Đạp xe đạp vòng quanh châu Á kêu gọi bảo vệ tê giác của hai người phụ nữ Nam Phi
Săn bắn tê giác chỉ vì những lời đồn
Ness 30 tuổi và Vicky 35 tuổi là hai chị em người Nam Phi gốc Đức đã quyết định thực hiện một hành trình đạp xe vòng quanh châu Á để kêu gọi mọi người bảo vệ tê giác.
Nạn săn bắn tê giác ngày càng lên tiếng báo động, mọi người luôn nghĩ rằng sừng tê giác là một loại thần dược trong khi rất nhiều những nghiên cứu cho thấy rằng, không chỉ không có tác dụng như mọi người truyền tai nhau mà sừng tê giác có thể còn chứa chất độc.
Mặc dù có rất nhiều những khuyến cáo tương tự như vậy nhưng nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng cao khiến nguy cơ loài tê giác châu Phi đang trên bờ vực tuyệt chủng. Ước tính 85% trong tổng số 25.000 con tê giác châu Phi đang sinh sống ở Nam Phi.
Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), năm 2014 có hơn 1.200 con tê giác bị sát hại ở Nam Phi, một năm trước đó là hơn 1.000 con. Trung bình ở Nam Phi cứ mỗi ngày có 3-4 con tê giác bị giết để lấy sừng.
Giới chuyên gia quốc tế khẳng định nhu cầu sừng tê giác từ Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến nạn tàn sát tê giác châu Phi. Nhiều tầng lớp người trong xã hội đã tham gia vào công trình nghiên cứu và tìm cách ngăn chặn nạn săn tê giác để lấy sừng trong đó có nhiều nhóm người đã sử dụng phương pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để làm giảm “giá trị sử dụng” của sản phẩm đang gây sốt này.
Các chuyên gia bắn súng gây mê tê giác, khoan sừng, bơm thuốc độc ngấm sâu vào sừng. Chất độc này không đe dọa sức khỏe của tê giác, tự phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu thụ sừng tê giác, thậm chí gây chết người.
Chất độc có thể gây nôn mửa, co giật, choáng váng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Chất độc duy trì hiệu quả trong 3-4 năm, một chu kỳ phát triển của sừng. Với các sừng tê giác bị cưa đi sau khi đã được tiêm thuốc thì thuốc độc sẽ tồn tại trong sừng tê giác vĩnh viễn.
Rất nhiều những phương pháp được đưa ra với mục đích ngăn chặn được nạn săn bắn tê giác. Không chỉ riêng những người dân Nam Phi mới cố gắng nỗ lực bảo vệ tê giác mà rất nhiều những người dân trên thế giới đã tham gia một cách tích cực vào công trình mang tính toàn cầu này.
Các nghiên cứu của WWF và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cho thấy, sừng tê giác có kết cấu cũng giống như móng tay và tóc người, hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng y khoa như hạ sốt, giảm đau, sát khuẩn hay kháng viêm nào cả. Sừng tê giác càng không hề có tác dụng chữa bệnh ung thư như lời đồn ở Việt Nam.
Hành trình bảo vệ tê giác
Hai chị em Ness và Vicky cũng như tất cả những người yêu chuộng thiên nhiên khác đã lên một chương trình hoạt động tại các nước Đông Nam Á và các cô sẽ có các hoạt động tại Hà Nội từ ngày 17 đến 24 tháng 6 tới. Chiều 9 tháng 6 vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã đưa những thông tin về hành trình của hai cô gái Nam Phi nhằm kêu gọi bảo vệ loài tê giác của quốc gia này.
Ness và Vicky đang thực hiện chuyến hành trình đáng nhớ trong cuộc đời mình xuyên suốt các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu từ ngày 20 tháng 4. Hành trình của họ kéo dài 7 tháng, đi qua các quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và kết thúc tại Singapore.
Chiến lược vận động “Chấm dứt nạn mua bán sừng tê giác” của họ được thực hiện bằng các phương pháp truyền thông đại chúng cũng như việc ghé thăm các trường học trên đường đi để quảng bá các sáng kiến nghệ thuật phục vụ dự án bảo vệ tê giác KZN được tài trợ bởi quỹ Kingsley Holgate.
Hai chị em người Nam Phi gốc Đức đã đạp xe tới Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về cuộc khủng hoảng săn bắn tê giác tại Nam Phi. Điểm đến tiếp theo là Lào và họ sẽ quay trở lại Việt Nam vào tháng 8 với chuỗi các hoạt động tại Đà Nẵng, Huế và Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong tháng 9, Ness và Vicky sẽ tới thăm các trường học tại Hà Nội nhằm tuyên truyền, kêu gọi bảo vệ tê giác và tham gia vào các hoạt động kỉ niệm ngày Tê giác thế giới diễn ra vào ngày 22 tháng 9 năm 2015.
Ness và Vicky rất hào hứng với chuyến đi: “Chúng tôi luôn tự hỏi rằng, bản thân chúng tôi, với tư cách là các cá nhân, có thể làm gì để tác động một cách tích cực đến cuộc khủng hoảng săn bắn tê giác đang diễn ra. Thay vì chỉ theo dõi những tin tức đáng buồn về vấn nạn này trên báo chí, chúng tôi quyết định hành động! Và thế là chiến dịch đạp xe “Chấm dứt nạn mua bán tê giác” của chúng tôi đã ra đời”.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Nước và Môi trường Nam Phi, chỉ riêng trong năm 2014 đã có ít nhất 1.215 cá thể tê giác bị giết hại tại Nam Phi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại các quốc gia châu Á.
Năm 2014, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 60 vụ việc vi phạm liên quan tới sừng tê giác, tăng gần 3 lần so với năm 2013 với 24 vụ việc được ghi nhận. Trong số 60 vụ việc kể trên, có 19 vụ buôn lậu sừng tê giác, 40 vụ quảng cáo và buôn bán sừng tê giác và một vụ tàng trữ sừng tê giác.
“Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta phải dành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắn tê giác trái phép tại chính châu Á chứ không phải châu Phi. Chính vì vậy, chiến dịch lần này của chúng tôi hướng đến các thị trường chính tiêu thụ sừng tê giác ở châu lục này, đó là Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Chúng tôi đang cộng tác trong một dự án nghệ thuật cùng Chiến dịch bảo vệ tê giác KZN và các đối tác của Quỹ tài trợ Kingsley Holgate. Giáo dục nhận thức cho giới trẻ giữ vai trò then chốt trong việc kiểm soát nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở các quốc gia châu Á.Mong muốn của chúng tôi là truyền cảm hứng đến tất cả mọi người để ai cũng nhận thấy rằng mỗi chúng ta đều có thể tạo nên sự khác biệt và có khả năng thay đổi môi trường sống xung quanh mình”, Ness và Vicky chia sẻ.
Dù chỉ là những cá nhân nhưng với tiếng nói cũng như những việc làm của mình, hai người phụ nữ Nam Phi chắc chắn sẽ đóng góp được phần nào vào công trình bảo vệ thiên nhiên này.