Nghiện game online và những hệ lụy khôn lường

Chủ Nhật, 14/06/2020, 14:32
Dù vẫn còn rất trẻ, nhiều người đã đắm chìm vào các trò chơi ảo trên mạng internet (game trực tuyến) dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Gần đây đã có rất nhiều trường hợp trở thành sát thủ do ảo giác, muốn thể hiện mình như nhân vật trong game. Điều đặc biệt nguy hiểm, số người nghiện game ngày càng tăng cao, trong đó phần đông là học sinh, sinh viên.


Từ game thủ thành sát thủ

Vụ việc cháu H.T.V.Đ. (5 tuổi, ở Nghệ An) được phát hiện tử vong tại một căn nhà hoang trong tư thế bị trói 2 tay khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Nhưng điều đau lòng hơn, nghi phạm ra tay sát hại nạn nhân lại chính là hàng xóm thân thiết cũng đồng thời là một học sinh đang học lớp 11.

Khi bị triệu tập lên cơ quan điều tra, nghi phạm Đ.N.H khai nhận, do nghiện game và muốn thực hiện theo trò chơi game nên H.đã rủ cháu Đ. vào rừng, cạnh một căn nhà hoang để giấu. Mục đích của H. là sau đó sẽ đưa cháu Đ. trở về giống như một người hùng. Tuy nhiên, sau khi thấy gia đình cháu Đ. và lực lượng chức năng ráo riết tìm kiếm tung tích nạn nhân nên H. đã không dám đưa cháu Đ. về nhà dẫn đến hậu quả đau lòng là cháu Đ. đã tử vong.

Hiện trường vụ việc một bé trai 5 tuổi bị trói cho đến chết, nghi phạm chính là một nam sinh lớp 11 nghiện game.

Theo lời người thân của cháu Đ. cho biết, khoảng 15 giờ ngày 7-6, cháu Đ. có xin phép bố sang nhà hàng xóm chơi. Đến chiều tối không thấy con về nên gia đình anh H.V.T (bố cháu Đ.) đã toả đi khắp nơi để tìm kiếm nhưng không thấy. Nhận được tin báo cháu Đ. mất tích, chính quyền và cơ quan Công an ngay sau đó đã tổ chức lực lượng tìm kiếm nhưng không có kết quả. Đến chiều ngày 9-6, lực lượng chức năng mới phát hiện thi thể bé Đ. trong khu rừng cạnh một ngôi nhà hoang thuộc địa phận xã Lăng Thành, cách nhà khoảng 10km.

Anh H.V.T. đau đớn nói: "Hai nhà chơi thân với nhau, con tôi thường ngày vẫn hay sang chơi với H., không ngờ nó lại bắt đưa con tôi bỏ chết trong rừng như vậy. Cháu mới 5 tuổi thôi mà. Nó chết đói, chết khát, đau lòng quá".

Theo người thân của cháu Đ., trước khi xảy ra sự việc đau lòng trên H. đã nhiều lần mua quà rủ cháu Đ. đi chơi. Theo một số người thân cháu Đ. phán đoán thì dự định này đã được H. chuẩn bị từ trước. Theo đó, sáng ngày 7-6, H. sang rủ cháu Đ. đi câu cá. Chiều khoảng 15 giờ, H. bảo cháu Đ. sang ăn xúc xích rồi chở cháu đi...

Theo người dân địa phương, H. nghiện game và từng trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, việc H. là nghi can chính liên quan đến cái chết của cháu Đ. vẫn khiến người nhiều người dân bất ngờ. Bởi không ai nghĩ một đứa trẻ lại có hành vi độc ác đến như vậy.

Trước đó không lâu, một vụ án mạng giết lái xe Grab cũng khiến dư luận hoang mang. Điều đáng nói, hung thủ trong vụ án kinh hoàng này cũng là những kẻ nghiện game. Đinh Văn Giáp (25 tuổi) và Đinh Văn Trường (20 tuổi) cùng ở Văn Chấn (Yên Bái) có mối quan hệ quen biết nhau. Tháng 9-2019, cả hai rủ nhau xuống Hà Nội chơi. Tại đây, bọn chúng thuê trọ tại khu vực bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) và thường đến quán internet gần đó để chơi game.

Quán internet chơi game mọc lên như nấm.

Sau 6 ngày ăn chơi, ném tiền vào game, ngày 26-9-2019, Giáp và Trường rủ nhau đi cướp tài sản của những tài xế xe ôm. Cả hai bàn bạc, thống nhất ra khu vực bến xe Mỹ Đình thuê xe ôm chở tới khu vực vắng người rồi dùng dao bấm mang theo để tấn công, cướp tài sản.

Theo phân công, Trường là người chỉ đường cho tài xế tới địa điểm đã chọn là khu vực tổ dân phố Tân Phong (Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Quá trình bàn bạc, Giáp còn nói nếu người lái xe ôm chống trả thì giết luôn. Trường cũng đồng ý.

20h cùng ngày, Giáp và Trường đi bộ ra khu vực cổng chính bến xe Mỹ Đình. Thấy anh Nguyễn Cao Sang (sinh viên) đang ngồi trên xe máy Yamaha Exciter chờ khách, Giáp đi đến bảo anh Sang chở mình về khu vực phường Cổ Nhuế gần Học viện Cảnh sát nhân dân. Anh Sang đồng ý. Trên đường đi, Trường cố tình chỉ đường cho anh Sang đi đến địa điểm chúng đã chọn trước đó.

