Khai báo gian lận để trốn thuế xuất nhập khẩu
Khai một đằng hàng một nẻo
Cuối tháng 8-2020, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại cảng Cát Lái liên quan đến vụ xuất lậu phế liệu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Đức Minh (viết tắt Công ty Đức Minh, số 297 đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và chuyển cho Công an TP Hồ Chí Minh điều tra.
Tháng 6-2019, Công ty Đức Minh mở tờ khai hải quan khai báo xuất khẩu 5 container chậu gốm đất nung, mới 100%, thuế suất 0%, trị giá hơn 238 triệu đồng. Tờ khai được hệ thống phân luồng Xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa). Tuy nhiên, sau đó nghi vấn lô hàng vi phạm, Đội 3 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) dừng thông quan, chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Kiểm tra lô hàng là gỗ xẻ nhưng doanh nghiệp khai báo là ván lạng. |
Dù Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ba lần gửi giấy mời đại diện Công ty Đức Minh, nhưng đại diện công ty không đến làm thủ tục thông quan, không liên lạc với cơ quan Hải quan. Do đó, cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định kiểm tra phương tiện vận tải, đồ vật. Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong 5 container là nhôm phế liệu, trọng lượng gần 115 tấn, trị giá trên 3,5 tỷ đồng, trốn thuế trên 770 triệu đồng.
Điều đáng chú ý, kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều điểm bất thường từ doanh nghiệp này. Xác minh tại địa chỉ trụ sở chính của Công ty Đức Minh ở số 297 đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cơ quan Hải quan phát hiện tại đây chỉ có cửa hàng sửa chữa điện lạnh, không có bảng hiệu mang tên công ty này. Xác minh tại địa chỉ thường trú của ông Trần Danh Hạnh, giám đốc doanh nghiệp tại tổ dân phố phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, ông Hạnh đã bỏ nhà đi đâu không rõ, hiện Công an phường Mỹ Đình 1 chưa xác định được ông Hạnh cư trú ở đâu…
Vụ nhập khẩu hai container đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc, chứa đầy đồ chơi trẻ em sai khai báo về tên hàng, mã số, nhãn hiệu hàng hóa bị Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra, phát hiện ngày 15-5-2020 cũng là một vụ việc điển hình. Lô hàng này do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu N.Đ (TP Hồ Chí Minh) đứng tên trên tờ khai hải quan nhập khẩu.
Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng nhập khẩu là đồ chơi các loại. Kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện hàng hoá chứa trong container là xe mô tô đồ chơi trẻ em, xe ô tô đồ chơi dạng lớn, xe đạp trẻ em… với số lượng hàng ngàn chiếc, trong đó có cả những mặt hàng không nhãn hiệu. Theo Đội Kiểm soát hải quan, trường hợp trên, doanh nghiệp khai báo sai tên hàng, mã số, nhãn hiệu hàng hóa nhằm gian lận thuế.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 chuyển cơ quan Công an điều tra nhiều doanh nghiệp khai báo gian lận để trốn thuế. |
Trước đó, vào đầu tháng 3-2020, Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Lê Vũ (số 9 đường 18, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP Hồ Chí Minh) mở hai tờ khai hải quan xuất khẩu hàng hóa khai báo hơn 52 tấn tấm nhựa EVA, dài 25m, rộng 1m, sản xuất tại Việt Nam, mới 100%, thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Trị giá hàng theo khai báo của hai tờ khai hơn 441 triệu đồng.
Kiểm tra thực tế hai lô hàng trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện hàng thực nhập không phải là tấm nhựa như khai báo của doanh nghiệp mà là than củi, tổng cộng gần 53 tấn được chứa trong gần 2.000 bao PP. Toàn bộ số hàng này không thể hiện trên bao bì và hàng hóa. Thuế suất thuế xuất khẩu 10%.
Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan Hải quan xác định toàn bộ hàng xuất khẩu không đúng với khai báo của người khai hải quan về tên hàng, mã số hàng hóa và thuế suất.
Làm việc với cơ quan Hải quan, ông Trần Quốc Dũng, đại diện Công ty Lê Vũ cho biết, Công ty Lê Vũ là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Tuy nhiên, Công ty Lê Vũ thuê người làm dịch vụ khai báo hải quan cho lô hàng thuộc hai tờ khai nêu trên và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc khai báo hải quan đối với hai tờ khai nêu trên. Cá nhân ông Dũng không biết việc đóng hàng vào hai container trên và cũng không biết việc khai sai tên hàng của hai lô hàng thuộc hai tờ khai này. Ông Dũng chỉ có trách nhiệm đi làm thủ tục hải quan cho hai tờ khai
Sau đó, công ty này đã có công văn giải trình về việc hàng hóa khai báo sai so với thực tế là do nhầm lẫn trong quá trình đóng hàng và cung cấp hai bản hợp đồng photo thể hiện tên hàng là EVA SHEET, nhưng không chứng minh được việc nhầm lẫn này là đúng. Do đó, việc giải trình của công ty là không có cơ sở.
