Khi cảnh sát công nghệ cao “dân vận khéo“

Chủ Nhật, 21/07/2019, 14:35
Từ 2 năm qua, ở Công an tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng thành công mô hình "Khéo tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao". Tác giả của mô hình này là Trung tá Phạm Đình Nghĩa, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh).


I.13h40 ngày ngày 22-2-2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được tin của một người dân cho biết có một đối tượng đang thực hiện hành vi rút tiền tại cây ATM thuộc phường Hồng Hải, TP Hạ Long có nhiều biểu hiện lạ. Ngay lập tức Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao cử một tổ công tác xuống ngay địa bàn. Tại đây, các trinh sát đã bắt quả tang Trịnh Nhân Hiền (quốc tịch Trung Quốc) đang có hành vi dùng thẻ ATM giả để rút tiền.

Trung tá Phạm Đình Nghĩa.

Số tiền đối tượng đã chiếm đoạt được là 57.000.000 đồng. Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng công an thu giữ 98 thẻ giả các loại, thiết bị phục vụ việc sao chép dữ liệu, làm giả thẻ. Qua đấu tranh khai thác, Trịnh Nhân Hiền khai ngày 21- 2, Hiền đã cùng Lý Đan Dương, Phùng Vũ Hòa và Vương Đào nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường sông biên giới khu vực Móng Cái, sau đó đi xe khách về TP Hạ Long và phân công nhau sử dụng các thẻ ATM giả chuẩn bị sẵn từ trước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền tại các cây ATM. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt được gần 1 tỷ đồng.

Nhưng đó chỉ là một trong nhiều vụ Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bắt giữ được đối tượng từ thông tin tố giác tội phạm của người dân. Tuy mới thành lập, nhưng thành tích mà Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao đạt được trong đấu tranh, bóc gỡ các đường dây tội phạm công nghệ cao lại rất đáng nể.

Vụ án điển hình là bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Bích Tuyền (trú tại xã Bình Phú, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cấu kết với người nước ngoài giả danh trai Tây hình thành đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt tài sản của hàng loạt chị em lên tới hàng chục tỷ đồng; hay Nguyễn Thị Quỳnh Như (trú tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cấu kết với người nước ngoài lập các thẻ ATM để rút tiền lừa đảo cho "trai Tây" lấy tiền công…

Mới đây, anh Nguyễn Ngọc Tú, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long nhận được một cuộc điện thoại đến số máy bàn ở nhà với nội dung giới thiệu là cuộc gọi từ bưu điện thông báo có 1 bưu phẩm gửi theo đường bưu điện, người gửi tên là Nguyễn Huy Hoàng, địa chỉ Bưu chính Viễn thông số 3, Mạc Cửu, phường 13, Quận 5, TP Hồ Chí Minh gửi cho anh Tú 1 bưu phẩm, bên trong chứa 1 thẻ ngân hàng BIDV.

Do quy định không được gửi thẻ ngân hàng theo đường bưu điện nên Bưu điện đã trình báo với cơ quan Công an. Công an TP Hồ Chí Minh đã xác nhận thẻ BIDV số tài khoản 12007635926825, có 6 tỷ đồng được cấp tại ngân hàng BIDV số 119 đường Hậu Giang, phường 5, quận 6, TP Hồ Chí Minh do anh Nguyễn Ngọc Tú làm chủ - là đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy do cơ quan Công an đang điều tra.

Nếu anh Tú không phải là người có thông tin như trên thì gọi điện cho Công an TP Hồ Chí Minh để báo cáo việc bị mạo tên hoặc bưu điện sẽ kết nối cuộc gọi luôn cho Công an TP Hồ Chí Minh để anh Tú trình bày.

Do cuộc điện thoại có nhiều thông tin liên quan đến cá nhân nên anh Tú đã đồng ý kết nối cuộc gọi, đầu dây bên kia xưng tên là Đại úy Phạm Anh Tuấn, số hiệu 168.039, Đội 6, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, đề nghị anh Tú cung cấp tên và số CMND, thông báo cho anh Tú biết anh có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, trong đó có đối tượng Nguyễn Huy Hoàng và 20 hồ sơ trong những vụ lừa đảo, làm thẻ mạo danh từ ngân hàng, trong đó có 1 tài khoản BIDV có 6 tỷ đồng đang được sử dụng mang tên Nguyễn Ngọc Tú.

Ngoài ra, anh Tú còn cho biết: "Đại úy công an" còn hỏi tôi có biết 2 đối tượng là Lê Thị Bích Như và Nguyễn Như Long là nhân viên ngân hàng được trả 200 triệu đồng để làm thẻ ngân hàng không, yêu cầu tôi phải nêu rõ hiện có mấy tài khoản ngân hàng, số dư tài khoản ngân hàng là bao nhiêu, có sổ tiết kiệm, tiền mặt hay bất động sản khác không?