Tuy nhiên khi đi, xe bỗng chết máy. Anh Sang dựng chân chống, kiểm tra xe thì bất ngờ bị Giáp dùng dao tấn công khiến nạn nhân tử vong. Gây án xong, Giáp quay lại nhặt điện thoại của nạn nhân, đưa cho Trường. Trường kiểm tra, thấy điện thoại của anh Sang có mật khẩu nên ném xuống đường. Sau đó, 2 tên này lấy chiếc Exciter rồi chở nhau bỏ chạy về nhà ở huyện Văn Chấn. Sau 5 ngày gây án, 2 đối tượng này cũng đã bị Công an bắt giữ.

Đâu là nguyên nhân?

Hiện tại chưa có có liệu thống kê chính xác về số người nghiện game, tuy nhiên số thanh thiếu niên, học sinh nghiện game online phải đến các trung tâm, bệnh viện điều trị có xu hướng ngày càng tăng cao. Các chuyên gia, bác sĩ cho rằng nguyên nhân chính là do sự buông lỏng, thiếu giám sát, giáo dục của gia đình.

Rõ ràng, trong bối cảnh mạng xã hội tràn lan cảnh nóng, các trò chơi bạo lực, học sinh sinh viên không không để tiếp cận. Từ việc tò mò đến nghiệm game trực tuyến là con đường vô cùng ngắn, khi mà các bậc phụ huynh mải mê kiếm tiền, quan hệ xã hội mà chểnh mảng quản lý con cái.

Không những vậy, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội có lúc còn lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh bỏ học cả tuần ngồi tại các quán game nhưng nhiều trường học không báo về cho gia đình khiến nhiều phụ huynh không biết để giáo dục và quản lý.

Điều trị bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm do nghiện game online.

Ngoài ra, nhiều học sinh THPT và sinh viên sống xa gia đình, ở trọ không có người giám sát cũng là điều kiện khiến các em sa đà vào cuộc sống ảo trên mạng. Như trường hợp của em L.Q.H, đang là một học sinh ngoan, giỏi, chỉ sau một năm chuyển về thành phố thuê trọ sống tự lập H. đã sa ngã vào game online.

Chỉ một thời gian ngắn lực học của H. đã giảm đi trông thấy, thường xuyên nghỉ học không có lý do. Không chỉ phải thi lại 5 môn ngay trong kỳ học đầu tiên, H. dần trở nên cục cằn, khó tính và rất đáng sợ. H thường xuyên nói lảm nhảm một mình, đi lang thang rồi gây sự vô cớ để đánh người khiến gia đình buộc phải đưa em về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị.

Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, mới đây đã khám cho 3 trẻ nghiện game nặng, chưa kể rất nhiều bác sĩ cũng tiếp nhận các ca khác trong thời gian ngắn. Theo bác sĩ Tâm, nguyên nhân chính là thời gian vừa qua trẻ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi nên các cháu chơi game nhiều, cũng là lúc lượng phụ huynh mang con đến khám tăng lên.

Còn bác sĩ Ngô Anh Vinh - Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư, khi nghiện game, trẻ không hứng thú với các hoạt động và học tập như trước kia vẫn thích, trẻ có thể mắc chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin..."Trẻ đến viện khám vì nghiện game thường chơi bất kể giờ giấc, các cháu có thể chơi game cả ngày và hệ lụy là gặp rất nhiều thể bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Theo các bác sĩ, việc nghiện game không chỉ gây ảo giác, hành động giống như các nhân vật trong game mà trẻ có thể bị đột tử do kiệt sức, suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài và liên tục. Những hình ảnh liên tục thay đổi, hấp dẫn khiến trẻ học đường mê đắm "thế giới hình vuông" là chiếc màn hình máy tính hay điện thoại. "Đây là lý do Tổ chức Y tế thế giới xếp nghiện game vào dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt, cần điều trị chuyên khoa giúp các "con nghiện" thoát khỏi ám ảnh tâm lý", bác sĩ Vinh cho biết.

Khi người đã nghiện game thì việc khuyên nhủ là vô giá trị. Ranh giới giữa vệc chơi game và nghiện game là hết sức mong manh, bản thân trò chơi game online là giải trí nhưng lại mang tính kích thích rất mạnh vì có thi đấu, cạnh tranh, có thưởng. Nguy hiểm hơn, game online cứ cuốn người chơi ngày càng sâu thêm. Con bệnh nào cũng vậy, mới đầu chỉ xác định là chơi giải trí, chơi ít nhưng khi đã chơi thì không thể dừng lại được.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, cho biết trò chơi này đặc biệt nguy hiểm với những người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Trẻ con về mặt tâm lý chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ vì thế rất dễ nhiễm bệnh này. Bệnh nghiện game sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, làm cho sức khỏe giảm sút, thậm chí trầm cảm, loạn thần...

Theo BS Tuấn, khi chơi game đến mức độ thành nghiện, trở thành bệnh lý thì việc chữa trị rất kỳ công, đòi hỏi nhiều thời gian và sự hợp tác đồng thuận từ gia đình, người thân. Nguyên nhân của bệnh nghiện game online phần lớn là do tập nhiễm. Thời gian tập nhiễm càng lâu, việc chữa trị càng khó.

Nếu từ bé, trẻ nhìn thấy bố hay mẹ tham gia các trò chơi trúng thưởng, sẽ tác động vào ý nghĩ của trẻ rằng, vui chơi có thưởng là một sở thích, một việc làm tốt. Khi đã nhiễm phải ý nghĩ này, nếu lớn lên các em lại nghiện game online, nghiện các trò chơi thắng thua thì việc chữa trị vô cùng khó.

Phong Anh
.
.
.