Đọc sách không cần khẩu hiệu

Thứ Năm, 09/04/2015, 18:00
Thế giới của ngày hôm nay là một thế giới của tốc độ. Khi khoa học kỹ thuật đã luôn cho ra những điều kỳ diệu thì chỉ một cái nhấp chuột người ta đã có thể đến với một sự kiện, một hoàn cảnh cách xa cả ngàn cây số. Một thế giới như thế đã cuốn con người vào nhịp sống khẩn trương và gấp gáp. Mọi thứ đều được cân đong đo đếm trong từng khoảnh khắc.
Sống vội vàng, làm việc vội vàng, ăn uống vội vàng và rồi cả đến chuyện yêu đương cũng vội vàng. Một thế giới như thế cho ta có quyền mơ ước và nuôi những khát vọng lớn lao, nghĩ đến những điều to tát. Không ai phủ nhận điều đó và cũng không ai lại muốn đứng ngoài nhịp sống ấy một cách lãng phí. Thời gian và tâm tưởng dành cho một góc bình yên để mà tư duy, để mà chiêm nghiệm, nhâm nhi triết lý nhân sinh… ngày càng trở nên ít ỏi và xa xỉ.

Chúng ta thường than vãn rằng ngày nay văn hoá đọc đã không còn được coi trọng, khi mà cuộc sống luôn đặt ra bao nhiêu việc phải vội vàng, phải lo toan. Bên cạnh đó là sự năng động của tất cả các kênh thông tin truyền thông cập nhật đến từng giây từng phút. Cần là có, tìm là thấy…

Vậy thì sự đòi hỏi một phần thời gian dứt ra khỏi những lo toan để thư giãn, để tìm mình trong một cuốn sách đôi khi là một câu hỏi khó. Đi hội sách, đọc khẩu hiệu, hãy kéo mọi người trở lại với văn hoá đọc, phải dừng lại ngẫm một lát. Ngẫm rồi, bụng bảo dạ, xin lỗi nhé, đọc là một lẽ tự nhiên của con người, là nhu cầu, là sự thích thú… Tất cả không lệ thuộc vào khẩu hiệu, không bị chi phối bởi một sự gượng gạo gò ép nào cả.

Đi hội sách, chợt nghĩ, thiên hạ bây giờ cứ viết cho nhiều, in cho lắm, rồi là dự án triển lãm sách, trưng bày sách liên tục chào mời độc giả… Cái nào làm hoành tráng vui vui thì người ta đến ngó ngàng rồi chậc lưỡi, chả lẽ về không. Thôi thì cũng mua một cuốn để rồi quăng xó xỉnh nào đấy. Còn cơ bản người ta đi ngó sách là chính.

Nhiều bạn trẻ vẫn quan tâm đến việc đọc sách.

Văn chương vốn dĩ nó là cuộc sống, nó chảy theo dòng chảy của cuộc sống. Một số người cầm bút giờ này còn khư khư quan niệm, phải là hàn lâm bác học mới được coi là văn, là chuẩn. Cứ phải là truyện dài hay tiểu thuyết lê thê chương hồi, ngồn ngộn chữ nghĩa, dằng dặc nhân vật thì mới được coi là danh giá, cao sang. Rồi phải có những thông điệp lớn cải tạo xã hội thì mới được coi là oách. Viết thế thì mới mong có "số má" để được gọi là nhà nọ nhà kia, bồng bềnh tên tuổi. Trong khi những thứ đầy ra ở đời, gần gũi xung quanh thì lại bĩu môi rằng đời là thứ thô tục, lộn xộn không thể vào văn vì văn là nó phải thanh cao tao nhã.

Đi hội sách cảm nhận, sách cứ viết ra cả cục, chữ nghĩa cứ ngồn ngộn cả sàng cả đống, ngó qua hoa mắt. Thời buổi bây giờ chẳng ai còn thời gian tâm trí đâu mà ngồi nhai cả đống chữ nghĩa để rồi chả hiểu người ta đang nói hay đang hát cái gì. Thôi, cái này phần cánh lục tuần trở lên, hết thời hết sức, nhàn tản nhâm nhi cho nó hết ngày. Là nói thế chứ  đã "bung dù" ngồi chỗ thì đồng tiền bát gạo chẳng xênh xang, túng thì phải tính, móc hầu bao mua cuốn sách hay lạng thịt bó rau, cân chè gói thuốc… còn phải lăn tăn chán.

Không phủ nhận, không quay lưng với những tác phẩm văn chương mang nặng trong lòng nó những tinh chất được chắt lọc bằng sức lao động sáng tạo của trí tuệ, sự mẫn cảm với nhân tình thế thái. Nhưng cái "tội" của nó là quá dài dòng làm em ngại lắm, bởi em còn bao nhiêu công việc phải làm, phải lo. Nhu cầu cuộc sống ngày nay cao lắm, mọi thứ cứ phải tính nhanh để quy ra đồng tiền bát gạo. Chuyện chữ nghĩa ừ thì thích đấy, nhưng tính sau.

Muốn mọi người quay lại và gần hơn với văn hóa đọc, xin hãy bắt đầu bằng nhưng điều giản dị như nhu cầu đời sống mỗi ngày. Thay vì một cuốn sách dày, một cuốn tiểu thuyết, thì hãy bằng những câu chuyện dung dị đời thường, những câu chuyện diễn ra hằng ngày trong đời sống, đừng coi đó là dị biệt, là sần sùi thô tục. Chính những câu chuyện ấy nó làm người ta thấy thú vị, tìm thấy mình, thấy cuộc sống, thấy câu chuyện của mình trong đó. Đấy cũng chính là thông điệp, là tiếng chuông cảnh tỉnh không kém gì những chuyện đao to búa lớn.

Liên tưởng một chút, nhiều người có thể sẽ chẳng ngó ngàng gì đến những chuyện đại sự, những vấn đề lớn lao, nhưng lại rất thú vị với những câu chuyên nhỏ như "việc tử tế" hay "thông điệp cuộc sống" mà VTV đang làm.

Viết đúng nhu cầu thưởng thức của độc giả thì cái nhu cầu đọc tự nhiên nó có, mà không cần phải hô hào khẩu hiệu. Những ngày hội sách vui thì có vui, đông thì có đông, nhưng nói đây là hoạt động để nâng cao văn hóa đọc, kích thích văn hóa đọc thì khó mà hy vọng.

Một khi người viết còn xa rời đời sống, còn võng vỉa những chuyện đẩu đâu, chả liên quan đến đời sống nhân quần, thì mong người ta đọc cũng xa xôi như mò kim đáy bể. Nghệ thuật lúc nào chả thế, người ta chỉ có nhu cầu thưởng thức khi người ta tìm thấy mình trong đó. Giản dị như vậy thôi, cần gì khẩu hiệu.

Trịnh Đình Nghi
.
.
.