Đi qua dạ dày là... con đường ngắn nhất

Thứ Năm, 04/02/2016, 15:27
Thời mông muội ăn lông ở lỗ, người tiền sử chưa ý thức vệ sinh, ăn sống nuốt tươi, cộng với không y tế, không nhà cao áo ấm... nên nỗi 35 năm là tuổi thọ trung bình. Thời hiện đại, con người văn minh ý thức an toàn lương thực thực phẩm, nhưng vẫn bị đồng loại ranh ma đầu độc bằng con đường ăn uống. Phát sinh bao nhiêu bệnh tật mới. Loài người có nguy cơ bị thoái hóa; bởi vô tình hoặc hữu ý khiêng linh cữu đồng loại đi qua cái dạ dày khốn khổ.

Người ta nói rằng: Con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày. Người con gái khéo tay nấu một bữa ăn ngon, sạch, đẹp mắt rất dễ lung lạc chàng trai thông minh độc thân cơm niêu nước lọ. Con tì con vị nó reo vui trong dạ dày, nó giục giã chàng trai đừng bỏ cơ hội hiếm hoi nói lời yêu. Buổi chiều tối, về đến nhà mâm đã dọn sẵn cá bống kho, canh cua dào dạt mùi mướp hương, rau đay mùng tơi, thêm li rượu thuốc nhắm chả rươi ướp trần bì với ánh mắt trìu mến chờ đợi thì chẳng ông chồng nào dại dột bỏ cơm đi ăn phở!

Lại có con đường ngắn nhất đi qua bao tử đến... Văn Điển. Ấy là bắt đầu đi từ miệng, theo đường qua thực quản, đến được nơi... dạ dày, thì tế bào cũng đã nhiễm trùng, máu đã nhiễm độc... bởi thức ăn đồ uống bẩn.

Bạn đọc có giật mình không khi những thông tin này được trích dẫn: Theo báo cáo của Bộ Y tế: “... mỗi năm ở Việt Nam có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 - 200 ca tử vong”. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng C49 (Bộ Công an) công bố những con số kinh hoàng: “Chỉ tính riêng năm 2014, số trường hợp mắc bệnh ung thư đã lên đến 150.000- 200.000 người, số người chết vì ung thư 82.000 người. Trong đó 75- 95% số trường hợp mắc do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm”.

Đó là nhãn tiền, còn bao nhiêu cái chết âm thầm, lặng lẽ khác... do xài rau nhiễm thuốc diệt cỏ, thuốc diệt sâu, do ăn thực phẩm ôi thiu thối được ướp tẩm bằng hóa chất độc hại thì không bao giờ tính đủ tính đúng. Chắc chỉ có thượng đế mới biết, mà thượng đế thì ở cao xanh quá. Nếu có máy đo sự độc ác thì bắn giết ở chiến trường cũng thua tội ác tự đầu độc đồng bào mình.

Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dùng vô tội vạ lên các loại rau quả, củ hạt: lúa ngô khoai sắn... Thuốc tăng trọng kích thích tăng trưởng dùng tràn lan cho trâu bò lợn gà... Người tiêu dùng không biết hoặc biết vẫn phải nhắm mắt mua, nhắm mắt ăn uống. Không, thì ăn uống bằng cái gì? Người ta tiếc của ăn đồ ươn hoai đã đành. Người ham tiền không từ bất cứ một thủ đoạn, một cách làm nào để tận dụng, để kiếm chác trên sinh mệnh người tiêu dùng.

Muốn nặng cân người ta dùng bơm tiêm y tế hút nước ao nước cống bơm vào lợn gà vịt ngan làm sẵn cho căng thịt trơn ra. Chỉ bằng cái bơm tiêm y tế 20ml, trong một ngày, một người có thể bơm nước bẩn vào đùi, lườn, cánh của 200 con gà làm sẵn cho thịt da nó căng to mỡ màng, bắt mắt. Từ các cơ sở giết mổ bẩn thỉu, gà ngan vịt làm sẵn được chở trước khi trời sáng, tấp nập vào các quận nội thành tiêu thụ.

