Xiếc Việt trầy trật trở mình, rụt rè hội nhập
- Tranh cãi gay gắt quanh cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018
- Xiếc Việt: Nhìn đâu cũng khó!
TS.NSND Nguyễn Ngọc Trúc, một trong số những cựu nghệ sĩ Xiếc lão luyện của Việt Nam đã bật khóc khi nói về chuyện mình, chuyện đồng nghiệp trong một hoạt động bên lề của cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018.
Đây là cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì tổ chức những ngày đầu tháng 12 tại Hà Nội và cũng là cuộc thi tài năng đầu tiên dành cho Xiếc sau 12 năm gián đoạn. NSND Nguyễn Ngọc Trúc nói, không phải ông tủi thân cho mình mà cảm thấy tủi hổ cho bộ môn nghệ thuật mà mình đã dành cả cuộc đời để theo đuổi.
Một trong số các tiết mục được đón nhận nồng nhiệt của các nghệ sĩ trong cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018. |
Ông không thể không đau xót khi nhìn đồng nghiệp - NSƯT Tuyết Hoàn – một gương mặt từng là nghệ sĩ trẻ tài năng, đã dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình cho nghệ thuật Xiếc. Nhưng, hiện tại, chị phải ngồi xe lăn, chỉ có thể di chuyển cơ thể bằng 2 tay và đối diện với tương lai bấp bênh bởi không có chế độ bảo hiểm thích đáng sau một sự cố nghề nghiệp.
Nhìn đồng nghiệp, ông nhớ lại thời tuổi trẻ sôi nổi. Khi ấy, xiếc không phải không có những khó khăn nên trong một buổi làm việc, NSND Lê Tiến Thọ lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mượn câu thơ “Gian nan là nợ, anh hùng phải vay” để động viên và nhắn nhủ các nghệ sĩ, trong đó có NSND Nguyễn Ngọc Trúc.
Sự quan tâm, động viên của lãnh đạo là một trong những động lực khiến ông quyết tâm gắn bó, tự đặt trách nhiệm cho bản thân để sáng tạo nên “Vũ điệu phương Đông” – một trong số những thành tựu trở thành niềm tự hào chung của Xiếc Việt cho đến tận hôm nay.
Nếu Xiếc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có khoảng 30 đến 40 tiết mục như “Vũ điệu phương Đông”, chắc chắn sự phát triển của Xiếc Việt cũng như hành trình hội nhập với nghệ thuật Xiếc không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, thực tế không như thế. Xiếc Việt Nam thiếu vắng khán giả, nghệ sĩ xiếc vẫn đang loay hoay trong ranh giới mưu sinh, tồn tại hay không tồn tại. Khâu đào tạo và môi trường quản lý sau đào tạo cũng còn nhiều vấn đề bất cập.
Xiếc Việt chưa xác định được mức độ hội nhập của chính mình. Bởi, để đánh giá chính xác mức độ hội nhập của nghệ thuật xiếc trong giai đoạn hiện tại, cần nắm rõ thực trạng của các đơn vị, lực lượng nghệ sĩ để có cơ sở so sánh với các đơn vị, lực lượng nghệ sĩ ở các nước trong khu vực và quốc tế, xác định Xiếc Việt Nam đã hội nhập đến đâu và tiếp theo phải làm gì.
Làm được điều này, cần có những đợt liên hoan, thi tài năng định kỳ, thường xuyên toàn quốc. Nhưng suốt 12 năm qua, ngành Xiếc Việt không có hoạt động như thế. Các đơn vị, cá nhân dự thi quốc tế đều là tự lực cánh sinh dù đã mang về giải thưởng cho đất nước.
Để phát triển nghệ thuật Xiếc, nhiều năm gần đây, các nghệ sĩ đã nỗ lực tìm hướng đổi mới, “nạp” thêm các loại hình sân khấu khác. Từ sự pha trộn này, kịch xiếc ra đời, đem lại diện mạo mới, giúp xiếc hiện đại, sinh động, hấp dẫn hơn.
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi Hội Xiếc Việt Nam. |
Đây cũng là một trong những xu hướng giúp xiếc đổi mới, lấy lại vị thế trong lòng công chúng. Kịch xiếc không phải là xu hướng phát triển duy nhất của xiếc hiện nay nhưng khá tiêu biểu trong xiếc hiện đại.
Để giải quyết vấn đề căn cơ của xiếc, ngoài việc tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất cho phù hợp với nhu cầu phát triển chung thì từ môi trường đào tạo đến đơn vị nghệ thuật, lãnh đạo phải thổi được hứng khởi, trách nhiệm cho người làm nghề và hỗ trợ nghệ sĩ tiếp cận nghệ thuật xiếc thế giới một cách bài bản, có hệ thống lý luận đủ mạnh chứ không phải là cách “động viên” là chính và “thả nổi” công tác lý luận.
Nếu nghệ sĩ chỉ nhìn trên băng đĩa hình và phương tiện thông tin đại chúng để bắt chiếc một cách thuần thục thì khả năng phát triển không bền, không cốt lõi. Nghệ sĩ không thể yên tâm cống hiến khi phải bươn chải với nghề nhưng tương lai bấp bênh như hiện nay.
Cũng theo TS. NSND Nguyễn Ngọc Trúc, Xiếc Việt Nam có tiềm năng phát triển và hoàn toàn có thể hội nhập với sự phát triển của Xiếc thế giới. Bởi lẽ, Xiếc là một hình thức sân khấu biểu diễn các động tác khéo léo, tài tình, độc đáo của người và thú vật. Xiếc luôn hấp dẫn, lôi cuốn người xem bằng tính nghịch thường và phi lý, kỳ lạ, diễn viên biểu diễn cho thấy năng lực phi thường tiềm ẩn trong mỗi con người.
