Xung quanh vụ đánh người dân vùng dự án Charmington Plaza

Chủ Nhật, 11/03/2018, 15:50
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an quận 5, TP HCM, vụ xô xát giữa “nhóm người lạ” làm việc tại công trường dự án Charmington Plaza (quận 5) với người dân có quyền lợi liên quan hiện vẫn đang được điều tra làm rõ. Do vụ việc có sự tham gia của nhiều người, liên quan đến công tác giải tỏa đền bù kéo dài nên cần thời gian điều tra, giám định thương tật để có cơ sở giải quyết hợp lý…


Giải tỏa mặt bằng bằng… vũ lực(?!)

Những ngày qua, vụ việc khúc mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Charmington Plaza, quận 5 chưa được giải quyết ổn thỏa giữa chủ đầu tư và một số hộ dân thì xảy ra vụ 3 người dân đang sinh sống tại khu vực dự án bị các đối tượng lạ mặt cầm tuýp sắt hành hung gây thương tích.

Sáng 6-3, vừa cầm tờ đơn cầu cứu khẩn cấp vừa trình bày sự việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Phong (SN 1969) là người bị đánh nhập viện cách đây mấy ngày, cho biết ông cùng người thân trong gia đình hiện cư ngụ tại số nhà 740 Hàm Tử, phường 10, quận 5. Khu vực này nằm trong diện giải tỏa để xây dựng dự án Charmington Plaza (hay còn gọi là Khu liên hợp cao ốc Trung tâm Thương mại - Văn phòng Tản Đà - Hàm Tử).

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy nhóm người lạ đã dùng hung khí xô xát với người dân.

Để có đất triển khai dự án, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Hùng Anh Năm (Công ty Hùng Anh Năm), đơn vị liên kết của Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), làm chủ đầu tư đã thương lượng bồi thường cho nhiều hộ dân có đất thuộc khu vực dự án.

Sau một thời gian dài, Công ty Hùng Anh Năm đã thương lượng đền bù và giải tỏa được một phần các hộ dân thuộc dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa được Công ty Hùng Anh Năm đưa ra mức đền bù thỏa đáng nên chưa thể tiến hành di dời, mặc dù đã có rất nhiều cuộc thỏa thuận, đàm phán giữa đôi bên.

Theo ông Phong, khu vực nhà ông đang sinh sống là những căn nhà, chung cư liên kết và do thời gian xây dựng đã quá lâu nên các công trình xây dựng tại đây đã phần nào xuống cấp. Do đó, những hộ dân còn lại chưa di dời, muốn được Công ty Hùng Anh Năm đền bù đúng với giá trị thực và chỉ khi đã đền bù xong, tất cả các hộ dân còn lại tại đây di dời đi thì Công ty Hùng Anh Năm mới được tiếp tục đưa đơn vị thi công đến phá dỡ, tránh gây nên những hậu quả đáng tiếc cho người dân.

“Vậy nhưng mong muốn này của người dân chúng tôi không được Công ty Hùng Anh Năm đáp ứng, ngược lại, họ còn cho người gây ra vụ việc gây thương tích cho chúng tôi”, ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong, sau nhiều lần thương lượng bất thành, khoảng 8h30 ngày 27-2-2018, gần 30 thanh niên lạ mặt xăm trổ đầy mình đã xuất hiện tại khu vực trên. Những người này yêu cầu hộ nhà ông Phong cho phép phá dỡ căn hộ ở lầu 1 nhà tập thể số 3 đường Tản Đà mà theo họ, Công ty Hùng Anh Năm đã thỏa thuận đền bù xong. Và nhà ông Phong ở tầng trệt của nhà tập thể không đồng ý vì cho rằng việc phá dỡ sẽ gây nguy hiểm đến kết cấu căn nhà, ảnh hưởng tính mạng của gia đình…

Khu nhà của người dân chưa thỏa thuận xong với chủ đầu tư.

Cũng như ý kiến của ông Phong, một số người dân sinh sống ở đây cho biết, khu vực này đã được xây dựng từ lâu, chung tường, chung kết cấu nên không thể tháo dỡ tùy tiện, vì khi tác động nhà này sẽ ảnh hưởng tới nhà khác. Kết cấu như vậy rất khó đảm bảo an toàn cho tính mạng của nhiều người dân sinh sống tại đây.

Khi lời qua tiếng lại gay gắt giữa đôi bên, những thanh niên lạ mặt trên đã dùng tuýp sắt xô xát với người dân và dùng gạch đá tại công trình ném vào người dân. Để phản kháng lại, người dân đã dùng cây gỗ, ghế nhựa ném lại. Vụ việc đã khiến một số người dân bị thương tích, phải nhập viện chữa trị.

Sau khi sự việc xảy ra, có ý kiến người dân cho rằng các thanh niên sử dụng hung khí trên là một nhóm “giang hồ” được chủ đầu tư thuê đến để gây áp lực với người dân(?).

Hành vi cần phải xử lý nghiêm

Phản hồi xung quanh vụ việc này, đại diện chủ đầu tư - Công ty Hùng Anh Năm (đơn vị liên kết với Sacomreal) phủ nhận việc thuê giang hồ đánh người dân và cho rằng công ty đã thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hầu hết hộ dân, hiện nay chỉ còn 5 gia đình khác đang còn thương lượng.

Theo đại diện chủ đầu tư này, hồ sơ pháp lý dự án Khu liên hợp cao ốc Trung tâm Thương mại - Văn phòng Tản Đà - Hàm Tử đã được các cấp thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh chấp thuận phê duyệt đầu tư dự án với diện tích 5.077m² cho Công ty Hùng Anh Năm để thực hiện dự án.