Thói đời xưa nay vẫn “Mua bằng niềm tin, bán bằng đồn thổi”, người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin cứ thấy rau xanh ngằn ngặt, cứ thấy vịt gà mỡ màng, cứ thấy thịt lợn thịt bò nhuận sắc tươi tắn, cứ thấy củ quả căng bóng là chọn mua, mà không biết chúng được bảo quản bằng hóa chất độc hại trôi nổi trên thị trường có thể mua dễ dàng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng phải kêu trời: “Đọc thông tin cơ sở ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để bán mà tôi thấy lạnh xương sống. Đây là việc quá độc ác, tôi không thể tưởng tượng được”.

Cơ quan chức năng bắt giữ một vụ buôn lậu thực phẩm bẩn.

Có lẽ Bộ trưởng cũng chưa tưởng tượng hết: Nội tạng lợn gà trâu bò qua biên giới dưới cái nắng nóng nung tháng bẩy bị ươn thối hàng xe tải, người ta sử dụng công nghệ làm tươi hồng bằng cách đổ bột hóa chất vào nhào lộn bóp cho săn chắc và mất mùi hôi thiu, mất chất nhầy, rồi mang ra sạp trộn lẫn với đồ tươi... bày bán.

Những con gà vịt cúm chết vặt lông màu trắng nhợt được nhúng vào hóa chất thành màu vàng tươi bắt mắt như gà đồi vừa mới làm thịt. Những miếng thịt bò bày bán chỉ vài giờ đã thâm đen, sủi bọt, chảy nước ra phản ấy là thịt đã bị bơm nước.

Cam sành xếp vào thùng ngâm thuốc tẩy hòa tan với bột giặt để vỏ căng bóng rồi đem bỏ mối. Chuối xanh bỏ vào dung dịch bột nghệ, phân bón lá, thuốc diệt cỏ hòa tan để bắt... chín ép. Giá đỗ, dùng thuốc “kích phọt” cho tăng trưởng nhanh, mầm giá nào cũng căng mầm mẫm trắng phau...vv...

Khoa học kĩ thuật làm cho cây nhanh lớn, trái mau to, năng suất cao thì con người lại sử dụng luôn thành tựu khoa học với các hóa chất độc hại để bảo quản và kiếm ăn trên xác chết đồng loại.

Thời kinh tế thị trường, con người đã phải chịu quá nhiều áp lực: áp lực kiếm tiền, áp lực thành đạt, áp lực học hành... đầu óc lúc nào cũng như muốn nổ tung. Lại phải dùng thức ăn đồ uống nhiễm độc, bẩn nên cơ thể cũng bị nhiễm độc. Tinh thần suy nhược, sức khỏe giảm sút thì... âm binh nổi lên. Các loại bệnh thế kỉ, bệnh của thời công nghiệp như: ung thư, tim mạch, gút, tiểu đường, thần kinh... bủa vây, đè bẹp nhấn chìm con người ngụp lặn trong cái dạ dày chứa thực phẩm độc cũng chẳng có gì khó hiểu.

Có một cảnh báo khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ là “dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu… tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%”. Báo ðộng thật rồi! Con số này còn đáng báo động hơn: “Việt Nam đã nhập khẩu và sử dụng 70.000-100.000 tấn thuốc sâu một năm”, tăng gấp khoảng 10 lần năm 1985. Đồng ruộng ở quê rất buồn chỉ còn lúa và cỏ, không còn con cò con vạc con nông. Từ cá quả cá trê đến con cá cờ, cua ốc, đòng đong cân cấn, thậm chí con đỉa ở ruộng cũng... tuyệt chủng bởi người ta sử dụng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ quá liều nhiều năm một cách vô tội vạ.

Chúng ta mừng nhân loại đã đi qua Cuộc cách mạng xanh lần thứ 3 bao nhiêu thì buồn bấy nhiêu vì nền nông nghiệp Việt Nam còn lạc hậu. Nhưng lạc hậu vẫn không nguy hiểm bằng dân tộc ta đang bị đầu độc bằng các nông sản mất an toàn một cách hợp pháp. Thật nản khi “khối lượng lúa sản xuất và xuất khẩu tăng tỷ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường”.

Người nội trợ nhà giàu mừng rỡ khi nhìn thấy những mớ rau phải bắt sâu, để quảng bá là sạch, rồi mắng dân không biết làm người tiêu dùng thông thái. Họ không biết hàng triệu cần lao túi tiền nhỏ mọn chỉ biết tặc lưỡi mua đại đi vì không còn sự lựa chọn nào khác trước trận đồ ma quái thực phẩm mất an toàn. Ho không biết đâu là thật là giả, đâu là sạch, là bẩn, đâu là thứ ăn uống vào rồi chạy thẳng đến… bệnh viện.

