Xâm hại tình dục trẻ em, nỗi xấu hổ của người có lương tri

Thứ Bảy, 07/05/2016, 15:49
Vấn đề là trẻ em - nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục - hầu như chưa được bảo vệ đúng mức và các vụ xâm hại trẻ em được phát hiện thường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Liên tiếp những vụ việc nghiêm trọng

Gần đây, dư luận phẫn nộ và lên án một loạt vụ việc liên quan tới tấn công tình dục trẻ em hay dâm ô, xâm hại nữ sinh. Không phải từ những vụ việc này, người ta mới giật mình nhìn lại vấn nạn xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em ở Việt Nam có vẻ đang bị xem nhẹ. Vấn đề là trẻ em - nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục - hầu như chưa được bảo vệ đúng mức và các vụ xâm hại trẻ em được phát hiện thường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Mới đây, dư luận phẫn nộ và lên án một loạt vụ việc liên quan tới tấn công tình dục trẻ em hay dâm ô, xâm hại học sinh như vụ nghệ sĩ Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh, 39 tuổi) bị bắt giữ tại California (Mỹ) ngày 24-3-2016, hiện đang bị tạm giam tại quận Cam với cáo buộc lạm dụng tình dục, dâm ô trẻ em; hay những hình ảnh thầy giáo D.A.T. của Trường THCS Nguyễn Trãi (Châu Đốc, An Giang) đã "chỉ bài tập" bằng cách cố tình luồn tay qua nách một em nữ sinh. Trước đó, ông thầy này đã nhiều lần lợi dụng việc "chỉ bài" để sàm sỡ các nữ sinh như vậy. Đặc biệt là sự kiện hàng chục nữ học sinh tiểu học bị một bảo vệ của trường dâm ô, xâm hại ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai…

Không phải từ những vụ việc này, người ta mới giật mình nhìn lại vấn nạn xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em ở Việt Nam có vẻ đang bị xem nhẹ. Vấn đề là trẻ em - nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục - hầu như chưa được bảo vệ đúng mức và các vụ xâm hại trẻ em được phát hiện thường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Học sinh trường tiểu học ở Lào Cai đang kể lại việc mình bị bảo vệ trường xâm hại với phóng viên một kênh truyền hình.

Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 của Cục Cảnh sát Hình sự - Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhấn mạnh, tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp. Có vụ trẻ em bị hiếp dâm khi còn rất nhỏ, có em bị hiếp dâm nhiều lần trong khoảng thời gian dài hay nhiều đối tượng hiếp dâm, giao cấu một em gái khi mới 13-14 tuổi đã xảy ra ở nhiều địa phương. Các địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Nai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang…

Thời gian qua, dù lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội các cấp đã tiến hành điều tra khám phá các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 95% và đạt trên 85% các vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra. Đã xác lập và đấu tranh hàng trăm chuyên án, triệt phá nhiều đường dây tội phạm xâm hại trẻ em, làm "tan rã" các băng nhóm có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội liên quan đến người chưa thành niên, giải cứu nhiều trẻ em bị xâm hại, bị mua bán…

Tuy vậy, thực tế tình trạng này trước đây xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp; nhưng hiện nay ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em ở độ tuổi từ 12-16. Cá biệt, có trường hợp nạn nhân mới chỉ 2-3 tuổi. 

Những kẻ phạm tội thường có quan hệ láng giềng, gần gũi, họ hàng với người bị hại như: người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ, anh chị em trong nhà gây ra... Chính vì vậy, gia đình nạn nhân thường ngại tố cáo (xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, tương lai, hạnh phúc của con), nhiều trường hợp vụ việc xảy ra 2-3 năm mới báo cơ quan chức năng. 

Đối với những vụ án như thế này, chứng cứ là hết sức quan trọng để làm căn cứ giải quyết vụ án theo pháp luật và truy tố đối tượng nhưng nhiều gia đình không đưa ra được chứng cứ vì thời gian quá lâu đã khiến cho tội phạm không bị trừng phạt.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn như tham gia các diễn đàn để chia sẻ phim ảnh đồi trụy trẻ em, chúng tổ chức các buổi gặp mặt thành viên tại nhà riêng, quán internet… để lợi dụng và có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em. Tội phạm sử dụng mạng internet và công nghệ cao để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em (cả nam và nữ) ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong khi đó, số lượng người tham gia các mạng xã hội chiếm đến 31% dân số. Các đối tượng thường nhắm đến các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở…

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 6-7 triệu khách nước ngoài đến du lịch, đây cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm nhập cảnh vào Việt Nam rồi dùng các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ em để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này một phần do giáo dục nhà trường, đặc biệt là tiểu học vẫn chưa đưa các nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em vào giảng dạy. Trẻ em non nớt, không hiểu biết về giáo dục giới tính. Ngoài ra, các phụ huynh thường xuyên đăng tải hình ảnh con cái, trẻ em lên mạng xã hội mà không lường được con em mình có thể trở thành mục tiêu của loại tội phạm này.