Để làm rõ hơn vụ việc, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã gửi giấy mời Giám đốc Công ty Lê Vũ lên làm việc, nhưng giám đốc công ty này không đến.
Bước đầu, cơ quan Hải quan xác định, tổng trị giá hàng vi phạm của hai tờ khai trên 570 triệu đồng, gian lận thuế hơn 57 triệu đồng. Hiện vụ việc vi phạm này đã được Hải quan TP Hồ Chí Minh chuyển cho Công an TP Hồ Chí Minh điều tra theo thẩm quyền.
Tương tự, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp cơ quan chuyên trách kiểm tra lô hàng nhập khẩu của Công ty K.T (TP Hồ Chí Minh), phát hiện gần 150 bộ đàn không khai báo và khai báo sai. Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện doanh nghiệp này không khai báo hải quan 34 bộ đàn piano các loại. Thời điểm hiện tại, có ba container hàng nhập khẩu của doanh nghiệp được Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp kiểm tra, làm rõ…
Cần xử phạt nặng
Trước đó, vào cuối năm 2019, Công ty TNHH thương mại Sài Gòn Á Châu (Bình Phước), mở 14 tờ khai và làm thủ tục xuất khẩu 25 container gỗ tại Chi cục Hải quan Chơn Thành - Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, hàng xuất qua cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh đi Trung Quốc.
Theo khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai hải quan, hàng hóa xuất khẩu là “ván lạng sản xuất từ gỗ cao su”, có mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%. Lô hàng đã được hệ thống phân luồng vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ và lô hàng đã được thông quan).
Nhiều doanh nghiệp kê khai gian dối để trốn thuế. |
Do phát hiện nhiều nghi vấn doanh nghiệp này khai báo sai tên hàng, gian lận trốn thuế, nên Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện khám xét lô hàng này.
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, toàn bộ hàng hóa chứa trong 25 container là gỗ xẻ, có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 25%. Như vậy, theo ước tính của lực lượng chức năng, trị giá lô hàng trên 11 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp trốn thuế gần 3 tỷ đồng.
Theo ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, 25 container hàng gỗ xẻ này được doanh nghiệp thực hiện hành vi gian lận thuế rất tinh vi và thủ đoạn gian lận trốn thuế khá mới. Đó là khai báo trên nhiều tờ khai, mỗi tờ khai chỉ có 1-2 container hàng, rất nhỏ giọt. Mục đích tránh sự kiểm soát, nghi ngờ, phát hiện của cơ quan Hải quan.
Cũng tại cảng Cát Lái, lực lượng Hải quan và các cơ quan chức năng phối hợp mở 111 container “viên nén mùn cưa” thuế suất xuất khẩu 0% xuất sang Trung Quốc của Công ty TNHH chế biến gỗ Chí Lâm (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trực tiếp nhiều ngày cho thấy, 111 container hàng này là gỗ xẻ, thuế suất xuất khẩu 25%. Theo một cán bộ Hải quan tại cảng, thực trốn thuế của doanh nghiệp có thể hàng chục tỷ đồng…
Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, theo quy định tại Luật Hải quan, doanh nghiệp được trao quyền tự khai và tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng một số doanh nghiệp đã khai báo sai tên hàng, mã số nhằm giảm số thuế phải nộp. Thậm chí có những trường hợp được hưởng thuế suất ưu đãi vẫn khai báo sai, với số thuế thiếu lớn.
Ngoài các lô hàng trên, hiện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đang hoàn tất hồ sơ nhiều lô hàng xuất khẩu vi phạm để xem xét khởi tố, chuyển cơ quan Công an điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.
Qua vụ việc điển hình kể trên, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh còn phát hiện nhiều trường hợp gian lận thuế bằng cách nhập nhèm trong khai báo hải quan, như: Cố tình khai nhiều mặt hàng nhưng trong đó chỉ có một mặt hàng và ngược lại nhằm trốn thuế; hoặc khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá thấp để tiêu chí rủi ro phân luồng Xanh, Vàng, Đỏ (tỷ lệ kiểm tra 5-10%) hoặc cố tình khai thuế rất cao nhưng trong đó có mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện.
Mặt khác, việc kiểm tra không hề đơn giản, khi có rất nhiều hàng hóa, nhiều mã. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra theo mẫu có sẵn, không đủ thời gian, nguồn lực để xác minh tất cả. Vì vậy, ở đây, phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của doanh nghiệp. Dù vậy, cơ quan chức năng cũng cần siết chặt các chủ thể, xử phạt nặng những doanh nghiệp vi phạm để làm gương cho những công ty khác.