Xung quanh những chiếc camera gắn trên mũ CSGT

Thứ Bảy, 18/04/2015, 10:05
Việc làm này đã được rất nhiều người dân đồng tình và cho rằng, đó là biện pháp tốt để chấn chỉnh giao thông lộn xộn hiện nay, làm cho bộ mặt xã hội thay đổi theo hướng tích cực.

Nhằm phát huy cao khả năng giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, đồng thời giúp lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý chính xác những trường hợp vi phạm, tháng 12/2014, lãnh đạo Công an Quận 7, TP Hồ Chí Minh đã quyết định cho gắn thử nghiệm camera ghi hình cố định trên mũ bảo hiểm của cán bộ, chiến sỹ trong lúc làm nhiệm vụ. 

Với chức năng ghi lại toàn bộ quá trình vi phạm an toàn giao thông của một số người đi đường, cho đến nay, sau một thời gian thử nghiệm, camera (mắt thần) không những đã hỗ trợ tốt cho công việc của lực lượng CSGT, làm cho cán bộ, chiến sỹ phải tự điều chỉnh mình cho tốt khi tiếp xúc với người dân, mà còn thể hiện bằng chứng vi phạm khiến cho những người bị xử lý tâm phục khẩu phục.

1. Trong những ngày qua, chuyện lãnh đạo Công an Quận 7, TP Hồ Chí Minh cho thực hiện đồng loạt gắn camera ghi hình trên mũ lực lượng CSGT trong lúc thi hành nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt còn giúp cán bộ, chiến sỹ tự điều chỉnh mình cho đúng điều lệnh ngành đang là tâm điểm gây sự chú ý của đông đảo người dân.

Việc làm này đã được rất nhiều người dân đồng tình và cho rằng, đó là biện pháp tốt để chấn chỉnh giao thông lộn xộn hiện nay, làm cho bộ mặt xã hội thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng có những người vẫn còn nghi ngờ tính minh bạch của từng cá nhân cán bộ, chiến sỹ trong lúc xử lý vi phạm và có thể hình ảnh bị phát tán gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Camera gắn trên mũ CSGT.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã gặp Thiếu tá Phạm Hồng Nam - Phó Đội trưởng Đội CSGT, Công an Quận 7 và được anh cho biết: Ngay từ những ngày đầu tiên khi mới đưa vào thử nghiệm, lãnh đạo Công an quận đã quán triệt nghiêm đến tất cả các cán bộ, chiến sỹ trong việc  xử lý, bảo quản những hình ảnh ghi nhận vi phạm của người tham gia giao thông bằng hình thức bảo mật. Tất cả các máy khi giao cho CSGT đi làm nhiệm vụ đều được niêm phong để không thể tự ý mở ra xóa hình ảnh được.

Hơn nữa, tất cả các camera này chỉ có chức năng ghi hình và ghi âm, chứ không có chức năng xóa hình ảnh trên máy. Muốn xóa phải được kết nối với máy tính có cài đặt chương trình riêng và phải mất ít nhất 30 phút mới có thể cắt được một đoạn phim và như vậy trong lúc làm nhiệm vụ, CSGT không thể tự ý xóa được. 

Ngoài ra, các bộ phận điều lệnh và Ban chỉ huy Đội cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện trường hợp cán bộ chiến sỹ tự ý bỏ chốt hoặc can thiệp vào camera sẽ tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Sau mỗi ca trực, tất cả các hình ảnh được cán bộ, chiến sỹ ghi lại trong các camera đều phải bắt buộc đưa về tổ xử lý vi phạm lập biên bản có ký nhận của các bộ phận rồi trích xuất qua máy tính (máy không có kết nối Internet) và chỉ thông báo với chính người vi phạm giao thông nếu người này có khiếu kiện nhưng phải được sự đồng ý của lãnh đạo Công an quận. Tuyệt đối không được đưa ra ngoài, kể cả các bộ phận công tác khác không có trách nhiệm liên quan.

Ngoài việc ghi nhận quá trình vi phạm của người tham gia giao thông, camera còn giúp lãnh đạo đơn vị quản lý hiệu quả các cán bộ, chiến sỹ trong lúc thực thi nhiệm vụ trên đường. Do camera quay và ghi âm toàn bộ quá trình xử lý vi phạm nên mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lúc làm nhiệm vụ phải tự điều chỉnh tư cách, tác phong cho đúng với điều lệnh Công an nhân dân.

Đến nay, sau thời gian thử nghiệm hiệu quả, lãnh đạo Công an quận 7 đã đề xuất Ban An toàn giao thông cấp kinh phí mua 5 bộ camera với độ phân giải cao và có khả năng quan sát trong phạm vi hàng chục mét trang bị cho 5 tổ tuần tra giao thông.

Tất cả các camera này đề được điều khiển một cách hết sức nhanh chóng bởi một bộ điều khiển nhỏ bằng chiếc đồng hồ đeo trên tay. Mỗi khi phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát chỉ cần bấm nhẹ vào nút điều khiển là camera hoạt động ngay trong tích tắc để ghi lại hình ảnh một cách trung thực nhất.