Nhà từ thiện quốc tế Richard Louis Evans nói rằng: “Hãy sống sao để lương tâm yên lặng”. Con người trong sáng lương thiện gặp đám cỏ non cũng tránh bước chân, giết một con nhái, con rết cũng đắn đo nghĩ ngợi, vô tình làm điều sai trái thì buồn phiền, day dứt cảm thấy có lỗi, lòng dạ bất yên, ngượng ngùng với chính mình.

Kẻ tham lợi nếu cần phải giết thì giết cả con sâu cái kiến đến con bò con voi và đồng loại. Cũng có kẻ nông cạn, hám lợi mà làm liều, chỉ thấy cái lợi trước mắt, chẳng biết đồng loại sống chết ra sao. Cũng có kẻ biết mình đang đầu độc đồng loại bằng thực phẩm bẩn mà không giày vò cắn rứt lương tâm thì... hết thuốc chữa. Cái đám này đừng có đem đạo đức ra khuyên răn, đừng có đem giáo dục ra dạy dỗ, chỉ còn cách dùng... pháp trị.

“Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng, việc đấu tranh với chất độc hại cấm phải giống như chống ma túy, phải xử lý hình sự chứ không thể để “lưng chừng” như vậy”.

Việc kiểm tra vệ sinh phản thịt lợn ở chợ cây rau ở ruộng chỉ là ngắt ngọn cây. Ngăn chặn các đường dây tuồn thịt, nội tạng thối cũng chỉ là cắt khúc nửa chừng. Xây dựng nếp sống văn minh, cùng với xóa bỏ các lò giết mổ, sản xuất lương thực phẩm mất an toàn và dùng luật điều hành mới là đào cái gốc cây độc. Luật pháp nghiêm minh thì trong hang cùng ngõ hẻm cũng yên lành. Vi phạm ở mức xử lý hành chính thì tăng phạt nặng gấp năm gấp mười, đóng cửa lò mổ, cơ sở sản xuất; nặng hơn nữa phải đưa vào nhà đá ngồi bóc lịch ngẫm nghĩ về tội gieo trồng cái ác vào lòng tham của mình.

Đất mẹ đang nhiễm độc. Cây con sống trên đất mẹ cũng nhiễm độc. Đồ ăn sạch ngày xưa đến bây giờ lại là đồ quý hiếm, xa xỉ, chỉ nhà giàu mới được sử dụng. Người nội trợ nước mình đã ra nông nỗi nhìn thấy 1 cửa hàng rau sạch là... mắt sáng lên. Các bà vợ đảm thương chồng yêu con ngồi tám chuyện chỉ nói đến việc mua rau sạch ở đâu, bán gà lợn sạch ở chỗ nào?

Thật lạ kì! Sinh ra bao nhiêu người để theo dõi, kiểm soát an toàn lương thực thực phẩm mà đồ ăn thức uống vẫn bị đầu độc và lưu thông. Chả lẽ bất lực, hoang mang chỗ nào cũng rau bẩn thịt bẩn thì... “chạy trời không khỏi nắng”.

Tự cứu lấy mình. Cái khó ló cái khôn, người ta xúm nhau mua vài sào ruộng ở quê thuê người nuôi trồng. Thế rồi, gạo đỗ, sắn khoai, gà vịt, rau củ rồng rắn ra phố thị. Người phố phường khảnh ăn khác biết tận dụng trồng rau ở thùng xốp, chậu Composite đặt trên sân thượng, trồng rau ở dải đất phân cách đường. Cuộc chiến chống lại thực phẩm nhiễm độc tưng bừng bằng mọi cách, chỉ để đường qua dạ dày không phải đi thẳng ra... nghĩa địa.

Sống vẫn phải có niềm tin! Bởi xung quanh ta vẫn còn nhiều người tốt,... sản xuất, kinh doanh có lương tâm. Vẫn còn đồ ăn thức uống sạch bị những đồ bẩn trôi nổi đánh đồng. Chúng ta hãy làm người tiêu dùng thông thái bằng cách tự trang bị những kiến thức cơ bản về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, biết chọn lựa mua hàng trước khi móc ví.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.
.