Do không chịu rào cản về ngôn ngữ nên khán giả là người của quốc gia nào, học vấn cao hay thấp, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có thể xem, cảm nhận được cái hay, cái khó, cái đẹp trong từng động tác xiếc, tùy theo tư duy và trình độ của mỗi người.
Nhưng làm thế nào để khéo léo kết hợp xu hướng phát triển của xiếc thế giới với bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ rất nặng nề của Xiếc Việt Nam hiện nay. Việc làm sao để hòa nhập mà không tan biến nét riêng văn hóa Việt sẽ quyết định tương lai của Xiếc Việt…
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Xiếc Việt Nam nhận định: Phần lớn Xiếc Việt Nam hiện nay vẫn là các tiết mục biểu diễn đơn lẻ trong khi quốc tế đã đề câp đến xiếc mới, xiếc đương đại. Nếu muốn hội nhập, Xiếc Việt Nam cần biết xiếc thế giới hiện nay phát triển như thế nào, còn chúng ta đang ở đâu, cần làm gì để phát triển, hội nhập?
Để phát triển và hội nhập thì việc bảo tồn, phát huy giá trị của thế hệ đi trước như thế nào, tập hợp lực lượng và phát huy hiệu quả ra sao? Tất cả những điều này, chúng ta chưa làm được, thậm chí còn tự đóng cửa ngăn mình. Cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018 là một ví dụ điển hình.
Khi có thông tin cuộc thi tổ chức, nhiều đoàn xã hội hóa phía Nam hỏi Liên chi hội để được tham gia, nhưng tìm hiểu ra thì quy chế cuộc thi chỉ cho đăng ký theo đoàn và đoàn phải hoạt động tối thiểu 1 năm. Như thế, ban tổ chức đã đóng chặt cánh cửa với một lực lượng lớn nghệ sĩ tự do. Dù họ có tài năng nhưng không có đoàn thì không thể tham gia được.
Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, hiện nay, Xiếc Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt để phát triển. Đó không chỉ là cạnh tranh giữa Xiếc với Xiếc, giữa Xiếc với loại hình nghệ thuật khác, Xiếc trong nước với khu vực và thế giới. Thời gian qua, dù khó khăn, Xiếc Việt đã có thành tựu nhất định.
Bên cạnh thành tích được ghi nhận bằng các huy chương, giải thưởng tại các liên hoan, cuộc thi tài năng quốc tế, các chương trình được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài như xiếc “Làng tôi”, chương trình thu hút khán giả dù diễn liên tục suốt 16 tháng như “Sông trăng” là niềm tự hào của người làm nghề.
Để hội nhập và cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay, Xiếc Việt Nam cần có chiến lược phát triển rõ ràng, biết tận dụng thành quả của cách mạng khoa học công nghệ và không thể nằm ngoài xu hướng phát triển của kinh tế. Người giỏi chuyên môn tập trung lo chuyên môn.
Người giỏi quản lý lo mặt quản lý, giỏi marketing lo hoạt động quảng bá, tiếp cận, thu hút khán giả. Trong các chương trình, sự kiện lớn, Nhà nước chỉ nên giữ vai trò quản lý, chỉ đạo. Khâu thực hiện nên giao cho đơn vị tổ chức chuyên nghiệp với một số tiền nhất định, điều kiện nhất định, lượng kinh phí còn lại họ phải tự lo…
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho hay, hiện Nhà nước đã có hoạch định phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có loại hình nghệ thuật xiếc. Nhưng trong giai đoạn này, khi các địa phương đều có sự thay đổi, sắp xếp lại đơn vị, xiếc cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác đang phải đối diện với lỗi lo tồn tại hay không với danh xưng lâu nay của mình, càng khó giữ được bản sắc.
Trong khi đó, muốn phát triển, hội nhập với thế giới thì phải có sự đầu tư tốt. Nếu chỉ quanh quẩn lo cơm áo gạo tiền rất có thể chúng ta sẽ lôi nhau đi vào hầm tối, không hội nhập được. Và muốn hội nhập được thì không thể không đầu tư cho đào tạo. Nhiều nước trên thế giới rất ngạc nhiên trước cơ sở vật chất của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Rạp Xiếc của chúng ta không kém các nước trong khu vực nhưng xiếc nhiều nước phát triển hơn vì họ luôn động viên và đầu tư lớn cho con người kịp thời. “Xiếc không thể hội nhập nếu không đầu tư cho con người, cho nội hàm tiết mục, các trang thiết bị vẫn như cũ sau vài chục năm…” - NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Đây là giai đoạn rất khó khăn của Xiếc Việt Nam. Tôi rất nể phục NSND Tâm Chính, người làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam hơn 18 năm, NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc 11 năm. Bởi lẽ, tôi mới làm giám đốc có 3 năm mà thấy mệt mỏi quá. Để người nghệ sĩ tin vào người lãnh đạo, ít nhất họ phải ổn định được cuộc sống. Nghệ sĩ không có chỗ ăn chỗ ở, ăn 1 bát mì không người lái mà bảo họ lộn 3,4 vòng thì rất khó. Bây giờ đời sống của nghệ sĩ đã đỡ hơn, nhưng trăn trở của người nghệ sĩ vẫn rất nhiều. Tôi chỉ cố gắng để làm thế nào trong nhiệm kỳ của mình vừa duy trì được ngành nghề của cha anh, vừa giữ được niềm đam mê, tin tưởng, yêu nghề của các em, các cháu. Làm được điều này, trước mắt, tôi nghĩ không gì tốt hơn là sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng đoàn kết để Nhà nước, xã hội thấy được tiềm năng của nghệ thuật xiếc, từ đó có sự quan tâm đầu tư thích đáng, tìm ra phương hướng phát triển trong tương lai. |