Ngoài ra, mặt trái của nền kinh tế thị trường, phim ảnh đồi trụy, internet… tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân, trong đó có nhu cầu hưởng thụ ích kỷ, hẹp hòi hay hủ hóa, biến chất như hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em… Hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, qua biên giới kiếm sống gia tăng đã tạo nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Vai trò quản lý, giáo dục trẻ em ở nhiều gia đình chưa được coi trọng, thiếu quan tâm chăm sóc các em để trẻ em bỏ nhà, bỏ học gia tăng; trẻ em lang thang, đặc biệt là trẻ em gái là nguy cơ cao bị các đối tượng khác xâm hại, nhất là xâm hại tình dục. Lợi dụng việc các em thiếu sự quan tâm của gia đình, nhiều đối tượng đã dùng lợi ích vật chất để dụ dỗ các em… (Phú Lữ)

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc mạng lưới phòng chống bạo lực Việt Nam: Pháp luật chưa nghiêm khắc

- Thưa bà, trong những tháng đầu năm vừa qua, rất nhiều vụ án liên quan đến bạo hành phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Chúng tôi hiểu những lo ngại của bà, một người làm công việc giúp đỡ cộng đồng giảm thiểu vấn đề bạo lực cho những nhóm người được xem là nhóm yếu trong xã hội, khi đọc bức thư kiến nghị "Vì một xã hội không còn bạo lực và xâm hại tình dục" mà bà và các đồng nghiệp của bà gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Xã hội và luật pháp ở ta hình như đang xem nhẹ vấn đề này, thưa bà?

+ Như các bạn đã biết, tháng 3 là tháng hành động vì phụ nữ, tháng của phụ nữ. Vậy mà chúng ta nhìn lại tháng 3 vừa qua, có thể nói, rộ lên những vụ án đau lòng liên quan đến bạo hành phụ nữ và lạm dụng tình dục trẻ em. Vụ người chồng cắt gân chân, gân tay vợ ở Bắc Giang được đưa ra xét xử với nhiều tình tiết liên quan đến kẻ phạm tội gây lo ngại cho xã hội, là anh ta coi thường luật pháp, tiếp tục dọa giết người vợ ngay tại tòa, khiến cho người phụ nữ vốn đang phải chịu nhiều tổn thương về tinh thần và thể xác càng thêm đau đớn, âu lo. Rồi vụ thầy giáo luồn tay qua nách học trò, vụ 23 em nhỏ ở một trường tiểu học ở Lào Cai bị bảo vệ xâm hại tình dục. Rồi cả vụ diễn viên hài Minh Béo bị bắt ở Mỹ liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. 

Những vụ việc đó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người có lương tri, rằng chúng ta phải làm gì để bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhiều hơn, để không phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng như vậy. Tôi nghĩ, bất kỳ ai có lương tâm cũng cảm thấy xấu hổ khi mà xã hội liên tục có những vụ xâm hại trẻ em. 

Trong năm năm qua, từ 2011-2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%). Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015, số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Đó là những con số biết nói, cho thấy đã đến lúc chúng ta không thể bình tĩnh, im lặng, làm ngơ trước thực trạng đau lòng này. 

Cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn để giảm thiểu những vụ việc liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi viết thư gửi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vì chúng tôi tin rằng với cương vị của mình, bà sẽ có những giải pháp cho vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.

- Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến các vụ bạo hành phụ nữ và xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng?

+ Nguyên nhân thì có nhiều lắm. Như văn hóa, thói quen, tính thụ động, chịu đựng của phụ nữ, sự kỳ thị hay đánh giá thiếu công bằng của xã hội đối với phụ nữ trong các vụ án liên quan đến bạo hành hay lạm dụng tình dục. Tôi xin kể một câu chuyện thế này, cách đây hơn chục năm tôi đến Mỹ, tham gia một chương trình tình nguyện. 

Tôi đến chia cơm cho những người vô gia cư, gồm rất nhiều chủng tộc khác nhau. Ở đó, có 2 người đàn ông Việt. Họ đến làm quen với tôi. Hỏi chuyện họ, vì sao đến nông nỗi này, phải sống nhờ những bữa cơm từ thiện, họ mới bộc lộ hoàn cảnh của mình. Cả hai đều đến Mỹ theo diện con lai, và cả hai đều bị bắt vì một tội giống nhau, là bạo hành vợ, đánh con phải ngồi tù, rồi sau đó không được trở về nhà, bị cách ly với những người thân. 