Trung tá Phạm Đình Nghĩa triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm công nghệ cao.

Với lời lẽ hăm dọa, "đại úy"  này yêu cầu tôi phải chuyển ngay số tiền tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng vào một tài khoản mang tên Hoàng Thị Hằng, mở tại ngân hàng Agribank Chi nhánh Đồng Nai để kết hợp điều tra. Do thấy người gọi điện hỏi về tài sản, tài khoản ngân hàng cá nhân, anh Tú nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên đã gọi điện trình báo sự việc lên cơ quan Công an.

II. Trung tá Phạm Đình Nghĩa, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, kể rằng, những năm gần đây, tại Quảng Ninh tội phạm công nghệ cao đang ngày càng có diễn biến phức tạp.

Đa số các vụ việc phạm tội về sử dụng công nghệ cao đều có sự liên kết giữa nhiều đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là các đối tượng người nước ngoài ở địa bàn giáp ranh các tỉnh Việt Nam như Campuchia, Trung Quốc, chúng sử dụng các thiết bị trộm cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả, hay giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng gọi điện cho bị hại yêu cầu chuyển tiền để nhận được "quà" có giá trị từ nước ngoài gửi về, hoặc tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát với lý do cần kiểm tra, xác minh số tiền có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền, đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin và phối hợp điều tra, cụ thể là chuyển tiền vào tài khoản của số đối tượng này để chúng xác minh, sau khi làm rõ nếu không liên quan đến vụ án thì chúng sẽ chuyển trả lại. Thế nhưng ngay sau khi chuyển tiền cũng đồng nghĩa với việc "sập bẫy" đối tượng.

Đây là những thủ đoạn cơ bản mà một số đối tượng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý các thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc trộm cắp tiền từ người bị hại, gây ra những tổn thất không nhỏ về tài sản của người dân.

Để tuyên truyền vận động đến từng người dân hiểu rõ về bản chất của tội phạm, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng sử dụng công nghệ cao và làm theo hướng dẫn của cơ quan công an về công tác phòng ngừa với loại tội phạm này, nhằm giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do tội phạm gây ra, năm 2017, Trung tá Phạm Đình Nghĩa đã xây dựng mô hình "Khéo tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao".

 Anh Nghĩa bảo rằng sở dĩ anh chọn mô hình này bởi tội phạm dù có tinh vi đén đâu nhưng nếu người dân cảnh giác thì cũng khó mà qua mắt được được. Vì thế cái chính là phải làm cách nào để đưa được thật càng nhiều thông tin phòng ngừa tội phạm đến quần chúng nhân dân càng tốt.

Bởi dân có biết, có hiểu thì mới cảnh giác, phòng ngừa được. Bên cạnh đó, các anh cũng đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân tích cực trong phát hiện, tố giác tội phạm, hợp tác với cơ quan công an để điều tra các vụ việc có liên quan đến tội phạm công nghệ cao.

Trong năm 2017, 2018, Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh tuyên truyền 1.040 lượt trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc, phương thức thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao; phối hợp với các ngân hàng gửi 5626 lượt tin nhắn tuyên truyền đến từng người dân nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm; phát hơn 10.000 tờ rơi tới từng hộ dân, đặc biệt trong năm 2018 đã cùng một số ngân hàng thương mại tuyên truyền, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời hơn 50 trường hợp người dân bị lừa đảo chuyển tiền với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình dân vận "Khéo tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao" đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này.

4 đối tượng người Trung Quốc bị đưa ra xét xử.

Cụ thể, từ năm 2017 đến cuối năm 2018, qua thông tin từ quần chúng nhân dân cung cấp, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác lập, đấu tranh thành công 5 chuyên án, khởi tố, bắt giữ 39 bị can. Điển hình  là vụ việc bắt giữ 4 đối tượng người Trung Quốc về hành vi sử dụng thẻ ATM giả để rút trộm tiền.

Trung tá Phạm Đình Nghĩa chia sẻ: "Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn, đặc biệt là huy động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm, vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội công nghệ cao, qua đó giúp người dân cảnh giác phòng ngừa cho chính bản thân mình, cũng là phòng ngừa tội phạm cho cả xã hội, điều đó thực sự rất cần thiết và là biện pháp mang tính chiến lược, lâu dài, hiệu quả".

Với những kết quả đã đạt được trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian qua, được sự đồng tình, ủng hộ từ chính quyền và nhân dân công nhận, mô hình dân vận "Khéo tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao" đã bước đầu triển khai có hiệu quả, tạo phản hồi tích cực từ quần chúng nhân dân, góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa tội phạm.

Năm 2018, mô hình "Khéo tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao" đã được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen về thành tích trong phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Hải Yến
.
.
.