Độc đáo phiên chợ vùng cao
Ông Dương Văn Quynh, Giám đốc Trung tâm VHNT Việt Nam cho biết: "Những phiên chợ vùng cao luôn là một hoạt động văn hóa đặc sắc thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Hội chợ Xuân Ất Mùi, ngay tại Thủ đô, chúng tôi sẽ tái hiện nét văn hóa này, với sự tham gia của đồng bào thuộc 22 huyện, thị của tỉnh Lào Cao sẽ.
Toàn bộ không gian ngoài trời của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam sẽ tái hiện các phiên chợ Lào Cai như phiên chợ Bắc Hà, Văn Bàn, chợ tình Sa Pa. Không gian chợ Tết là những gian nhà tre mái lá, ngựa thồ, thổ cẩm với những sản vật đặc trưng, trang phục dân tộc và thao tác nghề truyền thống tại chỗ, các trò chơi: ném còn, đẩy gậy, nhảy que, ném yến, chơi đu quay...
Các nghệ nhân của tỉnh Lào Cai được mời làm chủ thể của nhiều hoạt động văn hóa. Tại đây, họ sẽ trực tiếp sản xuất, giới thiệu các sản phẩm văn hóa quê hương của mình với khách tham quan. Quan điểm của chúng tôi khi tổ chức hoạt động này là để chính các chủ nhân, là những người dân vùng cao mang nét đẹp văn hóa của mình đến với nhân dân Thủ đô, nên từ các nhân viên tiếp tân tại khu vực phiên chợ cũng là con em đồng bào các dân tộc Lào Cai đảm nhiệm. Tôi mong muốn khách tham quan hài lòng với một không gian đậm đặc chất văn hóa vùng cao, do chính những người dân nơi đây thể hiện"
Phiên chợ vùng cao cũng giới thiệu và bán nhiều sản phẩm tiêu biểu, nông sản đặc trưng của Lào Cai. Khách thăm quan được thưởng thức tiệc trà và các món ăn truyền thống của các dân tộc Lào Cai như rượu, thắng cố, mèn mén, bánh trưng đen, xôi màu. Đồng thời được tham gia trải nghiệm văn hóa dân tộc: mặc trang phục dân tộc chụp ảnh, học cách chế biến món ăn dân tộc, học cách múa khèn, thổi sáo, bắn nỏ, làm thổ cẩm, vẽ sáp ong...
Khách thăm quan cũng được tham gia trực tiếp một số công đoạn sản xuất, chế tác sản phẩm nghề truyền thống của Lào Cai: nghề thổ cẩm (làm lanh, dệt, in sáp ong, thiết kế thành phẩm), nấu rượu, chạm khắc bạc, in sáp ong... Ngoài ra, tại các phiên chợ cũng giới thiệu những tiết mục văn nghệ dân gian độc đáo của các dân tộc tỉnh Lào Cai, trưng bày một số hình ảnh về tết xưa - nay và sách viết về văn hóa Tết truyền thống của dân tộc,
Ngoài hoạt động chính là tái hiện các Phiên chợ vùng cao, Hội chợ Xuân Ất Mùi còn nhiều hoạt động văn hóa khác. Trong đó tiêu biểu là Triển lãm tranh con dê của họa sĩ Lê Trí Dũng. 50 bức tranh con dê, chủ yếu là dê màu trắng được trưng bày, là điểm nhấn thu hút công chúng.
Lý giải vì sao lại chọn vẽ dê trắng, con vật biểu tượng của năm Ất Mùi, họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết: "Tuy hội họa phải có đủ 12 màu như một tất yếu, nhưng gam trắng vẫn là chủ đạo trong tranh, và cũng vì thế dê ngũ hành bỗng trở thành tiêu đề cho một dòng sáng tác chủ đạo của năm Ất Mùi này. Lại bởi nó là âm kim nên một thứ trắng nhã không gay gắt, nên đứng cạnh màu xanh lục thì hợp…".
Phiên chợ vùng cao. |
Rời không gian của hội họa, công chúng sẽ tiếp tục thưởng thức thêm nhiều hoạt động văn hóa khác của hội chợ, như hoạt động viết thư pháp, xin chữ các nghệ nhân thư pháp. Khu vực triển lãm tranh dân gian giới thiệu 3 dòng tranh dân gian của Việt Nam: Đông Hồ - Bắc Ninh, Hàng Trống - Hà Nội và Kim Hoàng (tỉnh Hà Tây cũ).
Nội dung tranh dân gian phong phú với nhiều chủ đề tranh Đông Hồ như chúc tụng, cầu ước trong ngày Tết: Đại cát - Nghinh xuân; Vinh hoa - Phú quý; Quốc gia thịnh trị - Thiên hạ thái bình... tả cảnh sinh hoạt lễ hội với Đấu vật, Rước trống; sinh hoạt thường ngày: Hứng dừa, Đánh ghen, Bé chơi chim, Bé chơi cá... Dòng tranh Hàng Trống lại mang màu sắc thành thị rõ nét với bộ Tố nữ, Tứ bình hay cầu chúc những điều lành như Cao quý điểu quan đồ (chim công), Lý ngư vọng nguyệt (cá chép)...
Và một không gian văn hóa mà chắc chắn mọi người dân Việt Nam đều rất quan tâm, đó là không gian bàn thờ Tổ tiên theo nghi thức truyền thống. Đối với người Việt, bàn thờ gia tiên không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tục thờ cúng tổ tiên chính là sự thể hiện lòng kính trọng và tưởng nhớ đến người đã khuất.
Mỗi dịp Tết đến, bàn thờ gia tiên luôn được các gia đình chuẩn bị, trang hoàng đẹp mắt, đúng nghi thức để đón tổ tiên về ăn Tết. Tại không gian của nhà triển lãm sẽ giới thiệu bàn thờ thờ cúng tổ tiên được bài trí theo nghi thức truyền thống gồm: bàn thờ, bát hương, bài vị, chân đèn, hoa, nến, mâm ngũ quả, đồ lễ... hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng, câu đối xuân và các vật dụng thờ cúng...
Hội chợ Xuân là một hoạt động thường niên của Trung tâm VHNT Việt Nam diễn ra vào những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc. Một hoạt động văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân Thủ đô.