Mỗi lần về thăm con, hai anh này phải đứng cách xa con bao nhiêu mét theo quy định. Hai anh này phàn nàn, rằng hồi ở Việt Nam, đánh vợ, bạt tai con bao nhiêu lần mà chả bị làm sao, đến Mỹ vừa mới "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" mà đã bị cảnh sát bắt, bị tống ra khỏi nhà. Câu chuyện đó ở một nghĩa nào đó cũng giống với câu chuyện của nghệ sĩ Minh Béo gần đây. Anh này khi ở trong nước đã nhiều lần bị tố cáo là có hành vi lạm dụng, xâm hại tình dục, nhưng "chả làm sao cả". Chỉ khi đến Mỹ, với cùng hành vi như vậy, anh ta bị bắt, và có nguy cơ phải chịu án phạt nặng nề.

Có thể thấy, các quy định về pháp luật, các chế tài pháp luật ở ta đối với những vụ bạo hành, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em chưa được xem trọng. Ở các nước văn minh, như Mỹ chẳng hạn, tội xâm hại tình dục trẻ em được xếp vào loại đặc biệt nghiêm trọng, bị xử phạt rất khắt khe, nặng nề. "Ấu dâm" bị xếp vào loại mạt hạng, nằm ở nấc thang thấp nhất trong hệ thống phân cấp bậc ngầm của giới tù nhân Mỹ. Tù nhân phạm tội này khi vào tù luôn bị bạn tù khinh rẻ, đối xử tàn tệ, thậm chí là giết chết. 

Nhưng ở Việt Nam chúng ta, tội này chỉ được xử rất nhẹ. Có rất nhiều ví dụ cho thấy, người bị hại thì tổn thương nặng nề tinh thần và vật chất, còn kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ, chỉ bị phạt tù mức án rất thấp, hay cảnh cáo, thậm chí "chả làm sao". Chẳng hạn, vụ thầy giáo luồn tay qua nách học sinh nữ vừa rồi, ông thầy thì chỉ bị khiển trách, còn nữ sinh kia thì phải làm bản kiểm điểm vì tội lên mạng xã hội viết linh tinh để trường mất thành tích. 

Các nạn nhân trong nước đã từng lên tiếng tố cáo Minh Béo thì sao? Chẳng có điều tra nào làm rõ tội danh của Minh Béo có hay không. Những lời tố cáo cuối cùng rơi vào không trung, với lời giãi bày của Minh Béo rằng anh ta vô tội, rằng anh ta bị học trò lợi dụng tên tuổi để nổi tiếng. 

Và chúng ta đang chờ xem vụ gã bảo vệ xâm hại 23 em gái ở Lào Cao sẽ được xét xử tới đây như thế nào. Nhưng có một thực tế là, những hành động của cơ quan thực thi pháp luật chưa đủ nghiêm khắc, chưa đủ tính răn đe. Các nạn nhân e dè chưa dám lên tiếng tố cáo, vì còn nhiều định kiến trong xã hội. Chẳng hạn một phụ nữ bị bạo hành hay lạm dụng tình dục, họ có thể bị suy xét là ăn mặc hở hang hay có hành vi khêu gợi. Trẻ em thì sợ hãi không dám tố cáo vì sợ bị đánh, sợ không được bảo vệ…

- Vậy theo bà, những giải pháp trước mắt cho vấn đề này là gì?

+ Thứ nhất, phải phổ biến kiến thức về quyền của trẻ em và phụ nữ cho xã hội hiểu. Phụ nữ cần phải nhận thức mạnh mẽ về quyền của mình. Ví dụ khi một phụ nữ bị sàm sỡ trên máy bay chẳng hạn, cô ấy sẽ không im lặng. Cô ấy sẽ lên tiếng để gã kia biết rằng anh có thế phải ra hầu tòa vì tội sàm sỡ phụ nữ. Hãy làm sao tuyên truyền cho trẻ em và phụ nữ hiểu được các quyền căn bản của mình.

Tiếp theo, hệ thống thực thi pháp luật của chúng ta cần phải được hoàn thiện. Các chế tài phải đủ mạnh. Các cơ quan pháp luật phải hành động quyết liệt với các vụ việc liên quan vấn đề này. Các tổ chức liên quan đừng chạy theo thành tích, mà hãy nhìn vào vấn đề. 

