Sổ hộ khẩu sắp hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”
- Quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang dữ liệu điện tử
- Đề xuất bỏ sổ Hộ khẩu - bước tiến vì quyền lợi công dân
Bên cạnh đó, dự Luật còn đề nghị bỏ toàn bộ hoặc một phần hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà, dễ bị lợi dụng, qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Từng như một thứ tài sản quý giá
Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013 được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, cũng đảm bảo cho người dân có quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú.
Cán bộ Công an giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cư trú của người dân. |
Trong đó, Sổ Hộ khẩu được đánh giá là một trong những giấy tờ quan trọng nhất của người dân, bởi có nó, con người ta mới chứng minh được quan hệ nhân thân, đi học, thực hiện các giao dịch dân sự tại ngân hàng, toà án và các cơ quan hữu quan... Chính vì Sổ hộ khẩu có vai trò quan trọng như vậy nên Sổ hộ khẩu dường như là bật "bất ly thân" của từng gia đình.
Chia sẻ về trải nghiệm mất Sổ hộ khẩu của mình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú sử đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết "Vì sổ hộ khẩu quá quan trọng như vậy nên tôi cất kỹ quá đến lúc cần không tìm thấy đâu nữa phải đi làm lại. May mà anh em Công an tạo điều kiện cho làm lại nhanh chứ không thì cũng mệt đấy".
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng kể câu chuyện liên quan đến hộ khẩu mà người dân gọi điện cầu cứu ông. Đó là chuyện cô con dâu sau khi ly hôn muốn chuyển hộ khẩu khỏi nhà chồng cũ nhưng mẹ chồng, người đứng tên chủ hộ không đồng ý cho cắt khẩu.
Vì không chuyển khẩu được khỏi gia đình chồng cũ nên cô con dâu rất khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí không lập gia đình mới, khai sinh cho con mới sinh cũng không được vì không có hộ khẩu.
"Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện có khoảng 3.000 trường hợp như vậy. Tức là sau khi ly hôn, người phụ nữ không thể cắt khẩu khỏi nhà chồng vì gia đình chồng không đồng ý".
Những câu chuyện trên là thực tế trong cuộc sống liên quan đến Sổ hộ khẩu. Đặc biệt, tại các thành phố trực thuộc Trung ương còn có quy định riêng về điều kiện thường trú (nhập khẩu) là phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 đến 2 năm trở lên, đăng ký vào quận ở Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên và bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố.
Câu chuyện "quả trứng có trước hay con gà có trước" đã là vấn đề vướng mắc nhiều năm nay về việc nhập khẩu vào thành phố (đặc biệt là Hà Nội) vì người dân muốn có khẩu phải có nhà, muốn sở hữu nhà phải có hộ khẩu. Thời điểm hiện tại, mặc dù quy định đã thông thoáng hơn, người dân chỉ cần tạm trú thời gian theo quy định, có chỗ ở hợp pháp là sẽ được nhập khẩu nhưng để có được "chỗ ở hợp pháp" là một vấn đề không dễ giải quyết.
Luật Cư trú hiện nay cũng đã "nới lỏng" cho phép người ngoại tỉnh được nhập khẩu vào thành phố trực thuộc Trung ương nếu chủ hộ cho thuê, cho mượn nhà đồng ý. Nhưng điều kiện này thường rất khó thực thi bởi trong các giao dịch dân sự liên quan đến nhà đất, vay mượn cầm cố ngân hàng thì các cơ quan này lại yêu cầu tất cả những người có tên trong Sổ Hộ khẩu phải ký đồng ý mới giao dịch được.
Như vậy, vô hình chung chủ hộ sẽ tự gây khó cho mình khi "cho sói gửi nhờ chân" bởi nếu người nhập khẩu nhờ không ký tên các giao dịch trên thì sẽ gây khó khăn, thậm chí không giao dịch được. Hơn nữa, bản thân chủ hộ cũng không muốn người khác biết về các việc riêng tư của mình liên quan đến nhà đất, làm ăn.
Chính vì vậy, mặc dù có "nới lỏng" về điều kiện nhập khẩu, nhưng đa số người dân ngoại tỉnh vẫn gặp khó khi nhập khẩu vào thành phố. Không có hộ khẩu, họ sẽ khó khăn khi khai sinh, cho con đi học, thậm chí kể cả kiếm việc cho mình bởi nhiều công ty, doanh nghiệp khi tuyển nhân sự lại yêu cầu có sổ hộ khẩu tại chính thành phố đó.
Thay đổi để phù hợp với thực tế
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì khi xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an quán triệt quan điểm tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn; trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch, không gây phiền hà, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác đăng ký, quản lý cư trú có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú, bảo đảm tính khoa học, công khai, minh bạch và thuận tiện cho đăng ký, quản lý cư trú…
Cuốn sổ Hộ khẩu sẽ kết thúc “sứ mệnh lịch sử” vào năm 2021. |
Theo đề xuất của Bộ Công an thì Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ Hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Bên cạnh đó, cũng bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Đặc biệt, sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Tách Sổ Hộ khẩu; cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi Sổ tạm trú; cấp lại Sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật… tạo điều kiện tối đa cho người dân.
Theo đó, Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú (không cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy).
Nghe tin bỏ sổ hộ khẩu, hàng nghìn người bày tỏ vui mừng vì từ nay, họ sẽ không phải ràng buộc bởi thứ giấy tờ này nữa. Họ sống ở đâu "hộ khẩu" sẽ theo đó, không còn tình trạng người một nơi, khẩu một nẻo, nơi có khẩu lại không có người, nơi có người lại không có khẩu.
Không chỉ thế, nỗi lo về việc cho phép người ở nhờ, ở thuê, mượn nhà nhập khẩu vào nhà mình sẽ phát sinh rắc rối, thậm chí không "đuổi" đi được cũng sẽ được giải toả vì theo dự luật thì khi đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú. Người đã bán nhà cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú nếu sau 12 tháng không tự cắt hộ khẩu đi.
Theo dự kiến, Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá XIV, có hiệu lực từ năm 2021. Khi Luật được thông qua, Sổ Hộ khẩu sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, được thay đổi bằng cách thức quản lý sang dữ liệu điện tử, nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.
Điều này sẽ giải toả rất nhiều nỗi lo lắng của người dân liên quan đến hộ khẩu - thứ mà người dân thấy quan trọng hơn sổ gạo thời bao cấp, gây bao khó khăn, phiền toái cho cuộc sống mưu sinh của họ.