'Đòn chí mạng' vào thị trường buôn bán động vật hoang dã toàn cầu

Thứ Ba, 21/07/2015, 09:45
Diễn ra từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 vừa qua, "Operation COBRA III" được coi là chiến dịch chống buôn bán động vật hoang dã toàn cầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Với sự tham gia của 62 quốc gia đến từ khắp các châu lục, hàng trăm vụ bắt giữ cùng hàng tấn thực vật, động vật quý hiếm đã bị các cơ quan chức năng thu giữ trong chiến dịch "Operation COBRA III".

Cuộc tấn công tổng lực

Tờ DW (Đức) đưa tin, trong hơn 2 tháng triển khai chiến dịch Operation COBRA III, các cơ quan thực thi pháp luật đã triệt phá được nhiều đường dây buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn. 10.000 con cá ngựa đã chết, 400 con rùa sống đã bị thu giữ tại Anh; 20kg đỉa sống bị phát hiện ở Bulgaria; 50kg các bộ phận của động vật hoang dã (bao gồm đầu và sừng) bị thu giữ tại Tây Ban Nha; hơn 500kg lươn đông lạnh bị phát hiện ở Ba Lan…

Bên cạnh đó, tổng số 249kg vảy tê tê và hơn 12 tấn ngà voi cũng bị các cơ quan chức năng trên toàn cầu thu giữ. Là một phần trong chiến dịch COBRA III, cảnh sát Thái Lan thu giữ 511 chiếc ngà voi giấu trong một container từ Mombasa (Kenya) được đăng ký là lá trà. Ước tính, có khoảng 300 vụ bắt giữ liên quan đến nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã ở châu Á, châu Phi và châu Âu được thực hiện trong chiến dịch. DW cho biết, những người bị bắt là công dân của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có cả các trùm buôn lậu Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.

Ngà voi vẫn là mặt hàng phổ biến trên thị trường buôn bán động vật hoang dã.

Buôn bán ngà voi chính thức bị cấm vào năm 1989, sau khi Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ra đời nhưng voi vẫn là một trong những nạn nhân chính của hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Đầu tháng 6, Chính phủ Tanzania cho hay, một trong những đàn voi lớn nhất ở châu Phi đã giảm từ 109.051 con xuống còn 43.300 con từ 2009 đến 2014. Nhiều ý kiến trên trang web tố giác tội phạm và phòng chống buôn bán động vật hoang dã trực tuyến nhận định, "cảng Mombasa (Kenya) - một trong những địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng nhất ở châu Phi là trung tâm buôn bán ngà voi lớn trong nhiều năm. Khoảng 43 tấn hàng hóa bất hợp pháp bị bắt giữ tại đây hoặc có nguồn gốc tại đây kể từ năm 2009".

Cuộc chiến còn nhiều khó khăn

Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp được coi là một trong 5 loại hình tội phạm "hấp dẫn nhất thế giới" vì "lợi nhuận cao nhưng rủi ro thấp". Nếu như tội phạm về ma túy và buôn bán vũ khí trái phép nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan chức năng thì tội phạm buôn bán động vật hoang dã vẫn bị "coi nhẹ".

"Từ lâu, nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn chưa thực sự được coi là loại tội phạm có tổ chức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn động vật hoang dã, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia", Gabriel Fava, người phụ trách chương trình Born Free Foundation nói với DW. Ông Richard Thomas, phát ngôn viên của mạng lưới giám sát động vật hoang dã TRAFFIC cho biết, "buôn bán trái phép các loài động, thực vật đang bị đe dọa là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi phải có hành động quốc tế".

Ông Richard Thomas cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận mới để giải quyết loại tội phạm này. "Điểm mấu chốt là phải xác định, buôn bán động vật hoang dã là loại tội phạm nghiêm trọng. Bắt giữ người sai phạm là cần thiết nhưng bây giờ, điều quan trọng hơn là truy tố, xét xử, đảm bảo hình phạt thích đáng với hành vi phạm tội", ông Richard Thomas nói.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì hình phạt với tội danh buôn bán động vật hoang dã còn nhẹ, thường hình phạt tù không quá 4 năm. Sarah Goddard, cán bộ của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã WWF có trụ sở tại Anh cho biết, xây dựng chế tài pháp luật đủ mạnh cũng là một phần trong giải pháp nhằm loại bỏ quan điểm buôn bán động vật hoang dã "rủi ro thấp, lợi nhuận cao". "Đây là lý do mà WWF kêu gọi Chính phủ Anh có hình phạt thích đáng với tội phạm buôn bán động vật hoang dã", Sarah Goddard nói.

Chuyên gia Gabriel Fava cho biết, cuộc đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã vô cùng khó khăn cần có sự chung tay của cả cộng đồng. "Quy mô và phạm vi hoạt động của tội phạm ngày càng mở rộng. Cần có sự hợp tác giữa các quốc gia để chung tay giải quyết vấn đề nghiêm trọng này. Chúng ta cần có chiến lược lâu dài trong phối hợp hoạt động", Gabriel Fava nhận định. 

Chiến dịch COBRA đã được tổ chức thực hiện lần thứ 3 nhưng đây là lần đầu tiên có sự tham gia của các quốc gia châu Âu. Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động buôn bán động vật hoang dã đã diễn ra trên đất của Liên minh Châu Âu mà trước đây, nhiều người cho rằng, tội phạm này chỉ là vấn đề của châu Phi và châu Á.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.