Thực tế, trong đợt cao điểm xử lý những phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho học sinh trên đường đến trường, chúng tôi đã được Ban chỉ huy CSGT Công an quận 7 cho tháp tùng một tổ công tác và ghi nhận tại cổng một trường tiểu học trên đường Lâm Văn Bền. Chỉ trong chưa đầy một giờ, lực lượng CSGT đã tiến hành dừng xe, kiểm tra, xử lý đối với hàng trăm trường hợp. Trong số những người vi phạm này, một số người đã vui vẻ ký vào biên bản.

Tuy nhiên, cũng có đến gần phân nửa số người bị xử lý đã tìm cách cho con em mình xuống tự đi bộ rồi cự cãi với CSGT và cho rằng không có đủ bằng chứng vi phạm. Chỉ đến khi các chiến sỹ CSGT giải thích rằng, những vi phạm của quý vị đã được camera ghi hình tường tận và mọi người sẽ được xem lại băng ghi hình khi đến đội xử lý vi phạm làm thủ tục đóng phạt theo quy định thì những người này mới chấp nhận ký vào biên bản.

CSGT xử lý các bậc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho học sinh.

2. Bên cạnh rất nhiều ý kiến đồng tình với việc lực lượng CSGT sử dụng camera ghi hình làm bằng chứng xử lý vi phạm, vẫn còn một số luồng dư luận chưa đồng tình với hình thức này. Họ cho rằng, làm như vậy sẽ vi phạm quyền tự do cá nhân của người dân và liệu có bảo đảm tuyệt đối được giữ kín hay không, hay là lại bị phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng gây ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của người vi phạm Luật Giao thông. Ngoài ra, nếu phía CSGT sai thì họ có thể tự xóa hình trên máy để xử ép người dân.

Tuy không đồng tình với những ý kiến phản đối nhưng khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông vận tải, luật sư Tạ Minh Đoàn (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) tỏ ra khá thận trọng: "Trước khi triển khai đại trà, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền tự do cá nhân của người tham gia giao thông, cũng như quy định về việc quản lý sử dụng các loại phương tiện ấy như thế nào trong lúc thực thi nhiệm vụ".

Bàn về vấn đề này, Tiến sỹ Hồ Xuân Mai, hiện đang công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - giảng viên đại học chia sẻ: "Tùy theo mỗi giai đoạn phát triển mà mỗi quốc gia khác nhau có thể xây dựng cho mình những biện pháp hữu hiệu, sử dụng các loại phương tiện cần thiết và có thể đặt ở bất cứ nơi đâu, miễn là phù hợp với thực tế để chấn chỉnh, giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông một cách tốt nhất trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối quyền tự do cá nhân".

Thiếu tá Phạm Hồng Nam nói về tính năng đặc biệt của camera.

Theo tìm hiểu của ông, chuyện sử dụng các biện pháp và phương tiện để ghi nhận các lỗi trong tham gia giao thông làm bằng chứng để xử lý vi phạm đã được nhiều nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc… áp dụng từ lâu và thực tế nó đạt hiệu quả rất cao, mang lại lợi ích lớn trong việc bảo đảm an toàn giao thông của các nước đó, nhất là bảo vệ tính mạng con người.

Hiện nay, giao thông ở các thành phố lớn tại nước ta đang là vấn đề hết sức nan giải. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vì vô tình hoặc cố ý vẫn xem thường pháp luật, sẵn sàng vi phạm trong tham gia giao thông mọi lúc mọi nơi trên đường. Cho dù là đường ngược chiều, đường cấm, họ vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện đi vào khiến cho tình trạng giao thông bị rối loạn và đặc biệt là gây ra những tai nạn nghiêm trọng.

Cũng theo tiến sỹ Mai, vi phạm Luật Giao thông cũng là vi phạm pháp luật Việt Nam, chỉ khác là mức độ chế tài thấp. Để chấn chỉnh vấn đề này, các lực lượng chức năng, nhất là CSGT buộc phải sử dụng nhiều biện pháp xử lý nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tình trạng tai nạn.

CSGT giải tích cho người tham gia giao thông hiểu về việc vi phạm đã được camera ghi nhận

Đây là việc cần phải làm, bởi nó mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội chứ không riêng gì bản thân lực lượng thi hành công vụ. Mặt khác, nếu xét trên khía cạnh giáo dục, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để giúp người từng bị xử lý vi phạm giao thông tự điều chỉnh mình nhằm tránh các lỗi vi phạm trong việc tham gia giao thông ở những lần sau.

Xét trên khía cạnh kinh tế - xã hội, giao thông cũng góp phần vào việc xây dựng hình ảnh đất nước, nếu ai cũng sẵn sàng vi phạm dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn thì chắc chắn các nhà đầu tư cũng lo sợ, đồng thời cũng ngại đầu tư, bởi ngoài việc khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ.

"Tóm lại, đó là những biện pháp hữu hiệu cần được phổ biến rộng rãi, bởi nó sẽ duy trì được trật tự an toàn giao thông và mang lại lợi ích xã hội vô cùng to lớn. Tuy nhiên cũng cần tuyệt đối bảo đảm đời tư của người vi phạm Luật Giao thông và tôi nghĩ, lực lượng Công an sẽ làm rất tốt vấn đề này", Tiến sỹ Mai kết luận.

Đức Cương
.
.
.