Chẳng hạn, ngành Giáo dục đừng chỉ nhìn vào thành tích là có bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, mà hãy nhìn vào vấn đề bức bách là đang có một số lượng học sinh không nhỏ bị xâm hại tình dục. Làm sao 100% trẻ em đến trường được an toàn, và nếu có nguy cơ không được an toàn, các em sẽ được bảo vệ. Vấn đề phụ nữ cũng vậy, đừng nhìn vào việc đã ban hành bao nhiêu thứ luật về bảo vệ phụ nữ, in bao nhiêu cuốn sách, mà hãy nhìn thực tế là có bao nhiêu phụ nữ ngày ngày vẫn đang bị bạo hành, đang không được bảo vệ, không được an toàn. Và phải quyết tâm giảm thiểu những con số đó. Một xã hội hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, dân chủ chỉ có trên cơ sở an toàn, và chúng ta nhìn thấy sự an toàn ở các nhóm yếu như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật.

- Xin cảm ơn bà! (Vũ Quỳnh Trang - thực hiện)

Cần những biện pháp quyết liệt

Những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng. Từ đó cho thấy phụ huynh và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục giới tính nói chung và giáo dục cho trẻ biết cách phòng vệ trước các hành vi xâm hại tình dục. Nên sử dụng nhiều kênh để hướng dẫn trẻ cách thức phòng tránh, tự bảo vệ. Cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong vấn đề giáo dục giới tính cũng như bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.

Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.

Gần đây, dư luận phụ huynh rúng động khi báo chí truyền thông đưa tin một số vụ việc thầy giáo, nhân viên bảo vệ trường quấy rối tình dục nữ sinh. Điều đáng buồn trong những vụ việc này là các cơ quan quản lý giáo dục địa phương chưa nhìn nhận công tác quản lý yếu kém của mình và chưa kiên quyết xử lý đối với những cá nhân sai phạm. Ban giám hiệu của các trường xảy ra những vụ việc đáng xấu hổ này chưa thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình, giải quyết sự việc một cách phân minh, có trách nhiệm lắng nghe và bảo vệ học trò.

Điển hình như với trường hợp thầy giáo D.A.T đã nhắc ở trên. Sau khi xác minh, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trãi (Châu Đốc, An Giang) chỉ quyết định kỷ luật ông này với mức độ khiển trách vì giảng dạy không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. Đây là hình phạt quá nhẹ đối với hành vi quấy rối tình dục trẻ em và rất đáng lên án vì lợi dụng vai trò thầy giáo.

Có thể nói, với những hành vi xâm hại tình dục trẻ em cần phải bị xử lý nghiêm khắc để góp phần giúp xã hội đào thải cái xấu. Nếu không nghiêm sẽ khó chấm dứt được hành vi này, và những kẻ ấu dâm sẽ ngày càng lộng hành. Dư luận bức xúc với trường hợp thầy giáo D.A.T, vì với tội chứng rành rành cần phải đưa ra tòa, thực thi quy định pháp luật để ngăn chặn có hiệu quả nạn xâm hại tình dục trẻ em…

Hiện nay, có một số trường đã lập fanpage facebook để học sinh và nhà trường tương tác, qua đó học sinh có thể phản ánh về những cái xấu, góp ý về những cái chưa hay. Hành động thiết thực này cần được nhân rộng.

Đặc biệt, gần đây với mục đích "Hành động để đảm bảo mọi trẻ em đều được an toàn", tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, đã triển khai mô hình giáo dục giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục khá thành công và được nhiều người ủng hộ.

Bằng phương pháp cho học sinh xem bộ phim ngắn 12 phút về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em "Bạn cần biết nói không" (phim đoạt giải vàng trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc năm 2014), sau đó là thời gian để cô trò cùng trò chuyện với nhau về nội dung đã được nhắc đến trong đoạn phim, gần 40 lớp với hơn 20.000 học sinh tiểu học thuộc TP Hồ Chí Minh và địa phương lân cận đã được tiếp cận hoàn toàn miễn phí với những bài học về xâm hại tình dục ở trẻ em của TS. Linh Trang và các cộng sự tự nguyện. Việc làm bổ ích này đã giúp các em học sinh tiểu học nhận diện được thế nào là bị xâm hại, hành vi xâm hại, đối tượng xâm hại và các chiêu trò kẻ xấu dụ dỗ để xâm hại.

Từ ngày 4-4-2016, tại TP Hồ Chí Minh đã có Tòa gia đình và người chưa thành niên trực thuộc Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc triển khai tòa này với nhân sự được đào tạo phù hợp để xét xử sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của trẻ em. Thông qua đó, nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi hành vi xâm hại tình dục sẽ ngày càng được nâng lên đúng mức. Hy vọng mô hình này sẽ được thực hiện ở nhiều địa phương, tỉnh, thành khác, để có thể giúp trẻ em được an toàn hơn.

Ánh Xuân
.
.
.