo dục cảm hóa hơn 4.000 đối tượng, xóa 256 khung ngầm FULRO...

Để đi vào lòng dân, anh em trinh sát An ninh phải đến từng gia đình, khu rẫy vận động bà con sớm nhận ra lẽ phải, không nghe theo những lời xúi dục của kẻ xấu.

40 năm bao nhiêu cống hiến và hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ chiến sĩ lực lượng An ninh nói riêng và Công an nhân dân nói chung đã và đang góp công sức gìn giữ cho một Tây Nguyên yên bình, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đặng Ngọc Như
.
.
.