Với diện tích trên, Công ty Hùng Anh Năm đã chủ động thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 52/57 trường hợp. Chỉ còn lại 5 hộ gia đình là chưa đồng thuận, dù rằng mức giá bồi thường do Công ty Hùng Anh Năm đưa ra để thỏa thuận, bồi thường đang cao hơn nhiều lần so với mức giá bồi thường theo phương án được duyệt của chính quyền và mức giá thị trường đang giao dịch tại khu vực.

Để chuẩn bị cho công tác thực hiện dự án, Công ty Hùng Anh Năm đã ký hợp đồng với nhà thầu chịu trách nhiệm tháo dỡ mặt bằng đối với phần đất và nhà của các hộ gia đình đã được bồi thường và bàn giao cho công ty. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, công nhân nhà thầu đã gặp phải sự cản trở từ một vài hộ gia đình chưa chuyển đi nên xảy ra sự việc đáng tiếc, xô xát giữa công nhân và các hộ gia đình nói trên.

“Việc xô xát vừa qua là sự cố đáng tiếc giữa công nhân nhà thầu tháo dỡ và người dân, là sự bất ngờ ngoài mong muốn. Ngay khi xảy ra sự việc, đại diện lãnh đạo Công ty Hùng Anh Năm ngay lập tức có mặt, gặp gỡ đôi bên để tháo gỡ khúc mắc nói trên. Chúng tôi mong muốn các bên bình tĩnh, cùng nhau xem xét giải quyết vấn đề hợp tình, hợp lý để giải quyết sự cố vừa qua, tránh căng thẳng kéo dài, bảo đảm an ninh trật tự cho địa phương và khu dân cư...”, đại diện Công ty Hùng Anh Năm nhìn nhận.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về vụ việc, đại diện Công an phường 10, quận 5, cho biết nhóm thanh nhiên tháo dỡ mặt bằng đã không liên hệ hay thông báo trước cho Công an phường để có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự. Về phía Công an quận 5, Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an quận 5 cũng cho hay, vụ xô xát giữa nhóm người làm việc tại công trường dự án Charmington Plaza với người dân có quyền lợi liên quan hiện vẫn đang được điều tra làm rõ. Do vụ việc có sự tham gia của nhiều người, liên quan đến công tác giải tỏa đền bù và kéo dài nên cần thời gian điều tra, giám định thương tật của người bị đánh để có cơ sở ra quyết định xử lý theo pháp luật…

Riêng ý kiến người dân cho rằng các đối tượng sử dụng hung khí để xô xát với người dân là băng nhóm giang hồ, cơ quan Công an đang điều tra lai lịch các đối tượng có liên quan để làm rõ.

Xung quanh vụ việc này có nhiều điều đáng nói, bởi trước đó, những khúc mắc trong việc đền bù, giải tỏa các hộ dân có đất thuộc khu vực xây dựng dự án Charmington Plaza đã tồn tại từ lâu và chính quyền địa phương cũng đã có ý kiến rất rõ ràng.

Những thương tích khá nghiêm trọng trên người ông Phong.

Theo đó, vào cuối năm 2017, cuộc họp 3 bên - đại diện tổ dân phố và Công an phường và chủ đầu tư, dưới sự chủ trì của UBND quận 5, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 5 đã yêu cầu chủ đầu tư dự án phải đảm bảo an toàn cho các hộ dân có nhà lân cận phần công trình tháo dỡ và chỉ được tháo dỡ khi đã thỏa thuận bồi thường xong. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra một cách đáng tiếc như kể trên.

Ngoài vụ việc mới này, những mâu thuẫn quyền lợi dẫn đến những cuộc “đụng độ” giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với người dân liên quan từng có không ít tiền lệ gây sự chú ý lớn của dư luận trước đây ở TP. Hồ Chí Minh. Bởi đơn giản, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án, nhất là những dự án xây dựng nhà ở (dự án bất động sản, khu đô thị, nhà chung cư…) luôn là vấn đề “nóng” liên quan đến quyền lợi thiết thực giữa đôi bên.

Có thể nói, lâu nay câu chuyện thương lượng, đền bù giải tỏa mặt bằng để xây dựng các dự án bất động sản giữa chủ đầu tư và người dân luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp do quan điểm của đôi bên thường không giống nhau.

Cũng cần nhìn nhận là ở không ít dự án, cả chủ đầu tư lẫn người dân có đất đai, tài sản trong khu vực dự án đều giữ quan điểm riêng của mình, chủ đầu tư không linh động, còn người dân thường có tâm lý muốn đòi hỏi giá đền bù cao, không sát thực tế. Chính điều này dẫn đến thiệt hại cho cả hai phía. Bởi trong khi người dân bức xúc, ức chế do quyền lợi không được đáp ứng trong thời gian dài, còn chủ đầu tư cũng thiệt hại nặng nề do dự án không thể tiến hành đúng tiến độ…

Do đó, trước thực tế này, cần sự thiện chí của cả hai bên. Chủ đầu tư cần đưa ra mức đền bù phù hợp, đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi di dời. Ngược lại, người dân cũng nên đưa ra các yêu cầu hợp lý. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này cũng cần có sự định hướng và can thiệp của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên.

Nhưng cũng cần nhấn mạnh là dù thực tế vụ việc và mức độ ra sao thì hành vi xô xát, xâm phạm đến thân thể và sức khỏe của người dân là hoàn toàn sai trái, cần phải được điều tra, xử lý nghiêm minh.

Phú Lữ - Đức Cương
.
.
.